Đức, Anh sắp tăng quân tiếp viện ở sườn phía đông của NATO
Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 23/2 dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Anh cho biết, hai nước đã chuẩn bị triển khai nhiều binh sĩ hơn dự kiến tới các đơn vị NATO ở các nước Baltic.
Riêng Anh, nước này đã công bố các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Âu.
Binh sĩ Anh ở Estonia tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: DW
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, quân đội Đức có thể được điều đến Litva và các nước khác ở sườn phía Đông của NATO một ngày sau khi Nga chính thức công nhận hai khu vực của Ukraine là độc lập, càng làm dấy lên lo ngại về xung đột bạo lực trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc báo chung với người đồng cấp Litva tại căn cứ quân sự Rukla, bà Lambrecht cho biết: “Rõ ràng là chúng ta cần áp dụng các biện pháp răn đe nghiêm khắc hơn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã sẵn sàng gửi thêm binh lính, cả lục quân và không quân. Chúng tôi cũng sẵn sàng gửi thêm binh lính tới Litva, thể hiện rằng chúng tôi là một đối tác đáng tin cậy trong một cuộc khủng hoảng”.
Binh sĩ Đức chiếm khoảng một nửa trong số 1.100 nhóm tác chiến của NATO ở Litva, cùng với các binh sĩ đến từ Bỉ, Cộng hòa Séc, Luxembourg, Hà Lan và Na Uy. Bà Lambrecht cho biết thêm đợt tiếp viện được đề xuất này gồm một đơn vị 360 lính Đức đã lên đường đến Litva ngày 22/2.
Video đang HOT
Na Uy cũng thông báo rằng họ sẽ bổ sung 50-60 binh sĩ cho nhóm tác chiến NATO trên.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết 800 binh sĩ nước này đang được bổ sung vào nhóm chiến đấu của NATO tại Estonia và có thể gửi thêm 800 binh sĩ “để giúp bảo vệ các đồng minh nếu NATO đưa ra yêu cầu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sau đó thông báo rằng một nhóm riêng biệt, Lực lượng viễn chinh chung (JEF), gồm Anh, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển, sẽ sớm tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Âu. Quân đội của Anh và các nước Baltic sẽ tham gia các cuộc tập trận “trên biển, trên bộ và trên không”.
Với sự bổ sung trên, lực lượng tiếp viện dự kiến sẽ góp phần tăng mạnh số lượng quân NATO ở Latvia, Litva và Estonia, lên khoảng 6.000 người.
NATO đã thiết lập 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia với chỉ hơn 1.000 quân mỗi nhóm tại Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan vào năm 2017 sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Vũ khí không thể kiến tạo hòa bình
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 diễn ra từ 18-20/2 tại thủ phủ bang Bayern của Đức vừa kết thúc.
Có những điều còn đọng lại, song cũng có những điều "bị đánh rơi" ở một diễn đàn chuyên về an ninh và chính sách đối ngoại có uy tín này.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với vô vàn thách thức và khủng hoảng, MSC lần này lại chủ yếu tập trung thảo luận về nguy cơ chiến tranh ở châu Âu, với Nga là chủ thể luôn được nhắc tới trong 3 ngày diễn ra hội nghị, dù Moskva không cử đại diện tham dự.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich (Đức) ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Một tuần trước ngày khai mạc MSC, thông tin tình báo Mỹ đưa ra về thời điểm Nga được cho sẽ tấn công Ukraine tràn ngập trên các phương tiện truyền thông các nước. Khi không có cuộc tấn công nào vào thời điểm đó (ngày 16/2), phương Tây lại cho rằng tuy chưa, nhưng tấn công chắc chắn "sẽ xảy ra trong những ngày tới", thậm chí nói rằng đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tấn công, điều mà giới chức Moskva nhiều lần bác bỏ. Thông tin từ báo chí phương Tây khiến người ta có cảm giác như chiến tranh sắp nổ ra đến nơi rồi. Trên tất cả các trang báo, đài phát thanh, truyền hình ở Đức, đâu đâu cũng nói về việc điều chuyển, tăng cường lực lượng rầm rộ của Nga sát biên giới Ukraine. Đó cũng là lý do khiến MSC, vốn là một diễn đàn để thảo luận về chính sách đối ngoại và an ninh toàn cầu, lại gần như dẹp hết các chủ đề khác để tập trung vào cái gọi là "cuộc chiến tranh ở Ukraine".
Moskva đã từ chối lời mời tham dự MSC, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, vì "nhiều lý do khác nhau". Bà Zakharova cũng nhận định, hội nghị chuyên về chính sách an ninh quan trọng nhất thế giới này đã mất đi tính khách quan khi "những năm gần đây, hội nghị ngày càng biến thành một diễn đàn xuyên Đại Tây Dương". Nga yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấm dứt mở rộng về phía Đông đúng như cam kết của phương Tây trước đây.
Không rõ vô tình hay không, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang lên mức cao độ thì có thông tin đáng chú ý xác nhận rằng phương Tây từng cam kết với Liên Xô sẽ không mở rộng NATO sang phía Đông. Văn kiện được tìm thấy từ Cơ quan lưu trữ quốc gia Anh, do Giáo sư chính trị Joshua Shifrinson thuộc Đại học Boston (Mỹ) công bố. Văn kiện được coi là "tối mật" này là bản ghi cuộc họp của các vụ trưởng chính trị bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức tại Bonn (Đức) ngày 6/3/1991, thảo luận về an ninh của Ba Lan và các nước Đông Âu khác. Cụ thể, tại cuộc họp, nhà ngoại giao Đức Jrgen Chrobog nêu rõ: "Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc đàm phán 2 4 rằng chúng tôi sẽ không mở rộng NATO ra ngoài sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể trao tư cách thành viên NATO cho Ba Lan và các nước khác". Đại diện Mỹ Raymond Seitz tại cuộc họp đó cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói rõ với Liên Xô - trong các cuộc đàm phán 2 4 và ở những nơi khác - rằng chúng tôi sẽ không lợi dụng việc quân đội Liên Xô rút khỏi Đông Âu". Thông tin được báo "Spiegel" của Đức nêu đầu tiên, đã ủng hộ quan điểm của Nga rằng phương Tây đã vi phạm cam kết về việc mở rộng NATO sang phía Đông. Đây là điều gây mâu thuẫn giữa Mosva và phương Tây lâu nay, bởi Nga tuyên bố phương Tây đã vi phạm cam kết năm 1991, trong khi NATO lại khẳng định chưa bao giờ có một cam kết như vậy.
Trong vấn đề Ukraine, Nga cũng đã nhiều lần yêu cầu Đức và Pháp - hai nước trong định dạng nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) - gây sức ép để phía Ukraine tuân thủ Thỏa thuận Minsk, song hầu như không đạt hiệu quả, trong khi Thỏa thuận Minsk hiện được coi là giải pháp khả dĩ nhất cho hòa bình ở miền Đông Ukraine và được các bên liên quan cũng như thế giới hết sức coi trọng. Cách đây hơn một tuần, cuộc họp của đại diện nhóm Normandy ở Berlin đã kết thúc mà không đạt kết quả. Kế hoạch hòa bình được phía Kiev diễn giải khác với Moskva, đồng thời giới lãnh đạo ở Ukraine không có bất kỳ ý tưởng nào về tương lai của khu vực xung đột Donbass. Trong khi đó, Nga cho rằng việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là điều kiện tiên quyết để giải quyết xung đột một cách hòa bình. Thực tế, việc thực thi Thỏa thuận Minsk liên tục gặp trở ngại và bị gián đoạn, đáng kể là lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm. Cho tới khi nào việc tuân thủ Thỏa thuận Minsk chưa được nối lại thì khủng hoảng ở miền Đông Ukraine sẽ chưa thể được giải quyết.
Trở lại với MSC, Ukraine vẫn là chủ đề chiếm hầu hết thời lượng hội nghị. Có thể tóm tắt 4 nội dung nổi bật tại hội nghị, gồm: Những lo ngại chiến tranh ở châu Âu, những cảnh báo gửi tới Nga, sự đồng thuận của phương Tây và lời kêu gọi từ các đại diện Ukraine gửi tới các đồng minh phương Tây. Hầu như phát biểu của các diễn giả đều bày tỏ lo ngại về một nguy cơ chiến tranh, các đại diện của Mỹ, Đức, NATO,... cho rằng nguy cơ Nga tấn công Ukraine là thực tế", cáo buộc Moskva tạo cớ, chẳng hạn như thực hiện chiến dịch "cờ giả" để tấn công Ukraine.
Vấn đề nổi bật thứ hai là những đe dọa, cảnh báo - kèm kêu gọi đối thoại - gửi tới Nga. Các diễn giả từ Mỹ, Đức, Anh, Liên minh châu Âu (EU)... đều cảnh báo Nga sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng chưa từng có, cả về chính trị, kinh tế, chiến lược, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), nếu phát động tấn công Ukraine.
Điểm thứ ba là sự thống nhất của phương Tây được thể hiện rõ tại hội nghị lần này. Cách đây không lâu, tương lai và mục đích tồn tại của NATO đã bị đặt dấu hỏi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn mô tả NATO đã "chết não". Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dường như đã kéo các nước phương Tây xích lại gần nhau hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen ca ngợi mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa EU và NATO, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng trong hướng tiếp cận chung của phương Tây.
Chủ đề nổi bật thứ tư là bài phát biểu của đại diện Ukraine, quốc gia là tâm điểm tại MSC lần này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phê phán việc các nước đã không hỗ trợ đủ cho Kiev, cả về tài chính và quân sự, trong lúc khó khăn, cảm giác như Kiev "bị lãng quên". Nhà lãnh đạo Ukraine cũng hỏi thẳng NATO về việc có ý định kết nạp Ukraine hay không, nếu có thì "hãy thành thật" và cho Ukraine một lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ hoài nghi về lo ngại của Nga liên quan tới khả năng kết nạp Ukraine khi ông nói rằng "làm gì có chuyện đó" trong nghị trình của NATO. Đáp lại việc Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko tại MSC phê phán Đức không cung cấp vũ khí cho Ukraine, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng nếu Đức quyết định hỗ trợ vũ khí cho Ukraine thì coi như giải tán định dạng Normandy, ngoài ra, Berlin không thể quay ngoắt 180 độ với chính sách lâu nay là không đưa vũ khí tới vùng xung đột.
Tuy nhiên, từ hội nghị MSC, vẫn có những điểm sáng nổi lên, đó là nỗ lực giảm leo thang, tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng. Trong bài phát biểu khai mạc MSC, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi tất cả các bên thận trọng với những tuyên bố của mình, nhấn mạnh rằng việc đưa ra quan điểm công khai nên hướng tới mục đích giảm căng thẳng thay vì thêm dầu vào lửa". Đại diện Mỹ cũng tuyên bố rộng mở cánh cửa đối thoại với Moskva. Ngoại trưởng Đức Baerbock nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong giải quyết khủng hoảng, tuyên bố Berlin sẽ nỗ lực vì từng milimet, bởi "từng milimet vẫn tốt hơn là không có chuyển động gì". Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông muốn gặp và đối thoại với Tổng thống Nga Putin nhằm tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Dù không tham dự MSC, song các tuyên bố của phía Nga cũng luôn để ngỏ giải pháp ngoại giao.
Những thông điệp đối thoại như vậy thể hiện một quan điểm rằng hòa bình chắc chắn không thể được tạo ra bằng vũ khí, quá khứ đau thương ở khắp nơi trên thế giới đã cho thấy rõ điều đó. Thế giới hiện không chỉ có điểm nóng Ukraine, mà vô số cuộc khủng hoảng và các hồ sơ nóng vẫn hiện hữu, cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế. Như nhận định của Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger, chưa bao giờ thế giới lại có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách và nguy hiểm như hiện nay, từ xung đột ở Ukraine, tới đại dịch COVID-19, vấn đề Afghanistan, người di cư và tị nạn cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chỉ có giải pháp ngoại giao, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn như Nga, mới có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới toàn cầu như vậy.
Hội nghị An ninh Munich: Tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2 bắt đầu diễn ra tại khách sạn Bayerischer Hof ở thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern, miền Nam nước Đức. Không giống như năm ngoái phải diễn ra theo hình thức trực tuyến, hội nghị năm nay được tổ chức trực tiếp với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu...