Đúc 60 tượng vàng Thánh Gióng làm “thui chột huyền thoại”
Hình tượng Thánh Gióng đã trở thành huyền thoại, kích thích trí tưởng tượng của con người, nay nếu hình tượng hóa nó một cách cụ thể tức là làm “thui chột huyền thoại”.
Đó là nhận định của GS.TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản, trước thông tin về dự án đặc biệt mang tên “Hào khí Thăng Long” cùng với việc đúc 60 bức tượng vàng Thánh Gióng nhằm chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô.
Nêu quan điểm của mình về dự án đúc 60 bức tượng vàng Thánh Gióng, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Ngay khi được mời lên khánh thành bức tượng Thánh Gióng trên Sóc Sơn tôi đã không thích, không ưa. Nay lại còn cho đúc cả 60 bức tượng vàng nữa thì tôi cũng không biết nói thế nào”.
Lý giải cho việc “không thích, không ưa” bức tượng Thánh Gióng, GS Ngô Đức Thịnh giải thích: “Văn học, huyền thoại dân gian là để kích thích trí tưởng tượng của con người, và khi tiếp xúc với các huyền thoại, mỗi người có một cách hiểu, một cách tưởng tượng khác nhau, chính điều đó mới tạo nên nét đa dạng trong nền văn hóa của chúng ta. Văn hóa hiện đại của chúng ta có một cái “dở”, đó là khi truyền hình cụ thể hóa tất các hình tượng nhân vật trong văn hóa dân gian, khiến vô hình trung, thui chột đi trí tưởng tượng của con người, thui chột đi các huyền thoại dân gian”.
Các nhà văn hóa đều cho rằng, việc đúc tượng Thánh Gióng bằng mạ vàng không làm cho hình tượng Thánh Gióng trở nên linh thiêng và ý nghĩa hơn.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, với cách làm quá lạm dụng như hiện nay thì sẽ làm giảm đi trí tưởng tượng của nhiều đứa trẻ khi chúng mới được tiếp xúc với các huyền thoại trong dân gian, từ đó biến cái đa dạng trở thành cái đơn nhất, mất đi nét đặc trưng của nền văn hóa, bởi văn hóa xét cho cùng chính là sự đa dạng.
Hình tượng Thánh Gióng đẹp nhất là truyền đời trong nhân gian và truyền thuyết. Hình tượng đó bền chặt qua năm tháng của lịch sử đất nước. Sự bất tử đó không gì có thể ví von cũng như không gì có thể so sánh.
Và hình tượng kiêu hùng của ý chí bất khuất trước giặc Ân đó không thể tượng hóa bằng một dự án bóng bẩy mạ vàng dưới cái tên rất kêu là dự án hào khí Thăng Long.
Video đang HOT
GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, việc tượng hóa nhân vật Thánh Gióng như thế không những không làm cho Thánh Gióng trở nên linh thiêng, mà lại rất dễ có thể hướng người ta nghĩ đến một ý nghĩa khác.
“Với việc đức 60 bức tượng Thánh Gióng bằng mạ vàng và tổ chức rước lễ linh đình, tất nhiên những người thực hiện dự án đều có mục đích và ý đồ riêng của họ, nhưng theo tôi, nếu xét ở nhiều khía cạnh khác nhau thì việc làm này không những gây lãng phí mà còn không có ý nghĩa gì” – ông Thịnh nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm với GS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS.TS Trần Lâm Biền cũng nhấn mạnh: “Họ có quyền tự do của họ, họ có thể làm những gì họ muốn, nhưng đối với những nhà nghiên cứu văn hóa như chúng tôi, thì ngay cả bức tượng Thánh Gióng đang được đặt ở Sóc Sơn, Hà Nội còn không phải là hình tượng chuẩn của Thánh Gióng, chứ chưa nói đến việc đúc hàng chục bức tượng bằng mạ vàng. Đây là những hình tượng phảng phất nét văn hóa châu Âu chứ không phải nét văn hóa dân tộc, chỉ là bức tượng làm lấy được chứ không mang ý nghĩa truyền thống”.
“Những bức tượng này chỉ mang hình thức như một tượng đài, dù nó có đẹp nhưng lại không mang ý nghĩa linh thiêng, không mang ý nghĩa của tâm linh truyền thống. Giá như người ta nghĩ nhiều và đi sâu vào truyền thống hơn, thì có lẽ tốt hơn” – GS Trần Lâm Biền bày tỏ.
Cũng về vấn đề trên, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, dự án này do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 1 công ty tư nhân phối hợp thực hiện chứ không phải chủ trương của thành phố.
“Còn việc khi hoàn thành họ định làm lễ rước từ đền Gióng quanh hồ Gươm thì cũng chưa thấy họ có văn bản xin phép thành phố. Nếu họ có văn bản thì thành phố cũng sẽ xem xét” – ông Long cho biết.
Dự án Hào khí Thăng Long do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức với kế hoạch đúc 60 bức tượng Thánh Gióng bằng mạ vàng, nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, sức mạnh Phù Đổng, sức mạnh dân tộc hướng tới dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. 60 bức tượng vàng Thánh Gióng đúc bằng đồng nguyên chất mạ vàng có chiều cao 80 cm với trọng lượng 60kg/bức. Dự kiến từ ngày 1-5/10 sẽ diễn ra lễ rước 60 tượng vàng từ Đền Gióng đi quanh Hồ Gươm về trưng bày, và giới thiệu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Theo Hoài Thu (Đời sống & Pháp luật)
Phó trưởng ban tuyên giáo trải lòng sau khi 'mời' phóng viên ra khỏi họp báo chùa Bồ Đề
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trải lòng sau việc ông mời phóng viên ra ngoài trong vụ họp báo chùa Bồ Đề hôm qua, 19/8.
Sự việc trên xảy ra khi ông Long đang giải thích về bản chất việc mua bán cháu Cù Nguyên Công (cháu bé tại chùa Bồ Đề bị bán), đồng thời nói về sự thiện tâm của nhà chùa thì nhà báo Quỳnh Hương (báo Phụ Nữ TP.HCM) đề nghị ông Long ngừng các phát biểu này để trả lời trực tiếp vào các câu hỏi cụ thể. Ông Long ngay lập tức chỉ tay "mời" phóng viên ra ngoài với lý do cắt ngang ý kiến của ông.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam sau khi sự việc xảy ra, ông Long cho rằng dư luận cần phải phản ánh đúng bản chất: " Tôi đang phát biểu, cô ấy cắt ngang lời tôi, yêu cầu tôi dừng, trong khi tất cả các nhà báo khác đều đang ngồi nghe cho nên tôi phải mời cô ấy ra ngoài."
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo, đây là lần thứ 2 ông phải mời phóng viên ra ngoài trong buổi họp giao ban Thành ủy Hà Nội.
"Lần trước cũng là họp báo mời sự tham gia của UBND quận Long Biên thông tin về vấn đề an ninh trật tự. Có 1 nam phóng viên bức xúc về vấn đề gì đó hỏi như chất vấn, như hỏi cung lãnh đạo công an quận, trong khi người ta là khách mời cung cấp thông tin cho báo chí", ông Long nói.
Ông Long một lần nữa bày tỏ phóng viên phải nhìn nhận vụ chùa Bồ Đề một cách khách quan, hiểu rõ bản chất sự việc. Đây là cuộc họp báo giao ban trao đổi thông tin với báo chí, cơ quan điều tra cũng chưa đưa ra kết luận cuối cùng:"Cá nhân tôi rất thông cảm với việc báo chí mong muốn có được những thông tin nóng hổi, vì vậy mà khi biết thông tin tôi cũng đã chia sẻ ngay, mà tôi dám chịu trách nhiệm về những lời mà mình nói."
Ông Long cũng thừa nhận trong vụ việc vừa qua đúng là ông đã hơi nóng tính song cũng có lý do: "Đúng là lúc ấy tôi hơi nóng nảy. Nếu như mình mềm mỏng hơn thì có lẽ là tốt hơn, nhưng vì có những lúc mình không kiềm chế được, tôi cho rằng như thế cũng không phải hay. Lúc đó là bộc phát do nữ nhà báo đứng lên cắt ngang lời phát biểu của tôi... Nhưng sáng nay có một số báo đăng tôi mời phóng viên ra ngoài là căng quá, như kiểu phải chịu sức ép gì đó! Tôi đã duy trì rất nhiều cuộc họp báo, nhiều vấn đè nhạy cảm hơn nhưng cũng không đến nối như thế."
Về cách đặt vấn đề của phóng viên, ông Long cho rằng trước hết phóng viên muốn lấy thông tin thì phải tiếp xúc được với người có thông tin, đặt vấn đề về sự cần thiết của thông tin đó và tác dụng của thông tin đó đối với xã hội. Từ đó thuyết phục được, từ thái độ, sự tôn trọng, mục đích quan trọng thì ... người ta sẽ cung cấp thông tin.
"Hiện nay, tôi nghe rất nhiều phóng viên phàn nàn về việc khó tiếp cận được với các cơ quan chức năng để lấy thông tin vì họ rất ngại, nên né tránh báo chí.
Nguyên nhân vì nhiều cán bộ của chúng ta rất ít tiếp xúc với báo chí, và áp lực trước báo chí của họ rất lớn khi phải thấy tên của mình xuất hiện trên báo chí kèm theo phát ngôn và trách nhiệm của mình."
Quay trở lại vụ việc mời phóng viên tại buổi họp báo ra ngoài, ông Long khẳng định mình làm như thế là đúng. Giả sử có thêm trường hợp như thế nữa ông cũng sẽ cương quyết không chấp nhận.
"Họp báo thành ủy là môi trường văn hóa chúng ta tôn trọng lẫn nhau. Không thể có thái độ như thế, khi tôi đang trả lời câu hỏi của rất nhiều báo chí mà cô ấy lại cắt ngang như thế. "- có đơn vị nào ngại không khi Ban Tuyên giáo mời tham gia giao ban không?
Trước nghi vấn có sức ép nào đó trong vụ thông tin chùa Bồ Đề hay không, ông Long bác bỏ: "Không có lý do gì mà cả thành phố Hà Nội, cả thành ủy và cả cơ quan công an lại đi bao che cho một việc làm sai trái, vô nhân đạo trong việc mua bán trẻ em."
Theo ông Long, tất cả các buổi họp báo, Ban Tuyên giáo đều cố gắng mới những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời báo chí về những vấn đề mà dư luận quan tâm.
"Chính chúng tôi đã tham mưu Ban thường vụ ban hành chỉ thị trả lời cung cấp thông tin, bởi quan điểm của tôi là không có vùng cấm khi cung cấp thông tin cho báo chí.", ông Phan Đăng Long khẳng định.
Hạ Lan
Theo_Vietbao
Hà Nội hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng Do nhiệm vụ đột xuất nên UBND TP Hà Nội và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thống nhất chưa tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng. Trước đó, UBND TP Hà Nội và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp chuẩn bị Lễ kỷ niệm...