Dựa vào rừng, đồng bào Giẻ Triêng thoát nghèo lại có trăm triệu
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các địa phương miền núi, tỉnh Quảng Nam đang tạo nhiều điều kiện cho bà con triển khai các mô hình kinh tế gắn với rừng như trồng cây dược liệu, trồng rừng kết hợp chăn nuôi… Nhờ đó nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá, có của ăn của để.
Mô hình điểm ở đại ngàn Trường Sơn
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, bà Hồ Thị Nhé (56 tuổi), người Bhnoong (dân tộc Giẻ Triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn – Quảng Nam) cho biết, trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, đời sống khá khó khăn, chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, ngoài ra ai thuê gì làm đó, thu nhập khá bấp bênh. Trong lúc các con thì trong tuổi ăn, tuổi học. Đặc biệt hơn, gia đình bà là người đồng bào, ở nơi miền núi xa xôi, hiểm trở, thu nhập từ hàng hóa nông sản làm ra bán với giá rất thấp.
Theo bà Nhé, đất đai ở Phước Sơn rất cằn cỗi, đại đa số nông dân ở đây làm nông, nhưng trồng lúa và hoa màu thì năng suất không cao, nhiều nông dân phải rời quê đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Riêng gia đình bà, luôn suy nghĩ phải làm cách nào để “bám đất” và làm giàu trên chính nơi mình sinh ra.
Mô hình kinh tế vườn rừng đã giúp gia đình bà Hồ Thị Nhé, người Bhnoong lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Hồng Hậu
Năm 2012 gia đình bà Nhé bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng, với cây trồng chủ lực là cây keo, cùng với đó là chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn. Ban đầu do vốn ít nên bà chỉ đầu tư 5-7ha trồng keo, lấy ngắn nuôi dài bà tập trung cho chăn nuôi bò, gà, heo rừng, hàng năm lấy số tiền lãi thu được bà tiếp tục đầu tư mở rông diện tích trồng keo.
“Đến nay, cơ ngơi của gia đình tôi gồm có gần 30ha rừng trồng keo, hơn 1ha trồng sắn, 60 con heo rừng, 40 con bò, cùng đàn gà ta thả vườn gần 1.000 con. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, gia đình tôi lãi gần 150 triệu đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…” bà Nhé phấn khởi nói.
Chia sẻ, về khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, bà Nhé cho biết, là người đồng bào miền núi, nên vấn đề chọn hướng đi khởi nghiệp, cùng với đó là kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt là điều nan giải của nhiều hộ dân ở đây. Ban đầu chỉ là con số không tròn trĩnh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi mà mô hình kinh tế vườn rừng của bà đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.
Nói về mô hình kinh tế vườn rừng, bà Nhé cho hay, đây là mô hình không quá khó, nhưng cũng không phải dễ nếu muốn làm giàu từ mô hình này. Vì quá trình thu hoạch keo kéo dài, từ khi trồng đến lúc khai thác phải từ 4-5 năm/lứa. Khoảng thời gian 4-5 năm đó phải bỏ công chăm sóc, phân bón, thuê nhân công chăm sóc nhưng lại chưa có thu nhập, nên gia đình tôi chọn cách chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập.
Cây keo rất dễ trồng, sau khi trồng xong thì mỗi năm chăm sóc khoảng 2 lần, làm sạch cỏ, phát sạch dây leo bụi rậm, chỉnh sửa cây làm cỏ vun gốc, trợ lực cho những cây sinh trưởng chậm. Nếu cây có nhiều cành nhánh, cần tỉa bớt những cành thấp, tốt nhất là tỉa cành khi mới nhú. Dùng dao, kéo sắc để cắt sát gốc cành tỉa. Cứ như thế đến năm thứ 4 hoặc năm thứ 5 thì khai thác.
“Hiện mỗi năm từ việc bán gỗ keo, và chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn, trồng sắn gia đình tôi thu lãi đều đặn hơn 150 triệu đồng/năm, nhờ đó mà tôi xây được ngôi nhà khang trang, nuôi 4 đứa con ăn học…”, bà Nhé vui mừng nói.
Video đang HOT
Trồng dược liệu dưới tán rừng, hết cảnh đi làm thuê
Cách đây hơn 1 năm, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở hai xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn đã triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Với sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn xanh và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, 75 hộ dân của 2 xã trên đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng như làm vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ở ngoài rừng…
Với 44.000 cây ba kích giống được trồng trên diện tích 6 ha, đến nay tỷ lệ sống của mô hình đạt 90%, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây.
Chị Hồ Thị Phượng, một người dân trồng cây ba kích tại xã Phước Mỹ chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, đi làm thuê hoặc vào rừng khai thác những sản vật theo mùa để mưu sinh. Khi chuyển sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thời gian đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, chị đã dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây. Việc trồng cây ba kích nói riêng và cây dược liệu nói chung, người trồng phải kiên trì bởi cây phải có thời gian sinh trưởng ít nhất từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch.
Phước Sơn là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam được thụ hưởng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với hơn 2.000 hộ nghèo chiếm 31,3% dân số toàn huyện. Xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới, lâu dài để xóa đói giảm nghèo, hàng năm huyện Phước Sơn đã dành khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Quang Hường cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã bước đầu hình thành vùng dược liệu rộng 30ha gồm cây ba kích, đảng sâm, đây là những cây dược liệu có nhu cầu thị trường lớn. Để tiếp tục mở rộng diện tích vùng dược liệu, huyện luôn chú trọng công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật tới các nhóm hộ đồng bào, đồng thời quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp để tìm thị trường đầu ra cho người dân.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Theo Danviet
"Báu vật" sâm quý trên dãy Trường Sơn, củ to như ngón tay, dài nửa mét
Dưới tán rừng nguyên sinh ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam rộng hơn 1.000 ha, cây ba kích sinh trưởng phát triển đang được kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại rừng này, chính quyền thực hiện nhân giống cung cấp cho người dân trồng để phát triển kinh tế.
Tại rừng phòng hộ Đắk Mi, sâm ba kích tím đang phát triển.
Cuối tháng 8/2019, lòng thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) mực nước giảm xuống khiến nhiều khu vực ven bờ trơ đáy. Từ chân đập nhà máy thuộc ngã ba Làng Hồi, xã Phước Xuân, cán bộ kiểm lâm dùng thuyền đi trên lòng hồ khoảng 1 giờ đưa chúng tôi đến trạm chốt chặn của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi. Trạm được thành lập ở ven lòng hồ thủy điện, với 4 kiểm lâm tục trực ngày đêm tuần tra quản lý bảo vệ rừng ba kích.
Hết đường thủy, chúng tôi tiếp tục được kiểm lâm dẫn đường cuốc bộ leo núi khoảng 30 phút. Trên đường đi dưới tán rừng nguyên sinh, đoàn bắt gặp vô số cây ba kích vươn mình leo, quấn quanh thân cây dài hàng chục mét với màu lá xanh biếc. Để tận mắt mục sở thị củ ba kích, hai cán bộ kiểm lâm dùng dao đào lên một gốc lên có bộ rễ chùm dài khoảng 50 cm bám sâu vào lòng đất. Đoạn củ lớn nhất bằng ngón tay, có màu vàng nhạt, bề ngoài củ sần sùi.
"Chúng tôi không thể kiểm đếm hết số cây sâm ba kích mọc trong rừng, vì nó trải rộng trên nhiều diện tích. Quá trình đi tuần tra kiểm soát, chúng tôi chỉ ghi nhớ khu vực có sâm ba kích mọc nhiều, khu vực mọc ít", anh Huỳnh Đức Vũ, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi nói và cho rằng ba kích mọc và phát triển dưới tán rừng. Cây ba kích cây leo quấn lên thân, cành cây; củ nằm dưới đất sinh trưởng phát triển.
Củ ba kích nằm trong đất, cây leo lên cây.
Anh Vũ kể, năm 2017 một thành viên của tổ bảo vệ rừng phát hiện quần thể cây ba kích tím tự nhiên dưới tán rừng. Sau đó, người này trình báo cho cơ quan chức năng, khi nhận tin báo ai cũng nghĩ là nói dối nên không tin đây là sự thật. Tuy nhiên khi tiến hành kiểm tra, kiểm lâm xác định cây ba kích phân bố trên diện tích hơn 1.000 ha trong rừng phòng hộ và đưa một số mẫu đi kiểm tra thì cho kết quả chất lượng tốt.
"Ngày trước tổ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên lòng hồ, bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng từ khi rừng sâm ba kích tím được phát hiện thì tổ có thêm một nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là bảo vệ rừng sâm tự nhiên này. Rừng sâm được bảo vệ nghiêm ngặt, các cán bộ túc trực ngày đêm để ngăn không cho người lạ vào rừng đào bới củ sâm, anh Vũ nói.
Việc tồn tại rừng ba kích là tài sản quý giá, mở ra cơ hội để người dân bản địa phát triển kinh tế. Do đó, tháng 6/2018, chính quyền Phước Sơn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng ngôi nhà làm chốt bảo vệ cho cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi ở. Tại đây có bốn người ngày đêm canh giữ rừng ba kích và bảo vệ khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, kiểm lâm, chính quyền huyện Phước Sơn giao khoán cho người dân quản lý và bảo vệ ngiêm ngặt khu rừng này.
Kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng kiểm tra một cây ba kích.
"Mỗi ngày, chúng tôi chia ra người đi thuyền quanh lòng hồ, người đi vào rừng để tuần tra bảo vệ. Trên các lối đi vào rừng đều bố trí người để kiểm soát ra vào rừng ngăn chặn nạn đào trộm loài dược liệu này", ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi nói và thông tin ba kích tím giá bán ngoài thị trường 400-500 đồng mỗi kg. Kiểm lâm mà quản lý lỏng lẻo sẽ bị đào trộm, do đó phải kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện người lạ vào rừng thì tiến hành ngăn chặn ngay từ đầu.
Theo ông Tình, ngoài việc bảo vệ, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi đang bảo tồn nhân giống ba kích. Những cây con được đưa về khu vực gần trạm chốt chặn bảo vệ rừng rồi tiến hành rào lưới sắt loại B40 để trồng. Cách làm này với mục bảo tồn và cung cấp giống cho người dân trồng dưới tán rừng tự nhiên phát triển vùng dược liệu kết hợp bảo vệ rừng.
Ông Tình thông tin, cây sâm ba kích thuộc loại dây leo có thể nhân giống bằng thân, dây bám vào những cây nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái rừng.
"Chúng tôi đang thuê một đơn vị tư vấn đề lập đề án bảo vệ và bảo tồn loại dược liệu này. Mục đích hướng đến giữ rừng ba kích, đồng thời cung cấp nguồn giống cho người dân trồng", ông Tình cho hay và chia sẻ khi người dân trồng trong rừng thì sẽ bảo vệ tài sản của mình, cách làm này sẽ bảo vệ rừng được tốt. Loại sâm ba kích nếu mở rộng diện tích trồng thì 4-5 năm thu hoạch sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, qua đó góp phần phát triển kinh kế.
Một củ ba kích dài nửa mét, to bằng ngón tay ở trong rừng.
Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, rừng ba kích phát hiện từ lâu nhưng chính quyền không muốn công bố. Theo ông Quảng, bởi khi biết thông tin mà chưa bảo vệ nghiêm ngặt thì người ta vào đào trộm.
"Chúng tôi đang bảo tồn khu rừng này và đã có một vườn ươm để nhân giống cung cấp cho người dân trồng", lãnh đạo huyện Phước Sơn nói và cho hay đã lập đề án quy hoạch rừng sâm ba kích với diện tích gần 9.000ha ở rừng phòng hộ Đăk Mi để bảo tồn, nhân giống, cấp phát cho người dân trồng, bên cạnh đó phát triển du lịch. Cách làm này giúp người dân bảo vệ rừng bền vững, đồng thời bà con trồng để thoát nghèo.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá, cho đến lúc này, đây là vườn ba kích tự nhiên lớn nhất của địa phương được phát hiện. Qua kiểm tra trong rừng phòng hộ Đắk Mi cho thấy cây ba kích tím thích nghi với thảm thực vật.
Một chùm lá cây ba kích
"Nhiệm vụ bước đầu chúng tôi phải bảo vệ nghiêm ngặt vườn ba kích này và khoanh định, xác lập thành khu bảo tồn gen gốc ba kích đặc hữu của Quảng Nam. Việc này được giao Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi trực tiếp quản lý, nghiên cứu trồng bổ sung", ông nói và cho hay sẽ tiến hành sản xuất giống để mở rộng vùng trồng tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có điều kiện tương tự trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, giống sản xuất được cấp về cho các đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên trách để trồng tại khu vực mình được giao nhiêm vụ. Giống cũng được cấp cho cộng đồng thôn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng cộng đồng, để người dân tự tổ chức trồng và quản lý.
Ba kích còn có tên là sâm ba kích, dây ruột gà, ba kích thiên... có tên khoa học: Morinda officinalis stow, họ cà phê, có hai loại là ba kích trắng và ba kích tím. Cây ba kích leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím, có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục thuôn nhọn, lá kèn mỏng ôm sát vào thân...
Trong củ ba kích có chứa gentianine, carpaine, choline, trigonelline, díogenin, vitamin B1, morindin, vitamin C... Rễ chứa antraglycozid, đường, nhựa, axit hữu cơ, phytosterol và ít tinh dầu. Ba kích có tác dụng ôn thận, tráng dương, ích tinh, mạnh gân cốt, khử phong thấp, gân cốt yếu, lưng, gối mỏi đau, hóa đờm... Ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, chữa di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều.
Theo Lộc Hà (Kiến thức Gia đình số 36)
Rừng sâm ba kích tím mới phát hiện ở Quảng Nam khủng và quý cỡ nào? Hơn 1.000 ha cây ba kích sinh trưởng tự nhiên mới được Quảng Nam phát hiện và đang lên kế hoạch bảo vệ, nhân giống để mở rộng diện tích. Ngày 6/7, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đã lên kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt diện tích sâm ba kích tự nhiên...