Đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông, Trung Quốc bắt đầu một âm mưu?
Việc đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông cho thấy ý đồ của Trung Quốc trong việc duy trì thường xuyên các tàu chiến tại khu vực này.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 31/5 Hải quân Trung Quốc đã đưa tàu tiếp tế Fuchi đến Quảng Đông, hiện tàu này đang trên đường tới biển Đông. Vậy lớp tàu hậu cần này có gì đặc biệt và tại sao Trung Quốc lại đưa xuống biển Đông?
Tàu hậu cần Type 903 số hiệu 887 mang tên Weishanhu của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.
Các tàu hậu cần Type 903 lớp Fuchi được bắt đầu đưa vào biên chế của Hải quân Trung Quốc từ năm 2003. Một số thông tin từ báo chí cho rằng con tàu được đưa xuống biển Đông mang tên Fuchi là không chính xác vì Fuchi là định danh lớp tàu theo cách đặt tên của NATO, bản thân con tàu này là Type 903 lớp Qiandaohu.
Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang có 4 tàu hậu cần lớp Fuchi/Qiandaohu phân bố cho 3 hạm đội, trong biên chế của hạm đội Nam Hải là chiếc Type 903 số hiệu 887 mang tên Weishanhu. Tuy nhiên theo thông tin đưa ra thì Trung Quốc lại đưa tàu Type 903A (bản nâng cấp của Type 903) xuống biển Đông. Hiện tại Trung Quốc có 2 chiếc Type 903A thuộc biên chế hạm đội Bắc Hải và hạm đội Đông Hải.
Tàu hậu cần Type 903 có chiều dài 178,5m; rộng 24,8m; lượng giãn nước 20.500 tấn. Type 903A là bản nâng cấp có lượng giãn nước lên đến 23.000 tấn; tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ; tầm hoạt động 10.000 hải lý; số lượng sĩ quan và thuyền viên trên tàu lên đến 130 người.
Do là tàu hậu cần nên Type 903 và Type 903A được trang bị các hệ thống dây treo đặc biệt giúp chuyển các ống tiếp nhiên liệu hàng hóa sang tàu khác. Ngoài ra trên tàu còn có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng Z-8, vũ khí tự vệ của tàu là 2 pháo 37mm nòng đôi Type-76F.
Video đang HOT
Tàu Weishanhu đang tiếp liệu cho 2 tàu khu trục của Hạm đội Nam Hải.
Vậy các tàu Type 903/903A có gì đặc biệt để Trung Quốc đưa xuống biển Đông? Cần biết là trước đây và hiện nay Hải quân Trung Quốc vốn rất yếu về khả năng hoạt động xa bờ trong khi tham vọng của Trung Quốc là phát triển Hải quân xanh dương (Hải quân hoạt động xa bờ) thì ngoài điều kiện cần là các tàu chiến viễn dương thì điều kiện đủ còn phải có trong tay các tàu hậu cần cỡ lớn.
Nhân thấy điểm yếu trên, Trung Quốc đã ra sức phát triển Type 903 dựa trên nguyên mẫu tàu hậu cần T-AKE của Hải quân Mỹ (tuy nhiên các tàu T-AKE của Mỹ hoàn toàn vượt trội Type 903). Bên cạnh việc đóng tàu hậu cần, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thực hành việc tiếp nhiên liệu và hàng hóa trên biển từ 20 năm nay, khoa mục tiếp tế nhiên liệu trên biển trong khi 2 tàu đang chạy luôn là tình huống cực kỳ dễ xảy ra tai nạn do các tàu cần phải chạy đồng tốc và song song ở khoảng cách khá gần trong điều kiện biển luôn luôn thay đổi, nếu không có nhiều kinh nghiệm thì rất dễ dẫn đến trường hợp va chạm gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã bắt đầu đưa các tàu Type 903 tham gia nhiệm vụ chống hải tặc ở vùng biển Somali. Tàu Type 903 có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, lương thực, nước uống, hàng hóa,… cho tàu chiến của Trung Quốc ở khu vực này và đồng thời huấn luyện khả năng tác chiến có tàu hậu cần ở vùng biển xa lạ.
Tàu hậu cần Type 903A số hiệu 889 mang tên Taihu
Việc Trung Quốc đưa tàu tiếp tế cỡ lớn này xuống biển Đông có thể vì một số nguyên do sau: tiếp tế cho tàu chiến và tàu hải cảnh của đang hoạt động xung quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, do hiện tại có rất nhiều tàu Trung Quốc ở khu vực này và căn cứ tại đảo Phú Lâm không thể đáp ứng được hết. Tiếp nữa là có thể đây là bước khởi đầu cho việc Trung Quốc đưa các tàu chiến cỡ lớn xuống hoạt động dài ngày tại khu vực biển Đông.
Theo Tri Thức Trẻ
Sóng Biển Đông và sóng diễn đàn
Qua diễn đàn đối thoại Shangri-La vừa qua, Trung Quốc đã tự làm xấu đi hình ảnh của họ trên trường quốc tế.
1. Đoàn cán bộ Quốc phòng, Quốc hội và học giả của Trung Quốc gồm 11 người dự Diễn đàn an ninh Châu ÁThái Bình Dương lần thứ 13 tại Singapore do Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Vương Quán Trung dẫn đầu.
Ngày cuối cùng của diễn đàn, ông Vương đã có bài phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể với những lời hoa mỹ, sáo rỗng về một Trung Quốc "yêu chuộng hòa bình, "hữu hảo" với láng giềng, chỉ "tự vệ" về mặt quân sự và theo đuổi con đường "phát triển hòa bình". Ông dạy dỗ về công lý và bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời kêu gọi đối thoại, hợp tác thân thiện và xây dựng.
Trước khi đọc bài phát biểu ấy, ông Vương dành hơn 10 phút "trả đũa" những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mà ông này gọi là "khiêu khích" và "chĩa vào Trung Quốc".
Ông Vương không thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể nhằm bác bỏ một cách thuyết phục các chỉ trích của Nhật Bản và Mỹ nên ông bèn phủ nhận và quay ra công kích bằng những lời lẽ thiếu hẳn "tầm nhìn cường quốc".
Những lời lẽ hoa mỹ của ông Vương đã không thuyết phục được 400 đại biểu là học giả, nhà ngoại giao, quân sự đến từ hơn 30 quốc gia. Có đến gần 80% trong tổng số hơn 20 câu hỏi mà các đại biểu đặt ra như mũi tên hướng vào Trung Quốc. Các đại biểu đã yêu cầu ông Vương giải thích về tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò, cáo buộc của Bắc Kinh rằng Việt Nam "gây hấn và uy hiếp" giàn khoan Hải Dương981...
Nhưng để lảng tránh và câu giờ, ông Vương "chỉ chọn trả lời 1 hay 2 câu" với lý do thời gian hạn hẹp. Về đường lưỡi bò và Công ước Luật biển Liên hiệp quốc (UNCLOS), ông chỉ lặp lại những điều mơ hồ, vô nghĩa để biện minh rằng, Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 2.000 năm trước và UNCLOS chỉ có hiệu lực từ năm 1994 nên "không áp dụng được" đối với đường lưỡi bò. Ông Vương nêu quan điểm kỳ quái là UNCLOS "không áp dụng đối với các đảo và biển ở Biển Đông". Phần lớn các chuyên gia thường xuyên dự Đối thoại Shangri-La thừa nhận "đây là phần đối thoại kịch tính nhất" họ từng thấy. Nữ thạc sĩ người Mỹ gốc Hoa Amy Chang từ Đại học Harvard nói: "Tôi tin là các lãnh đạo Trung Quốc không biết câu trả lời về đường 9 đoạn và họ cũng chẳng muốn trả lời trước thế giới. Điều đó tạo ra một khoảng trống cho sự nghi ngờ, mất lòng tin".
Người Trung Quốc không biết có nhớ câu "Nói có sách, mách có chứng" hay không mà ở giữa một diễn đàn quốc tế như vậy lại cãi vã, không hề có chứng lý cụ thể để giải đáp cho thỏa đáng các câu hỏi của hàng chục đại biểu nêu ra? Giữa chốn ba quân, Trung Quốc lại cố tình lên giọng "nước lớn" hòng "Cả vú lấp miệng em" như vậy sao được! Với âm mưu độc chiếm Biển Đông, tự vẽ ra "đường 9 đoạn" rồi còn tự ý lập "vùng nhận dạng phòng không" để một mình thao túng luôn cả vùng trời trên đường 9 đoạn ấy, Trung Quốc đã động chạm đến quyền lợi không chỉ của các nước láng giềng mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lòng tham vô độ ấy của Trung Quốc khiến các nước bất bình và tạo nên bầu không khí sôi động tại diễn đàn. Cái kiểu cãi vã, không có căn cứ pháp lý như ông Vương khác gì kiểu cãi nhau ngoài chợ búa! Dư luận khắp thế giới một lần nữa nhìn thấy rõ hơn bản chất thâm căn cố đế của Trung Quốc là cậy thế nước lớn để "lấy thịt đè người".
Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề tranh chấp Biển Đông và đòi hỏi thực hiện COC lại được nhiều quốc gia lên tiếng để chất vấn Trung Quốc và đòi hỏi Trung Quốc phải giải trình trước diễn đàn như vậy. Cũng không phải các nước đứng hẳn về Việt Nam để đưa ra những chất vấn Trung Quốc trước hành động ngang nhiên đưa giàn khoan và hàng trăm tàu thuyền sang gây hấn trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà đó là thể hiện sự bất bình của các nước với hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang chủ mưu và cố tình vi phạm.
Qua diễn đàn đối thoại Shangri-La vừa qua, Trung Quốc đã tự làm xấu đi hình ảnh của họ trên trường quốc tế.
2. Giữa lúc Biển Đông dậy sóng hơn một tháng nay, giàn khoan và hàng trăm tàu thuyền các loại của Trung Quốc vẫn ngày đêm lồng lộn chống phá lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở Hoàng Sa thì Trung tướng Vương Quán Trung phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri-La về sự kiện này càng bộc lộ bản chất và âm mưu chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Điều đó càng thôi thúc chúng ta phải đề cao cảnh giác, củng cố quốc phòng và kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền và chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc lấn chiếm.
Sóng Biển Đông đã dội về tới diễn đàn Quốc hội. Và một thông tin mới nhất: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỉ đồng cân đối ngân sách năm 2013 để chi hỗ trợ cảnh sát biển, hỗ trợ các ngư dân bám biển và sẽ quyết định ngay tại kỳ họp này. Đó là nguồn cổ vũ động viên to lớn và kịp thời đối với ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển.
Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu TP HCM ủng hộ mạnh mẽ dự kiến này và đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội tại kỳ họp này, cần có nội dung về các biện pháp giữ vững chủ quyền, trật tự xã hội. Cần thiết phải dành 16.000 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa cho cảnh sát biển, kiểm ngư đang suốt ngày quần thảo với Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, đại biểu Đương còn đề nghị tạm dừng các dự án liên quan đến nhu cầu sử dụng dân sự sắp tới; tạm dừng xây trụ sở mới của các bộ ngành, địa phương... Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài để tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia. "Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống, tôi sẽ không đi nước ngoài nữa", ông Đương thẳng thắn nói.
Lời hứa chân thành của vị đại biểu TP HCM nhận được sự ủng hộ của nghị trường. Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng cho rằng 16.000 tỉ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...
Hơn một tháng nay, khí thế sôi sục của toàn dân cả nước hướng về biển đảo thể hiện tinh thần yêu nước bằng những việc làm cụ thể. Đó là tín hiệu đáng mừng!
Một thực trạng kéo dài từ lâu nay là ngư dân yêu biển, gắn bó với biển khơi nhưng kẹt nỗi không có kinh phí đầu tư đóng mới phương tiện đủ sức vươn khơi. Với hơn 1 triệu ngư dân, hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt hải sản nhưng số lượng tàu có công suất 400 CV trở lên còn quá ít, hầu hết là tàu công suất nhỏ. Tàu vỏ sắt lại càng hiếm hơn. Như vậy làm sao bà con ngư dân đi biển xa, đánh bắt dài ngày và tham gia gìn giữ chủ quyền biển đảo được! Thực tế gần đây cho thấy, bên cạnh các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư làm nhiệm vụ chấp pháp thì ngư dân với những đoàn thuyền đánh bắt hải sản cũng thật sự là đội quân hùng hậu, sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Vì thế, chính sách hỗ trợ ngư dân sắp tới là biện pháp kịp thời, hợp lòng dân, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả hơn trong nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.
Theo Năng Lượng Mới
Hoàng Sa, những cột mốc giữa trùng dương Tháng 5, triệu triệu trái tim người dân Việt Nam đều hướng về biển Đông, hướng về Hoàng Sa, hướng về vùng biển từng thấm đẫm xương máu cha ông. Nơi ấy- Hoàng Sa, những con tàu vẫn mải miết rẽ sóng ra khơi. Nơi ấy - Hoàng Sa, cờ tổ quốc vẫn tung bay ngạo nghễ giữa biển trời lồng lộng chứng...