Đưa tàu chiến “thách thức” TQ ở Biển Đông, Mỹ muốn gì?
Mỹ không thể trì hoãn việc đưa tàu chiến vào Biển Đông vì niềm tin của các đồng minh thân cận trong khu vực như Nhật Bản và Philippines đang bị xói mòn.
Tàu khu trục USS Lassen được điều tới Biển Đông từ thứ Hai (26.10)
Hôm 26.10, Mỹ công bố đưa tàu khu trục USS Lassen trang bị tên lửa đến tuần tra tại biển Đông gần khu vực đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), một trong bảy địa điểm Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và xây dựng cơ sở trái phép từ năm ngoái. Trải qua 15 tháng, Trung Quốc đã biến các rạn san hô ngầm thành đảo nhân tạo trái phép.
Hình ảnh từ vệ tinh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép
Video đang HOT
Trung Quốc tuyên bố phi lý về chủ quyền trên khoảng 80% diện tích Biển Đông, cũng như đơn phương tuyên bố vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng đây là khu vực mọi quốc gia được thụ hưởng tự do hàng hải. Theo Liên Hợp Quốc, các quốc gia xây dựng trái phép các đảo nhân tạo không được quyền tuyên bố chủ quyền với các khu vực lãnh thổ xung quanh.
Trước khi điều tàu chiến vào khu vực này, Mỹ tuyên bố sứ mệnh của mình nhằm bảo vệ tự do hàng hải. Điều đó đồng nghĩa rằng Washington không chấp thuận các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu các quan chức Mỹ đưa ra kế hoạch hoạt động khi điều tàu chiến vào Biển Đông.
Sở dĩ Mỹ không thể trì hoãn thêm nữa hành động này vì niềm tin giữa Mỹ và các đồng minh thân cận trong khu vực như Nhật Bản và Philippines đang bị xói mòn. Các quốc gia châu Á này cần một động thái rõ ràng từ phía Mỹ phản đối Trung Quốc.
Ông Carter sẽ có mặt tại một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng khu vực quan trọng tại Malaysia tháng 11 này và cần phải tái khẳng định với các đồng minh châu Á rằng Mỹ thực sự nghiêm túc với vấn đề đối phó Trung Quốc.
Theo giới quan sát, hành động này của Mỹ sẽ không thực sự mang lại nhiều tác động. Nếu không có gì khác, động thái của Mỹ vẫn quá nhỏ để Trung Quốc thay đổi tham vọng của họ trên Biển Đông.
Theo Danviet
Tàu khu trục Mỹ đã đến gần Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn
Mỹ đã quyết định triển khai tàu khu trục tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa trong ngày 27.10, theo Reuters. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen hiện đã đến gần Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông ngày 24.9, xa xa là 1 tàu hộ vệ lớp Giang Hồ V của Trung Quốc bám theo - Ảnh: Hải quân Mỹ
Reuters ngày 27.10 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ sẽ triển khai tàu khu trục USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc tuần tra được tiến hành từ sáng ngày 27.10 gần Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.
Theo cập nhật mới nhất của Reuters, tàu USS Lassen đang tiến gần đến Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, quan chức trên cho biết.
Theo quan chức này, tàu khu trục có thể được các máy bay do thám và săn ngầm P-8A và P-3 Orion của Hải quân Mỹ hộ tống. Những máy bay nay thường xuyên thực hiện hoạt động do thám trong khu vực.
Cũng theo quan chức này, hoạt động tuần tra sẽ được tiến hành thường xuyên chứ không phải chỉ một lần, và cũng không chỉ liên quan tới Trung Quốc. Theo đó, việc tuần tra sẽ tiếp diễn trong những tuần tới và có thể được tiến hành quanh các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa.
Đây được coi là động thái mạnh mẽ nhất của Mỹ để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Theo Reuters, động thái này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Trước đó, hồi tháng 9, phía Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố sẽ không để bất kỳ quốc gia nào "xâm phạm vùng biển và không phận" mà nước này có yêu sách chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh, Mỹ đã thể hiện rõ với Trung Quốc về tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông cũng như lợi ích của Mỹ ở khu vực này.
Một số quan chức Mỹ đã lên tiếng ủng hộ quyết định này của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng đây là phản ứng cần thiết đối với việc Trung Quốc gây mất ổn định tại Biển Đông.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
'Ông Tập Cận Bình khó xử vụ tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo' Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lâm vào thế khó xử khi phải có phản ứng với việc Mỹ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông, tờ Taipei Times (Đài Loan) dẫn lời một học giả có uy tín nhận định. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Anh: Reuters...