Đưa sâm Ngọc Linh ra khỏi ‘tủ kiếng’
Quy luật của phát triển là “muốn đi xa phải đi cùng nhau!”. Sâm Ngọc Linh đã bước ra khỏi “tủ kiếng” để chinh phục người tiêu dùng thế giới.
Nhân viên trạm dược liệu Trà Linh ( Quảng Nam) hái trái chín của sâm Ngọc Linh để ươm trồng – Ảnh: LÊ TRUNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại kỷ niệm khi ông còn làm chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đó là những chuyến đi lên núi Ngọc Linh hàng chục ngày của dược sĩ Đặng Ngọc Phái (lúc ấy là phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam) nhưng may lắm mới mang về được củ sâm to bằng… ngón tay!
Nhưng hôm nay, sâm Ngọc Linh đã được trồng đại trà ở Kon Tum, Quảng Nam, thu hoạch tính bằng trăm, ngàn ký.
Từ kỷ niệm của Chủ tịch nước kể, chúng ta nhìn lại những con số sau: cách đây vài hôm, các báo đồng loạt đưa tin về Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 vừa kết thúc tại huyện Nam Trà My, với những câu chuyện hết sức thú vị, hấp dẫn như: cây sâm 20 năm tuổi có 9 nhánh được bán với giá 900 triệu đồng; những cuộc mua bán sâm trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã diễn ra ở lễ hội.
Tổng kết lễ hội, các cuộc giao dịch đã đạt đến con số 10 tỉ đồng. Những căn nhà kiên cố được xây bằng tiền bán sâm ở Trà Linh, đã thay cho những căn nhà sàn ọp ẹp của ngày xưa…
Đó là chuyện ở Quảng Nam, còn Kon Tum thì sao? Chúng ta hãy nhìn vào Giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam năm nay, đã được một doanh nghiệp sâm Ngọc Linh ở Kon Tum là K5 tài trợ trong ba năm với giá trị hợp đồng hơn 100 tỉ đồng.
Video đang HOT
Xưa nay chỉ có những thương hiệu thật lớn mới đủ sức tài trợ chính cho môn thể thao vua tại Việt Nam là bóng đá. Vậy mà giờ đây một thương hiệu của sâm Ngọc Linh đã có mặt.
Đó là những bằng chứng hùng hồn để chứng minh rằng sâm Ngọc Linh đã bước ra khỏi “tủ kiếng”, bắt đầu bước vào con đường “quốc kế dân sinh” như yêu cầu của ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là thủ tướng.
Nhưng như thế liệu đã đủ để đạt đến giấc mơ tỉ đô? Thật ra cái đích ấy vẫn còn xa. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng sâm Ngọc Linh tốt hơn nhân sâm của nhiều nước nhưng sản phẩm từ sâm Ngọc Linh còn đơn điệu hơn nhiều.
Ngay tại những đô thị lớn ở Việt Nam, các cửa hiệu bán sản phẩm sâm Hàn Quốc rất nhiều, nhưng nơi bán sâm Ngọc Linh còn rất ít. Người Việt quen với đông y đều biết 4 vị thuốc quý là sâm – nhung – quế – phụ, nhưng sâm là sâm nào? Phần lớn đều chỉ biết đến nhân sâm chứ không phải sâm Ngọc Linh.
Vậy làm sao để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa? Đó là câu hỏi mà từ những người lãnh đạo của đất nước, cho đến các nhà khoa học, các doanh nhân… đều đau đáu đi tìm câu trả lời, nhằm đưa cây sâm quý Ngọc Linh trở thành “quốc kế dân sinh”.
Trong sự đau đáu ấy, chúng ta thấy được những tín hiệu lạc quan, nếu nhìn vào những cột mốc thời gian: nhân sâm được biết đến từ hàng ngàn năm trước, qua các y văn cổ xưa; còn sâm Ngọc Linh chỉ mới chính thức được biết đến vào năm 1973.
Công ty sâm của Chính phủ Hàn Quốc thành lập đã có tuổi đời trên 100 năm, còn tuổi đời cao nhất của một công ty sâm Ngọc Linh chỉ mới là 20. Hàn Quốc có trên 100 sản phẩm từ nhân sâm, còn sâm Ngọc Linh với quỹ thời gian phát triển còn rất trẻ, hiện đã có được trên 20 sản phẩm…
Cần thời gian để sâm Ngọc Linh trở thành “quốc kế dân sinh” nhưng cũng đã có tín hiệu lạc quan khi lãnh đạo Quảng Nam với Kon Tum đã ký kết bắt tay nhau hợp tác, phát triển sâm Ngọc Linh trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước.
Vâng, quy luật của phát triển là “muốn đi xa phải đi cùng nhau!”. Sâm Ngọc Linh đã bước ra khỏi “tủ kiếng” để chinh phục người tiêu dùng thế giới.
Cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của 'Quốc bảo' trong quốc kế dân sinh
Nhấn mạnh Việt Nam có cơ sở để phát triển ngành sâm Ngọc Linh đạt giá trị tỷ USD trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải thực hiện đồng thời vừa bảo tồn, vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh, nâng tầm giá trị cao hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ngày 6/8, tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Báo Tuổi trẻ, UBND các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp tổ chức hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu.
Hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia" được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay; tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh; tạo động lực hiện thực hóa "Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam" với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; nâng cao giá trị, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự kiện thăm Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) trên cương vị Thủ tướng Chính phủ năm 2017; khẳng định sâm Ngọc Linh xứng đáng với tên gọi "Quốc bảo", cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của "Quốc bảo" trong quốc kế dân sinh.
Đánh giá cao nỗ lực của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, Chủ tịch nước cho rằng, hơn 5 năm qua, nhiều cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh đã tích cực, chủ động trong bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, mở rộng diện tích gieo trồng loài cây quý hiếm đặc biệt này của Việt Nam.
Song, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những vấn đề cần khắc phục trong phát triển cây sâm Ngọc Linh như biến đổi khí hậu, tình trạng làm hàng giả gây xáo trộn thị trường, việc áp dụng khoa học công nghệ còn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn. Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh cũng còn hạn chế, chưa thực sự đa dạng.
Nhấn mạnh Việt Nam có cơ sở để phát triển ngành sâm Ngọc Linh đạt giá trị tỷ đô la trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị cần thực hiện đồng thời vừa bảo tồn, vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh, nâng tầm giá trị cao hơn. Do đó, cần có sự tham gia của các nhà sản xuất, nghiên cứu phát triển ngành sâm như tại một số nước tiên tiến trên thế giới; đa dạng hóa sản phẩm từ thấp đến cao, xâm nhập thị trường toàn cầu, nhất là phân khúc cao cấp. Đặc biệt, cần bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không bị lai tạp; xây dựng "thánh địa" sâm Ngọc Linh ở hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum; bảo hộ hiệu quả và phát triển giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam. Cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong nuôi trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh, coi đây là lĩnh vực đột phá để phát triển vùng sâm Ngọc Linh; tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất, chế biến sâm; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết và đầu tư nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Chủ tịch nước cũng đề nghị tìm kiếm cơ hội liên kết các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng lợi thế về marketing, phân phối sản phẩm để đem lại hiệu quả cao hơn; đặc biệt cần có sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, nhất là tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; tiếp tục hoàn thiện chiến lược nuôi trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, nâng tầm thương hiệu quốc gia, tạo những nền tảng tốt hơn để cây sâm Ngọc Linh phát triển bền vững, vươn ra thị trường toàn cầu.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; thực trạng và định hướng phát triển tại tỉnh Quảng Nam cũng như tiềm năng và khát vọng phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả; đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh; các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế; tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho phát triển nâng tầm thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh trên mọi phương diện, xứng tầm là "Quốc bảo" của Việt Nam.
Dịp này, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trồng sâm cũng chia sẻ thông tin về tình hình bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; việc phát triển, trở thành ngành công nghiệp chế biến lớn mạnh phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng; tạo sự lan tỏa những thông điệp hữu ích, nhìn nhận một cách trung thực, khách quan về một vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh với sắc màu hấp dẫn đối với mọi người...
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Hội thảo vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần, tạo động lực thúc đẩy trách nhiệm của địa phương và các đối tác, các doanh nghiệp liên quan với phát triển sâm Ngọc Linh, nâng cao thương hiệu quốc gia.
Cây sâm Ngọc Linh là loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh được biết đến là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở Việt Nam; theo kết quả nghiên cứu khoa học đã phân lập được 52 hợp chất saponin và nhiều hợp chất quan trọng khác.
Ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia hợp tác tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân nên việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có những chuyển biến tích cực.
Tại Quảng Nam, có 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ, hàng ngàn người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, nhiều gia đình có tài sản cả chục tỷ đồng, nhà cửa khang trang; đời sống văn hóa được nâng cao... Từ khi phát triển trồng sâm đến nay, các hoạt động như Lễ hội sâm Ngọc Linh hàng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng đã đem lại thu nhập cao cho nhân dân, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam, là cơ sở để bảo vệ nguồn giống, phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia trong tương lai.
Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum chết vì nấm Sáng 6/7, ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đã có kết quả giám định bước đầu về nguyên nhân sâm Ngọc Linh chết. Theo đó, kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ...