Đưa máy lọc nước sạch giúp dân vùng rốn lũ
Sau nhiều ngày bị nước lũ ngập tới nóc nhà, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, người dân vùng rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình) bớt được cơn khát nước sạch, khi Hội chữ thập đỏ tỉnh đưa máy lọc nước cơ động vào giúp dân.
Ngày 19/10, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết Hội chữ thập đỏ tỉnh đã đưa máy lọc nước hiện đại do Đức tài trợ vào giúp dân.
“Máy được đặt tại thôn Cổ Liêm, lấy tạm nước suối từ mương thủy lợi và lọc nước sạch cho dân đến lấy về dùng. Đợt lũ vừa qua, trạm nước sạch của xã bị hỏng, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, chưa có tiền sửa chữa”, ông Đá nói.
Nhiều đoàn cứu trợ đưa mì tôm, nước sạch đóng chai vào giúp đỡ người dân Tân Hóa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Máy lọc nước chạy bằng xăng. Nước được lọc qua hệ thống than hoạt tính, cát và phèn chua. Hai ngày nay dân đã có hàng nghìn lít nước sạch để nấu ăn.
“Do nhiều vùng của tỉnh Quảng Bình đang khát nước sạch, nên Hội chữ thập đỏ tỉnh sẽ cơ động máy lọc nước này đi các nơi khác nữa. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ để sửa chữa trạm lọc nước cho dân dùng lâu dài”, ông Đá nói thêm.
Trận lũ lụt vừa qua, Tân Hóa có 668 hộ đều bị ngập nhà tới nóc. Lũ rút, nhiều đoàn thiện nguyện vào cứu trợ cho dân. Ông Đá cho hay, nhiều đoàn cứu trợ bằng mì tôm, trong khi thực phẩm này không để được lâu, ăn nhiều nóng ruột.
“Người dân bây giờ không còn đói nữa. Những thứ họ cần nhất là nhu yếu phẩm, như nước mắm, dầu ăn, chăn màn”, ông Đá nói và cho biết trận lũ đã gây thiệt hại 9 tỷ đồng cho người dân Tân Hóa.
Video đang HOT
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình, trong 24 giờ, tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới lên tới 747 mm – cao nhất trong lịch sử quan trắc ở tỉnh này.
Mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Từ chiều 15/10, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút.
Thống kê đến chiều 17/10, có 35 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ, trong đó riêng Quảng Bình có 21 người chết.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Nhà bè cứu hàng nghìn người dân vùng rốn lũ
Nước lũ bất ngờ lên trong đêm, ngập đến nóc nhà vùng rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình). Hàng ngàn người dân vội đưa tài sản, đưa người già, trẻ em lên nhà bè trú tránh.
Sáng 18/10, nước lũ mới rút hết khỏi xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), sau 4 ngày bủa vây hơn 3.700 người dân. Tân Hóa được xem là rốn lũ ở Quảng Bình, khi bốn phía là núi đá bao bọc. Sống chung với lũ đã là chuyện thường, nhưng năm nay nhiều hộ dân không phải sống trên các vách đá như những năm trước.
Gia đình ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch xã Tân Hóa, cũng tránh lũ trên chiếc nhà bè. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Nhờ có nhà bè đấy", ông Trương Bá Phụng (63 tuổi, nhà ở thôn 2, xã Tân Hóa) nói. Sáng nay ông Phụng mới tháo sợi dây dù buộc nhà bè với nóc nhà gỗ. "Năm nay nước tuy không cao giống trận lũ lịch sử năm 2010, nhưng nước lên nhanh, chảy xiết trong đêm tối. Nếu không có nhà bè thì không biết điều gì có thể xảy ra".
Nhớ về trận lũ lịch sử 2010, ông Phụng kể khi đó cả nhà ông phải mang theo chăn, áo quần, gạo, nồi niêu... lên vách núi căng bạt tránh bão. Hàng nghìn người dân sống chung với đàn gia súc chờ nước rút. Những người dân khác không lên núi thì sống tạm bợ trên các tra (gác nhỏ làm sát nóc nhà), mở hé cửa sổ lấy ánh sáng, chờ hàng cứu trợ khi có canô đi ngang.
Năm 2015, ông Phụng quyết định tự đóng nhà bè. Sau khi chọn mua được loại gỗ táu chịu nước tốt về làm khung, ông mua tôn làm vách và mái. Sau khi đóng khung chắc chắn như khung nhà gỗ, ông Phụng buộc chặt 20 thùng phuy bằng sắt dưới đáy nhà bè. Căn nhà diện tích 5x3,6m được hoàn thiện sau gần một tuần ông Phụng hì hục làm.
Những thùng phuy bằng sắt người dân chỉ cần đậy kín nắp là có không khí. Riêng thùng bằng nhựa phải được bơm khí vào. "Không tính công, nhà bè của gia đình tôi tốn khoảng 15 triệu đồng vật liệu. Nhưng sướng cái là đợt lũ vừa rồi, tôi không phải cõng mẹ già 95 tuổi lên núi nữa. Bảy đứa con, cháu và ngô, thóc đều ở trên nhà bè an toàn", ông Phụng nói.
Ông Phụng kiểm tra số ngô, lúa trên nhà bè đều khô ráo. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo ông Phụng, có nhà bè không chỉ an toàn về người, tài sản mà có thể đặt được bếp gas để nấu nướng, nên không lo đói khát nữa. Các thùng phuy phía dưới sẽ nâng nhà bè nổi trên mặt nước. Người dân cũng phải buộc dây dù vào nhà bè, neo lại nơi cột hay nóc những căn nhà gỗ để giữ không bị lũ đẩy đi nơi khác. Ông Phụng còn cẩn thận làm chiếc rào nhỏ chắn phía trước cửa đề phòng trẻ nhỏ ngã xuống nước.
Ông Trương Đức Thọ (58 tuổi, thôn 4) sáng nay mới di chuyển chiếc tivi ra khỏi nhà bè xuống căn nhà chính. Thóc gạo phía trong nhà bè vẫn khô ráo sau nhiều ngày nước lũ bủa vây, ông Thọ mừng ra mặt. Căn nhà bè ông cũng tự tay làm, kinh phí hết hơn 20 triệu vì dùng tới 18 thùng phuy buộc dưới đế. "Có điều kiện gia đình tôi làm thêm cái nữa cho rộng rãi", bà Đinh Thị Đức, vợ ông Thọ, nói.
Trận lũ vừa qua, ông Trương Xuân Hồng (56 tuổi, thôn 1) phải đưa 5 người con đi gửi ở các nhà bè lân cận. Giữa đêm tối, một mình ngồi lại trên tra, ông kể: "Đêm 14 nước lũ mà dâng cao quá nóc nhà, thực tình tôi không biết phải làm sao". Vợ ông Hồng mất sớm, sống cảnh gà trống nuôi 5 con ăn học, ông tâm sự muốn đóng căn nhà bè để sống chung với lũ nhưng chưa tiết kiệm đủ tiền.
Anh Trương Xuân Hương (38 tuổi, trú thôn 2), cho biết khi lũ tràn vào nhà, trong đêm tối đã phải cõng mẹ là bà Cao Thị Lục lên trên lèn đá lánh tạm. Chiều hôm qua khi nước rút mới dám trở về nhà. "Nhà giờ còn có 2 mẹ con. Sang năm bằng giá nào tôi cũng phải đóng cho được chiếc nhà bè", anh Hương nói và cho biết khi chạy lũ đã băng qua ngầm, hai mẹ con anh đã may mắn thoát nạn.
Phía trong nhà bè cất được nhiều tài sản từ xe máy, đến tivi, gạo, thóc và chỗ ngủ nghỉ cho khoảng 5 đến 7 người. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết địa phương có 668 hộ dân thì 320 hộ đã có nhà bè, giá trị từ 25 đến 30 triệu đồng/căn. "Cũng may lũ năm nay nhiều hộ dân có nhà bè tránh lũ, nếu không thiệt hại về người rất lớn", ông Đá nói và cho biết đã có khoảng 1.500 người dân sống trên các nhà bè trong 2 ngày nước lũ bủa vây.
Ông Đá cho biết, nhà bè là sáng kiến của người dân. Ban đầu, họ làm những bè gỗ, phía dưới có thùng phuy, để bỏ gạo, ngô, xe máy... khi có lũ. Sau thấy ích lợi, dân bắt đầu làm nhà bè. Từ năm 2011, chính quyền đã hỗ trợ người dân làm nhà bè, nhưng được khoảng 17 hộ. Còn lại người dân thấy có ích nên rủ nhau làm.
"Có người còn đi vay ngân hàng để đóng nhà bè. Lũ lên, hộ có nhà bè lại cho những người chưa có lên ở cùng, rất nghĩa tình", ông Đá nói và cho biết do nhiều nhà đóng nhà bè, nên chính quyền xã có nhắc nhở việc đóng đúng kích cỡ, số lượng thùng phuy, tránh nhà bị lật vì mất thăng bằng.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Hy sinh giữa dòng lũ khi giúp sản phụ đi cấp cứu Biết tin chị Thành trở dạ nguy hiểm, anh Thưởng bất chấp dòng lũ thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) đang chảy siết để chuyển phao và đã bị nước cuốn trôi. Ngày 17/10, thi thể anh Đinh Văn Thưởng (35 tuổi) được tìm thấy tại bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Anh Thưởng gặp nạn cách bãi Dinh...