Đưa các dịch vụ thiết yếu lên chính phủ điện tử
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, phấn đấu tháng 11.2019 đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó ưu tiên các dịch vụ thiết yếu với người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp . Ảnh: Quang Hiếu
Hôm qua (23.7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị của Ủy ban Quốc gia chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự.
Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Báo cáo tình hình triển khai xây dựng chính phủ điện tử và hoạt động của ủy ban, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký ủy ban, cho biết đến nay đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai chính phủ điện tử như: trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thủ tục hành chính; giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến thử nghiệm trong tháng 9 này và vận hành chính thức tháng 11.2019. Hiện Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Bộ Tài chính cũng cho biết, đến 20.6.2019 có khoảng 8 triệu hóa đơn được xác thực, số doanh thu là hơn 100.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, CSDL mà ngành đang quản lý là 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tuy nhiên, để CSDL của BHXH trở thành CSDL quốc gia, hệ thống các CSDL của ngành cần được tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa. Hiện nay, dữ liệu của BHXH mới có giá trị nội bộ mà chưa được định nghĩa về nội hàm, đối sánh, kiểm chứng với các lĩnh vực, ngành khác.
Phải lấy người dân làm trung tâm
Video đang HOT
Thủ tướng đánh giá số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp (địa phương đạt tỷ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%) và mục tiêu hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 sẽ khó đạt nếu chúng ta không thúc đẩy quyết liệt. Tiến độ xây dựng CSDL quốc gia làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là CSDL dân cư. Trong khi đó, tình trạng xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua vẫn còn phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng, CSDL khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông…
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng cho được chính phủ điện tử, với mục tiêu là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu chính. “Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí”, Thủ tướng nói.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối
Về cách làm, Thủ tướng đề nghị phải bảo đảm sự thống nhất, kết nối đồng bộ giữa T.Ư và địa phương. Thủ tướng giao Bộ TT-TT chủ trì, đề xuất các nền tảng dùng chung của chính phủ điện tử và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến và cần ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp (như đổi bằng lái xe, sổ khám bệnh, cung cấp điện, nước…).
Theo người đứng đầu Chính phủ, dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và chính phủ điện tử nên Bộ TT-TT cần chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu. Thủ tướng cũng nhắc lại vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính phủ điện tử. “An toàn cần đặt lên hàng đầu. Nếu không an toàn thì chưa làm”, Thủ tướng nói.
Về cách tiếp cận, cách làm chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ. Theo đó, những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ.
Theo Thanhnien
Thủ tướng: Quyết làm cho được Chính phủ điện tử
Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban, cho biết đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.
Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt kết quả.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nói chung cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, tổ chức bộ máy để thực hiện nói riêng.
"Việc rút kinh nghiệm cách làm hay ở các bộ, địa phương là việc cần thiết", Thủ tướng nói. "Cách làm nào tốt nhất, tiết kiệm nhất, an toàn nhất, đạt kết quả tốt nhất để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là câu hỏi lớn đặt ra".
Cùng với tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Thủ tướng đề nghị nêu các giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa trung ương và địa phương. "Nếu không, sau này chúng ta triển khai mà không kết nối được thì rất phức tạp, mô hình khác nhau, cách làm, thiết bị khác nhau là vấn đề rất lớn". Đây là một vướng mắc hiện nay, lần này cần rút ra kinh nghiệm nhằm xử lý đồng bộ để có hệ thống thống nhất.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử. "Ai là người chịu trách kiểm soát vấn đề này". An toàn cần đặt lên hàng đầu, "nếu không an toàn thì chưa làm".
Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.... "Vướng nhất hiện nay là gì thì các đồng chí phát biểu".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử.
Trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết, đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện...
Đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.
Các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị này.
Đức Tuân
Theo Chinhphu
Lần thứ 4 Thủ tướng ra "tối hậu thư" cho các trạm thu phí BOT Bình Phước Văn Phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương rà soát việc điều chỉnh mức phí BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, tại văn bản số 6442/VPCP-CN của Văn Phòng Chính phủ về việc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về hiện trạng các trạm thu phí BOT...