Du xuân khám phá 10 lễ hội đầu năm độc đáo của Việt Nam
Trong tiết trời cuối đông, đầu xuân, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, từ Bắc chí Nam, người dân mỗi vùng miền lại tổ chức lễ hội dựa trên đời sống, sản xuất, văn hoá và những sự tích riêng của họ.
Đó là những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều nguyện cầu, mong ước.
Là lễ hội truyền thống đặc trưng của cộng đồng người Tày, được tổ chức thường niên vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo từng địa phương. Lễ hội là dịp để bà con khắp nơi cầu phúc lộc, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm hạnh phúc. Nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn… được tổ chức trong lễ hội này.
Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi, thần khe, thần suối và thần rồng. Rằng cuộc sống của họ có ấm no, đủ đầy hay không là nhờ các vị thần che chở. Chính vì thế, họ tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân. Lễ vật dâng thần linh tuy mộc mạc nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ và được thực hiện theo nghi thức trang trọng. Mâm lễ vật bên cạnh hoa quả, thịt thì còn có 18 chiếc thuyền giấy màu xanh lá và màu vàng. Màu xanh là tượng trưng cho rừng núi bạt ngàn, màu vàng là những cánh đồng lúa chín trổ bông, hình ảnh của một năm được mùa, no ấm.
Hay còn được gọi là hội Xên bản, Xên mường – một lễ hội của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội được tổ chức vào mùa hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, tức là vào dịp tháng Hai âm lịch. Lễ hội hoa ban được mệnh danh là ngày hội của tình yêu đôi lứa, ngày hội của hạnh phúc gia đình, hội cầu mùa màng tươi tốt, cuộc sống no ấm nơi bản mường, và cũng là dịp để bà con và du khách tham gia các trò chơi, thi tài, hát giao duyên trong những đêm trăng sáng.
Lễ hội cầu an bản Mường
Là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Lễ hội cầu an bản Mường là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm; được gắn với tục làm trâu và tạ thần linh thể hiện qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Lễ hội có nhiều hoạt động liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng hay sức khỏe của cả cộng đồng trong năm diễn ra lễ hội.
Lễ hội chùa Bái Đính
Là một lễ hội xuân, lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư nổi tiếng, diễn ra từ ngày mùng 6 Tết đến hết tháng 3, lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức hàng năm tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.
Vào mùa khai hội, hàng triệu phật tử trong cả nước cùng du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Bái Đính, để cảm nhận được tình yêu thiên nhiên trong ngày hội lịch sử để từ đó hướng về quá khứ dựng nước. Trẩy hội chùa Bái Đính không dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời – cảnh bụt, mà còn là ở sự tiếp xúc, hòa nhập giữa con người trước thiên nhiên rộng lớn một vùng.
Khu di tích đền Gióng bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài Thánh Gióng, chùa Non Nước cùng các lăng bia đá ghi lại chi tiết về lịch sử và lễ hội đền Sóc. Năm 2011, hội Gióng đã vinh dự đón nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận.
Lễ hội đền Gióng được khai hội ngày 6/1 âm lịch hàng năm và tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết, vùng đất này là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi cởi bỏ áo giáp bay về trời. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách quốc tế.
Video đang HOT
Lễ hội cầu Ngư
Là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ba năm một lần làng lại tổ chức đại lễ rất linh đình.
Lễ hội để tưởng nhớ Trương Quý Công (biệt danh là Trương Thiều) – vị thành hoàng của làng. Ông là người gốc Thanh Hoá, đã có công dạy cho dân nghèo cách đánh cá và buôn bán ghe mành.
Lễ hội cầu Ngư có các trò chơi mô tả cảnh sinh hoạt của nghề đánh cá, đặc sắc là hình ảnh “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.
Hội chùa Keo
Là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam, chùa Keo nằm tại địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Gác chuông của chùa Keo cũng là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo hiếm có giữa màu xanh bạt ngàn của vùng quê lúa Thái Bình.
Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng ghé thăm. Lễ hội được tổ chức 2 kỳ trong năm: Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán còn Hội thu được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9.
Ngoài lễ Phật, hội chùa Keo còn có các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp như các trò thi bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
Lễ hội Dinh Cô
Là một khu đền có kiến trúc khá hoành tráng nằm hai bên bờ biển Long Hải (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là nơi thờ một cô gái giàu lòng nhân ái, bị nạn sau một lần đi biển. Hàng năm, lễ hội Dinh Cô kéo dài 2 ngày từ 10 đến 12 tháng Hai âm lịch, được ngư dân Long Hải tổ chức theo nghi thức cổ truyền.
Các vị cao niên (chủ lễ) thường mặc lễ phục trang nghiêm và có những lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Sau đó, bắt đầu lễ nghinh Cô ngoài biển với những thuyền hoa lộng lẫy.
Lễ hội Núi Bà Đen
Phương Nam ấm áp trong dịp đầu xuân, người dân lại rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc. Đặc biệt, trong ngày Rằm tháng Giêng, miếu thờ bà hầu như chật cứng người đến hành hương, bái lễ kết hợp với thăm thú phong cảnh. Đây là điểm du lịch linh thiêng mà người dân tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đổ về rất đông.
Từ chân núi đi lên, rất nhiều chùa chiền, miếu, hang động và tượng như Điện Bà, Chùa Phật, Động Thanh Long, Động Huyền Môn, Động Kim Quang, Hang Gió, Tháp Tổ nhưng Điện Bà là đông nhất, quanh năm nhang khói nghi ngút.
Điện Bà nằm ở lưng chừng núi với bức tượng Bà được tạc bằng đồng đen, khoác trên mình y phục lộng lẫy và trang sức lấp lánh. Leo bộ lên núi viếng Bà là cách mà người dân thể hiện lòng sùng kính. Bên trong điện lúc nào cũng mát rượi dù cho bên ngoài có nắng nóng thế nào. Với những thương nhân, họ quan niệm rằng đầu năm đến viếng và “vay mượn” Bà, nhờ vìa Bà, lộc Bà, cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà đi trả lễ, tạ ơn Bà.
Theo vietravel
Sức quyến rũ của phố cổ Hội An - Nơi thời gian ngưng đọng
Mặc cho không gian và thời gian chuyển dời, phố cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất, những quần thể di tích được gìn giữ nguyên vẹn cùng với một nền tảng văn hóa phi vật thể đồ sộ.
Không gian và thời gian Hội An đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. (Ảnh: TTXVN)
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam.
Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn 1.360 di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ...
Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hóa với các nước phương Đông và phương Tây.
Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ.
Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm...
Vẻ đẹp lắng đọng thời gian
Quá trình giao lưu kinh tế-văn hóa trong mấy trăm năm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đã tạo cho Đô thị cổ Hội An có được hầu hết các loại hình kiến trúc cổ của Việt Nam, hội tụ được các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống và làm phong phú thêm bằng những tố chất thích hợp của nghệ thuật nước ngoài.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ 19, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn nhiều.
Kiến trúc cổ thể hiện rõ nhất ở khu phố cổ. Nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, khu phố cổ có diện tích khoảng 2km2, tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An.
Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Địa hình khu phố cổ có dạng nghiêng dần từ bắc xuống nam.
Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống như gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng.
Du khách dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi, trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ...
Nơi đây hẳn đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hóa khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc.
Cho đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn là môi trường sinh sống của hàng ngàn người, đã mang ý nghĩa một bảo tàng sống về kiến trúc, về lối sống đô thị.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo được gìn giữ nguyên vẹn qua nhiều thập kỷ.
Ngày 4/12/1999, tại thành phố Marrakech của Maroc, phiên họp lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã chính thức ghi danh Đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới do đáp ứng được hai tiêu chí gồm:
Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Xứ sở của những lễ hội truyền thống
Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc; là cái nôi truyền bá Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Đàng Trong-Việt Nam; là một trong hai cái nôi (cùng Kinh Kỳ-Hà Nội) ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ 17; là điểm gặp gỡ, giao thoa các nền văn minh Chăm-Việt-Hoa-Nhật-Ấn và các nước phương Tây.
Một góc Phố cổ Hội An về đêm. (Ảnh: TTXVN)
Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn trải qua quá trình chọn lọc, tiếp biến để rồi định hình sắc thái riêng rất độc đáo của kho tàng văn hóa phi vật thể Hội An; giữ vai trò dòng chủ lưu là hệ thống các phong tục tập quán-tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Việt và cộng đồng cư dân gốc Hoa.
Gần như quanh năm bốn mùa, Hội An đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, gồm các lễ hội của cư dân sông nước như: lễ hội cầu ngư-tế Cá Ông-đua thuyền; lễ hội vía Tài Thần, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Đầu Công, Lục Tánh Vương Gia; Lễ cầu bông, long chu, xô cộ...
Ngoài ra còn có các lễ hội tế Xuân, tế Tổ nghề Mộc-nghề May-nghề Gốm-nghề khai thác Yến sào...
Không khí lễ hội truyền thống ở Hội An luôn có một nét thu hút riêng. Người ta thích thú được tận mắt chiêm ngưỡng những lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm các tổ sư ngành nghề, kỷ niệm các bậc thánh nhân hay các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo.
Đặc biệt vào đêm 14 âm lịch hằng tháng, Lễ hội đêm Rằm phố cổ được diễn ra trong không gian bàng bạc ánh Trăng và lung linh ánh sáng của đèn lồng. Hội An lúc này mang một vẻ đẹp thơ mộng kỳ ảo, lãng mạn và đầy hoài niệm.
Không có ánh sáng của đèn điện, chỉ có ánh Trăng tỏa sáng trên phố cổ. Ánh Trăng làm cho Hội An đẹp hơn, phảng phất nhiều hơn nữa cái phong vị của ngày xưa cũ khiến bất kỳ ai cũng thấy tâm hồn lắng dịu.
Du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, đánh bài chòi, hò khoan, hò giã gạo, thi đấu cờ tường và được nhiều người ưa thích hơn cả là thả hoa đăng. Hoa đăng lung linh mang theo những tâm tình, những phiền muộn của con người trôi theo dòng nước chảy.
Sức quyến rũ của Di sản
Theo thống kê, Hội An có 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu.
Mặc cho không gian và thời gian cứ chuyển dời, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất.
Đó như một nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An. Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng và đều góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của đô thị cổ Hội An.
Trong đó, hạt nhân cơ bản là quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ được xem như một "bảo tàng sống," bởi từ bao đời nay thị dân Hội An vẫn "sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ."
Cuộc sống đời thường của thị dân Hội An diễn ra trong lòng phố cổ; từng công trình kiến trúc cổ đều in đậm, hằn sâu nếp sống, lối sống văn hóa đặc trưng của con người Hội An.
Mô hình chung trong kiến trúc các ngôi nhà này thường theo kiểu hình ống được nối với nhau bằng nhiều nếp chạy dài từ phố này sang phố khác.
Mặt tiền hẹp thường là nơi buôn bán, giữa có sân, nhà sau là nơi chứa hàng và sinh hoạt, cuối cùng là cửa sau thông ra đường phố hoặc bờ sông.
Nhà được kết cấu khung gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch hoặc đá. Cửa trước đều có đôi mắt cửa, đó là hai cái núm gỗ tròn chạm hình âm dương, bát quái hay mặt hổ, rồng. Trang trí nội thất trong nhà rất cầu kỳ và đẹp mắt.
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể khá đồ sộ.
Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Với những giá trị đó, Hội An không chỉ vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, mà còn nhiều lần được các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới vinh danh.
CNN (mạng truyền hình cáp nổi tiếng của Mỹ), cũng hết lời ca ngợi Hội An là một trong những phố cổ đẹp nhất của Đông Nam Á.
Gần đây nhất, tháng 7/2019, với số điểm cao nhất 90.39 điểm, Hội An được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel and Leisure bầu chọn là thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019.
Hội An cũng là điểm du lịch Việt Nam đầu tiên được Google Doodle vinh danh trên trang chủ./.
Theo vietnamplus.vn
Những đất nước đẹp nhất để du lịch dịp Tết nguyên đán 2020 Một năm bạn đã trải qua những bộn bề của công việc, gia đình, sức khỏe... và chắc chắn khi dịp nghỉ Tết đến không phải là lúc bạn nên gánh thêm những âu lo đó nữa. Hãy nhẹ nhàng tìm 1 chuyến đi để bạn "làm lành" cho tinh thần đang "thiếu năng lượng" của mình. Không nên tiếp tục là những...