Dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm kỷ lục vì nhân dân tệ
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vừa giảm 93,9 tỉ USD – kỷ lục trong vòng một tháng – sau nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chặn đà rơi của đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán.
Trung Quốc vừa công bố số liệu dự trữ ngoại hối giảm kỷ lục – Ảnh: Reuters
Reuters và Bloomberg dẫn số liệu từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho hay, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 93,9 tỉ USD trong tháng 8, xuống còn 3.557 tỉ USD.
93,9 tỉ USD là mức hao hụt hằng tháng lớn kỷ lục của Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của nước này suy giảm nhanh hơn sau khi Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ gần 2% vào ngày 11.8, khiến đồng nội tệ chạm đáy trong vòng 21 năm trở lại đây.
Báo cáo về độ hao hụt của dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới đặt ra nghi vấn về sức bền vững của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giữ vững tỷ giá nhân dân tệ, trong tình hình vốn thoái hiện tại vì các lo ngại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm lại và khả năng Mỹ tăng lãi suất.
Zhou Hao, chuyên gia tại ngân hàng Commerzbank ở Singapore nhận định: “Thường xuyên can thiệp sẽ khiến dự trữ ngoại hối hao hụt nhanh chóng và thắt chặt thanh khoản thị trường nội địa”.
Video đang HOT
Li Jie, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu ngoại hối của Đại học Tài chính và Kinh tế Bắc Kinh cho hay: “PBOC sẽ không để dự trữ ngoại hối hao hụt đến 100 tỉ USD mỗi tháng. Nếu thị trường muốn nhân dân tệ tiếp tục hạ giá, PBOC có thể sẽ để điều này xảy ra và giảm cường độ can thiệp”.
Trước đó, các chuyên gia được Bloomberg khảo sát cho rằng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ còn lại khoảng 3.580 tỉ USD.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần sau khi PBOC mua vào USD, kìm đà tăng giá của nhân dân tệ trong lúc thặng dư thương mại ngày càng tăng. PBOC khi đó liên tiếp nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo dự trữ tăng lên sẽ không gây ra áp lực lạm phát.
Hiện tại, động thái trên có xu hướng đảo ngược khi PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các chuyên gia tài chính cho rằng tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm tốc.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Chứng khoán Trung Quốc sẽ lao dốc trở lại?
Theo Bank of America Corp, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ không kéo dài được lâu bởi vì sự can thiệp thị trường của chính quyền Bắc Kinh quá tốn kém để tiếp tục và giá trị của nó không phù hợp với nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh sẽ vực dậy được thị trường chứng khoán của nước này? - Ảnh: Reuters
David Cui, nhà chiến lược chuyên về chứng khoán Trung Quốc của Bank of America ở Singapore, cho rằng "ngay khi mọi người cảm thấy chính quyền Bắc Kinh bỏ can thiệp trực tiếp thị trường sẽ có vô số nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu trở lại. Chỉ số Shanghai Composite cần phải giảm thêm 35% nữa mới mong thu hút nhà đầu tư trở lại".
Trong bài viết trên trang The Street, tác giả Garrett Patten cho rằng dựa vào cấu trúc suy giảm trong thời gian gần đây, dường như thị trường chứng khoán Trung Quốc cần giảm thêm nữa trước khi tìm được "đáy".
Trong khi đó, theo Bloomberg, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Trung Quốc được định giá trung bình gấp 50 lần báo cáo thu nhập.
Chỉ số Shanghai Composite đã tăng mạnh liên tiếp trong 2 ngày thứ năm và thứ sáu vừa qua giữa lúc có những đồn đoán chính quyền Bắc Kinh đang hỗ trợ chứng khoán nhằm bình ổn thị trường đến trước khi diễn ra lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2 vào ngày 3.9.
Kết thúc phiên giao dịch vào ngày thứ sáu (28.8) chỉ số Shanghai Composite tăng 4,8%, một ngày trước đó chỉ số này cũng đã tăng 5,3%.
David Cui cho rằng có lẽ Tập đoàn tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSFC), cơ quan nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ giá cổ phiếu, sẽ kết thúc việc mua cổ phiếu trực tiếp trên thị trường trong vòng một hoặc hai tháng tới.
"Nếu chính quyền Bắc Kinh quyết liệt hỗ trợ thị trường chứng khoán thì sẽ có nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đồng nhân dân tệ, tăng trưởng kinh tế và bong bóng tài sản", ông David Cui cho biết.
Hiện tại những gì xảy ra với thị trường chứng khoán Trung Quốc đều được các nhà đầu tư toàn cầu theo dõi sát sao. Trước sự trượt dốc của thị trường chứng khoán chính quyền Bắc Kinh cũng đã làm mọi thứ để ổn định và giúp đỡ thị trường, tuy nhiên cho đến nay kết quả đã không được như ý. Không ít nhà đầu tư toàn cầu đã đặt ra câu hỏi liệu những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh sẽ thành công hay đó sẽ là nguyên nhân gây thiệt hại hơn nữa?
Lê Uyên
Theo Thanhnien
Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc: Bắc Kinh nên thôi 'ảo tưởng' về tăng trưởng kinh tế Người Hoa giàu nhất thế giới Vương Kiện Lâm vừa lên tiếng cho rằng Bắc Kinh cần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước, thôi ảo tưởng và "đối mặt" với thực tế. Tỉ phú Vương Kiện Lâm - Ảnh: Bloomberg Theo South China Morning Post hôm 28.8, ông Vương Kiện Lâm, người Hoa giàu nhất thế giới vừa lên...