Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD: Con số này nói lên điều gì?
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết 31/10 lên đến hơn 73 tỷ USD. Con số ấn tượng này nói lên điều gì?
Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD cũng mới chỉ tương đương với khoảng hơn 14 tuần nhập khẩu. Ảnh: Nhật Minh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, dù nhiều áp lực từ diễn biến trên thị trường quốc tế (đồng tiền Trung Quốc giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung…), nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
73 tỷ USD
NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, bổ sung, dự trữ ngoại hối đã lên tới 73 tỷ USD.
Với con số 73 tỷ USD, ước tính NHNN đã mua thêm hơn 6,6 tỷ USD kể từ tháng 7 đến nay. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối trong giai đoạn này, thì giá USD có xu hướng đi xuống so với tiền đồng, theo đó NHNN có thể đã mua vào với mức giá
phù hợp.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, xuất siêu trong 8 tháng đầu năm nay cao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 8 tháng cũng đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối từ ngày 14/1/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết gần đây cũng giúp thúc đẩy vốn đầu tư đổ vào Việt Nam để tận dụng những điều khoản ưu đãi dành cho các thành viên.
Video đang HOT
Với vốn đầu tư gián tiếp, lộ trình cổ phần hóa hay thoái vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam thu về lượng ngoại tệ lớn. Đầu năm nay, ngân hàng Vietcombank bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài thu về gần 6.200 tỷ đồng (xấp xỉ 270 triệu USD); tập đoàn Vingroup gần đây cũng bán thành công 15% cổ phần cho tập đoàn SK Hàn Quốc thu về 1 tỷ USD; thương vụ bán 15% cổ phần của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) thu về 885 triệu USD đã hoàn thành và sẽ được công bố đầu tuần tới.
Vẫn cần kịch bản đối phó
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo NHNN khẳng định, từ đầu năm đến nay, điều hành tỉ giá của cơ quan này luôn bám rất sát mục tiêu, đồng thời rất linh hoạt. Với lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục, đây là tín hiệu đáng mừng giúp nhà điều hành có thêm nguồn lực để điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn, có thể can thiệp khi cần thiết để điều tiết tỷ giá theo mục tiêu đề ra. “Hiện tại, tỷ giá trung tâm so với đầu năm nay chỉ mới tăng hơn 1,3%, còn cách khá xa mục tiêu 2%, thậm chí trên thị trường phi chính thức, tiền đồng còn có xu hướng tăng giá so với USD trong hai tháng trở lại đây”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Tuy nhiên, thông thường, áp lực tỷ giá sẽ ngày càng tăng mạnh về cuối năm. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản và nguồn lực để đối phó ngay từ lúc này không bao giờ là thừa. Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD cũng chỉ tương đương hơn 14 tuần nhập khẩu. Con số này đủ ở mức an toàn theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, sau khi Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý 3, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng. Tính đến ngày 30/9, tỷ giá trung tâm mới tăng khoảng 0,4% so với cuối quý II/2019. Mức thay đổi tỷ giá ngày một thấp hơn khi quý IV/2018 tăng 1,8%. “Nên giữ tỷ giá ổn định ở mức hiện nay, chúng ta không nên phá giá theo đồng nhân dân tệ để cạnh tranh thương mại, bởi rất rủi ro dẫn đến phản ứng tiêu cực từ chính phủ Mỹ”, VEPR lưu ý.
Theo Dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Dự trữ ngoại hối chỉ là thước đo sức khỏe của nền kinh tế và là câu chuyện quan hệ của tỷ giá. Quan trọng là cần xây dựng VND thành đồng tiền chuyển đổi trong quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia”. Ông Trương Văn Phước- nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
KHÁNH HUYỀN
Theo tienphong.vn
Tiền nhiều, lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 15 tháng
Nguồn cung dồi dào khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thấp, chạm mức đáy trong vòng 15 tháng, trước khi bật tăng trở lại do nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng.
Tiền nhiều, lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 15 tháng
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 28/10 đến 1/11 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, số dư tín phiếu giảm về 52 nghìn tỷ đồng, kênh thị trường mở (OMO) vẫn không phát sinh giao dịch mới, số dư duy trì bằng 0.
"Nguồn cung dồi dào khiến cho lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm thấp, chạm mức đáy trong vòng 15 tháng trở lại đây vào ngày 31/10/2019, trước khi tăng khoảng 0,2 điểm% vào 1/11/2019, lên mức 1,85%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,13%/năm với kỳ hạn 1 tuần do nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng", chuyên gia của SSI cho biết.
SSI thông tin thêm, lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa trong 2 tháng trở lại đây và dự báo sẽ duy trì ở vùng hiện tại, thậm chí đà giảm vẫn còn nếu NHNN tiếp tục giảm các lãi suất điều hành.
Trong một diễn biến mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa giảm lãi suất thêm 0,25 điểm%, về 1,5%-1,75%/năm kéo theo 10 ngân hàng trung ương khác cũng cắt giảm lãi suất, trong đó hầu hết là cắt giảm lần thứ 3 trong năm 2019.
Mặc dù, các lãi suất điều hành của Việt Nam vừa được giảm 0,25 điểm% vào tháng trước nhưng hiện tại vẫn ở mức khá cao, lãi suất OMO là 4,5%/năm và tín phiếu là 2,25%/năm. Trong khi đó, lãi suất tín phiếu đã cao hơn lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong cả tháng vừa qua.
"Với việc tỷ giá và lạm phát đang được kiểm soát tốt, chúng tôi nghiêng về khả năng lãi suất điều hành (tín phiếu) sẽ được giảm thêm 0,25 điểm% trong thời gian còn lại của năm 2019", SSI nêu quan điểm.
Tuy vậy, lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành hay diễn biến trên thị trường liên ngân hàng mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm, cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ 2020.
Ngoại trừ 2 trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,3 điểm%, kể cả với kỳ hạn dài 12-13 tháng, hầu hết lãi suất huy động các ngân hàng đều đi ngang. Một số ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ tiếp tục huy động kỳ hạn trên 13 tháng ở mức lãi suất 8,2-8,5%/năm hoặc đẩy mạnh huy động qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên với lãi suất 9-10%/năm.
Mức lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Về tỷ giá, tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND đi ngang trong cả tuần, giữ ở mức 23.115/ 23.265 trên ngân hàng và 23.185/23.210 trên thị trường tự do. Tỷ giá trung tâm giảm 17 VND, về mức 23.138 VND/USD.
Trong tuần vẫn ghi nhận giao dịch bán ngoại tệ về NHNN, ghi nhận 4 tháng liên tiếp NHNN mua vào ngoại tệ, lượng mua khá lớn nhưng vẫn thấp hơn so với 4 tháng đầu năm.
"Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, 73 tỷ USD và kỳ vọng còn có thể tăng thêm nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng hiện tại", chuyên gia của SSI nhận định.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục giảm Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy, dự kiến đến cuối năm 2019, các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tuc xu hướng giảm của năm 2018. Theo đó, nợ công của Việt Nam ở mức 56,1% GDP, tiếp tục giảm so với năm 2018 ( nợ...