Dự thảo: Tập đoàn Nhà nước, doanh nghiệp niêm yết bắt buộc lập báo cáo tài chính theo IFRS từ sau 2025
Bộ Tài chính vừa gửi xin ý kiến dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam (IFRS).
Đề án nhằm hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công trong các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo nội dung của dự thảo, việc triển khai Đề án IFRS được trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025; Giai đoạn 2 từ sau năm 2025.
Từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…
Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025: Áp dụng IFRS tự nguyện
Đối với BCTC hợp nhất, một số doanh nghiệp từ nhóm các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc do Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất như: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác có nhu cầu và nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS.
Đối với BCTC riêng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC riêng. Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tự nguyện hoặc được lựa chọn áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC riêng sẽ không phải lập BCTC theo VAS.
Giai đoạn 2 từ sau năm 2025: Doanh nghiệp niêm yết bắt buộc lập BCTC theo IFRS
Đối với BCTC hợp nhất, doanh nghiệp bắt buộc lập BCTC hợp nhất theo IFRS, gồm tất cả các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; Tất cả các công ty niêm yết; Các công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc nêu trên được khuyến khích tự nguyện áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất.
Trên cơ sở đánh giá kết quả áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế để quy định thời điểm và lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
Video đang HOT
Đối với BCTC riêng, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc được Bộ Tài chính lựa chọn áp dụng IFRS để lập BCTC riêng như Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Các doanh nghiệp khác có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp bắt buộc hoặc tự nguyện lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC riêng theo IFRS sẽ không phải lập BCTC hợp nhất theo VAS.
Nhu cầu cấp thiết áp dụng chuẩn IFRS khi lập BCTC
Theo Bộ Tài chính, mặc dù đã có những đóng góp to lớn trong giai đoạn trước đây nhưng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện nay đã trở nên lạc hậu so với mặt bằng chung thế giới do chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật. Vì vậy, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế trong việc đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như việc tiếp cận với thông lệ quốc tế. Trong khi đó, khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI có nhu cầu áp dụng IFRS do yêu cầu từ các nhà đầu tư, hợp nhất báo cáo công ty mẹ ở nước ngoài, cung cấp thông tin cho chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi BCTC theo IFRS.
Lợi ích của việc áp dụng IFRS đối với Việt Nam
Ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán – Kiểm toán
Theo cổng thông tin Bộ Tài chính, ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán – Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ giúp (i) nâng cao chất lượng BCTC theo hướng tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh với chuẩn mực quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế, (ii) tạo điều kiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do các DN FDI sẽ giảm bớt chi phí chuyển đổi báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang báo cáo tài chính theo IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài, (iii) giúp các tổ chức quốc tế có thêm căn cứ để công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính.
Tâm An
Theo Trí thức trẻ
Tái diễn chênh lệch lớn giữa lợi nhuận trước và sau kiểm toán
Mùa công bố báo cáo kiểm toán 2018 tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp có sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán.
Điệp khúc chênh lệch số liệu
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018 của Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS (GAS) ghi nhận khoản chênh lệch lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 646 tỷ đồng so với báo cáo doanh nghiệp tự lập.
Giải trình về điều này, PV GAS cho biết, ngày 20/1/2019, Tổng công ty đã khoá sổ, lập và công bố báo cáo tài chính năm 2018, trong đó nhiệt trị khí Cửu Long để tính toán số tiền GAS phải trả cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là số liệu tạm tính.
Sau đó, GAS và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm việc và thống nhất sẽ ký kết bổ sung một số hợp đồng mua bán khí Cửu Long để cập nhật số liệu về nhiệt trị khí Cửu Long, đảm bảo phù hợp với thực tế đã giao nhận. Căn cứ vào thông báo ngày 6/3/2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 8/3, GAS đã chính xác hóa chi phí mua khí Cửu Long từ Tập đoàn, dẫn đến giá vốn tăng lên, lợi nhuận sau thuế giảm xuống.
Trong số doanh nghiệp có chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán trong mùa công bố báo cáo kiểm toán năm nay, có cái tên khá quen thuộc: CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Nói là quen thuộc bởi TTF từng bị kiểm toán điều chỉnh giá vốn thêm 980 tỷ đồng trên báo cáo tài chính bán niên 2016 khi phát hiện thiếu hụt số lượng hàng tồn kho với giá trị tương đương, khiến khoản mục lợi nhuận phải ghi nhận con số âm hơn 1.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, năm nào, báo cáo tài chính của TTF cũng bị kiểm toán điều chỉnh lại số liệu lợi nhuận.
Với báo cáo tài chính 2018 của TTF, kiểm toán viên đã điều chỉnh tăng khoản lỗ từ 737,3 tỷ đồng lên thành 804,7 tỷ đồng. Nguyên nhân là các chỉ tiêu doanh thu tài chính và các chi phí có sự thay đổi lớn.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 10,76%. Theo TTF, do Công ty chưa điều chỉnh lãi phát sinh từ việc giải thể các công ty con là 3,6 tỷ đồng, lãi thanh lý khoản đầu tư là 1,8 tỷ đồng và điều chỉnh bổ sung loại trừ giao dịch nội bộ đối với khoản lãi phát sinh từ các khoản phải thu cho vay các công ty con là 10,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nếu chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí khác lần lượt giảm 32,9%, 1,8% và 80% với giá trị giảm tổng cộng hơn 99 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại được điều chỉnh tăng thêm 95 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,39%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp của TTF tăng chủ yếu là do Công ty phải bổ sung trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi là 77 tỷ đồng, phân loại chi phí xóa số công nợ phải thu CTCP Nông lâm nghiệp Trường Thành đã giải thể vào chi phí quản lý doanh nghiệp là 10,4 tỷ đồng và phân loại lại khoản công nợ phải trả của CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Trường Thành Đắk Nông tại ngày hoàn tất thủ tục giải thể vào khoản mục thu nhập khác là 7,6 tỷ đồng.
Với những chỉ tiêu được điều chỉnh này, vốn chủ sở hữu của TTF đã giảm từ 828 tỷ đồng đầu năm 2018 xuống còn 19,7 tỷ đồng vào cuối năm, lỗ lũy kế lên tới 2.122 tỷ đồng.
Bên cạnh những trường hợp chênh lệch theo hướng giảm lãi như GAS, CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS), CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET), hoặc tăng lỗ như TTF, CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG), CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA), trong mùa công bố báo cáo kiểm toán 2018, cũng có không ít doanh nghiệp đang có lãi bỗng chốc thành lỗ như CTCP Thương mại Hà Tây (HTT), CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS), CTCP Viglecera Từ Sơn (VTS), CTCP Vinaconex 21 (V21), CTCP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (FDC), CTCP Tập đoàn Đại Châu (DCS)...
Tại DCS, sau năm 2017 thua lỗ, cổ đông hồ hởi trước thông tin Công ty đạt lợi nhuận hơn 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau kiểm toán, khoản lợi nhuận này biến thành lỗ hơn 715 triệu đồng.
Không chỉ vậy, phía kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của DCS do chưa thu thập được báo cáo tài chính của công ty liên kết là CTCP Xuân Minh SĐ Thanh Hoa để làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn. DCS cũng lấy tiền tạm ứng thực hiện dự án Phú Thượng để cho các tổ chức, cá nhân vay và không thực hiện tính lãi phải thu.
Trong giải trình của mình, DCS chỉ cho biết hiện trạng khó khăn và chưa kịp xử lý báo cáo tài chính của Công ty Thanh Hoa, mà không đề cập tới việc cho vay không lãi của doanh nghiệp.
Do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, HNX cho biết, cổ phiếu DCS nằm trong trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định.
Chuyên gia nói gì?
Việc chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán trên thị trường chứng khoán, dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập.
Theo ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, hiện nay hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đang tồn tại khá nhiều điểm bất cập, chất lượng báo cáo tài chính theo đó có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, từ góc nhìn của công ty kiểm toán, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst&Young Việt Nam cho biết: "Tính tự giác tuân thủ các quy định về lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Một số doanh nghiệp lập các báo cáo vì quy định như thế, thay vì nghĩ thấu đáo là nhà đầu tư cần những thông tin gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào".
Rõ ràng, việc doanh nghiệp có những sai sót trên báo cáo tài chính, dù xuất phát từ sự vô tình hay cố ý của người chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính, đều gây biến động tới giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Cái mất lớn hơn đó là niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp, sự bền vững của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chỉ mới có quy định về xử phạt các công ty chậm công bố báo cáo tài chính, mà chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các doanh nghiệp liên tục có sai lệch về số liệu trước và sau kiểm toán.
Giám sát chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết là một trong những nội dung công việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện trong Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng tới năm 2025.
Nguyên Minh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Lãnh đạo ACB sẽ nhận thù lao gần 2,5 tỷ đồng năm 2019 Mức thù lao bình quân mà ACB chi cho các thành viên HĐQT và BKS năm 2018 là gần 1,8 tỷ đồng. Năm nay số này sẽ tăng lên 2,5 tỷ nếu kết quả kinh doanh của ngân hàng đạt kế hoạch. Trong khi lương, thưởng của nhân viên ngành ngân hàng tăng mạnh trong những năm gần đây thì thu nhập của...