Dự thảo nghị quyết của Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại ‘thay vì quân sự’
Các nguồn tin ngoại giao ngày 10/10 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đang xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giải pháp ngoại giao.
Đề xuất của Mỹ được đưa ra trong bối c ảnh chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Bắc Syria đã bước sang ngày thứ 3, gây nhiều người thương vong và khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Việc xem xét đề xuất của Mỹ được tiến hành sau một phiên họp khẩn của HĐBA cùng ngày, trong đó 5 nước châu Âu là thành viên Hội đồng đã không thể thuyết phục 10 thành viên còn lại thông qua một tuyên bố chung kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria.
Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Ba Lan đã buộc phải ra tuyên bố riêng của mình, trong khi Mỹ soạn thảo một tuyên bố khác cũng khẳng định quan điểm không ủng hộ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Video đang HOT
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển gần thị trấn Akcakale thuộc tỉnh Sanliurfa, hướng về phía Syria ngày 9/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự thảo tuyên bố của Washington bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tình hình, song không đề nghị Ankara ngừng chiến dịch. Văn kiện này kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên sử dụng các kênh ngoại giao “thay vì quân sự” để đạt mục đích của mình, đồng thời kêu gọi bảo vệ dân thường và nhấn mạnh rằng việc hồi hương người tị nạn phải dựa trên cơ sở tự nguyện.
Theo các nhà ngoại giao, cuộc thảo luận về đề xuất của Mỹ tại HĐBA sẽ được mở từ 21h00 ngày 11/10 giờ Hà Nội sau khi Đại sứ Nga đề nghị có thêm thời gian tham vấn Moskva. Sau đó, văn kiện này sẽ có thể được đưa ra bỏ phiếu hoặc có thể bị gạt đi.
Đề xuất của Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump gợi ý khả năng Mỹ làm trung gian cho cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd và chỉ thị các nhà ngoại giao Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn.
Theo các số liệu cập nhật, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR- có trụ sở tại Anh) cho biết ít nhất 29 tay súng và 10 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 tay súng người Kurd thiệt mạng. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người ở Syria đã phải đi sơ tán.
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria, và làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Bích Liên (TTXVN)
Hệ quả từ chiến dịch cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Đông Bắc Syria
Thổ Nhĩ Kỹ đã tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở miền Đông Bắc Syria với lý do nhằm loại bỏ lực lượng người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố và ly khai.
Đây dường như là điều không thể tránh khỏi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc rút binh lính Mỹ khỏi Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào biên giới Syria.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh (SOHR) cho biết 16 thành viên của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã bị thiệt mạng trong vài giờ đầu nổ ra cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ đã đưa những phần tử IS nguy hiểm nhất ra khỏi Syria và đang giam giữ tại nhiều địa điểm khác nhau, song SDF cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung phá hoại mọi nỗ lực thành công và thành quả mà lực lượng này đã giành được trong cuộc đấu tranh chống IS. Thế giới đã đồng loạt lên án vụ tấn công, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab đều thông báo sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề này.
Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ "kiềm chế", đồng thời cảnh báo rằng không nên đẩy cuộc chiến chống IS vào tình trạng nguy hiểm. Còn Tổng thống Trump cảnh báo rằng nếu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không được thực hiện "theo cách nhân đạo", ông sẽ "xóa sổ" nền kinh tế của đất nước này. Các thành viên đảng Dân chủ cũng đã đồng loạt chỉ trích Trump về việc bỏ rơi các đồng minh, trong khi một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng ở Mỹ đã đề xuất một dự luật phong tỏa toàn bộ tài sản của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, trong đó có cả ông Erdogan, và áp đặt các biện pháp trưng phạt nhằm vào các thực thể làm ăn với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi Ankara rút khỏi Syria.
Gonul Tol, Giám đốc phụ trách chương trình liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông ở Washington, cho rằng Erdogan đang có những tính toán trước hết là vì tình hình nội bộ trong nước, đặc biệt là sau khi đảng của ông thất bại bẽ mặt trong các cuộc bầu cử địa phương ở Istanbul. Erdogan tuyên bố các lực lượng người Kurd có liên hệ với các tay súng li khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và gắn cho họ cái mác "khủng bố". Ông cũng đang hy vọng sẽ đưa được khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước. Bà Tol nói: "Nếu Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, động thái này sẽ đẩy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ xuống một mức thấp mới, và đó sẽ là tin xấu đối với Erdogan bởi nền kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông ta". Bà nhận định Tổng thống Erodgan đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với Tổng thống Trump, song đây không phải là một quyết định khôn ngoan bởi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không tính đến đến vai trò mà Quốc hội và các thể chế khác ở Mỹ đang đảm nhận.
Nicholas Danforth, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ của Quỹ Marshall, cho rằng Erdogan dường như cảm thấy ông ấy rảnh tay hơn khi Trump luôn đưa ra những tuyên bố mập mờ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đột ngột thay đổi thái độ. Nếu Erdogan vượt qua lằn ranh đỏ mà Trump đặt ra, các biện pháp trừng phạt vẫn có thể đột nhiên xuất hiện.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những hoạt động quân sự gây đe dọa đến người Kurd ở Syria có thể mở đường cho một thỏa thuận do Nga làm trung gian giữa Damacus, Ankara và người Kurd. Tiến sĩ Kerim Has, một nhà phân tích về quan hệ Nga-Thổ, đánh giá việc Mỹ "nhắm mắt làm ngơ" trước một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ có thể sẽ làm thỏa mãn mục đích của Nga. Thứ nhất, điều này có thể làm sâu sắc cuộc khủng hoảng an ninh Mỹ-Thổ sau khi Ankara mua lại các hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Nếu sự rạn nứt giữa lan rộng, Moskva có thể hiện thực hóa mục đích gia tăng sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga trong sự hợp tác quân sự-kỹ thuật. Thứ hai, theo ông Has, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Đông Bắc Syria có thể thúc đẩy người Kurd tiến tới một thỏa thuận với Damacus. Nếu điều này xảy ra, Nga sẽ đóng vai trò trung gian giữa người Kurd và chế độ Assad.
Đ.A
Theo baohaiquan
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria : Hàng chục người chết, hàng chục nghìn người phải di tản Chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải di tản. Chiến dịch quân sự mang tên "Mùa xuân Hòa bình" được Thổ Nhĩ Kỳ khởi phát chiều 9/10 nhằm "dọn sạch" những kẻ khủng bố IS và Lực lượng Dân chủ Syria do...