Dự phòng cao, nhiều ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ
Dù dự phòng rủi ro tăng cao do các ngân hàng phải đẩy mạnh bán n ợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC), song tín dụng tăng trưởng và việc xử lý, thu hồi nợ dần cải thiện đã đóng góp phần nào vào lợi nhuận của các ngân hàng.
Sau 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt hơn 1.092 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn cho hay, kết thúc tháng 9/2015, ACB đạt hơn 1.029 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng rủi ro). Những yếu tố tác động tích cực đến kết quả hoạt động của ACB trong 3 quý đầu năm là tăng trưởng tín dụng được cải thiện, lãi suất giảm dần về mức hợp lý 7,5 – 8%/năm cho các khoản vay mới, tiến trình xử lý thu hồi nợ xấu tốt hơn.
Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng ACB tăng 12,8%, huy động vốn tăng hơn 8%, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.092 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng rủi ro). ACB tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng) năm 2015 ở mức 1.314 tỷ đồng.
Về nợ xấu, ACB đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1,7% tính đến cuối tháng 9/2015. Cụ thể, ACB đã xử lý thu hồi nợ được 900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015. Lũy kế từ năm 2014 đến cuối năm nay, tổng nợ xấu ACB bán cho VAMC là 2.000 tỷ đồng. Chỉ với khoản nợ xấu bán cho VAMC, ACB phải trích dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt khoảng 400 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB cho biết, các khoản nợ xấu liên quan đến vụ án “bầu” Kiên vẫn được Ngân hàng thực hiện theo phương án đã trình Ngân hàng Nhà nước và ACB trích lập dự phòng đầy đủ. Do quá trình xử lý nợ xấu đã có cải thiện so với năm trước và kỳ vọng rằng, sự hồi phục của thị trường bất động sản có thể đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo, nên trong năm nay, ACB dự kiến xử lý, thu hồi khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu.
Sau 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 4.528 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu của Ngân hàng tính đến ngày 30/9 chỉ còn 7.776 tỷ đồng, trong khi cuối quý I/2015 lên tới gần 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,1% sau khi lên gần 3% hồi đầu năm. Sở dĩ lợi nhuận đạt mức khả quan, theo Vietcombank, là do Ngân hàng đã chính thức “ghìm cương” nợ xấu sau hơn 2 năm dồn lực trích lập dự phòng và xử lý.
Video đang HOT
Theo lãnh đạo Vietcombank, công tác thu hồi nợ tiếp tục được đẩy mạnh trong hơn 2 năm qua. Đáng chú ý là, 9 tháng đầu năm 2015, thu nợ ngoại bảng lũy kế của Vietcombank đạt 1.313 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro là 1.024 tỷ đồng, thu nợ bán cho VAMC là 289 tỷ đồng. Chính điều này đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Ngân hàng khi dự phòng được hoàn nhập.
9 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Vietcombank tăng tới 25,6% so với cùng kỳ 2014, nhưng sau trích lập dự phòng tăng 12,3%; tăng trưởng huy động vốn Vietcombank tăng 15,5% so với cuối 2014; dư nợ tín dụng cũng tăng trên 12%. Với mức tăng trưởng này, các chỉ số sinh lời của Vietcombank tiếp tục cải thiện, như ROE đạt 11,82%, ROA đạt khoảng 0,86%.
Về phần mình, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đặt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 3.250 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 3.150 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, MB đã đạt 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 76% chỉ tiêu cả năm.
Về việc xử lý nợ xấu, 9 tháng đầu năm 2015, MB hoàn tất bán nợ cho VAMC, đồng thời hoàn tất việc thu hồi nợ theo kế hoạch đưa ra cả năm. Cũng trong 9 tháng đầu năm, tín dụng của MB tăng xấp xỉ 12,7%; huy động vốn tăng 3,8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mặc dù còn những khó khăn nhất định, quá trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh như kỳ vọng, song hoạt động tín dụng tốt hơn chính là một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào lợi nhuận của MB.
Theo Báo Đầu Tư
Lại nói chuyện nợ xấu
Đến ngày 1/10 các tổ chức tín dụng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, trước thời hạn được yêu cầu. Cũng chẳng lạ khi những năm gần đây yêu cầu của NHNN là 'quân lệnh'. Nhưng ẩn sau con số 3% này là gì thì khó ai biết được.
Những con số về xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) liên tục được cập nhật. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC là một trong những người rất chịu khó trả lời phỏng vấn báo chí một cách thẳng thắn.
Trước câu hỏi có phải các tổ chức tín dụng ồ ạt bán nợ xấu cho VAMC nhằm nhanh chóng giảm tỷ lệ này xuống hay không, ông khẳng định chắc nịch: không có chuyện này! Nhưng cách đây vài tháng, cũng ông Hùng cho biết cán bộ của VAMC đang phải làm việc ngày đêm để xử lý hồ sơ xin bán nợ xấu. Thậm chí các tổ chức tín dụng còn phải "xếp hàng" bán nợ xấu.
Đùn đẩy nhận "thành tích"
Cần nói rõ một điểm, theo ông Hùng, "thành tích" đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% là do các ngân hàng đã rất tích cực tự xử lý nợ xấu. Thực tế, tại địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: NHNN đã giao cho các ngân hàng trên địa bàn phải xử lý 25.300 tỷ đồng, trong đó tự xử lý là 3.100 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 22.200 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua các ngân hàng đã tự xử lý được 5.731 tỷ đồng nợ xấu; bán nợ cho VAMC được 21.404 tỷ đồng. Con số thống kê từ NHNN chi nhánh TP. Hà Nội thì cho thấy, đến 31/8/2015, 13/14 hội sở chính của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố (trừ GPBank) đã xử lý được 32.336 tỷ đồng nợ xấu, trong đó số hồ sơ bán nợ đã gửi tới VAMC lên đến 24.292 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu không phải là con số các tổ chức tín dụng muốn khoe, vì vậy "thành tích" đưa nợ xấu về dưới 3% họ cũng không muốn nhận cũng là điều dễ hiểu. Hiện tồn tại ba nguồn số liệu thống kê khác nhau: của tổ chức nước ngoài (thường rất cao); của chính các tổ chức tín dụng tự đưa ra (thường rất thấp); và của NHNN qua thanh tra, kiểm soát. Khoảng cách giữa các con số này, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN, đang dần co hẹp.
Nếu 3% được cho là một tỷ lệ nợ xấu an toàn thì sự chênh lệch giữa các con số thống kê, dù không nhiều nhưng rõ ràng đã làm mất đi ý nghĩa mức an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đơn cử, con số tỷ lệ nợ xấu dưới 3% của các ngân hàng trên địa TP.HCM là không tính 20.500 tỷ đồng nợ xấu của ba ngân hàng: OceanBank, CBBank và GPBank đang trình NHNN phương án xử lý.
Xử lý tận gốc, nhưng gốc ở đâu?
Có một thông tin rất đáng chú ý về xử lý nợ xấu, đó là VAMC đã đánh tiếng sẽ hợp tác với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để cùng xử nợ xấu, tiến đến hình thành thị trường mua bán nợ. Đến bao giờ kế hoạch này mới được thực hiện?C Có thể sang 2016, cũng có thể lâu hơn nữa.
Kết quả hoạt động của VAMC Từ khi bắt đầu hoạt động đến nay VAMC đã mua được 211.000 tỷ đồng nợ xấu. Số nợ được thu hồi kể từ đầu năm đến nay là 8.320 tỷ đồng. Thông tư 14 bắt đầu có hiệu lực từ 15/10/2015, nhưng VAMC sẽ bắt đầu thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường ngay trong năm nay, với mục tiêu ít nhất khoảng 500 - 700 tỷ đồng.
Nhưng thị trường là gì? Có thể hiểu nôm na là nơi có người mua, người bán và giá hàng hóa được quyết định bởi cung - cầu. Nếu vậy, hiện thị trường mua bán nợ đã có người mua, có người bán, nhưng người mua hiện vẫn đang độc quyền, còn giá thì không theo thị trường.
Hiện thị trường mua bán nợ đã có người mua, người bán, nhưng người mua hiện vẫn đang độc quyền, còn giá thì không theo thị trường
Theo Thông tư 14 của NHNN, phải từ 15/10 tới đây VAMC mới có thể mua nợ xấu theo thị giá, bằng trái phiếu do chính mình phát hành. Có nghĩa, khi bán nợ cho VAMC, các tổ chức tín dụng vẫn chỉ có thể nhận về giấy, chứ không phải tiền! Và cho dù VAMC được mua nợ xấu theo thị giá, nhưng lại không được kinh doanh theo cơ chế thị trường, tức là có lãi - lỗ, thì họ có nhiệt tình được mãi không? Bản thân VAMC chắc chắn rất muốn bán nợ xấu, giải quyết dứt điểm những khoản nợ càng để lâu càng mất giá. Chẳng hạn như: nợ xấu có thế chấp là máy móc, nhà xưởng; nợ của doanh nghiệp đã phá sản...Nhưng ngoài việc mang đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ và tiếp tục giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn cho doanh nghiệp để mong có cơ hội biến nợ xấu thành nợ có thể thu hồi vốn..., thì hiện VAMC chưa thể bán đứt một khoản nợ xấu đã mua nào. Nợ xấu vẫn đang chỉ được gom lại - điều mà mọi người đều nhìn thấy từ năm 2013 - khi VAMC được thành lập.
Kinh doanh nào cũng có rủi ro, nhưng NHNN - cơ quan chủ quản của VAMC - lại không chấp nhận việc VAMC kinh doanh bị lỗ. Thế nên VAMC không thể mạnh tay đưa ra những quyết sách theo kịp với sự vận động của thị trường. Đó là một cái "gốc" của nợ xấu chưa xử lý được. Hợp tác với DATC - người có "tiền tươi, thóc thật" là bước đi khôn ngoan. Nhưng hiện DATC chưa lên tiếng trước lời ngỏ ý này của VAMC.
Thứ hai, việc phát sinh thêm những khoản nợ xấu mới là điều không tránh khỏi trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Họ vẫn chỉ có hai lựa chọn: tự xử lý hoặc bán cho VAMC. Nếu vẫn chỉ có VAMC mua thì khó có thể đảm bảo việc định giá khoản nợ xấu đó là công bằng. Vậy thà rằng ngân hàng cứ để nợ xấu "ẩn" rồi từ từ tính tiếp.
NHNN - người đề xuất thành lập VAMC - một công ty đặc biệt với cơ chế đặc thù, đã nhìn thấy những tồn tại này. Họ sẽ làm gì tiếp theo khi nợ xấu tạm thời được đưa về dưới 3%. Trước mắt chính là thúc đẩy hợp tác với Bộ Tài chính - cơ quan chủ quản của DATC - để xóa bỏ "độc quyền" mua nợ xấu ngân hàng của VAMC, từ đó mới dần hình thành thị trường mua bán nợ. Kế hoạch này xem ra còn phải chờ thêm nhiều tháng nữa, bởi sự kiện quan trọng nhất trong thời gian tới của hệ thống chính trị là Đại hội toàn quốc của Đảng đang tới gần.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Làm nông nghiệp kiểu "cầu may", nơm nớp lo ép giá Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội phiên họp sáng nay 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, được mùa mất giá, mất thị trường... Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào? Theo đánh giá của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), các...