Dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/5 đạt 2,33 triệu tỷ, tăng 12,31% so với cuối năm 2021
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra chiều 14/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; trong đó, có tín đối với lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kiểm soát soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của người dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng tham gia thị trường bất động sản với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ bất động sản.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%; dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Ngoài thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất.
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, chương trình đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở.
Video đang HOT
Hiện nay, chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn. Đến ngày 30/6, chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỷ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỷ đồng, nợ xấu 1,72%.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỷ đồng và năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí thêm 15.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Đến ngày 31/5, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 8.223 tỷ đồng và dư nợ là 7.036 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại được chỉ định, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được ngân sách nhà nước bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất.
Các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, đến ngày 31/5, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỷ đồng với hơn 129 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn, hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.
Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện vai trò cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh; trong đó, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quy định về tỷ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, tăng cường thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Cùng đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước…
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương. Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.
Đồng thời, rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá; công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Thống đốc cũng đề nghị nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như: từ thị trường chứng khoán, vốn FDI… phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng…
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 66,7% dự toán
Chiều ngày 7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng; trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.
Bộ Tài chính cũng cho biết, quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được tăng cường; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống của người dân; kiểm soát lạm phát lạm phát theo mục tiêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, về tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt khá, nhưng một số khoản thu và địa bàn tiến độ đạt thấp, nợ đọng thuế có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; việc triển khai bán cổ phần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng", tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra nguyên nhân của nhưng hạn chế trên là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế.
Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước được giao; việc áp dụng các chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm, muộn trong phân bổ dự toán ngân sách còn chưa nghiêm.
Ngoài ra, cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp chậm, do một số vướng mắc trong việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của các địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, định giá tài sản; đồng thời, trong triển khai ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phân tích, dự báo kịp thời, diễn biến tình hình, có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
'Cú sốc' Tân Hoàng Minh lắng xuống, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết hơn một tháng sau cú sốc Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngàn tỉ, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Sau cú sốc Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành, nhiều...