Dù Nhà Trắng phớt lờ, Dự luật về Hồng Kông vẫn dễ được thông qua vào tháng 12
Theo The New York Times, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật với đa số áp đảo, có nghĩa là nó có thể dễ dàng vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống.
Người biểu tình Hồng Kông khẩn cầu ông Trump giúp đỡ – Ảnh: Internet
Các lực lượng an ninh ở Hồng Kông đã đẩy mạnh trấn áp những người biểu tình đòi dân chủ trong tháng này. Bối cảnh đó khiến lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa qua đã thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông mà họ đã xem xét trong nhiều tháng. Trái bóng Dự luật lúc này đã được đá tới chân Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông sẽ phải đưa ra quyết định được cả thế giới trông ngóng.
Dự luật nếu được Tổng thống Mỹ phê chuẩn sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc được Mỹ cho là vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông và đặt tình trạng kinh tế đặc biệt của Hồng Kông dưới sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Biện pháp này đã được Thượng viện nhất trí và Hạ viện thông qua với số phiếu thuận 417, chỉ phiếu bất đồng duy nhất từ dân biểu Thomas Massie của đảng Cộng hòa.
Thái độ và toan tính của ông Trump với dự luật này vẫn chưa rõ ràng. Những tín hiệu gần đây cho thấy ông Trump đang không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh và đổ vỡ đàm phán thương mại giữa hai nước.
Đối với Tổng thống Mỹ, dự luật này là bài toán khó khi được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Các cuộc đàm phán thương mại của ông Trump, với Bắc Kinh đã bị đình trệ trước thời hạn quan trọng vào ngày 15.12, khi Tổng thống Mỹ phải quyết định có áp thuế 15% đối với hơn 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc do chính ông tuyên bố (hồi tháng 8) hay không.
Thái độ và độ rắn của ông Trump dành cho Trung Quốc biến đổi khó lường. Sau những quyết định cứng rắn vào tháng 8 thì ông Trump sau đó lại mềm mỏng đi. Cuối tháng 9, Tổng thống Mỹ lùi thời hạn nâng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1.10 sang 15.10 vì né Quốc khánh Trung Quốc.
Video đang HOT
Đến ngày 11.10, ông Trump lại tuyên bố rằng ông đã đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và lùi vô thời hạn việc nâng thuế đáng ra phải tiến hành vào 15.10. Thế nhưng trong vài tuần gần đây, hai nước tiếp tục tranh cãi về các điều khoản. Các nhà đàm phán Trung Quốc nhấn mạnh rằng ông Trump phải xem lại mức thuế mà ông đã áp đặt với hơn 360 tỉ USD hàng hóa của họ trong các đợt áp thuế trước (25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc hồi tháng 5 và 15% với 112 tỉ USD hàng Trung Quốc vào đầu tháng 9). Trong khi đó, các nhà đàm phán Mỹ nói rằng những nhượng bộ của Trung Quốc vẫn còn thiếu khi Bắc Kinh vẫn dè dặt trong việc nhập khẩu nông sản.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump có các vấn đề nhập nhằng giữa thương mại với những lĩnh vực phi kinh tế. Đôi khi, ông đã đáp ứng các yêu cầu cá nhân từ ông Tập bằng cách đưa ra những nhượng bộ cho Trung Quốc đã khiến một số thành viên Quốc hội tức giận.
Vào tháng 5.2018, ông Trump đã tweet rằng ông đã làm việc với ông Tập để tạo cho ZTE, một công ty Trung Quốc mà Mỹ đã trừng phạt do vi phạm lệnh trừng phạt liên quan đến Iran, một cơ hội để quay trở lại làm ăn. Chính quyền của ông cũng bị mô tả là liên tục khước từ các biện pháp trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, bất chấp sự thúc giục của Thượng nghị sĩ Marco Rubio và các nhà lập pháp khác.
Ông Trump thường tránh bình luận, hay đưa ra quan điểm rõ ràng về cuộc chiến leo thang giữa những người biểu tình ủng hộ dân chủ và lực lượng an ninh ở Hồng Kông. Thậm chí, vào tháng 6, ông Trump đã cam đoan với Chủ tịch Trung Quốc rằng ông sẽ không công khai ủng hộ người biểu tình chừng nào các cuộc đàm phán thương mại còn đang diễn ra.
Đôi khi, ông Trump và các quan chức chính quyền khác lại lên giọng cảnh báo rằng bạo lực gia tăng từ chính quyền Trung Quốc sẽ có tác động lớn hơn trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, bao gồm cả trong các cuộc đàm phán thương mại.
Trong tình thế có bóng trong chân hiện giờ, ông Trump có thể sẽ không đưa ra quyết định phê chuẩn dự luật. Nhưng dù ông Trump có phủ quyết về Dự luật cho Hồng Kông, có lẽ nó vẫn sẽ được thông qua thành luật.
Theo The New York Times, Quốc hội đã thông qua dự luật với đa số áp đảo, có nghĩa là họ có thể dễ dàng vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống. Điều đó cũng không có lợi cho uy tín của ông Trump khi để Quốc hội phủ quyết quyền lực của Tổng thống. Ngoài ra, ông Trump có thể chọn phương án treo biển miễn chiến bài, tức là không ký dự luật mà cũng không phủ quyết. Trong trường hợp đó, dự luật vẫn sẽ trở thành luật vào ngày 3.12. Nhưng hành độ đó có thể khiến ông Trump vừa khiến Trung Quốc không hài lòng, vừa khiến quốc hội và người dân Mỹ xem thường. Là người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump cần có trách nhiệm đưa ra quyết định chứ không phải ngồi im.
Phát biểu trên CNBC hôm thứ năm 21.11, ông Marco Rubio tỏ ý tin tưởng là tổng thống sẽ ký Dự luật. “Có một cuộc bỏ phiếu nhất trí tại Thượng viện và chỉ có một phiếu chống lại nó trong Hạ viện”, ông Rubio nói. Tuy nhiên, áp lực lớn từ Quốc hội vẫn chưa đủ tạo cú hích trong quyết tâm của ông Trump. Đến cuộc phỏng vấn vào ngày hôm sau, ông Trump vẫn chưa tỏ ý đồng thuận với quốc hội mà dành những lời ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có lời cảnh báo sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt nếu Mỹ thông qua Dự luật về Hồng Kông.
Anh Tú
Theo motthegioi.vn
Điều Mỹ sẽ làm nếu Trung Quốc đưa quân can thiệp tình hình Hong Kong?
Mỹ có thể đình chỉ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong nếu Trung Quốc đưa quân vào trấn áp biểu tình, trong bối cảnh căng thẳng ở Hong Kong leo thang.
Biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài được 6 tháng.
Theo SCMP, đây là đề xuất của ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC). Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Quốc hội và Tổng thống Mỹ.
Các quy chế đặc biệt Mỹ dành cho Hong Kong nằm trong Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, bao gồm Hong Kong được hưởng ưu đãi về thuế và visa với Mỹ.
Đó là lý do Hong Kong không nằm trong danh sách tăng thuế của Mỹ nhằm vào các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc. Hàng hóa Hong Kong xuất sang Mỹ không bị kiểm tra gắt gao như Trung Quốc.
Theo luật năm 1992, tổng thống Mỹ có quyền đình chỉ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong nếu tổng thống cảm thấy "Hong Kong không còn tách biệt với Trung Quốc đại lục".
USCC cũng kêu gọi Washington có động thái cứng rắn hơn sau khi Trung Quốc nhắc đến việc mạnh tay ngăn chặn biểu tình kéo dài 6 tháng qua ở Hong Kong.
"Đặc khu hành chính Hong Kong có những chính sách ưu đãi khác biệt với Trung Quốc đại lục, đang chịu nhiều sức ép", ủy ban nêu rõ. "Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát Hong Kong, dấy lên lo ngại về việc công nghệ Mỹ bị chuyển từ Hong Kong sang đại lục".
Báo cáo cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ chỉ đạo Bộ Thương mại mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại ở Trung Quốc đại lục đối với các công ty con được thành lập hoặc hoạt động tại Hong Kong.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng ủng hộ cảnh sát Hong Kong có hành động cứng rắn với người biểu tình và nhấn mạnh chính sách "một quốc gia, hai chế độ" mà Trung Quốc đại lục áp đặt cho Hong Kong sẽ không thay đổi.
Theo danviet.vn
Bạo lực không dứt ở Hong Kong: Ông Tập bày tỏ quan điểm cứng rắn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến khủng hoảng ở Hong Kong, bên lề hội nghị BRICS ở Brazil. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo SCMP, ông Tập cho rằng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội". Ông Tập thể hiện quan điểm Bắc Kinh ủng hộ...