Dư luận thế giới về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Ngay sau khi có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10, các phương tiện truyền thông đại chúng trên khắp thế giới đã đăng tải thông tin này cùng những tin, bài, ảnh ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.
Đầu hàng không có trong từ vựng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, nhân chuyến thăm của Fidel Castro đến Việt Nam, tháng 9/1973. Ảnh TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, với đầu đề “Vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 102″, hãng tin AP mô tả Đại tướng là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một người anh hùng dân tộc, một “Napoleon Đỏ” đã từng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thượng nghị sỹ John McCain viết trên trang mạng cá nhân: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Ông là một chiến lược gia quân sự tài ba từng nói với tôi rằng chúng ta là những kẻ thù danh dự”.
Báo “The New York Times ” (Thời báo New York) mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác và một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sỹ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước”.
Giáo sư Fredrik Logevall thuộc Đại học Cornell University, cho biết tuy là một vị tướng hầu như chỉ tự học hỏi, nhưng không ai có thể phủ nhận được thành tựu cuối cùng là ông đã chiến thắng thực dân Pháp và rồi chống lại sức mạnh quân sự khủng khiếp của Mỹ. Hãng tin Reuters trích lại lời Tướng Giáp từng nói: “Đầu hàng không có trong từ vựng của tôi. Bất kỳ cuộc đấu tranh quân sự nào vì tự do cũng có năng lượng sáng tạo để đạt được những điều mà kẻ địch không bao giờ có thể ngờ, hoặc có thể tưởng tượng được”…..
Chiến lược gia quân sự lỗi lạc
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trang điện tử cubadebate, hãng thông tấn Prensa Latina và đài truyền hình Cuba đã đồng loạt đưa tin về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời tại Hà Nội, đồng thời đăng tải những chùm ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng được coi là “Người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam.
Hãng tin Prensa Latina ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, đã chỉ huy quân đội Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, sau đó ông tiếp tục áp dụng một cách tài tình chiến lược chiến tranh toàn dân để đánh đuổi đế quốc Mỹ. Prensa Latina cũng nhấn mạnh nghệ thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ đấu tranh vì độc lập dân tộc trên cả thế giới, và các cuốn sách của ông về chiến lược quân sự vẫn là những tài liệu quý giá mà các chuyên gia quân sự trên thế giới vẫn tìm đọc.
Trong khi đó, cùng với việc đưa tin về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, trang điện tử cubadebate cũng đăng chi tiết tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của vị chỉ huy lỗi lạc của quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định Tướng Giáp không chỉ là một bậc thầy trong nghệ thuật chỉ huy đấu tranh cách mạng, mà còn là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân” dựa trên những kinh nghiệm chiến đấu của chính bản thân ông. Cubadebate cũng đăng tải một loạt bức ảnh tư liệu về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ lúc trẻ khi tham gia hoạt động cách mạng, thời kỳ sát cánh cùng Bác Hồ ở vùng núi Tây Bắc, cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước cho đến khi về nghỉ hưu.
Đài truyền hình Cuba cũng đăng tải những hình ảnh tư liệu quí báu về cuộc đời của Đại tướng và các cuộc gặp gỡ lịch sử của ông với lãnh tụ Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô) và cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (U-gô Cha-vết) khi các vị lãnh đạo này tới thăm Việt Nam. Tin của đài truyền hình Cuba khẳng định sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn lao không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà cả với hàng triệu triệu người ngưỡng mộ ông trên thế giới.
* Cùng ngày, Chính phủ Nicaragua đã gửi thông điệp chia buồn tới Chính phủ Việt Nam sau khi nhận được thông tin về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần tại Hà Nội.
Phát biểu với báo giới, Đệ nhất phu nhân và là người phát ngôn Chính phủ Nicaragua, bà Rosario Murillo đã gửi lời chia buồn sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Nicaragua tới gia đình Đại tướng, chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời ca ngợi vai trò nổi bật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Bà Murillo nhấn mạnh hình ảnh của vị tướng huyền thoại là một minh chứng hùng hồn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa với những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt Nam, và chính những chiến thắng đó đã giúp Việt Nam đứng dậy bảo vệ chủ quyền, độc lập và tự do dân tộc, cũng như bảo đảm quá trình phát triển và xây dựng đất nước.
Nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất
*Trong khi đó, báo chí châu Âu cũng đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đồng thời có những bài viết về cuộc đời cũng như sự nghiệp của “Người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại London, tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 102 vào chiều 4/10 tại Hà Nội đã được nhiều báo Anh cùng ngày đăng tải. Với đầu đề “Võ Nguyên Giáp – người chiến sĩ đã dẫn dắt các lực lượng Việt Nam đánh lại Pháp và Mỹ”, báo “The Independent” trích lời Đại tướng nói rằng “bất cứ lực lượng nào tìm cách áp đặt ý định của họ lên các dân tộc khác sẽ phải hứng chịu thất bại”.
Báo “Telegraph” gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “Napoleon Đỏ”, trong đó có trích lời của cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ John McCain trên trang cá nhân rằng “Tướng Giáp đã qua đời – nhà chiến lược quân sự tài năng từng nói với tôi rằng chúng tôi là kẻ thù xứng đáng”. Báo “the Guardian” dùng từ “huyền thoại” để nói về vị tướng đã “chỉ huy lực lượng quân đội non trẻ của Việt Nam đánh bại thực dân Pháp và sau đó tiếp tục dẫn dắt quân đội đánh lại đế quốc Mỹ”.
Video đang HOT
Trong khi đó, báo “Financial Times” bình luận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. Báo này cũng trích hồi ký của Peter Mac Donald (Pi-tơ Mắc Đo-nan), một thiếu tướng Anh đã nghỉ hưu nhận xét rằng “Tướng Giáp hội tụ một tầm nhìn chiến lược sâu sắc, với sự tinh thông nghệ thuật chiến tranh du kích cũng như công tác hậu cần mà kịch tính nhất là việc tạo ra tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp viện cho miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”.
*Theo phóng viên TTXVN tại Rome, hầu hết các trang điện tử của những tờ báo lớn ở Italy chiều 4/10 (tức đêm 4/10 theo giờ Việt Nam) đều đồng loạt đăng trang trọng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời và ca ngợi ông là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam.
Trang điện tử của tờ Corriere della Sera, tờ báo hàng đầu Italy, viết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam và là vị tướng đã chỉ huy quân đội đánh bại thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954 cũng như đế quốc Mỹ trong các trận đánh quan trọng khác vào những năm 1960-1970.
Trang điện tử của tờ La Stampa ca ngợi Tướng Giáp là người anh hùng của toàn bộ các nước thuộc Phong trào không liên kết. Nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tờ La Stampa cho rằng giờ đây các học viện trên thế giới đều đang nghiên cứu “kiệt tác” của ông – trận Điện Biên Phủ.
Còn theo trang điện tử của tờ La Repubblica, Đại tướng là một nhân vật huyền thoại và danh tiếng của ông đã vượt ra ngoài đường biên giới của Việt Nam. Tướng Giáp là tác giả của cuốn “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” và tác phẩm này đã có phiên bản tiếng Italy (tựa đề “Masse armate ed esercito regolare”).
* Tại Đức, ngay sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp từ trần được truyền đi khắp thế giới, hàng loạt tờ báo lớn ở nước này đã có bài viết bày tỏ lòng tiếc thương với vị Đại tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với nhan đề “Người thắng cuộc ở Điện Biên Phủ đã qua đời”, báo “Thời đại” của Đức cùng ngày đã đăng bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ quân phục trắng tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004) cùng bài viết dài điểm lại những chiến thắng lẫy lừng của Đại tướng, như kết liễu sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương (1954), đánh đuổi quân Mỹ (1975). Theo bài báo, chiến thuật đánh du kích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam và là người học trò tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân trên khắp thế giới và Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hồi năm 2007 cũng từng khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh của chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị anh hùng dân tộc”.
Báo “Tấm gương” cùng ngày cũng có bài viết về công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như về tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam dành cho ông. Theo tác giả bài báo, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo việc mở con đường nổi tiếng mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh dài trên 2.000 km để chi viện cho bộ đội. Đế quốc Mỹ đã rải chất độc da cam/dioxine xuống con đường này và đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều trường hợp dị dạng, khuyết tật ở Việt Nam cho tới ngày nay.
Báo “Làn sóng Đức” cũng đăng bài viết về nhà giáo, nhà báo, vị thống lĩnh quân đội tự học, tự rèn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo nhắc lại lời phỏng vấn báo chí nước ngoài của Đại tướng nói: “Khi còn bé, tôi từng mơ một ngày được thấy nước tôi tự do, thống nhất. Và giấc mơ của tôi ngày đó đã trở thành sự thật”.
Nhiều tờ báo khác của Đức như báo “Tấm gương hàng ngày”, “Nước Đức mới”, hãng tin DPA,… cũng đã có bài viết đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam
* Tại châu Á, theo phóng viên TXVN tại New Delhi, báo “the Hindu” của Ấn Độ số ra ngày 5/10 đã đăng trên trang nhất tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Bài báo viết: Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp – người chỉ huy đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ và chiến thắng đế quốc Mỹ, đã từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi. Tướng Giáp, người đã chỉ huy đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, khiến lực lượng Pháp phải rút khỏi bán đảo Đông Dương, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự thiên tài của thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tướng Giáp nổi tiếng như một vị anh hùng dân tộc, chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chỉ huy lực lượng Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 8 tuần (từ tháng 3-5/1954), Tướng Giáp đã trở nên nổi tiếng và trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh chống Pháp. Các lực lượng Việt Nam, chân đi dép lốp, kéo lê từng khẩu pháo lên đồi núi, đã bao vây và đánh bại quân Pháp. Mặc dù ban đầu chỉ nổi tiếng với chiến thuật chiến tranh du kích, Tướng Giáp đã chỉ huy một cuộc tấn công thông thường gây thất bại cho đối phương tại Điện Biên Phủ. Trước sức mạnh của lực lượng do tướng Giáp chỉ huy, viên Tư lệnh Pháp, Tướng Christian de Castries buộc phải xin hàng.
Tướng Giáp tiếp tục chỉ huy quân đội Việt Nam đánh bại chính quyền miền Nam Việt Nam, do đế quốc Mỹ hỗ trợ, giành chiến thắng vào tháng 4/1975 tiến tới thống nhất đất nước. Trong trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ năm 2005, Tướng Giáp nói “Không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào lại khốc liệt hoặc tổn thất nhiều như cuộc chiến tranh này. Nhưng chúng tôi vẫn phải chiến đấu, bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập và tự do”.
* Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, báo chí Australia ngày 5/10 đồng loạt đưa đậm tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, đồng thời mô tả ông là vị Tướng cách mạng huyền thoại, một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Hãng truyền thông ABC, tờ “The Australian”, trang mạng “Tin tức” và nhiều tờ báo khác ở Australia đều trang trọng đưa tin về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp lớn lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Các báo mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật đáng kính nhất của Việt Nam và ông chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một nhà lãnh đạo quân sự tài tình với chiến thuật quân sự đánh du kích nổi tiếng và biến hóa khôn lường, đã cùng quân đội và nhân dân Việt Nam giành các chiến thắng trước thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng đế quốc Mỹ giải phóng đất nước với thắng lợi quyết định vào ngày 30/4/1975. Chiến thắng quyết định này đã khiến thế giới biết nhiều hơn đến ông như một chiến lược gia lỗi lạc, đồng thời truyền cảm hứng cho các phong trào tự do ở nhiều nơi trên thế giới.
Báo chí Australia cũng mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người theo kịp thời đại. Dù tuổi đã cao, Đại tướng vẫn theo dõi tình hình thời cuộc, thường xuyên tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước. Năm 2004, Đại tướng đã đưa ra ý kiến về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ nhằm vào Iraq, trong đó nhấn mạnh: “Bất kỳ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của họ lên các dân tộc khác đều sẽ bị thất bại”.
Báo chí Australia nhận định sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ tạo niềm tiếc thương cho người dân Việt Nam mà cho cả thế giới.
Nhân vật xuất chúng
* Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời chiều 4/10 ở tuổi 102 đã được nhiều hãng thông tấn báo chí của Pháp đưa tin đậm nét với nhiều bài viết ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng, đồng thời trìu mến gọi ông là “nhà chiến lược của nền độc lập của Việt Nam”.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, báo Le Monde (Thế giới) số ra ngày 4/10 đã đăng bài viết của tác giả Jean-Claude Pomonti ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng của nền độc lập Việt Nam. Bài báo viết: “Tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử như một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, vị tướng duy nhất đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp và dám đương đầu với nước Mỹ”. “Việc đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954 và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn tháng 4/1975 là những chiến công vang dội nhất của vị tướng tài ba, người đã có công lớn trong việc cản phá Pháp quay lại Việt Nam và tìm mọi cách không để Mỹ nhảy vào thế chân Pháp”.
Bài báo đặc biệt nhấn mạnh tài thao lược của Đại tướng với việc sử dụng chiến thuật “hiệu ứng của sự bất ngờ” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khi ông quyết định hoãn tấn công theo ngày giờ đã định trước, rồi ra lệnh đưa quân ra kể cả việc phải kéo pháo, thay phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” dựa vào việc tấn công ồ ạt, bằng phương án “đánh chắc, thắng chắc”, một quyết định mà nửa thế kỷ sau đó, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây ông đã thổ lộ là “khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình”.
Bài báo cũng đánh giá cao công tác hậu cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các chiến dịch lớn. Ông đã từng nói với báo chí phương Tây: “Nơi mà một con cừu đi qua được thì một người có thể đi qua được. Nơi một người có thể đi qua được thì một tiểu đoàn có thể đi qua được. Tại Điện Biên Phủ, để có thể tiếp tế một cân gạo cho chiến sĩ đang vây hãm khu lòng chảo, chúng tôi phải tiêu thụ tới bốn cân gạo trong quá trình vận chuyển. Chúng tôi đã huy động 260.000 dân công hỏa tuyến và hơn 20.000 xe đạp để thồ, 11.800 bè mảng, 400 xe tải và 500 xe ngựa để chuyên chở lương thực”. Tư duy đó được tiếp tục phát huy với việc xây dựng “đường mòn Hồ Chí Minh” trong những năm 60 của thế kỷ trước giữa vùng rừng núi Việt Nam, với nhiều đoạn đường nằm vắt qua biên giới Lào và Campuchia, nhằm chi viện con người, vũ khí đạn dược và nhu yếu phẩm cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hãng tin Pháp AFP đã điểm lại quá trình chỉ huy quân đội của vị Tổng tư lệnh, gọi ông là tác giả đã gây ra thất bại thảm hại cho đội quân viễn chinh Pháp tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, sự kiện đã đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương, nhận định ông là “kiến trúc sư của các thắng lợi của Việt Nam trước quân đội Pháp và Mỹ” và bình luận những chiến công đó đã đưa ông trở thành một “tượng đài trong lòng nhân dân”.
Báo Le Parisien (Người Pari) thì đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những “nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của Lịch sử với từ Lịch sử được viết hoa, một trong những “gương mặt nổi bật nhất” của Việt Nam sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tên tuổi và ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria”.
Báo điện tử Rue 89 (Phố 89) trích dẫn các cảm xúc của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison tại buổi gặp Đại tướng lần đầu tiên tại Hà Nội với tư cách là Đại sứ Pháp. Ông đã bị ấn tượng mạnh bởi một “nhân vật xuất chúng” với tầm vóc nhỏ bé, đôi mắt tinh nhanh, vầng trán cao và mái tóc bạc, và dùng hình ảnh “một núi lửa dưới lớp tuyết trắng” để mô tả tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của Đại tướng.
Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng cộng sản Pháp thì gọi ông là “nhà chiến lược cho nền độc lập của Việt Nam”, đồng thời nhắc lại câu trả lời khiêm tốn và dung dị của ông với báo chí nước ngoài khi được hỏi về nguyên nhân của những chiến thắng: “Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh”.
Báo Libération (Giải phóng) thì dùng từ “huyền thoại” khi viết về Đại tướng, đồng thời trích dẫn nhận xét nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: “Đằng sau mỗi chiến thắng, người ta luôn tìm thấy ở Đại tướng nguồn sức mạnh và động lực”. Bài báo cũng nhắc lại những tình cảm yêu mến, sự ngưỡng mộ và sự trân trọng mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt xuất đối với đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật ông.
* Ngay sau khi thông tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời được truyền đi khắp thế giới, hàng loạt tờ báo lớn ở Hong Kong (Trung Quốc) đã có các bài viết bày tỏ sự trân trọng đối với vị danh tướng rất được yêu mến, kính trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Hong Kong dẫn tờ “Văn Hối” viết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mệnh danh là “Napoléon Đỏ”, đã giúp Việt Nam thoát khỏi sự thống trị thực dân của Pháp, đánh bại chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam do Mỹ hỗ trợ, thống nhất hai miền Nam Bắc. Chiến thuật du kích của ông được những người chống thực dân trên toàn cầu học theo. Ông là một trong những nhà sáng lập và nhà lãnh đạo chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từng 3 lần được đăng trên bìa tạp chí “Thời đại” của Mỹ (lần lượt vào tháng 1/1966, tháng 2/1968 và tháng 5/1972).
Truyền hình TVB đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông từng vận dụng chiến thuật du kích đánh bại quân đội Pháp vào năm 1954, sau đó tiếp tục đánh bại chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam do Mỹ hỗ trợ. Các nhà lịch sử đã xếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngang hàng với nhà quân sự nổi tiếng nước Mỹ MacArthur.
Trang tin của truyền hình cáp I-cable cho hay ông Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất Việt Nam trong thế kỷ 20, được gọi là “kỳ tài quân sự”. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam từng ba lần được đăng trên bìa tạp chí “Thời đại” Mỹ. Nhưng ban đầu, ông Võ Nguyên Giáp không phải xuất thân quân nhân, do yêu thích chính trị, sau đó đã gia nhập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tham gia vào phong trào chống thực dân.
Sau khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy bộ đội triển khai hàng loạt chiến dịch chống Pháp, đánh bại quân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải từ bỏ sự thống trị thực dân (đối với Việt Nam), khiến danh tiếng của ông trở nên lừng lẫy. Chiến thuật đánh du kích của ông Võ Nguyên Giáp cuối cùng đã đánh bại chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam do Mỹ hỗ trợ, thống nhất đất nước…. Sau này, dù đã về hưu, nhưng thỉnh thoảng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp các chính khách nước ngoài, trong đó có nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro… tiếp tục quan tâm tới chính trị, thời sự, lên tiếng vì người dân, được người dân kính trọng.
Theo báo Liên Hợp của Đài Loan (Trung Quốc), ngày 4/10, kỳ tài quân sự kiêm anh hùng độc lập của Việt Nam, người được mệnh danh là “Napoleon Đỏ”, ông Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Ông Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, từng dẫn dắt bộ đội đánh thắng trận Điện Biên Phủ, giành độc lập cho Việt Nam, được gọi là “Hùm xám Điện Biên”. Ông giỏi chiến thuật đánh du kích, năm 1954 đã đánh bại quân Pháp, năm 1975 lại giành chiến thắng trong Chiến tranh Việt Nam khi đánh bại chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam do Mỹ hỗ trợ. Các nhà lịch sử đã đặt ông ở vị trí ngang với các danh tướng như Montgomery của Anh, Rommel của Đức và MacArthur của Mỹ… Thời trẻ, ông Võ Nguyên Giáp là giáo viên dạy sử ở một trường tư thục tại Hà Nội, rất thích nghiên cứu chiến thuật quân sự của Napoleon. Ông Võ Nguyên Giáp có thể giảng giải cặn kẽ về các kế hoạch tác chiến của Napoleon trong các chiến dịch khác nhau và được gọi là “Napoleon Đỏ”.
Theo TTXVN/Tin tức
Khám phá trực thăng trực EC-665 Tiger của Pháp
EC-665 Tiger là trực thăng hạng trung vào loại mới nhất trên thị trường vũ khí thế giới hiện đang có mặt trong quân đội Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Australia.
Được xếp vào hàng trực thăng hạng trung, Tiger mang được lượng vũ khí tối đa 1.860 kg lắp trên 4 điểm treo cứng hay dưới cánh.
Tiger được sản xuất bằng những vật liệu tiên tiến nhất hiện nay với 80% vật liệu là sợi carbon được gia cường bằng polymer và Kevlar, với tỷ lệ thành phần là 11% nhôm và 6% titan.
Cấu tạo trên giúp Tiger vừa có khối lượng nhẹ, tính linh hoạt cao và khả năng chống chịu tốt các loại đạn súng máy phòng không 12,7mm, 14,5mm và đạn pháo phòng không 23mm.
Buồng lái EC-665 Tiger được thiết kế tương tự như Mi-28 với 2 phi công ngồi cùng hàng theo chiều dọc. Buồng lái của 2 phi công được thiết kế riêng biệt với cửa lên xuống riêng. EC-665 Tiger sử dụng một cánh quạt chính và một cánh quạt ổn định ở đuôi.
EC-665 Tiger được trang bị 2 động cơ MTU MTR-390 công suất 1.285 mã lực/chiếc, tốc độ tối đa đạt 290km/h, trần bay 4.000 m.
Bán kính chiến đấu của EC-665 lên tới 800km, phạm vi hoạt động tối đa với các thùng nhiên liệu gắn ngoài là 1.300km. EC-665 Tiger có khả năng hoạt động liên tục trong thời gian kéo dài 3 giờ 25 phút.
EC-665 được trang bị một pháo tự động GIAT 30mm, cơ số 450 viên đạn (trang bị vũ khí cho EC-665 có sự khác nhau giữa các biến thể dùng cho các quốc gia khác nhau).
Các điểm treo 2 bên cánh trực thăng có khả năng mang 8 tên lửa chống tăng HOT-2/3, AGM-114 Hellfire,TRIGAT LR, hệ thống vũ khí có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở cự ly 5-8km, 4 tên lửa không đối không tầm thấp Stinger hoặc 2 tên lửa Mistral, rocket không điều khiển 70mm.
Trực thăng EC-665 được trang bị các hệ thống điện tử tinh vi nhất của châu Âu, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu được gắn trên nóc buồng lái, phía dưới rotor chính, biến thể phục vụ trong Không quân Đức còn có hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn trên đỉnh rotor chính.
EC-665 có hệ thống tác chiến điện tử và biện pháp phòng vệ toàn diện, cảm biến cảnh báo radar, cảm biến cảnh báo laser, hệ thống phóng mồi bẫy, hệ thống định vị toàn cầu và các hệ thống phụ trợ khác...
Theo vietbao
Chuyện về hai cô gái Sài Gòn trở thành công chúa nước Trung Phi Vào năm 1972, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi (sau là Vương quốc Trung Phi) thông báo tìm đứa con rơi thời ông đi lính lê dương ở Sài Gòn. Một cô gái lai ở Sài Gòn tên là Baxi được đưa sang Trung Phi. Bokassa (ảnh trái), công chúa Martine và con. Một thời gian sau, một người con gái lai...