Du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa
Nếu như những năm trước đây khi du lịch chưa được đưa vào Bình Liêu, có nhiều yếu tố bị xem là điểm yếu trong xây dựng và phát triển kinh tế của nhiều xã, thôn trên địa bàn huyện, thì nay lại được phát huy trở thành điểm mạnh du lịch.
Còn nhớ khoảng gần chục năm trước đây, khi tôi đến bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn) thì Phạt Chỉ là một trong những bản nghèo nhất trong tỉnh vì tỷ lệ hộ nghèo luôn là 100% trong nhiều năm.
Anh trưởng bản Phạt Chỉ khi ấy phàn nàn: “Bà con ở bản trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ấy vậy nhưng khí hậu khắc nghiệt, hàng năm có tới 9 tháng sương mù, hạt lúa gặt về không có nắng để phơi và nảy mầm ngay trên sân phơi. Dê, bò người dân nuôi thì đau ốm, vì chúng ăn cỏ đọng sương cả ngày nên đau bụng chết”.
Du khách leo lên cột mốc 1327 ở khu vực bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn để thưởng ngoạn sương mù.
Du lịch vào Bình Liêu, Phạt Chỉ trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với cột mốc 1327, nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vậy là độ cao của núi đồi với những ngày đặc sương mù lại làm cho du khách thích thú, vì cảm tưởng như đang leo bậc thang lên cõi hư vô, chìm trong sương mù bao phủ. Nhiều du khách tỏ ra hào hứng, tự chụp cho mình bức ảnh mờ mờ trong sương.
Anh Trần Văn Độ, một du khách đến từ TP Hà Nội, cho hay: “Chúng tôi thích sương mù, nên hễ đến Bình Liêu là chúng tôi lại tìm đến cột mốc 1327 ở bản Phạt Chỉ để thưởng thức. Tâm lý của khách du lịch là tìm đến những nơi có phong cảnh lạ, những cái mà ở chỗ chúng tôi sinh sống không có”.
Du lịch đến với Phạt Chỉ đã góp phần hình thành, nâng cao ý thức phát triển kinh tế du lịch của người dân. Các hộ dân đã biết áp dụng kiến thức mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Bà con chuyển sang trồng cỏ voi rồi cắt về cho súc vật ăn để chúng khỏi lang thang ăn cỏ trong sương muối. Nhiều hộ chuyển trồng lúa sang trồng củ cải, do đất tơi xốp, lại thường xuyên được giữ ẩm vì nhiều tháng có sương mù, nên củ cải thu hoạch được rất to, có thể đạt từ 0,5kg đến 2kg/củ. Các nông sản này cũng được phục vụ cho chính khách du lịch khi đến với Bình Liêu.
Ở Phạt Chỉ có mô hình homestay A Dào nằm ở trung tâm bản. Khách đến đây được thưởng thức những món ăn do chính người Dao chế biến, xem tận mắt cách tráng phở và xay thóc bằng cối xay đá của bà con. Điều nhiều du khách khó quên đó là thưởng thức món củ cải thái mỏng, phơi tai tái ngoài trời nắng trên mái ngói âm dương hoặc trên gác bếp rồi xào với thịt lợn bản. Nhiều khách ăn xong đều không quên mua về vài ba cân củ cải để làm quà. Vậy là với những ngôi nhà mái ngói âm dương, cối xay đá, sương mù… một thời gian khó thì nay lại góp phần tạo thành sản phẩm du lịch của xã, huyện.
Ruộng bậc thang xã Lục Hồn – Ảnh: Đỗ Phương
Video đang HOT
Ruộng bậc thang ở xã Lục Hồn một thời cũng được coi là điểm yếu trong phát triển kinh tế ở xã, rất khó đầu tư kênh mương cấp nước vì dốc và cao. Người dân xã Lục Hồn trồng lúa chỉ trông vào vụ mùa, còn các vụ khác do tưới tiêu kém, năng suất lúa thấp.
Nhưng hiện nay, Bình Liêu lại tự hào vì có hệ thống ruộng bậc thang nhiều mầu sắc, mà nổi bật ở xã Lục Hồn, được nhiều du khách đánh giá không thua kém những địa phương có ruộng bậc thang đẹp trong cả nước. Giờ đây, ruộng bậc thang tại xã Lục Hồn đã được công nhận là Di tích – danh thắng cấp tỉnh. Đây là cơ sở để huyện Bình Liêu giới thiệu những vốn văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào với đông đảo bạn bè, du khách bốn phương trong và ngoài tỉnh, đồng thời mở ra cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Du khách trải nghiệm mùa vàng tại bản Cao Thắng, xã Lục Hồn.
Trong Tuần Văn hóa – Du lịch Bình Liêu năm 2020 kéo dài từ đầu tháng 11 đến hết năm 2020, có nhiều hoạt động diễn ra tại xã Lục Hồn, trong đó có Hội Mùa vàng Bình Liêu, để giới thiệu tới du khách vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang Bình Liêu và những giá trị đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có chương trình Bay trên mùa vàng của các phi công CLB Dù lượn và diều bay động cơ Đông Bắc…
Nhiều xã ở Bình Liêu nay đã thành lập Đội bóng đá nữ Sán Chỉ. Khác với đá bóng ở các đô thị, chị em Sán Chỉ nơi đây mặc nguyên cả bộ quần áo dân tộc mình để đá bóng, tạo sự uyển chuyển nhiều mầu sắc trên sân. Như thế, ngay cả những bộ trang phục truyền thống của người dân mặc hàng ngày cũng được Bình Liêu biến thành thế mạnh để thu hút khách du lịch…
Mùa vàng rực rỡ trên rẻo cao Bình Liêu
Lúa chín vàng ươm trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn cùng sắc màu văn hóa rực rỡ của người Dao, Sán Chỉ, Tày là những điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách đến với Bình Liêu (Quảng Ninh) mỗi dịp thu về.
Huyện miền núi biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đã và đang hấp dẫn du khách với những cung đường biên hùng vĩ, lau trắng bạt ngàn; rừng sở, hồi, quế xanh ngát bên những con suối, thác nước. Nhưng ít ai biết nơi này cũng sở hữu những thửa ruộng bậc thang vô cùng đẹp mắt.
Nằm phía tây núi Cao Xiêm với độ cao từ 300 - 600m, ruộng bậc thang ở xã Lục Hồn tạo nên cảnh quan vô cùng ấn tượng. Ruộng hẹp và dốc, uốn lượn như những con sóng, trải dần từ sườn đồi, sườn núi xuống thung lũng có dòng suối mát trong.
Xen giữa sóng lúa vàng ở thôn Ngàn Pạt, Cao Thắng, Khe O, những bản làng của người Dao, người Sán Chỉ mái ngói rêu phong dưới nắng chiều.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11, hàng trăm ha ruộng bậc thang Bình Liêu vào mùa gặt. Áo xanh của người Sán Chỉ, áo đỏ người Dao, áo chàm người Tày, màu vàng của lúa chín...tạo nên bức tranh nhiều màu sắc.
Ruộng bậc thang Lục Hồn vừa được công nhận là là Di tích Danh thắng cấp tỉnh. Năm nay, lần đầu tiên Hội mùa vàng Bình Liêu được tổ chức, giới thiệu đến du khách một sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh. Ngoài tham quan, du khách còn có cơ hội bay dù lượn để ngắm mùa vàng từ trên cao, trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang...
Các trò chơi đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách. Hoạt động độc đáo bậc nhất của lễ hội là giải bóng đá nữ xã Húc Động, nơi duy nhất du khách có thể chiêm ngưỡng các cô gái Sán Chỉ mặc váy truyền thống thi đấu.
Các trận thi đấu diễn ra vừa gay cấn, quyết liệt, vừa đầy ắp tiếng cười rộn rã. Các nữ cầu thủ Sán Chỉ khéo léo đi bóng, qua người ghi bàn khiến người xem không khỏi trầm trồ, thán phục.
Phong trào bóng đá "có một không hai" này được phụ nữ Sán Chỉ duy trì từ lâu và tổ chức khá thường xuyên, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng cao Quảng Ninh.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam có mặt tại một trận thi đấu, bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú trước vẻ đẹp văn hóa đặc sắc này.
Cùng với đó, hàng loạt hoạt động đặc sắc như tái hiện nghi lễ đám cưới dân tộc Sán Chỉ, lễ Mừng cơm mới, hướng dẫn du khách trải nghiệm ẩm thực phở xào Đồng Văn, đêm giao lưu hát Soóng cọ... diễn ra trong dịp cuối tuần
Vẻ đẹp của mùa vàng Bình Liêu ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan, ngắm cảnh và khám phá văn hóa, ẩm thực.
Bình Liêu cũng tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch trong dịp này, kích cầu du lịch và khai thác, phát huy các giá trị khác biệt, lợi thế của địa phương trong dịp thu đông.
Nhằm giới thiệu tới du khách về vùng đất tươi đẹp, con người thân thiện và giàu bản sắc, Bình Liêu sẽ tiếp tục nhiều hoạt động văn hóa du lịch từ nay đến cuối năm, trong đó Hội hoa Sở dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới./.
Bình Liêu 'Thiên đường' của cỏ lau, lúa vàng và biên cương hùng vĩ Trên biên giới vùng Đông Bắc có một nơi là 'thiên đường' của cỏ lau trắng xóa, của lúa chín vàng, của rừng sở tinh khôi và những cung đường tuần biên hùng vĩ. Đó chính là Bình Liêu. Cách Hà Nội 260km, cách thành phố Hạ Long chỉ 100km, Bình Liêu không quá xa xôi nhưng lại "ngủ quên" suốt nhiều năm....