Du lịch Thanh Hóa: Đổi mới để tăng năng lực cạnh tranh
Với vị trí quan trọng ở vùng Bắc Trung Bộ, hội tụ đầy đủ tiềm năng du lịch mang đặc trưng của cả ba vùng: Miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, Thanh Hóa được ví như một ‘Việt Nam thu nhỏ’ với những sản phẩm du lịch hấp dẫn và là điểm đến thú vị.
Biển Hải Tiến, một trong những bãi biển đẹp của Thanh Hóa.
Một “Việt Nam thu nhỏ”
Có lẽ ít nơi nào hội tụ đầy đủ các điều kiện địa hình với những đặc trưng của từng vùng như Thanh Hóa. Với điều kiện địa hình đa dạng, Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú – nền tảng cho việc phát triển du lịch của tỉnh.
Từ những năm 1980 – 1990, Thanh Hóa đã được biết đến như là nơi nghỉ mát phổ biến của người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với bãi biển Sầm Sơn nổi tiếng. Ngày nay, Thanh Hóa còn được biết đến với các bãi biển đẹp như: Quảng Lợi (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) cùng ba hòn đảo Hòn Mê, Hòn Nẹ và Nghi Sơn hoang sơ, hấp dẫn…
Ngoài tài nguyên du lịch biển, Thanh Hóa cũng sở hữu nhiều hang động đẹp như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (huyện Thạch Thành)… và những khu rừng nguyên sinh như Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En. Đây là những điểm du lịch kỳ thú, ngày càng hấp dẫn du khách với loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng hay nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn là vùng đất giàu tài nguyên du lịch nhân văn với 1.535 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Thanh Hóa cũng là vùng đất sinh tụ của 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú, tạo nên sự đa dạng văn hóa, thể hiện rõ nét ở hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc.
Video đang HOT
Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, những năm qua, du lịch Thanh Hóa phát triển khá mạnh mẽ. Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hóa đón khoảng 38,3 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm, trong đó khách quốc tế ước khoảng 906.760 lượt. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 49.093 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245 triệu USD.
Thay đổi để thu hút khách
Với thế mạnh về du lịch biển, những năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc sắc, song song với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch, đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng, giao thông tại các khu du lịch và bổ sung các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến – Hòn Nẹ, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn… nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Một sản phẩm khác đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa thời gian gần đây là du lịch sinh thái, cộng đồng với các điểm đến thu hút khách mạnh mẽ như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu và bản Đôn (huyện Bá Thước), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, mặc dù sở hữu tiềm năng phong phú nhưng điểm yếu lớn nhất của du lịch Thanh Hóa là tình trạng “chặt chém”, chèn ép khách diễn ra trong nhiều năm. Bà Phan Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng cho rằng, Thanh Hóa cần nâng cao ý thức phát triển du lịch và thái độ ứng xử của người dân để xóa tan định kiến của du khách, thay vào đó là ấn tượng về con người Thanh Hóa thân thiện, hiếu khách.
Khai thác các giá trị nguyên sơ của thiên nhiên và văn hóa bản địa để phát triển bền vững là quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Tuấn Linh. “Thanh Hóa cần quan tâm, không để tình trạng “đô thị hóa” tràn lan làm mất đi sức hấp dẫn của các điểm đến. Đừng để Bá Thước, Pù Luông trở thành một “Sa Pa thứ hai” khi đánh mất đi nét hoang sơ hấp dẫn, khiến du khách phải di chuyển đến các vùng khác. Thanh Hóa cần có “cái đầu lạnh” trước sự phát triển “ nóng” để phát triển du lịch một cách bền vững”, ông Linh nói.
Nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho du lịch Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng: Thanh Hóa cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ để kết nối với các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên cả nước nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới, độc đáo. Có như vậy, các doanh nghiệp mới biết được tiềm năng du lịch to lớn của Thanh Hóa để kết nối và đưa khách đến.
Thanh Hoá: Sức hút từ du lịch sinh thái, cộng đồng
So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa như du lịch biển hay du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, có lẽ sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là 'đứa em út'.
Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm được định danh, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch sinh thái, cộng đồng Pù Luông thu hút du khách.
Trải nghiệm hấp dẫn
Thực tế trong những năm gần đây, du lịch sinh thái, cộng đồng xứ Thanh ngày càng được đông đảo du khách biết đến và yêu thích, không chỉ bởi sự mới mẻ, mà sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ở xứ Thanh lấy thiên nhiên làm yếu tố căn bản. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những bản, làng lọt giữa các thung lũng, chính là "đặc sản" riêng có của sản phẩm này. Cùng với đó là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, được thể hiện qua tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, nghề cổ truyền... vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương như: xã Trí Nang (Lang Chánh); xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và nhiều địa phương khác tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Vĩnh Lộc. Trên cơ sở đó, đã hình thành nên "tên tuổi" nhiều điểm đến nổi tiếng như: bản Năng Cát, bản Hiêu, bản Đôn, bản Hang, bản Ngọc...
Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng ước đón được trên 2,3 triệu lượt khách, chiếm 5,5% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh, gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,6%/năm...
Và thực tế, ngay sau khi tỉnh Thanh Hóa cho phép mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, trong khi công suất sử dụng phòng dịp cuối tuần tại các trung tâm du lịch biển chỉ đạt khoảng 30 - 40%, thì ngay tại khu du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), lượng khách đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, dịp cuối tuần đón hàng nghìn lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 100%. Cùng với đó, tại các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng của các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành... cũng thu hút lượng lớn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Cho đến nay, không chỉ các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, mà nhiều địa phương khác cũng đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng như: Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Quảng Xương...
Để trở thành sản phẩm "mũi nhọn" của du lịch xứ Thanh
Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng có sự phát triển khá mạnh mẽ, từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch đặc trưng Thanh Hóa. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận du lịch sinh thái, cộng đồng vẫn là sản phẩm chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu lượng khách đến Thanh Hóa, thị trường khách hẹp, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, có khả năng phát triển độc lập nhưng việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác hạn chế...
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ; các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở các bản, làng, nhà sàn truyền thống phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ và kỹ năng nghề... Đây là những hạn chế cơ bản khiến du lịch sinh thái, cộng đồng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Thông qua các chương trình khảo sát du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, để du lịch sinh thái, cộng đồng xứ Thanh có thể thực sự trở thành một trong những sản phẩm "mũi nhọn", bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, trước hết cần tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá...
Mặt khác, để tạo đòn bẩy cho du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển thì việc kêu gọi đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các hoạt động trải nghiệm cộng đồng, bổ trợ cho các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại các điểm đến là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, cần hình thành thêm một số điểm nhấn cho loại hình du lịch sinh thái như: xây dựng các tuyến đi bộ, xe đạp xuyên rừng, các chòi vọng cảnh, các tuyến quan sát động thực vật, đầu tư hệ thống tàu thuyền phục vụ du lịch khám phá, thưởng ngoạn lòng hồ... Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương lân cận trong việc ban hành chính sách khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch chung và thị trường khách du lịch.
Thiết nghĩ, những đề xuất, giải pháp kể trên có thể được giải quyết một cách căn bản bằng các chính sách và nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, vốn lấy thiên nhiên và văn hóa bản địa làm yếu tố cơ bản, là sức hút đối với du khách, bởi vậy đôi khi nguồn lực lại không phải là tất cả. Do đó, phải làm sao để vừa đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, vừa bảo vệ được cảnh quan, môi trường tự nhiên cũng như văn hóa bản địa đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và cư dân bản địa.
Đắm say mùa lúa Pù Luông Pù Luông mang đậm nét đẹp của miền núi cao Tây Bắc với ruộng bậc thang lớp lớp, mây núi trùng điệp, mang nét đẹp mờ ảo, hoang sơ đến mê người. Pù Luông thuộc huyện Bá thước, Thanh Hóa nhưng thiên nhiên, văn hóa, con người mang đậm nét vùng cao Tây Bắc. Tháng 9, tháng 10 là một trong những thời...