Du lịch Quỳnh Nhai: Đánh thức vẻ đẹp sơn thủy vùng Tây Bắc
Được ví như “ vịnh Hạ Long” của vùng Tây Bắc, khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai (một phần của hồ thủy điện Sơn La) có nhiều tiềm năng để thu hút du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã có kế hoạch mở rộng đầu tư để khu du lịch Quỳnh Nhai trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Sơn La nói chung và là điểm sáng của du lịch vùng Tây Bắc, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch mới mang tính kết nối giữa Sơn La và Hà Nội.
Bến thuyền tham quan biển hồ Sơn La (huyện Quỳnh Nhai) là một trong những trải nghiệm khi tham quan khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai.
Du thuyền trên biển hồ Sơn La
Cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 60 km, khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai nổi lên như một điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đi vào hoạt động từ tháng 3-2019, khu du lịch bao gồm các tổ hợp công trình: Bến thuyền du lịch, khu dịch vụ tổng hợp đầu cầu Pá Uôn, đảo trái tim, du lịch cộng đồng kết hợp tắm khoáng bản Bon (xã Mường Chiên)…
Khám phá khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, du khách sẽ được du ngoạn trên thuyền tham quan biển hồ Sơn La (thực chất là lòng hồ thủy điện Sơn La), chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với mặt nước trong xanh, hai bên là núi đá vôi và những hòn đảo nhỏ. Có lẽ vì thế mà dân du lịch ví nơi đây giống như “vịnh Hạ Long” của Tây Bắc.
Điểm nhấn của hành trình trải nghiệm là khám phá đảo Trái tim – cách cầu Pá Uôn (cây cầu có trụ cột cao nhất Việt Nam) hơn 10 km về phía thượng nguồn. Tới đây, ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của sông Đà, du khách được trải nghiệm các hoạt động bơi trên sông, xe đạp nước, chèo thuyền, chụp ảnh trên đảo… Từ đây, di chuyển bằng thuyền về phía thượng nguồn sông Đà khoảng hơn 1 giờ, du khách sẽ tới tham quan, trải nghiệm khu du lịch cộng đồng kết hợp với tắm khoáng nóng bản Bon, thưởng thức các món ẩm thực dân tộc đặc sắc.
Video đang HOT
Toàn cảnh biển hồ Sơn La khi đứng từ đền thờ Nàng Han.
Ngoài khám phá cảnh đẹp trên biển hồ Sơn La, du khách còn có thể đến thăm di tích Linh Sơn Thủy Từ, đền Nàng Han trên đồi Pú Nghịu (xã Mường Giàng). Linh Sơn Thủy Từ là đền thờ các vị thần núi, thần sông, các vị then cai quản đất trời, vạn vật… Còn đền thờ Nàng Han là nơi thờ vị nữ tướng anh hùng dân tộc Thái – người có công dẹp giặc phương Bắc.
Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La) Bùi Khắc Bạo cho biết, tỉnh Sơn La đã có kế hoạch riêng phát triển khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai trở thành điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Giới thiệu thêm về khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai cho biết, đơn vị đã đầu tư hệ thống nhà nghỉ, homestay, dịch vụ trên đảo Trái tim, mô hình du lịch cộng đồng kết hợp dịch vụ tắm suối khoáng bản Bon. Hiện, các dịch vụ này đã sẵn sàng đón khách.
Đánh thức tiềm năng
Mặc dù có lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan song đến nay khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thu hút du khách. Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Hoàng Tiến Cường cho biết, do mới đi vào khai thác lại gặp ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong hai năm 2020 và 2021, khu du lịch sinh thái này không đón được lượng khách như mong muốn.
Đánh giá tiềm năng khai thác du lịch tại Quỳnh Nhai, Chủ tịch HĐQT APT Group Nguyễn Hồng Đài cho rằng, khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, để thực sự hấp dẫn du khách đi quãng đường xa tới trải nghiệm, Quỳnh Nhai cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhiều trải nghiệm giải trí hấp dẫn, nghỉ dưỡng hiện đại, tiện nghi. Còn theo Giám đốc Công ty du lịch Tâm Phương Travel Lê Thu Phương, để phát triển lợi thế nghỉ dưỡng, huyện Quỳnh Nhai nên chú trọng đến việc phát triển du lịch, dịch vụ song song với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan.
Hiệp hội du lịch Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai và Hiệp hội du lịch Hà Nội ký kết triển khai sản phẩm du lịch liên kết mới giữa Hà Nội và Quỳnh Nhai (Sơn La) hồi tháng 4-2021.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Hoàng Tiến Cường thông tin, UBND huyện vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sơn La xem xét, cho phép doanh nghiệp nghiên cứu và lập dự án đầu tư phát triển du lịch lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện. Phạm vi dự án đề xuất đầu tư gồm diện tích 3.000 ha mặt nước (trên tổng số 10.520 ha mặt nước trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai) và 500 ha mặt đất là khu vực đất bao quanh lòng hồ, gồm các đảo, bán đảo từ xã Pá Ma Pha Khinh đến xã Mường Chiên.
“Dự kiến tại khu vực hồ thủy điện Quỳnh Nhai sẽ phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chú trọng khai thác không gian đặc trưng, giá trị văn hóa lịch sử lâu đời với các hạng mục như công viên giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng, phim trường, khu tắm nước khoáng nóng…”, ông Hoàng Tiến Cường cho biết.
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Quỳnh Nhai hiện đang là điểm sáng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Sơn La, mà để đánh thức tiềm năng du lịch tại đây, bên cạnh việc đầu tư các dịch vụ, tiện ích, hiện nay huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đang thực hiện liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Thủ đô Hà Nội để tạo thành tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách.
Sơn La: Quỳnh Nhai mùa nước nổi
Trở lại Quỳnh Nhai lần này, chúng tôi được thỏa sức ngắm vùng lòng hồ vào mùa đẹp nhất trong năm - mùa nước nổi.
Những bãi bồi phù xa đều chìm trong lòng hồ, chỉ còn sông nước mênh mông trong xanh như ngọc bích, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Cùng với đó, cuộc sống của người dân nơi đây cũng sôi động, nhộn nhịp hơn bởi các hoạt động gắn với vùng sông nước.
Bến thuyền xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) mùa nước nổi. Ảnh: PV
Chúng tôi bắt đầu hành trình trải nghiệm lòng hồ đầu từ cầu Pá Uôn. Mùa này, nước dâng ngập gần hết phần trụ cầu. Ở hai bên đầu cầu, nhiều đoàn khách du lịch dừng chân tại các sạp ven đường chọn mua sản phẩm cá đặc sản để mang về làm quà. Cùng đoàn du khách, chiếc thuyền của chúng tôi rời bến Pá Uôn ngược lên thượng nguồn. Hai bên lòng hồ, những ngấn nước in hằn dưới chân núi trơ chọi đá trước đây được che khuất bởi màu xanh của nước, những dãy núi sừng sững in bóng xuống mặt hồ lung linh, xa xa là những ngôi nhà sàn mái đỏ của đồng bào dân tộc Thái thấp thoáng dưới chân đồi... tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, khiến ai cũng bị thu hút.
Vừa chụp lại những hình ảnh đẹp của vùng lòng hồ, ông Vì Văn Sáng, bản Áng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) kể: Năm 1986, tôi từ Mai Sơn lên xã Mường Chiên thăm người nhà. Ngày ấy, dòng sông Đà chưa có cầu, đến khu vực Pá Uôn phải đi thuyền qua sông, sau đó nghỉ trưa ở Pắc Ma (nay là Pá Ma Pha Khinh), tiếp tục đi 2 tiếng đồng hồ nữa mới đến huyện lỵ. Hôm nay, trở lại Quỳnh Nhai, nhiều thứ thay đổi, huyện mới khang trang; vùng hồ rộng lớn, kinh tế phát triển giúp bà con thoát nghèo.
Thuyền chúng tôi trải nghiệm, khám phá phần đảo nổi và ngắm cảnh vùng sông nước tại đảo trái tim. Ngoài ra, Vịnh Uy Phong, cột mốc đánh dấu huyện lỵ cũ, đảo Pu Dăn... cũng là những điểm trải nghiệm thú vị. Trò chuyện với chị Tạ Thị Huyền, du khách ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chị cho biết: Qua hình ảnh, thông tin trên các trang mạng về vẻ đẹp của vùng lòng hồ Quỳnh Nhai, nhóm chúng tôi gồm 8 người đã đặt vé, chọn tour để tham quan, trải nghiệm. Nơi đây, thiên nhiên thật kỳ vĩ. Đặc biệt, những món đặc sản được chế biến từ cá sông Đà khiến tôi nhớ mãi.
Đảo trái tim (xã Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai) vào mùa nước nổi.
Trong hành trình trải nghiệm lòng hồ, chúng tôi bắt gặp nhiều lồng cá, vó bè của các ngư dân đặt dọc ven sông. Tại lồng cá của gia đình ông Lừ Văn Nguyên, bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh, khi kéo lưới lên có nhiều loại cá khác nhau như trắm, chép, lăng rô phi... Tiếp đón chúng tôi bằng món cá đốt đặc trưng với vị thơm đậm, chấm vị cay mặn của chẩm chéo cùng chén rượu nồng khiến câu chuyện về mùa nước nổi ở vùng lòng lòng hồ thêm rộn ràng.
Ông Nguyên cho biết: Mùa nước nổi ở vùng lòng hồ Quỳnh Nhai kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nước lên, không chỉ giúp việc giao thương hàng hóa, đi lại của bà con các bản vùng ven hồ thuận tiện hơn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Mùa nước cạn, chúng tôi phải kéo lồng cá ra giữa sông, mùa nước nổi kéo lồng cá vào gần bờ. Đây cũng là thời điểm chúng tôi chuẩn bị cá giống để chuẩn bị vào vụ nuôi mới. Gia đình tôi hiện có 6 lồng cá, mỗi năm thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng.
Nhờ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, như lá sắn, lá chuối, cỏ voi và các loại cá nhỏ mà chất lượng cá rất ngon, được các thương lái đặt mua nhiều, cung không đủ cầu. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Được biết, khai thác tiềm năng mặt hồ, bà con thuộc các xã ven sông của huyện Quỳnh Nhai đã đầu tư nuôi cá lồng, với 46 HTX thủy sản, gần 7.000 lồng cá, giúp Quỳnh Nhai trở thành địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng quy mô lớn nhất tỉnh, với thương hiệu cá Sông Đà nổi tiếng.
Ngoài ra, các sản phẩm từ cá sông Đà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: Cá tép dầu, cá ngão khô có giá 200.000 đồng/kg, cá mương khô từ 100.000-150.000 đồng/kg. Du khách đến với Quỳnh Nhai không chỉ được trải nghiệm du lịch lòng hồ mà còn có thể chọn mua các loại cá khô đặc sản mang về làm quà.
Kết thúc chuyến trải nghiệm thú vị trên vùng lòng hồ sông Đà, ai cũng giữ lại trong mình những cảm nhận, những cảm xúc khó quên về mùa nước nổi ở nơi được ví như "Vịnh Hạ Long của Tây Bắc". Và cùng hẹn gặp lại để tiếp tục được trải nghiệm vẻ đẹp vùng lòng hồ Quỳnh Nhai trong ngày gần nhất.
"Vuốt ve" tâm hồn với 3 khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp gần Hà Nội Nếu muốn tận hưởng không gian yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên bạn có thể tham khảo ngay 3 địa điểm du lịch sinh thái gần Hà Nội dưới đây. Vườn quốc gia Ba Vì Vườn quốc gia Ba Vì (thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) là một quần thể các khu du lịch giải trí, khám phá, nghỉ dưỡng. Cách trung...