Du lịch miệt vườn ở Long Phước
Thưởng thức sầu riêng ngay tại vườn khi đến một tỉnh có thế mạnh về du lịch biển như Bà Rịa- Vũng Tàu có lẽ là điều ấn tượng nhất khi chúng tôi đặt chân tới mảnh đất này.
Ở đây, dù không có đường bờ biển dài và đẹp như thành phố Vũng Tàu nhưng thành phố Bà Rịa gây thương nhớ cho du khách bởi những miệt vườn sầu riêng trĩu quả bên cạnh các địa danh lịch sử như núi Đất, núi Thị Vải, núi Dinh, địa đạo Long Phước…
Việt Nam là quốc gia nổi tiếng có nhiều loại sầu riêng ngon, được trồng phổ biến ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, được thưởng thức sầu riêng tại một thành phố biển ở Đông Nam Bộ mà cụ thể là tại xã Long Phước, thành phố Bà Rịa của Bà Rịa-Vũng Tàu thật sự là một bất ngờ…
Lối vào vườn sầu riêng của ông Tư Danh.
Bí quyết để có trái sầu riêng ngon
Theo lời giới thiệu của cô em họ đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu, chúng tôi quyết định sẽ đến Long Phước mà không phải làng chài Phước Hải thuộc thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ như dự định ban đầu. Chẳng gì thì làng chài ở đâu cũng giống nhau, ăn uống hải sản cũng thế, còn thưởng thức sầu riêng ở một tỉnh ven biển như Bà Rịa-Vũng Tàu thì chắc chắn nên thử.
Quãng đường từ thành phố Vũng Tàu đến Long Phước chỉ khoảng 20 km, đường sá thuận tiện. Cũng không mất nhiều thời gian để chúng tôi tìm đến được địa chỉ vườn sầu riêng của ông Văn Văn Danh, còn gọi là ông Tư Danh hay ông Tư sầu riêng, giữa rất nhiều vườn sầu riêng gần đó, nằm trên đường 110, ấp Phước Hữu. Đón chúng tôi là người con trai út của ông Tư Danh. Dưới những hàng cây rợp bóng mát trên con đường bê-tông dẫn thẳng vào ngôi nhà mái ngói đỏ hồng, một người đàn ông có vóc dáng cao gầy đang chờ sẵn trên bậc thềm để đưa chúng tôi tham quan khu vườn.
Thế nhưng, khi mở cửa bước xuống xe, mùi sầu riêng ngào ngạt ngay lập tức đánh thức khứu giác của tôi và gợi lại kỷ niệm của sáu năm trước, khi tôi từng được thưởng thức sầu riêng trên đường di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Tre. Khác biệt là lần này, tôi đang đứng giữa một vườn sầu có diện tích 1 ha, giữa biết bao nhiêu loại như sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Ri6, sầu riêng Cái Mơn, sầu riêng Chín Hóa… Cái mùi thơm nồng quen thuộc khiến tôi không thể không sà vào đống quả được sắp xếp gọn gàng trước cửa nhà và muốn được nếm ngay một múi sầu riêng vàng rộm.
Quanh nhà ông Tư Danh, chỗ nào cũng chất đầy sầu riêng. Chỗ dành để những quả rụng, chỗ dành để những quả mới hái và có thể ăn được sau từ một đến hai ngày nữa, chỗ dành để những quả được thương lái đặt hàng từ trước. Theo người chủ vườn sinh năm 1956, trước chúng tôi, thương lái đã đến sớm gom hết số quả sầu riêng rụng, trong khi ông cũng bán hết số quả to dành cho xuất khẩu với trọng lượng mỗi quả nặng từ 1,8 kg trở lên, vỏ không bị đen, bị sâu, xanh gai tròn trái.
Ông Tư Danh chọn một quả sầu riêng Thái Lan nặng khoảng 1,2 kg, dùng mũi dao chuyên dụng nhẹ nhàng tách vỏ và lấy ra từng múi mời chúng tôi. Mặc dù quả chưa chín hẳn, như ông nói thì khoảng từ hai đến ba ngày nữa mới ăn được, nhưng phần cơm khá dày, có mầu vàng hơi nhạt, ăn vào có thể cảm nhận hương vị béo ngậy, ngọt tự nhiên không quá gắt và không hề sượng. Ông Tư Danh nói, cây sầu riêng Thái Lan trồng chỉ mất bốn năm là cho thu hoạch, năng suất cao và chống chịu được một số loại sâu bệnh. Ngoài loại sầu riêng này, trên diện tích 1 ha, ông còn trồng các loại sầu riêng khác như Ri6, Cái Mơn… cho năng suất vài chục tấn mỗi năm. Vườn nhà ông có hơn 100 cây, có cây trồng đã 18 năm, thậm chí 28 năm. Ông chỉ về phía một cây to ở ngoài cổng, cho biết thêm, trận bão năm 2006 từng khiến cây gãy đổ nhưng sau đấy, ông đã trồng lại được. Còn về năng suất, cây cho thu hoạch nhiều nhất là 6 tạ quả, còn phần lớn đều từ 2 đến 3 tạ quả/cây.
Tuy không áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, USDA…, nhưng ông Tư Danh vẫn lựa chọn trồng cây sầu riêng theo hướng hữu cơ một phần bởi ông khẳng định, để bán được quả sầu riêng với giá cao, thu lợi nhuận cao, ngoài mẫu mã bên ngoài phải đẹp, xanh gai, tròn trái thì phần cơm bên trong phải vàng, bột, ngọt tự nhiên, không được sượng hay cháy múi. Để đạt được những yêu cầu nêu trên, ngoài phòng nấm bệnh, chế độ tưới nước hợp lý thì phần nuôi trái cũng rất quan trọng, nhất là bón kali để hỗ trợ lên cơm…
Ông Tư Danh kể một cách say sưa cho chúng tôi về những kinh nghiệm trồng sầu riêng hơn nửa đời người của mình, về khả năng nhận biết trái sầu riêng chín hay chưa, rụng thời điểm nào, mưa nhiều hay không để có kế hoạch bón phân hợp lý… Tôi đặc biệt ghi nhớ một điều ông nói rằng, vào vườn sầu riêng, nhìn lá có thể biết được sầu riêng ngon hay không vì cây giữ được lá là cây khỏe mạnh, chất lượng trái sẽ tốt bởi lá cây là nguồn dinh dưỡng dự trữ để nuôi dưỡng quả. Hay nói cách khác, lá cây sẽ chuyển đường, làm tinh bột cho trái. Nếu không phải là người đam mê cây sầu riêng hẳn sẽ không thể đúc kết kinh nghiệm trồng sầu tỉ mỉ đến như thế.
Tiềm năng phát triển du lịch
So với Vũng Tàu hay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, du lịch của thành phố Bà Rịa không ấn tượng bằng, bởi nhiều du khách từ lâu đã quá quen với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu như những bãi tắm chạy quanh thành phố, tượng Chúa Jesus, ngọn hải đăng Vũng Tàu, mũi Nghinh Phong, Bạch Dinh, Hòn Bà, Hồ Tràm, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor…
Bù lại, lượng mưa trung bình hằng năm ở Bà Rịa tương đối thấp, thổ nhưỡng tốt (đất đỏ bazan phân bổ tại hai xã Hòa Long và Long Phước), nhiệt độ không quá chênh lệch, rất thích hợp để trồng và phát triển diện tích cây sầu riêng. Vì thế, khi tới Bà Rịa, ngoài một số nơi có thể ghé thăm như núi Thị Vải, núi Dinh và nhất là địa đạo Long Phước, điều làm chúng tôi rất ấn tượng chính là chuyến ghé thăm vườn sầu riêng của ông Tư Danh. Thực ra thì không chỉ có chúng tôi bởi chỉ khoảng 45 phút sau khi chúng tôi đến, căn nhà nhỏ bé giữa vườn sầu riêng rộng lớn của lão nông 69 tuổi lúc này đã rộn rã tiếng nói cười của rất đông người ghé thăm.
Ông Tư Danh cho biết thêm, ông vẫn thường xuyên đón các đoàn khách tới tham quan. Họ đến đây để thưởng thức sầu riêng tại vườn và mua về làm quà, nhất là vào mỗi dịp cuối tuần. Thường thì người nọ mách người kia cho nên nếu không phải là người địa phương, sẽ không nhiều người biết được ở Long Phước có loại hình du lịch hấp dẫn như vậy. Bởi có đến đây, mới có thể hiểu rõ hơn về “vua của các loại trái cây”, được nghe người chủ vườn kể về quá trình ông đến với cây sầu riêng như thế nào hay quy trình chăm sóc cây một cách đầy đủ. Những câu chuyện như thế khi thì diễn ra bên chiếc bàn nhỏ trước nhà, lúc dưới tán cây 28 năm tuổi, và tuyệt vời nhất là giữa khu vườn, như một rừng cây cổ thụ. Những cây sầu riêng trong vườn nhà ông Tư Danh giống như những cây bonsai khổng lồ vì chúng được tạo dáng uốn lượn rất đẹp.
Ông là người đầu tiên có ý tưởng tạo cây theo kiểu bonsai như vậy, sau khi quyết định từ bỏ việc chăn nuôi từng rất thành công, quay sang lập vườn cây ăn trái vào năm 1996. Vốn yêu thích cây sầu riêng từ nhỏ nên ông sớm nhận biết sầu riêng là cây nhiệt đới ưa ánh sáng. Thế nên, ngoài việc trồng cây với khoảng cách hợp lý tạo điều kiện để cây đón được nhiều ánh sáng, ông suy nghĩ cần phải chia ánh sáng bằng cách tạo tán, phân chia cành. Cành sống lâu hơn sẽ cho nhiều quả và chất lượng thơm ngon. Nhờ vậy mà hơn 30 năm qua, ông đã chăm sóc, cắt tỉa để vườn sầu riêng trở thành vườn bonsai khổng lồ, tạo sự khác biệt rất lớn giữa vườn cây của ông với những hộ khác, từ về kiểu dáng cây cho đến năng suất, chất lượng quả. Nơi đây còn trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều nông dân quanh vùng tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước Nguyễn Văn Minh, diện tích sầu riêng tại Long Phước đang cho thu hoạch là 41 ha.
Video đang HOT
Những người nông dân ở đây thường xuyên ghé thăm khu vườn của ông Tư Danh. Chúng tôi đến chỉ để thưởng thức trái sầu riêng thơm ngon nhưng rồi ai cũng cảm thấy thật sự thích thú như vừa trải qua một chuyến du lịch trải nghiệm. Chúng tôi được dẫn tham quan khu vườn, nghe kể những câu chuyện về các giống cây sầu riêng, về cuộc đời ông Tư Danh, về những kinh nghiệm tích cóp được trong hơn 30 năm trồng trọt mà ông rất muốn chia sẻ cho bạn bè nhà nông và cho các cậu con trai của mình.
Vì thế, sẽ là tuyệt vời nếu cuộc trải nghiệm đó được Hội Nông dân xã kết nối thêm với các chủ vườn và các đoàn khách du lịch, để những ai khi tới Bà Rịa-Vũng Tàu đều cảm thấy nên một lần dừng chân ở những miệt vườn sầu riêng tại Long Phước.
Về miền Tây thăm cồn Hưng Phong ngắm cảnh miệt vườn thật đã
Tạm biệt những ngày ồn ào nơi phố thị, chúng tôi trở về thăm xứ miệt vườn tại Bến Tre.
Cồn Ốc (còn gọi là cồn Hưng Phong) là điểm dừng chân trong chuyến hành trình mang lại cho lữ khách sự hân hoan vô tận.
Cồn Ốc (còn gọi là cồn Hưng Phong) nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 15 cây số về hướng đông. Nơi đây thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Diện tích tự nhiên trên cồn chỉ vỏn vẹn 647ha cùng hơn 6.000 nhân khẩu. Nhưng ốc đảo này lại được con sông Hàm Luông ôm trọn che chở phù sa bồi đắp quanh năm.
Chính vì điều đó mà khi du khách vừa bước chân lên cồn đã thấy khắp nơi toàn là mảng xanh của những dải rừng dừa, những hàng cây ăn trái chạy dài hơn 8km chiều ngang.
Chiếc phà rẽ sóng lênh đênh theo dòng nước trong một buổi sáng ngày hạ. Dịp con nước lớn, chiếc phà xuôi dòng trên nhánh sông Hàm Luông để đưa chúng tôi qua bến bờ bên kia.
Những rừng dừa bạt ngàn trên cồn Hưng Phong Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Xa xa mấy tảng lục bình đang bồng bềnh trôi. Nhiều tảng quay cuồng theo dòng nước xoáy rồi mắc vào mấy bãi bần. Cồn Hưng Phong nổi lên giữa khung trời xanh ngắt. Thảm thực vật dần thay đổi theo từng cái chớp mắt. Chúng tôi biết sắp có một chuyến hành trình đầy thú vị tại nơi đây.
Cồn Hưng Phong năm 1901 chỉ có 935 nhân khẩu. Về sau khi cồn này được phù sa bồi đắp mở rộng, người dân bên phía Mỏ Cày, Bình Khánh, Ngãi Đăng kéo qua khẩn hoang rồi cư ngụ cho đến hiện nay.
Nơi đây vốn từng hoang vu bốn bề là cây bần, bãi sình lầy, dừa nước mọc cao ngút, còn có khỉ chuyền cành nghe người dân kể lại mà thấy sợ.
Mấy người lớn tuổi trên cồn hồi tưởng lại thời đó đường sá khó khăn chủ yếu di chuyển bằng xuồng. Người dân muốn đi từ nhà này sang nhà kia thì chỉ cần leo lên chiếc xuồng ba lá mà chèo tới chèo lui.
Những con đường lát đá thẳng tấp với hàng dừa bát ngát xanh ngắt một màu Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Mấy tháng gió chướng gần chạp, muốn băng qua con sông Hàm Luông về bên Tân Hương, Mỏ Cày thì sóng cao xanh mặt. Ai đón đò dọc về Bình Khánh có đi ngang cồn Hưng Phong mà gặp lúc gió thổi giật từng cơn, sóng trong lòng sông mà cao hơn đầu người.
Chiếc thuyền lọt thỏm giữa bốn bề là một màu đỏ đục của phù sa. Người dân khi nhắc lại mà còn rụng rời tay chân.
Nhưng giờ mọi chuyện đã qua và người dân đang ngày giàu có sung túc hơn nhờ trồng cây ăn trái như chanh, cam, dừa, quýt. Trong đó quýt đường Hưng Phong có vị ngọt thanh mà ít nơi nào so sánh bằng.
Giây phút thư giãn của người dân bên ngôi nhà của mình trên cồn Hưng Phong Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Có thể vùng đất này còn quá mới mẻ. Cùng với vị trí đắc địa do nằm trên nhánh sông Hàm Luông quanh năm được bồi đắp phù sa dồi dào nên cây trái có hương vị đặc trưng.
Ngoài trồng cây ăn trái là chủ yếu người ta lại hay nhắc đến chú Tám Thưởng khi có bất cứ du khách nào đặt chân lên cồn.
Chú là người đã dày công sưu tầm hơn hai mươi loại giống dừa. Dù chú đã có tuổi nhưng luôn trong tâm thế tìm tòi, học hỏi, và sưu tầm những giống dừa mới. Vườn dừa của chú rộng gần ba mẫu đất trồng hơn 20 giống dừa. Từ dừa ta xanh đến dừa ta đỏ, dừa ta vàng, dừa dung, dừa dâu xanh; dừa lai đến dừa dùng làm nước giải khát như xiêm xanh, xiêm đỏ, Tam Quan, dừa sọc, núm xanh, núm đỏ, dừa dứa...
Những ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong cùng hàng hiên xanh mướt luôn làm cho du khách thích thú Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Để rồi một ngày bao nhiêu công sức của chú bỏ ra cũng được đền công xứng đáng bằng những bằng khen và chú mang danh "vua dừa" cũng từ đó. Nhưng tiếc thay khi chúng tôi ghé thăm thì được biết chú vừa mất vào cuối năm 2019. Chú mất rồi nhưng để lại những bóng dừa rợp bóng trên xứ sở cồn Hưng Phong thân yêu.
Bên cạnh đó làng nghề đan cọng dừa, gáo dừa làm đồ thủ công mỹ nghệ cũng là những địa điểm thăm quan của du khách khi đến với người dân trên cồn. Bằng những cọng dừa xanh màu lá, cùng bàn tay khéo léo của người địa phương, họ đã dùng từng cọng lá dừa được vót cẩn thận và đan thành giỏ hoa, cây chổi quét nhà trông thật đẹp mắt.
Xưởng thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa làm ra các chiếc bóp đầm |
Riêng với gáo dừa, người ta có thể làm con khỉ, chiếc bóp đầm, con bướm, tranh ảnh ghép lại đầy màu sắc lạ kỳ. Những ngày cận Tết nguyên đán, người dân nơi đây làm liên tục mà không có đủ hàng cung cấp cho các mối lái. Những sản phẩm đẹp, cầu kỳ, có hồn nên làm ai cũng ưa chuộng thích thú.
Một hộ gia đình sống với nghề đan giỏ bằng cọng dừa |
Còn du khách nào thích đạp xe chỉ cần nửa buổi là đi giáp quanh cồn. Đạp xe dưới tán dừa và thăm thú cảnh vật ở xứ miệt vườn. Du khách ngắm nhìn cuộc sống đời thường của người dân trên cồn. Biết đâu có lúc đi ngang thánh thất Hưng Phong, du khách bắt gặp cảnh cúng tứ thời lại cảm thấy an nhiên giữa bộn bề cuộc sống. Đó cũng là một nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân trên cồn.
Ngày nay, khi đến với nơi này mọi người khó nhìn được cảnh khỉ ho cò gáy. Nơi mà một thời chính nó đã lưu vào tâm khảm của bao nhiêu thế hệ cho những người đi khai hoang phá đất lập làng gian lao cực khổ.
Người dân luôn nâng cao đời sống sức khỏe cộng đồng bằng việc chăm tập thể dục mỗi ngày Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Thánh thất cao đài Hưng Phong Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Đường sá giờ khang trang do người dân một lòng bỏ một ngày công đi xây dựng quê hương. Những chiếc phà ngày đêm đưa người dân qua lại đôi bờ không quản nắng mưa.
Sức sống của một miền quê đang đổi mới từng ngày. Chính vì điều đó càng làm cho những người con trên mảnh đất Hưng Phong cảm thấy bớt khó nhọc, và cô đơn trong bao chặng đường bên kia phía đất liền một dải non sông.
Một ngày được về thăm cồn Hưng Phong, chúng tôi lại càng thêm yêu quê hương này. Trong bồi hồi lưu luyến lúc chia tay về lại đất liền. Tôi viết vài dòng lúc hoàng hôn trải dài trên sông Hàm Luông:
Ai về cồn Ốc, Hưng Phong
Cho tôi nhắn gửi đôi dòng nhớ thương
Ngăn sông cách trở đôi đường
Khó mấy cũng chịu bởi thương nhau rồi.
Những chuyến phà ngày đêm nối đôi bờ không ngăn cách Ảnh: Quách Duy Thịnh |
Huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu): Homestay Hương Lúa - trải nghiệm cuộc sống dân dã miệt vườn Mùa hè được xem là mùa du lịch của năm, là thời điểm hoàn hảo nhất để thực hiện các chuyến du lịch ngắn ngày hoặc dài ngày. Bạn đang lựa chọn địa điểm nào để du lịch dịp hè? Huyện Đất Đỏ với lợi thế có đường bờ biển dài 17,5 km từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An, nhiều...