Du lịch giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn Quốc: Đi dễ, về khó
Hàn Quốc nổi tiếng là nơi du khách đến với một khuôn mặt và hy vọng rời khỏi đây với khuôn mặt khác hấp dẫn hơn. Nhưng không phải ai cũng được như vậy, thậm chí có người thiệt mạng trên bàn phẫu thuật thẩm mỹ vì những bác sĩ không giấy phép hành nghề.
Phẫu thuật mí mắt ở Hàn Quốc – Ảnh: Reuters
Bác sĩ Hàn Quốc muốn mổ gì cũng được (?)
Vào tháng 1.2015, một du khách Trung Quốc được tuyên bố đã chết não ngay trên bàn mổ tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khi đang phẫu thuật thẩm mỹ, theo báo South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 3.5.
Sau những thảm họa như thế này, nhiều trang tin và báo đài ở Trung Quốc đã cảnh báo nguy cơ chết người và những di chứng khó chữa có thể xảy ra từ phẫu thuật thẩm mỹ.
Tháng 2.2015, chính phủ Hàn Quốc ra hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn du lịch giải phẫu thẩm mỹ trái phép, đồng thời đảm bảo tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người nước ngoài.
Những biện pháp này bao gồm siết chặt việc giám sát các nhân viên hay người môi giới, đảm bảo chỉ những người có giấy phép mới được chào hàng, giới thiệu các dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ với người nước ngoài; đồng thời xuất bản một quyển sách nêu rõ mức giá tiêu chuẩn cho các dịch vụ y tế để du khách hay bệnh nhân nước ngoài tránh bị lừa đảo.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa công bố khi nào chính thức áp dụng những biện pháp kể trên.
Ngành giải phẫu thẩm mỹ Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến danh tiếng điểm du lịch y tế hàng đầu thế giới. Những vấn đề này bao gồm quy định lỏng lẻo về bác sĩ, thiếu huấn luyện cấp cứu và thiếu thiết bị tại các bệnh viện thẩm mỹ, nhiều bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ không có giấy phép hành nghề.
Video đang HOT
Theo luật hiện hành, các bác sĩ Hàn Quốc không bị giới hạn khi hành nghề. Các bác sĩ có thể tiến hành bất kỳ ca phẫu thuật nào họ muốn, theo nhận xét của bác sĩ Cho Soo-young, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ được cấp giấy phép hành nghề và là người phát ngôn của Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.
“Ví dụ, tôi là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ có giấy phép chuyên về phẫu thuật phục hồi, nhưng tôi có thể phẫu thuật não và thậm chí mổ lấy thai nếu tôi muốn”, bác sĩ Cho nói.
Theo bác sĩ Cho, quy định lỏng lẻo này được áp dụng vào những thời điểm khan hiếm bác sĩ. “Quy định này được tạo ra hơn 100 năm trước, khi đó rất thiếu bác sĩ. Nhưng giờ đây nó đã lỗi thời và chính phủ vẫn chưa điều chỉnh”.
“Mỗi lần Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đề nghị chính phủ điều chỉnh luật, họ không đồng ý với đề xuất của chúng tôi”, bác sĩ Cho nói thêm.
Quảng cáo giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn Quốc – Ảnh: AFP
Lên bàn mổ, chưa chắc biết bác sĩ có giấy phép hay không
Theo bác sĩ Cho, có khoảng 10.000 bác sĩ không chuyên ở Hàn Quốc đang tiến hành các ca phẫu thuật thẩm mỹ. “Các bệnh nhân Trung Quốc thường không biết được liệu các bác sĩ mổ cho họ có giấy phép hành nghề hay không”, bác sĩ Cho cho hay.
Số bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ có giấy phép hành nghề rất ít, khoảng 2.000 người. Để có giấy phép hành nghề giải phẫu thẩm mỹ, một người phải có bằng bác sĩ, tiếp tục tham gia các khóa học huấn luyện, trải qua một năm thực tập và thêm 4 năm giải phẫu thẩm mỹ dưới sự giám sát và đánh giá của các bác sĩ, theo bác sĩ Cho.
Bà Lyan Chang, nhân viên tư vấn du lịch y tế, cho biết: “Ở Hàn Quốc, không có quy định bạn phải thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ với một bác sĩ có giấy phép. Những bác sĩ không giấy phép thậm chí vẫn có thể quảng cáo dịch vụ của họ ở Trung Quốc, vì đây không phải là việc phạm pháp”.
Chỉ có những bác sĩ có giấy phép mới được phép mở các bệnh viện thẩm mỹ ở Hàn Quốc. Nhưng mở ra rồi, các bệnh viện vẫn có thể thuê các bác sĩ không giấy phép tiến hành các ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Các bác sĩ không giấy phép này thường tiến hành phẫu thuật trong bí mật khi bệnh nhân đã nằm trên bàn mổ, theo South China Morning Post.
“Chúng tôi không thể đảm 100% các bệnh viện thẩm mỹ mà chúng tôi có liên kết không thuê bác sĩ không giấy phép hành nghề… Chúng tôi cũng cố giám sát việc này nhưng rất khó”, bà Natalie Oh, cựu y tá ở Seoul, hiện là người điều phối chương trình du lịch giải phẫu thẩm mỹ cho du khách nước ngoài, thừa nhận.
Các phụ nữ Trung Quốc vào điều trị ở một bệnh viện tại thủ đô Bắc Kinh, sau khi trải qua những ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc khiến gương mặt họ bị biến dạng – Ảnh: AFP
Ngoài ra, hiện có quá nhiều nhân viên tư vấn du lịch y tế trái phép hoạt động ngầm, dụ dỗ du khách đến Hàn Quốc, đưa họ vào những bệnh viện thẩm mỹ với toàn bác sĩ không có giấy phép hành nghề, bà Oh cho biết thêm.
South China Morning Post dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Y tế Samsung (Hàn Quốc) gần đây cho thấy 82 bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ chết vì thuốc gây mê ở Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 7.2009 đến tháng 6.2014, trong khi 23 người sống sót nhưng chịu nhiều biến chứng sau đó.
Các chuyên gia y tế cho biết những vụ việc này được lưu lại bởi vì gia đình làm đơn kiện; vì thế con số thật có thể cao hơn. “Chính phủ không bao giờ tuyên bố con số vụ tai nạn chết người trên bàn mổ cho chúng ta. Chỉ có những công ty bảo hiểm mới biết rõ con số thống kê”, bác sĩ Cho nói.
Bác sĩ Cho cho hay thuốc gây mê thường rất an toàn, trừ một số trường hợp rất hiếm, bệnh nhân có thể ngừng thở vì dị ứng thuốc. Điểm quan trọng là các bác sĩ không giấy phép có thể không biết cách dùng thuốc gây mê hoặc không được đào tạo về xử lý tình huống khẩn cấp khi bệnh nhân bị sốc thuốc gây mê.
Yang Wan-zhi, một phụ nữ muốn đến Hàn Quốc giải phẫu thẩm mỹ, dù biết rất mơ hồ về các nguy cơ nhưng vẫn tin tưởng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
“Nếu tôi phải trải qua một cuộc đại phẫu, tôi sẽ rất sợ hãi vì những biến chứng. Tuy nhiên, vì muốn được đẹp hơn, tôi không thể tránh dùng dao kéo… Tôi chỉ có thể hy vọng không có vấn đề gì phát sinh trên bàn mổ”, cô Yang cho hay.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng chĩa súng vào mặt nữ nhân viên taxi: Cần xem xét rút giấy phép sử dụng súng
Liên quan đến vụ ông Trần Thái Hòa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chĩa súng vào mặt, đe dọa nữ nhân viên taxi Mai Linh (Báo Thanh Niên đã thông tin), tối 12.4, trao đổi với PV Thanh Niên, chị Huỳnh Thị Thanh Vy (25 tuổi) cho biết hiện chị vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh khẩu súng gí thẳng vào mặt. Chính vì thế, chị đã xin tạm thời nghỉ việc và chưa biết khi nào đi làm lại. Đến nay, chị Vy vẫn chưa được công an mời lên làm việc.
Khẩu súng, giấy phép sử dụng súng và CMND của ông Trần Thái Hòa bị công an tạm giữ - Ảnh: Mã Phong
Cũng theo lời chị Vy, chiều 12.4, chị nghe nhiều đồng nghiệp nói ông Hòa có liên hệ với công ty chị, nhưng nội dung như thế nào thì chưa rõ. Hiện Công an Q.7 vẫn đang tạm giữ khẩu súng RG88 (loại công cụ hỗ trợ, bắn đạn cao su) và 3 viên đạn của ông Hòa để tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo luật sư Nguyễn Hiền Hà, Giám đốc Công ty luật Hiền Hà (TP.HCM), dù bất kỳ lý do nào, một người đàn ông dùng súng uy hiếp một phụ nữ ngay chốn đông người như vậy là hoàn toàn sai. Mặc dù đây chỉ là công cụ hỗ trợ nhưng cũng có thể gây nguy hiểm. Thông thường, công cụ hỗ trợ chỉ được cấp cho bảo vệ hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của ngân hàng, nhưng nó lại được cấp cho vị phó tổng giám đốc ngân hàng để sử dụng cá nhân là sai.
"Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét rút giấy phép sử dụng súng của ông này và hành vi này cũng phải được xem xét xử lý, ít nhất là cũng phải bị xử lý hành chính", luật sư Hà nói.
Công Nguyên - Hải Nam
Theo Thanhnien
Tỉnh táo với dịch vụ thẩm mỹ Dịp cuối năm, quý bà, quý cô đổ xô đi làm đẹp, giải phẫu thẩm mỹ để đón Tết nhưng ít ai ý thức phải đưa yếu tố an toàn sức khỏe lên hàng đầu. Công nghệ làm đẹp, trong đó có giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, làm...