Du lịch Gia Lai: Biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế
Gần đây, Gia Lai nổi lên như là một trong những điểm đến mới, hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, nhiều người ví tài nguyên du lịch Gia Lai như viên ngọc thô bị những lớp bụi che mờ, vì thế cần được mài giũa để tỏa sáng…
Biển Hồ Gia Lai. Ảnh: Phan Nguyên
“Viên ngọc thô” ẩn giấu
Gia Lai có nhiều thắng cảnh, nổi tiếng nhất là Biển Hồ được mệnh danh là “Đôi mắt Pleiku”. Đây là danh lam thắng cảnh duy nhất ở Gia Lai được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong Top 5 hồ tự nhiên, đẹp và thơ mộng (năm 2014). Gần đây, giới trẻ truyền tai nhau về vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo hiếm có của thác K50 nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận vào tháng 9-2021, nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như trekking, cắm trại, chèo thuyền sup…
Đến Gia Lai, du khách không thể bỏ qua khung cảnh độc đáo được hình thành từ hàng triệu năm trước, đó là quần thể đá cổ H’chan (huyện Mang Yang) nằm trong khu vực hạ lưu dòng sông Ayun. Du khách không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy những khối đá đen xếp lớp cạnh nhau, trải dài hàng trăm mét, tạo nên một cảnh tượng đẹp đến nao lòng. Tương tự là vẻ đẹp của suối đá cổ làng Vân (huyện Chư Păh), nhìn từ trên cao, con suối này trông như một tổ ong khổng lồ đầy thú vị.
Video đang HOT
Du lịch Gia Lai còn là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, được hòa mình vào âm thanh phóng khoáng của núi rừng, giữa buôn làng, bên lửa trại và rượu cần. Để trải nghiệm di sản này, du khách có thể tới làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), làng Ốp (thành phố Pleiku)… Ngoài ra, Gia Lai còn là vùng đất của nhiều lễ hội đặc sắc như lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước… Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Gia Lai mang lại cho du khách cảm giác bình yên với những trải nghiệm văn hóa bản địa đặc
sắc cùng con người thân thiện, hiếu khách.
“Mài giũa” để “ngọc” sáng
Là địa phương đi sau về phát triển du lịch, lại là “vùng trũng” với nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nên du lịch Gia Lai chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH Family tour Việt Nam Nguyễn Đức Thành, Gia Lai cần hoạch định chiến lược, chính sách phát triển một cách tổng thể và có những bước đi cụ thể. Trước mắt, tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá nhằm thu hút nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông để ngày càng được nhiều người biết đến. “Viên ngọc quý này nếu không được đánh bóng sẽ mãi ở dạng thô, gây lãng phí tiềm năng và kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” – ông Thành bày tỏ.
Vietsense Travel là một doanh nghiệp thường xuyên đưa khách đến Gia Lai nhưng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Nói về vấn đề này, CEO Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết: “Khi tìm thông tin về các điểm đến, văn hóa, ẩm thực của Gia Lai để xây dựng, quảng bá sản phẩm tới du khách, chúng tôi phải vất vả tra cứu nhưng thông tin đăng tải trên website du lịch của tỉnh rất sơ sài. Gia Lai cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quy hoạch lại hệ thống điểm đến, đầu tư tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá”. Lấy ví dụ thực tế từ cách làm của Indonesia khi đào tạo để người dân trực tiếp quay clip, chụp ảnh phục vụ khách một cách chuyên nghiệp, ông Tài cho rằng đấy không chỉ là cách để làm du khách hài lòng mà còn là cách quảng bá điểm đến hiệu quả, tốn ít chi phí.
Đề cập đến việc Gia Lai cần chọn ra những mô hình điểm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản song song với phát triển du lịch, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh hiến kế: “Để sản phẩm du lịch không đơn điệu, trùng lặp với các địa phương khác, Gia Lai cần khai thác yếu tố văn hóa bản địa như chèo thuyền độc mộc trên Biển Hồ; tái hiện hoạt động văn hóa cồng chiêng, giới thiệu phong tục và văn hóa ẩm thực trong nhà rông… nhằm đa dạng hóa trải nghiệm, góp phần tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách”.
Bày tỏ sự trăn trở về khó khăn trong việc giữ sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi luôn cân nhắc trước mâu thuẫn giữa bảo tồn bản sắc và phát triển du lịch. Nếu nôn nóng và không chuẩn bị kỹ, chúng tôi có thể sẽ phải trả giá đắt khi làm mất đi bản sắc văn hóa và phá vỡ nguồn tài nguyên du lịch. Nhưng nếu không dám phát triển thì sẽ không thể biến tiềm năng trở thành động lực phát triển kinh tế. Vì thế, muốn phát triển du lịch bền vững phải tập trung vào con người, trong đó người dân là người trực tiếp bảo vệ di sản và là “sứ giả” kết nối điểm đến với du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực vào văn hóa, con người và tài nguyên thiên nhiên để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn, bền vững”.
Khai thác tiềm năng du lịch Bắc Mê: "Bắt tay" để phát triển
Bắc Mê là huyện vùng sâu, nằm cách thành phố Hà Giang 53km về phía đông. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhưng tiềm năng du lịch nơi đây giống như kho báu còn ẩn sâu dưới lòng đất, chưa được nhiều người biết đến.
Để giảm bớt "sức nóng" và dịch chuyển dần dòng khách từ các huyện ở Hà Giang về Bắc Mê, rất cần cái "bắt tay" giữa cơ quan quản lý nhà nước, người dân, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Tuyến du lịch đường thủy khám phá vẻ đẹp thanh bình của dòng sông Gâm.
"Kho báu" ngủ quên
Huyện Bắc Mê hội tụ điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, nổi bật là tài nguyên đa dạng sinh học với diện tích rừng lớn. Nhiều khu rừng nguyên sinh cùng môi trường sinh thái trong lành được bảo tồn, gìn giữ như khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, rừng nguyên sinh xã Phiêng Luông, Yên Cường, Lạc Nông, thác Nà Phia (thị trấn Yên Phú); thác Kẹp B (xã Minh Sơn)... Lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) trên sông Gâm thuộc địa phận huyện Bắc Mê có cảnh quan đẹp, là tiền đề để phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, Bắc Mê cũng sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú. Trên địa bàn huyện hiện có 3 di tích được xếp hạng Di sản văn hóa cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử, văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo. Bắc Mê là nơi sinh sống của 15 dân tộc anh em Dao, Tày, Mông..., hiện còn giữ được nếp sinh hoạt, phong tục tập quán và lễ hội đặc sắc như Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội gọi trăng, Lễ cúng cơm mới của người Tày, Lễ hội cấp sắc; Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của người Dao; Lễ hội Gầu tào của người Mông; Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo... Cùng với đó, nghề truyền thống của các dân tộc như nghề rèn, chạm bạc (người Dao, Mông); trồng lanh, kéo sợi, dệt vải, in hoa trên vải bằng sáp ong, đan lát (người Mông, Dao, Tày)... cũng được gìn giữ, làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Bắc Mê.
Dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, đặc sắc như vậy nhưng Bắc Mê vẫn là cái tên mờ nhạt trên bản đồ du lịch Hà Giang. Nguồn tài nguyên này giống như kho báu nằm sâu dưới lòng đất, chưa được khai thác để trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến với Bắc Mê. Để kho báu này lộ diện, cần có sự liên kết, vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và các doanh nghiệp lữ hành.
Liên kết để phát triển
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc liên kết giữa hai địa phương Tuyên Quang, Hà Giang - nơi có chung dòng sông Gâm và lòng thủy điện Na Hang, cùng các địa phương lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho rằng: Bắc Mê có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy thuận lợi để kết nối với các huyện và tỉnh bạn, vì thế, việc liên kết du lịch vùng là rất khả quan. Một trong những giải pháp để thúc đẩy liên kết du lịch tại đây là phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo dấu ấn khác biệt so với các địa phương và các vùng khác. "Về liên kết nội vùng, phải xây dựng được sản phẩm du lịch tổng hợp, đi qua nhiều điểm đến, kết hợp nhiều trải nghiệm độc đáo, đặc thù của vùng và liên kết nhiều địa danh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Về liên kết ngoại vùng, cần chú trọng liên kết các sản phẩm, tour tuyến với các tỉnh giáp ranh bằng cả đường bộ và đường thủy" - ông Doanh chia sẻ.
Chung nhận định về những lợi thế phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa hai huyện Bắc Mê (Hà Giang) với Na Hang (Tuyên Quang), ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam TravelMart cho rằng: Hai địa phương nên đẩy mạnh liên kết, phát triển dòng sản phẩm du lịch trên sông Gâm bằng cách xây dựng một tuyến du lịch trên dòng sông thơ mộng này. Hai bên bờ sông Gâm có những bãi bồi với những khóm tre, bãi thả trâu, thuyền neo mang nét đặc trưng của Việt Nam. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng những sản phẩm thu hút dòng khách lẻ ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, cần thiết kế những điểm dừng chân, trồng nhiều loài hoa đặc trưng dọc tuyến đường để tạo điểm nhấn, điểm check-in cho du khách; gia tăng các loại hình trải nghiệm như chèo SUB (ván đứng), thuyền kayak hay phát triển loại hình cắm trại ở hai bên sông. Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích mà du lịch mang lại để thu hút sự tham gia của người dân, giúp họ thay đổi cuộc sống.
Nếu như trước đây, du lịch chưa thực sự được coi trọng thì nay, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Bắc Mê đã có những hành động, định hướng cụ thể nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Củng Thị Mẩy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 10 về phát triển du lịch - dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương; thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nền tảng cơ bản để du lịch Bắc Mê phát triển trong thời gian tới.
Du lịch sông Hồng - tiềm năng còn bỏ ngỏ Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng du lịch sông Hồng vẫn chưa thực sự khởi sắc do còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Nhiều tiềm năng Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160km, trong đó 40km qua nội đô, sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị...