Du lịch cộng đồng – Nông thôn kiểu mẫu: Nông dân làm nhà cho… Tây ở
Quảng Bình đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn chặt với việc xây dựng những làng quê nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan mô hình du lịch cộng đồng vùng Phong Nha ( Bố Trạch). Ảnh: D.H.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, du lịch là một hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới.
“Với những lợi thế ở Quảng Bình, thì đây là một hướng đi có nhiều tiềm năng và có khả năng mang lại hiệu quả cao. Vì thế, cần có sự nhập cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển du lịch cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”.
Khi nông dân làm du lịch
Du lịch cộng đồng những năm gần đây xuất hiện tại một số vùng nông thôn Quảng Bình bước đầu mang lại hiệu quả ở các vùng quê.
Vùng homestay được biết đến nhiều nhất chính là ở “vương quốc hang động” Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ bàng (Bố Trạch – Quảng Bình). Thôn Chày Lập, Cù Lạc ( thị trấn Phong Nha, trước đây là xã Sơn Trạch – huyện Bố Trạch) là nơi “xướng” lên những hình thái homestay trên vùng đất Di sản.
Câu chuyện anh nông dân thứ thiệt Lê Văn Sỹ (thôn Cù Lạc) quyết định “bỏ làng” đi học làm du lịch cũng làm cho mọi người ngỡ ngàng. Vay tiền nhét thắt lưng làm lộ phí, anh rong ruổi hết Quảng Nam đến Sa Pa (Lào Cai) để học cách làm du lịch cộng đồng.
Khi hết nhẵn tiền, anh Sỹ mới chịu trở về và biến căn nhà gỗ nhỏ của mình làm… homestay. Thấy việc làm, mọi người trong thôn cười chế: “Có mà làm cho Tây ở”. Anh Sỹ đáp mà bụng mừng như mở cờ: “Dạ đúng. Làm cho Tây ở thiệt”.
Khi có kinh nghiệm, tích lũy được chút vốn liếng thì Sy’s Homestay mới đầu tư mở rộng quy mô và bài bản.
Ông chủ Lê Văn Sỹ chia sẻ, homestay không chỉ đơn thuần là dịch vụ lưu trú, mà còn phải biết kết nối và tổ chức các sản phẩm, dịch vụ du lịch tạo thành một tour tham quan, trải nghiệm.
“Vì vậy, Sy’s Homestay luôn chú trọng việc tổ chức, sắp xếp chương trình nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ cho khách du lịch, như cưỡi trâu, tắm sông hoặc tham quan vườn thực vật, ẩm thực đồng quê”.
Nhiều homestay khác tự trang bị cho mình vườn nông sản riêng để vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, vừa xây dựng mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm.
Nông dân Lê Dũng, chủ một cơ sở du lịch cộng đồng đã xây dựng mô hình chuỗi khép kín trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống, bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi ngon.
Video đang HOT
Vừa đón khách, ông Dũng vừa trò chuyện: “Làm như vậy, du khách sẽ có nhiều cơ hội để được trải nghiệm cuộc sống như một nông dân Việt Nam thực thụ. Nông trại duy trì một số đặc sản cây trồng, vật nuôi của địa phương để góp phần quảng bá thương hiệu truyền thống, như các loại rau theo mùa, gà, vịt, ngan…”.
Khách du lịch đến với vùng quê nông thôn mới ở Phong Nha. Ảnh: D.H.
Với anh Ngô Xuân Ninh (xã Cự Nẫm) lại khác. Thấy du khách nước ngoài ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng còn rất lớn, trong khi cơ sở lưu trú ở Cự Nẫm lại hạn chế nên quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hai phòng nghỉ cạnh ngôi nhà của mình.
Dù chỉ hai phòng nghỉ dành cho 4 người, nhưng cơ sở của anh lại luôn đông khách. Với giá 1 triệu đồng/phòng/đêm, thu nhập hàng tháng cũng đủ cho gia đình anh trang trải cuộc sống.
“Kinh nghiệm cũng có được, nên tôi muốn tích góp đủ vốn để mở rộng hơn homestay gia đình và có đủ năng lực để phục vụ một số dịch vụ ăn uống, giải trí vùng quê” – anh Ninh bày tỏ.
Du lịch cộng đồng trên địa bàn xuất hiện muộn hơn so với một số tỉnh bạn, nhưng những mô hình tại thị trấn Phong Nha, xã Cự Nẫm… đã thu hút đông đảo khách nước ngoài đến lưu trú, nghỉ ngơi.
Đến nay, Quảng Bình có trên 1.000 cơ sở làm du lịch cộng đồng. Nếu trước đây, nhiều người dân ở các xã Cự Nẫm, Hưng Trạch, Phúc Trạch, thị trấn Phong Nha… sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng thì nay chuyển sang làm dịch vụ du lịch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch thì sự chuyển hướng đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng di sản.
“Quan trọng hơn, đây cũng là một hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới” – ông Hồng nhìn nhận.
Theo ông Trần Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha, từ một vùng đất sản xuất nông nghiệp và sống bằng nghề đi rừng, đến nay, nhờ phát triển du lịch dịch vụ, trong đó phải kể tới sự ra đời của mô hình du lịch cộng đồng mà cơ cấu kinh tế của địa phương có sự dịch chuyển tích cực.
“Toàn thị trấn có hơn 50 homestay và farmstay, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng trăm lao động. Mỗi cơ sở có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm” – ông Bình cho biết thêm.
Du lịch cộng đồng trong lòng NTM kiểu mẫu
Sản phẩm nông nghiệp làm khách du lịch nước ngoài ưa thích. Ảnh: D.H.
Tại Quảng Bình, nhiều địa phương đã cán đích NTM và đang chuyển dần sang giai đoạn cao hơn. Đó là xây dựng NTM kiểu mẫu và tăng tính bền vững của các tiêu chí. Trong đó, các địa phương đã chú trọng đến nhiệm vụ làm đẹp nông thôn, hình thành những khu “dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “làng quê đáng sống” để nâng chất lượng cuộc sống người dân và thu hút khách đến thăm.
Vào tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chuyến công tác tại Quảng Bình và được “mục sở thị” cách làm du lịch cộng đồng tại khu vực Phong Nha.
Đến thăm xã Cự Nẫm, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao cách làm, đồng thời gợi ý: “Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, cần có ý tưởng biến các làng quê nông thôn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất”.
Sy’s Homestay đón khách du lịch nước ngoài. Ảnh: D.H.
Theo Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương, nhờ có lợi thế lớn về giao thông và cảnh quan hữu tình mà du lịch dịch vụ đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
“Ngoài Phong Nha Farmstay ở thôn Hòa Sơn đang là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước thì trên địa bàn có hàng chục hộ gia đình đầu tư mở khách sạn mini, homestay đón khách du lịch” – ông Lương nói.
Đến xã NTM Cự Nẫm đã thấy không khí du lịch hiện rõ trên từng con đường, ngõ xóm. Trong 13 thôn của xã nơi đâu cũng sạch đường, đẹp lối. Các thôn Hòa Sơn, Đông Sơn, Nguyễn Sơn… đang được ví như những đơn vị dẫn đầu của mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hà, người dân thôn Hòa Sơn hồ hởi: “Phải nói là ai cũng cảm nhận được phải có xóm làng sạch sẽ, con người thân thiện với môi trường, cây xanh, phải hiếu khách… thì mới có sức hút khách du lịch muốn đến nhiều lần. Qua đó, đã tạo nên vùng quê kiểu mẫu của nông thôn mới đó rồi”.
Chế biến sản phẩm nông nghiệp làm đặc sản cho khách du lịch sẽ là điểm nhấn mạnh cho di lịch cộng đồng. Ảnh: D.H.
Không chỉ riêng Cự Nẫm, tại các vùng nông thôn, mô hình du lịch cộng đồng ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức của người nông dân các vùng quê Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa… Qua đó, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng du lịch.
Ông Lê Thế Lực , Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, tới đây, du lịch cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá đặc sản Quảng Bình khi đề án “mỗi xã một sản phẩm” được thông qua và du lịch NTM sẽ được quan tâm phát triển.
“Đề án “mỗi xã một sản phẩm” sẽ là cơ hội vàng cho nhiều địa phương định hình phong cách, bản sắc du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm này phải được đưa vào chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định và khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm được chú trọng” – ông Lực nói.
Báo Mỹ giới thiệu cảnh đẹp và con người Quảng Bình
Patrick Scott, phóng viên tờ The New York Times đã có dịp tới Phong Nha, Quảng Bình, và chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ trong thời gian ở Việt Nam.
Sau hành trình khám phá thiên nhiên và con người ở Quảng Bình, Patrick Scott đánh giá vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những điểm đến du lịch mạo hiểm hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, anh ấn tượng với động Thiên Đường bởi lối đi bộ dài và những khối đá vôi tự nhiên tuyệt đẹp.
Patrick Scott đã nhiều lần tới Phong Nha để du lịch. Nằm ở vùng đất hẹp nhất Việt Nam, khu vực này sở hữu cảnh quan quyến rũ, nguyên sơ với hệ thống suối, sông ngoằn ngoèo bao quanh những đỉnh núi đá vôi. Tới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách có thể tham gia trải nghiệm bơi dưới đáy thác hoặc đi bộ trong rừng rậm.
Những ngày lưu lại Quảng Bình, phóng viên The New York Times dành nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Dù du lịch phát triển, khác với Sa Pa, vịnh Hạ Long, nơi đây dường như không xuất hiện tình trạng đô thị hóa.
Để tới thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình, Patrick Scott chia sẻ 3 cách, đáp chuyến bay từ thành phố biển Đồng Hới (Quảng Bình), đi xe buýt từ Huế, Hội An (Quảng Nam) hoặc mua vé tàu từ Đà Nẵng... Du khách có thể dạo bộ, đi xe đạp hoặc thuê xe máy để bắt đầu hành trình cảm nhận cuộc sống bình yên và thưởng thức các món ăn địa phương.
Người dân đã chuyển đổi trang trại chăn nuôi thành địa điểm vui chơi cho du khách với các hoạt động trải nghiệm thú vị. Patrick Scott đã tới tham quan trang trại vịt. Nơi đây thu hút nhiều du khách nước ngoài ghé thăm để cho ăn và chụp ảnh cùng đàn vịt trắng. Ngoài ra, cưỡi trâu cũng là hoạt động yêu thích của khách quốc tế khi tới Quảng Bình.
Đối với các chuyến tham quan hang động, Patrick Scott đã tới động Phong Nha bằng thuyền với giá khoảng 8 USD, dạo chơi ở hang Thiên đường với giá khoảng 11 USD và bơi tại Hang Tối. Anh cũng đặt các chuyến du ngoạn leo núi và cắm trại nhiều ngày tại các hang động. Gà nướng với sốt tiêu là món ăn anh ấn tượng nhất ở đây.
Nếu muốn nghỉ dưỡng, du khách có thể lựa chọn lưu trú tại khách sạn sang trọng với những căn phòng rộng rãi, có bể bơi, điểm ngắm hoàng hôn và dịch vụ chèo thuyền kayak... Patrick Scott giới thiệu thời gian lý tưởng cho việc khám phá Phong Nha là từ tháng 3-8. Giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, nơi đây thường diễn ra lũ lụt.
"Dự án phát triển làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú" Hướng phát triển đầy tiềm năng của thị xã Điện Bàn Dự án phát triển làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú xã Điện Phong là một trong các dự án đầu tiên của vùng Gò Nổi, là con đường kết nối giữa hai di sản Hội An và Mỹ Sơn, đường bộ lẫn đường thủy. Dự án nằm trong khu quy hoạch cụ thể phát triển du lịch Điện Phong của thị xã...