Du lịch cộng đồng: Hướng phát triển bền vững
Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú – đây đều là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.
Tận dụng tiềm năng đó, du lịch cộng đồng hiện đang được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển và trở thành một trong những sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và du khách.
Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà được phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất danh trà”, khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều địa phương như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Đình (Định Hóa), Phú Thượng (Võ Nhai), Bình Sơn (TP. Sông Công), Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ)…
Tại các địa phương này, người dân đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, đầu tư chỉnh trang những nương chè để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều cơ sở sản xuất chè ở những vùng đất giàu tài nguyên tự nhiên và văn hóa đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch cộng đồng như: Homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của các đoàn khách đông người.
Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái như vườn nho, vườn dâu tây tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)…
Video đang HOT
Đến với bản làng Thái Hải, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào bầu không khí đậm chất văn hóa dân tộc.
Trong số những điểm đến hấp dẫn tại Thái Nguyen, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên), được công nhận là điểm du lịch địa phương từ năm 2014 và thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả du khách quốc tế. Nơi đây quy tụ hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên mẫu, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Bản làng Thái Hải còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán đẹp, nghề truyền thống như làm thuốc Nam, nấu rượu, chế biến chè, thực hành Then trong cuộc sống hằng ngày. Đến với bản làng, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc.
Hay một mô hình độc đáo và hút khách khác là Hoàng Nông farmstay ở xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông (Đại Từ), với cách làm du lịch chuyên nghiệp đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Hoàng Nông farmstay có hai ngôi nhà sàn theo phong cách của dân tộc Dao, với diện tích 300m2, sức chứa từ 18-20 người, nằm giữa những đồi chè sản xuất theo hướng an toàn để du khách kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm thu hái, chế biến chè.
Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ nhân Hoàng Nông farmstay, chia sẻ: Trước đây, tôi làm hướng dẫn viên du lịch. Trong quá trình đưa du khách đi tham quan, tôi thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp của sườn Đông núi Tam Đảo cùng lợi thế phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè. Vì vậy, tôi đã khởi nghiệp từ mô hình homestay tại ngay chính đồi chè của gia đình, với mục đích quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương.
Theo ông Tùng, Hoàng Nông farmstay đi vào hoạt động từ năm 2019, tuy còn mới nhưng đã được nhiều khách trong nước và quốc tế biết tới, đến trải nghiệm và lưu trú.
Từ thực tế cho thấy, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 2 mô hình du lịch cộng đồng, thì từ năm 2018 đến nay, Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ. Các mô hình này mỗi năm đã thu hút trên 1.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, cách làm du lịch, quảng bá du lịch còn tự phát, chưa chuyên nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa thực sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, với lộ trình từ năm 2022-2025 sẽ hoàn thành xây dựng 5 mô hình điểm về du lịch cộng đồng.
Đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong năm 2022, Sở sẽ tập trung hoàn thiện 2 điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và xã Phú Thượng (Võ Nhai). Chúng tôi sẽ tăng cường các sự kiện và định hướng cho các khu, điểm du lịch, tổ chức dịch vụ trải nghiệm, tổ chức trình diễn và xây dựng các cửa hàng lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng cũng sẽ được quan tâm. Ngành Văn hóa sẽ mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến. Từ đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.
Giữ gìn và phát triển đa dạng sinh học ở Suối Rao Ecolodge
Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) không đơn thuần là một khu sinh thái nghỉ dưỡng, đó còn là nơi giữ gìn và phát triển đa dạng sinh học.
Suối Rao Ecolodge có khoảng 1 triệu cây xanh với hơn 600 loài trong đó có nhiều loài quý hiếm.
9 giờ sáng một ngày cuối tuần, bà Lê Thị Nga - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge ngồi trò chuyện với chúng tôi ở một chiếc bàn gỗ, đặt phía sau sân nhà hàng. "Suối Rao như một cô gái miền sơn cước ngủ quên", bà Nga ví von.
Hơn 10 năm trước, với niềm đam mê của một nhà thiết kế cảnh quan, nhà sinh vật học, bà Nga bắt đầu hành trình đánh thức "cô gái miền sơn cước" ấy. Bà bắt đầu tìm đến kiến trúc sư, nhà sinh vật học để thu thập các loại cây quý hiếm. Ban đầu chỉ có khoảng hơn 1.000 cây các loại như thông caribe, giáng hương, tùng, đến nay 5ha đất Suối Rao của bà có đến khoảng 1 triệu cây xanh với khoảng 600 loài. Trong đó có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của BR-VT như: cẩm lai, chiu liu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ... Đặc biệt là cây thành mát cánh và rừng cây hoa anh đào Miến Điện nở rộ vào tầm tháng 4 và tháng 5.
Du khách thích thú đạp xe trong không gian xanh mát của Suối Rao Ecolodge.
Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn có 181 loại cây thuốc như: Mật nhân, ngũ thảo, ngà voi, trầu không, sâm đất, lài tía, sử quân tử, riềng, gừng rừng, ngãi cứu, thiên lý, khổ qua rừng, rau răm... Đặc biệt có nhiều loài cây hoang dã như xuyến chi, cỏ xước mọc rất nhiều. Các loài hoa như sơn quỳ, dã quỳ, bươm bướm, thiên điểu, hoa hồng, cẩm tú cầu... cũng được chị đưa về ươm trồng ở vườn. Khi vườn nhiều cây xanh, hoa nở khiến nhiệt độ, độ ẩm giảm xuống nên nấm tự mọc; chim chóc, ong bướm, cũng tự bay về; tắc kè, sóc cũng đến đây nương náu.
PGS - TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn khi đến Suối Rao Ecolodge cũng khẳng định: "Đây là một cú hích về đa dạng sinh học mà chính mỗi một cá nhân như bà Nga đều có thể làm, có thể đóng góp cho sự đa dạng sinh học của BR-VT".
Trong không gian buổi sáng đầy nắng, nhưng Suối Rao Ecolodge vẫn có một bầu không khí mát vẻ tựa Đà Lạt, yên tĩnh, nghe rõ cả tiếng chim hót thảnh thót, tiếng nước suối róc rách phía ngoài xa... Thỉnh thoảng giữa không gian yên tĩnh đó, chúng tôi bắt gặp những khách du lịch già có, trẻ cũng rất nhiều họ đến Suối Rao Ecolodge lắng mình với không gian yên bình này để nghỉ ngơi, thiền, yoga... hoặc chỉ để đệm một tiếng guitar nho nhỏ đủ cho một người nghe.
Tôi nhìn rõ niềm vui trong ánh mắt của chủ nhân trong khung cảnh ấy. Bà Nga chia sẻ: "Ban đầu tôi chỉ nghĩ biến khu đất 5ha hoang sơ, sỏi đá ở Suối Rao của mình thành một vùng rừng để làm đa dạng sinh học cho thỏa niềm đam mê ngành nghề. Khi có 1.000 cây, tôi muốn có 1 triệu cây. Và tôi đã biến một khu đất không mấy rộng lớn thành một vùng rừng sinh thái với đồi núi, với cây rừng bản địa, với thuốc, với rau và hoa lá, chim muông... Từ đó, tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực này đến nhiều người nên khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge được xây dựng".
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhân của Suối Rao Ecolodge hái cây xuyến chi trong vườn về chế biến món ăn cho khách du lịch
Vậy rồi, hơn 10 năm qua bà cứ thầm lặng, góp nhặt từng cái cây, từng giống loài để vùng rừng của bà ngày thêm đa dạng. Bà xây dựng thêm 1 nhà hàng, 1 phòng trà và 8 căn villa diện tích từ 30-140m2 được làm hoàn toàn bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như: gạch nung tự nhiên, mái ngói, tre, gỗ... với kiến trúc nhà ba gian Bắc bộ, Trung bộ và cả nhà sàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, diện tích trồng cây vẫn chiếm đến 95% trên tổng diện tích của khu nghỉ dưỡng.
Mỗi lần Suối Rao Ecolodge chỉ nhận tối đa 50 khách để bảo đảm không gian riêng biệt và yên tĩnh. Những đêm ở Suối Rao Ecolodge, du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa bản địa với đàn đá, đàn T'rưng, đàn guitar; cùng nhau đốt lửa trại, múa sạp, ném còn... Và thưởng thức những món ăn được nuôi, trồng tự vườn và thưởng thức gần 100 loại trà đạo. Ngoài ra khách du lịch cũng có thể đạp xe xuyên rừng, bơi trong hồ bơi sinh thái mà nước của hồ bơi được lấy từ suối về, được chèo thuyền kayak và được câu cái, hái sen.
"Tại Việt Nam, hiện có 6 khu Ecolodge là vùng sinh thái biệt lập, có địa hình đồi núi, cánh đồng, cánh rừng trong đó có Suối Rao Ecolodge. Nói về làm du lịch như Suối Rao Ecolodge thì chưa có lãi nhưng lãi chính là ở giá trị cốt lõi - giúp mọi người có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, nghỉ dưỡng, từ đó nghĩ về môi trường nhiều hơn, trồng thêm cây xanh khi có điều kiện", bà Nga nói.
Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Hà Nội Ngày 15/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, địa chỉ xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Chùa Tây Phương (tên chữ "Sùng Phúc tự") là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện...