Đủ kiểu “trấn lột” khách đi vía Bà
Buôn bán kiểu “trấn lột” đang trở thành nỗi ám ảnh đối với khách thập phương mỗi khi đến cúng viếng ở miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – An Giang
Theo Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, chỉ tính riêng trong 4 ngày Tết Nguyên đán vừa qua, nơi đây đã đón hơn 100.000 lượt khách đến cúng viếng và xin “lộc Bà”, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán kiểu “trấn lột” vẫn đeo bám du khách dù các cơ quan chức năng đã cố gắng để ngăn chặn.
Bán không được đòi xử
Đúng như nhận định của Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chỉ từ sáng đến trưa 6-2 (tức mùng 10 Tết), chúng tôi dễ dàng chứng kiến hàng loạt du khách bị chặt chém không thương tiếc vì lỡ mua nhang đèn, gạo, muối viếng Bà xin lộc của những kẻ buôn bán bất lương.
Video đang HOT
“Đội quân” bán hàng rong đeo bám và bắt chẹt khách
Nhóm người này thường đeo bám khách ngay từ khi vừa bước xuống xe trước cửa chùa Tây An cho đến tận cổng miếu Bà. Chỉ với 1 thẻ nhang nhưng du khách phải trả đến 200.000 đồng. Có trường hợp, chúng tự xé bao thẻ nhang rồi buộc khách phải bồi thường vì đã lỡ xem hàng. Nếu như khách không đồng ý trả tiền theo yêu cầu thì sẽ có một số đối tượng “ xã hội đen” đến hăm dọa xử lý.
Do không muốn gặp rắc rối trong những ngày đầu năm nên nhiều người đành chấp nhận đưa tiền cho bọn chúng theo kiểu “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua chuyện. Thế nhưng, khi khách vừa đến đoạn khác lại gặp phải nhóm chuyên chèo kéo bán gạo, muối.
“Mỗi bịch gạo 1 bịch muối trong các sạp chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng nhưng nhóm người này bán đến 400.000 – 500.000 đồng. Thủ đoạn của chúng là một người đứng bán với giá bình thường nhưng khi thấy khách vừa móc tiền ra trả thì có người khác giả vờ chạy đến lấy tiền thối rồi lẻn đi mất trong đám đông”, một chủ nhà trọ tại khu vực cổng chính miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam bức xúc nói và cho biết thêm: Hiện khu vực này có 2 nhóm chuyên bán nhang đèn, gạo, muối theo kiểu “trấn lột” du khách hoành hành.
Ngay cả bản thân phóng viên khi đi tìm hiểu viết bài cũng bị đưa vào bẫy vì lỡ tay cầm thẻ nhang và hỏi giá. Khi phóng viên nói giá đắt gấp 10 lần thị trường nên không đủ tiền mua thì lập tức bị chửi là xạo và liên tiếp bị ép mua. Kiên quyết từ chối sau nhiều lần bị ép thì phóng viên nhận ngay lời đe dọa không mua thì không yên.
Chỉ có thể khuyến cáo!
Theo chủ nhà trọ nêu trên, tình trạng buôn bán theo kiểu trấn lột không đợi đến tháng giêng hằng năm mới xuất hiện mà thường xuyên xuất hiện vào những ngày cuối tuần vì lúc đó có rất đông khách. “Chính quyền địa phương và công an nên có biện pháp xử lý mạnh tay hơn với những băng nhóm buôn bán cắt cổ, chứ để tình trạng này mãi tồn tại là không thể chấp nhận được” – chủ nhà trọ kiến nghị.
Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ cũng thừa nhận kể từ khi lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được nâng lên cấp quốc gia thì lượng khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng nhiều hơn. Trong các dịp lễ, người dân địa phương cũng như du khách thường đến cúng vái để xin “lộc Bà”, “vay vốn” làm ăn hoặc gia đình được mạnh khỏe. Lễ vật dâng cúng cũng đơn giản theo thông lệ truyền thống như gạo, muối, trái cây hoặc heo quay tùy vào khả năng kinh tế của từng người. Từ đây, hàng loạt kẻ buôn bán theo kiểu thất đức bắt đầu nghĩ chiêu trò để bắt chẹt du khách. “Mọi người không nên tin vào lời chèo kéo của những “cò mồi”. Phải kiên quyết nói không với những kẻ mua bán rong ở khu vực quanh miếu Bà Chúa Xứ” – Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ khuyến cáo.
Trong khi đó, chủ những nhà trọ ở khu vực miếu Bà Chúa Xứ thì thẳng thắn đưa ra lời khuyên là du khách nên chuẩn bị đồ lễ như nhang đèn, gạo, muối trước khi đi vía Bà để khi những người bán hàng có ý trục lợi nhìn thấy khỏi chèo kéo và lập mưu đưa du khách vào tròng.
Đừng quá xa xỉ
Ông Thái Công Nô, Phó Trưởng Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, cho biết trong năm 2016, nơi đây đón hơn 4,6 triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, tăng khoảng 200.000 lượt so với năm trước đó. Bình quân mỗi năm, nơi đây tiếp nhận khoảng 50.000 bộ áo mão Bà, hàng chục ngàn con heo quay, hơn 100 tấn gạo, muối. Trong số những lễ vật mà khách mang đến dâng cúng thì bộ áo mão Bà là có giá trị nhất vì có loại lên đến hàng chục triệu đồng.
“Bà con khấn nguyện gì thì cúng lễ vật tương xứng nhưng chúng tôi cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền bà con nên hạn chế cúng áo mão Bà vì gây lãng phí. Thay vì cúng áo mão thì bà con nên hỗ trợ tiền mặt để chúng tôi có thêm nguồn kinh phí để trùng tu, xây thêm nhiều hạng mục công trình thuộc lăng miếu Bà hoặc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác ở địa phương” – ông Nô nói và thống kê: Bình quân mỗi năm, Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam xuất ra khoảng 40-50 tỉ đồng để xây cầu, làm đường hay cất nhà tình thương cho những hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Không có chuyện “quay vòng” heo cúng Theo ông Nô, những năm trước đây, Ban Quản trị miếu Bà có nghe dư luận xôn xao về việc heo cúng bị “quay vòng” – tức khách cúng xong thì có người mua lại giá rẻ để bán tiếp và cúng tiếp. Thế nhưng, qua xác minh thì đó chỉ là lời đồn thổi. Bởi khi cúng, bà con thường dùng dao cắm vào lưng con heo. Do đó, không thể có chuyện “quay vòng” heo cúng được.
Theo Thốt Nốt (Người lao động)