Du khảo đồi Lai Li Lai Láng
Ngọn đồi Lai Li Lai Láng trong mo Mường là cả hệ thống núi đồi nằm dọc hai bên bờ sông Mã đoạn từ cầu Na Sài (Quan Hóa) xuống đến khu vực này, dài quãng hơn 10 km.
Theo tiếng địa phương, “lai li lai láng” là chỉ sự rộng lớn bát ngát. Đây cũng là nơi có “cây chu đá lá, chu đồng, bông thau, quả thiếc” kỳ vĩ mà người Mường thường kể trong bộ sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước”.
Tôi trở lại miền thượng du xứ Thanh, theo lời mời của một người bạn vong niên, để thưởng thức món vịt Cổ Lũng đặc hữu nổi danh mấy trăm năm nay của quê anh. Cổ rụt, chân ngắn, mình dài, thịt rất chắc và thơm ngon nên vịt Cổ Lũng rất được bà con xa gần ưa chuộng.
“Mùa này vịt rất béo, vừa hay nhà lại đang có một đàn. Tôi sẽ mở một chum rượu nếp đã cất giữ cả chục năm nay” – Tiếng anh Hà Văn Minh oang oang trong điện thoại.
Anh Hà Văn Minh là Trưởng ban văn hóa xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, rất say mê và am hiểu văn hóa Thái Mường. Tổ tiên của anh đã định cư nhiều đời trên vùng đất cổ xưa này, cho anh những trải nghiệm và nguồn tư liệu quý báu không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nào cũng có được.
Tôi thường qua lại điền dã trong không gian văn hóa này, nên với anh Minh, từ lâu đã là chỗ tâm giao. Trên đường di chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa, tôi tin rằng việc thưởng thức vịt Cổ Lũng chỉ là “chiêu” quen thuộc mà anh Minh muốn phấn chấn tinh thần cho tôi. Còn thì, chắc chắn anh sẽ có một bất ngờ thú vị nào đó muốn chia sẻ.
Không chỉ có anh Minh, một số người bạn cũ mới cũng có mặt. Mỗi người đều ăn mặc gọn ghẽ, vai khoác ba lô, tay xách dao rừng, quần bó ống chân. Anh Minh giới thiệu mọi người với nhau, gửi túi hành lý của tôi vào một nhà dân. Rất nhanh chóng, chúng tôi nhằm hướng những ngọn đồi đá lớn sừng sững trước mặt, lên đường.
Đó là dải đồi núi mà 600 năm trước, người hào trưởng Lê Lợi đã ngồi quan sát doanh trại của giặc Minh, cùng các nghĩa sĩ bàn mưu tính kế. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, đồn Quan Da nhìn rõ mồn một như lòng bàn tay, từ cách bố phòng đến các lối hành quân. Do có dấu tích của vua Lê, nên ngọn đồi có tên là Pù Đền, dưới chân đồi là ngôi đền thờ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).
Nghỉ chân trên gốc cây Chu đá huyền thoại.
Theo sử sách, mỗi lần thua trận ở núi Chí Linh, vua Lê Lợi lại lên miền này để tìm tập hợp lực lượng, xây dựng lại nghĩa quân. Một lần, ông đi qua khu ruộng dưới chân đồi, gặp ông Ban đang cày ruộng.
Ông Ban thấy khách đói, bèn giở ép cơm nếp, ống canh uôi ra mời khách cùng ăn. Họ vui vẻ trò chuyện, tâm đầu ý hợp, ông Ban bèn thịt tiếp con chó của mình, thui lên mời khách ăn tiếp. Khách khen bữa cơm ngon, trước khi đi còn dặn: “Sau này ta thành công, cúng tế cho ta chỉ cần lễ vật như bữa ăn này là đủ”. Về sau ông Ban mới biết đó chính là Lê Lợi.
Từ dạo đó, người trong vùng có lệ cúng tế nhà vua đúng theo lời ngài dặn. Trong thung Buốc Bo, chỗ ông Ban cày ruộng khi xưa hiện còn một chiếc lán đơn sơ, làm bằng luồng, lợp mái lá, bên trong có một chiếc bàn bằng luồng. Đó là nơi bà con đặt lễ vật cúng Lê Lợi, mỗi năm một lần, chung với ngày lễ hội Căm Mương (cúng cơm mới) của cả xã.
Lễ vật của buổi cúng là một bát canh uôi, cơm nếp và thịt chó thui. Mỗi lần cúng tế, người dân đều phát tre luồng trong vùng dựng lên một chiếc lán mới để cúng tế, truyền thống cũng đã trải mấy trăm năm.
Hết đoạn đường núi xe máy có thể đi, chúng tôi để xe máy lại bìa rừng, thong thả hướng lên đồi. Hai cán bộ xã Hà Văn Luyến và Vi Văn Điệp hăm hở đi trước, dùng dao rừng mở đường phát lối. Thấy thắt lưng Luyến có buộc một chiếc chai nhựa chứa chất lỏng màu đen, hôi hám, tôi hỏi.
Luyến cười: “Mấy hôm nay trời ẩm ướt, có lẽ sẽ có nhiều vắt tấn công đoàn mình đấy. Em thủ sẵn ít nước điếu, để trị vắt”. Có hai thanh niên tháo vát thoăn thoắt đi trước mở đường phát lối, nhưng do lối mòn lòa xòa cây cỏ, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị lạc.
Anh Minh bảo, đường này trước đây chỉ có gia đình anh lên thôi, vì trên đồi này là đất rừng nhà anh quản lý. Đợt trước anh có trồng nhưng chưa được thu hoạch, nên lâu lâu cũng chẳng lên nữa. Thực ra có rất nhiều lối lên núi, không riêng lối đi này.
Video đang HOT
Ngôi đền nhỏ đơn sơ, mỗi năm dựng lại một lần, bày hương án cúng tế vua Lê Lợi.
Sau nửa giờ đi bộ, chúng tôi mới nhìn thấy đá. Ban đầu là những viên đá hộc to như chiếc bàn, chiếc thúng nằm lăn lóc, cỏ rêu phủ đầy. Điều lạ là những tảng đá này đều có hai đến ba cạnh vuông vức, như những tảng đá xây dựng thành nhà Hồ nổi tiếng ở Vĩnh Lộc sau khi được chế tác. Cùng đó là những tảng đá dăm sắc nhọn như được chẻ tước ra. Thoạt nhìn, có cảm giác đây là một công trình khai thác đá từ lâu đời bị quên lãng.
Tôi cúi nhặt một số mảnh đá, thấy chúng có màu nâu thẫm và rất rắn chắc, chính xác là một mẫu quặng sắt. Loại đá này vỡ ra từ ngọn núi bên đường, trơ trụi không cây cối, mỗi khi mưa gió thường bị sét nổ vang trời, đất đá vỡ tan bay tứ tung. Ngày thường dân bản cũng không dám trèo lên ngọn núi đó.
Từ con dốc nhỏ bắt đầu có những viên đá lớn, thêm chừng hơn 100 bước, xuất hiện một tảng đá to lớn, cỡ như trải được 4 chiếc chiếu lớn lên trên. Nó nằm chênh vênh bên vách núi, cao trên mặt đất chừng 1m. Mặt trên của tảng đá phủ một lớp dày rêu phong cỏ dại, bốn bên có các thân cây nhỏ mọc che khuất, khiến nó càng thêm thâm trầm, bí ẩn.
Điệp nhảy lên trên phiến đá, nói to: “Chúng ta nghỉ ở đây thôi. Ngày trước, em đi rừng đã từng ngồi nghỉ lại trên tảng đá này, nó rất bằng phẳng, không có vắt đâu”. Rất nhanh nhẹn, anh chặt mấy cành cây lớn, tuốt sạch cành lá, cùng Luyến hò dô bẩy lớp cỏ như tấm thảm khổng lồ lên, lăn và cuộn nó vào các góc.
Mặt phiến đá được phong hóa lâu đời nên có một lớp mùn dày, phía dưới lớp cỏ còn nguyên các rễ cây, cảm tưởng như một lớp mạ mà nông dân miền xuôi ngày trước hay gieo giữa sân nhà. Chúng tôi bó lá cây thay chổi để quét sạch phiến đá. Phạm Văn Thành, cán bộ kiểm lâm của huyện Bá Thước, lấy GPS ra đo từ mặt tảng đá, chỉ số độ cao khoảng 1.010m so với mực nước biển.
Tôi đi quanh quẩn quan sát, bốn bề toàn đá dăm mảnh tước, như ai đó cố tình gọt đẽo. Khối đá hình tròn, mặt đá nhẵn phẳng như một gốc cây khổng lồ bị bàn tay tạo hóa cắt gốc. Bất giác, tôi rùng mình vì những liên tưởng.
Vũng nước làng Cha, nơi cây Chu đá đổ xuống từ trên đỉnh đồi Lai Li Lai Láng.
Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” kể rằng, anh em nhà lang Cun Cần, lang Cun Khương bấy giờ làm “vua kẻ Sang, lang kẻ Chợ”, giàu có, thịnh vượng. Nhưng họ vẫn muốn có cây Chu đồng, được coi là cội nguồn của sự giàu sang. Một tiều phu là Tặm Tạch dẫn nhà lang thực hiện cuộc viễn chinh hoành tráng vượt qua biết bao sông núi trùng điệp để tới đồi Lai Li Lai Láng.
Khi lang Cun Khương cùng đoàn người hùng hậu của mình chặt đổ gốc cây Chu, thân nó đổ về phía sông Mã, tạo nên một miệng hố lớn. Bên bờ trái của dòng sông Mã, đoạn chảy qua xã Thiết Kế có một ngôi làng của người Thái nhỏ xinh, gọi là làng Cha.
Người già trong vùng đều bảo: “Tên gọi làng Cha là trại đi từ chữ Chu, chỉ sự to lớn, rộng rãi. Cũng là chỉ cây Chu huyền thoại của người Mường xa xưa, chặt trên đồi Lai Li Lai Láng, đổ xuống bản này”.
Dấu tích là một vụng nước rất sâu, to như một chiếc hồ tròn giữa nền đá cứng, ngay mép nước sông Mã, đứng trên quốc lộ 15A có thể nhìn thấy.
Từ điểm gốc cây đến nơi ngọn nó lao xuống, chỉ cách một sườn núi, chừng 500m. Dù thuộc đất hai xã Kỳ Tân và Thiết Kế, nhưng đều thuộc đồi Lai Li Lai Láng và Mường Ống cổ xưa. Còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là gốc tích của cây chu đá huyền thoại của sử thi Mường vẫn được truyền kể suốt từ thuở hồng hoang của loài người.
Tất nhiên là chúng tôi không quên món vịt Cổ Lũng. Anh Hà Văn Minh không vội dẫn chúng tôi về bản, mà tiếp tục tìm tới một mó nước ngầm nằm giữa cánh đồng rộng lớn trù phú ngay giữa bốn bề núi non. Điều kỳ lạ, dù trời lạnh nhưng nước lại rất ấm, khói sương tỏa lên mờ mịt. Vục tay xuống múc nước uống, thấy rất ngọt.
Ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Mường vốn cũng là dân gốc của đồi Lai Li Lai Láng, vui vẻ góp chuyện: “Mó nước này là nơi cung cấp toàn bộ nguồn sống cho Thung Buốc Bo này.
Không hiểu vì sao, tự bao giờ, mà người ta lại chặn lên trên nó bằng một tấm gỗ cực lớn, đổ đất, trồng lên mấy bụi tre và cây thân gỗ. Phía dưới lại đổ vào vô số những móc câu bằng đồng. Tất nhiên là nước vẫn chảy ra theo các vết nứt gãy, nhưng ngày xưa có lẽ nó sẽ phun trào lên rất mạnh mẽ hoành tráng chăng?”.
Bấy giờ, anh Hà Văn Minh mới xen vào: “Từ mạch nước ngầm này, có vô số những viên ngọc nhỏ nhiều màu từ lòng đất trào ra. Đàn vịt của Thung Buốc Bo kiếm ăn trên ruộng, thấy lấp lánh thì đớp lấy. Vì vậy, dân địa phương khi làm thịt vịt không bao giờ vứt mề diều đi khi mà chưa kiểm tra thật kỹ.
Có rất nhiều người đã nhặt được ngọc trong lòng vịt rồi”. Ồ, vậy thì còn chờ gì nữa, về nhà anh Minh với đàn vịt Cổ Lũng béo mầm và chum rượu nếp ngâm ủ hơn 10 năm thôi…
Thăm ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh
Được ôm trọn bởi những dãy núi hùng vĩ, non nước hữu tình, kế bên là làng mạc, nhà cửa đông đúc, đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) trầm mặc như một huyền thoại cổ xưa.
Những giá trị văn hóa lịch sử cũng như nét độc đáo kiến trúc khiến nơi đây trở nên cuốn hút lạ kỳ.
Đền Đồng Cổ nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định. Đây là một ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh.
Men theo con đường nhỏ uốn lượn quanh co dọc sườn núi, đền Đồng Cổ linh thiêng nằm giữa những tán cây cổ thụ xanh mát.
Trước ngôi đền là mặt hồ bán nguyệt rộng lớn, nước trong vắt tựa như chiếc gương khổng lồ in trọn mọi cảnh vật khiến không gian nơi đây trở nên rộng mở và thoáng đãng hơn.
Đền Đồng Cổ còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của người Việt xưa và trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên mảnh đất xứ Thanh.
Tương truyền, miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (năm 2569 TCN). Sau đó đến thời Lý (năm 1020), rồi thời Lê Trịnh (năm 1630), miếu được xây lại với quy mô to đẹp hơn để thờ thần Đồng Cổ, một vị thần hiển linh báo mộng giúp vua chống giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn.
Đền được xây dựng trên một khoảng đất rộng trong quy hoạch tổng diện tích 11ha với núi Tam Thai, bến Thường Châu cùng hệ thống cảnh quan thiên nhiên phong thủy, hữu tình.
Với lối kiến trúc đặc trưng của các công trình nhà cổ dân gian, đền Đồng Cổ bao gồm: tiền điện, thượng điện và hậu cung.
Bên trong đền, các thân cột chính và bộ khung bằng gỗ lớn tạo nên tổng thể bề thế, vững chắc.
Kiến trúc hài hòa đẹp mắt cùng hình ảnh các linh vật và nhiều họa tiết nổi bật khiến ngôi đình vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa có vẻ đẹp duyên dáng.
Các đầu dư đều được chạm đầu rồng với những đường nét mềm mại, tỉ mỉ
Nhiều mảng chạm khắc tinh xảo về những hình ảnh hoa lá, cây cỏ... thể hiện sự tài tình của nghệ nhân dân gian cũng như nói lên tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thanh bình của người dân nơi đây.
Hằng năm vào ngày 12-15 tháng 3 (Âm lịch), lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ lại được tổ chức trang trọng để tỏ lòng thành kính với vị thần của Nhân dân. Đây chính là dịp để bà con địa phương và đông đảo nô nức tham gia tế lễ, rước kiệu để cầu mong cho một cuộc sống yên vui, tốt lành và hòa mình vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong những năm gần đây, để gìn giữ và phát huy các giá trị của đền Đồng Cổ cũng như khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch tâm linh, các cấp chính quyền đã chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường quảng bá, giới thiệu bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng khiến nơi đây trở thành điểm đến linh thiêng hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân Yên Định nói riêng và Nhân dân Thanh Hóa nói chung.
Với những giá trị sâu sắc xuyên suốt các triều đại lịch sử Việt Nam, năm 2001, địa danh này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Ngoài đền chính ở Đan Nê, trong cả nước còn có ít nhất 3 ngôi đền mang tên Đồng Cổ, cùng thờ thần núi Khả Lao Thôn và thần Trống Đồng, đó là: Đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa; đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội và đền Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội.
Ngàn Nưa, miền lau trắng Chúng tôi về thăm khu di tích núi Nưa của xứ Thanh. Giữa đồng bằng sông Mã trù phú, dãy núi linh thiêng này nổi lên như một bức tường thành ngang qua vùng Triệu Sơn, một miền đất mang dấu ấn văn hoá lịch sử đặc sắc. Đền Nưa trên đỉnh núi Nưa. Nhiều di tích ở núi Nưa gắn với cuộc...