Du khách Mỹ mê Hà Giang, chê Sa Pa
Trong gần 20 ngày khám phá hành trình Đông – Tây Bắc của Việt Nam, Sa Pa là nơi ông bà Hawkins ( du khách Mỹ) cảm thấy thất vọng nhất.
Yêu thiên nhiên hoang sơ ở Hà Giang, Ba Bể
Ông E.R.Hawkins và vợ (quốc tịch Mỹ) vừa có hành trình dài ngày tại Việt Nam, với các trải nghiệm ở Mai Châu, Ninh Bình, Hạ Long, Hà Nội, Sa Pa, Bắc Hà, Hà Giang, Ba Bể, Cao Bằng… Bà Amanda Hawkins cho biết đã nghe nhiều về Việt Nam từ người em trai, nên từ lâu cả hai rất muốn đến Việt Nam ít nhất một lần để tự mình khám phá.
Trong chuyến đi lần này, nơi để lại nhiều ấn tượng nhất với hai du khách Mỹ là Hà Giang và Ba Bể. “Chúng tôi yêu thiên nhiên, thích những vùng núi non nên rất muốn đến Hà Giang và thực tế đúng như kỳ vọng. Tôi thích đi thuyền trên sông Nho Quế, cũng như đi thuyền lòng hồ Ba Bể, không khí rất trong lành và yên tĩnh. Cảnh vật ở đây nguyên sơ, khung cảnh hùng vỹ. Tôi thích cảm giác đạp xe qua các bản làng, ngắm những ngôi nhà gỗ” – ông Hawkins nói.
Ông E.R.Hawkins và vợ đi thuyền trên sông Nho Quế ở Hà Giang. Nguồn: NVCC
Ngoài ra Bắc Hà (Lào Cai) cũng để lại nhiều ấn tượng với hai du khách này, với chợ Bắc Hà đậm đà bản sắc văn hóa địa phương. Bà Amanda Hawkins kể lại: “Tôi đã mua vài cái túi thổ cẩm ở chợ Bắc Hà và tôi rất thích chúng. Sau này chúng tôi chắc chắn sẽ quay lại. Và sẽ tiếp tục chọn vùng núi ở miền Bắc Việt Nam cho chuyến đi tiếp theo, nhưng có thể sẽ trong 1 thời điểm khác, khi vào mùa lúa chín chẳng hạn”.
Chuyến đi Đông – Tây Bắc lần này, ông bà Hawkins chọn hình thức du lịch bằng xe riêng kèm hướng dẫn viên nên có hành trình tương đối thoải mái và linh hoạt. Hai người có thiện cảm về Việt Nam ngay từ khi chưa bắt đầu chuyến đi, vì ông bà cho biết việc xin thị thực đơn giản, hoàn thành trực tuyến và nhận được visa khá nhanh chóng.
Hai du khách Mỹ đạp xe trên cung đường từ Pắc Ngòi vào động Hua Mạ (Ba Bể, Bắc Kạn). Nguồn: NVCC
Thất vọng với Sa Pa
“Chỗ gây thất vọng nhất là Sa Pa, chúng tôi không nghĩ là nơi đó lại quá phát triển hiện đại như thế. Khi đi thăm các bản ở Sa Pa, chúng tôi bị những người bán hàng rong đeo bám nên không cảm nhận được gì” – bà Amanda Hawkins chia sẻ.
Theo chia sẻ của 2 du khách thì khi họ đến bản Lao Chải, Tả Phìn thì gặp người dân tộc đeo bám khá lâu và liên tục mời mua hàng, khiến họ khó chịu và không cảm nhận được nhiều về điểm đến. “Họ lịch sự cười từ chối nhưng thực sự thấy phiền phức, tôi tin rằng nếu không có những người đeo bám thì cảm xúc họ sẽ khác. Thực ra bản Lao Chải vẫn đẹp, nhưng bị người dân đeo bám khiến họ quá phân tâm” – anh Thế Anh, hướng dẫn viên (HDV) của hai du khách Mỹ giải thích thêm.
Tình trạng đeo bám khách diễn ra tại một số bản ở Sa Pa, Lào Cai. Nguồn: NVCC
Video đang HOT
Theo HDV Thế Anh, trước khi đến Sa Pa khách nước ngoài đã tìm hiểu, nhưng khi đến thì họ thất vọng vì nhiều điểm khác trên mạng Internet. “Cũng có thể họ thất vọng do đến không đúng thời điểm, không vào mùa lúa chín; nhưng thường thì khách phương Tây không thích thị trấn nhạc nhẽo ồn ào. Nhiều người đã mang văn hóa thành phố lên miền núi. Khu trung tâm đèn sáng trưng, tiếng hát hò ồn ã và không khí hiện đại nên khách không hề thấy bình yên, không thể đi dạo thảnh thơi. Tuy nhiên, có thể khách châu Á lại thích sự sôi động này”.
Đánh giá khách quan, HDV Thế Anh cho rằng nếu nhà đầu tư từ nơi khác đến Sa Pa làm du lịch thì cũng không tránh khỏi yếu tố thương mại và lợi nhuận. “Du lịch Sa Pa nhiều nơi còn tự phát. Các điểm vui chơi, check-in thì mọc lên tự do theo xu hướng xã hội, còn các nhà đầu tư cần có lợi nhuận. Khách Việt thích check-in, khách Tây thích cảnh đồng quê nhưng khách Singapore, Malaysia thì lại rất thích Cát Cát. Bây giờ Sa Pa đón khách đa dạng hơn, cũng vì sau Covid-19 còn khó khăn nên chúng tôi phải hiểu thị hiếu của khách để đưa đến những nơi phù hợp”.
Bị đeo bám khiến du khách khó chịu và không cảm nhận được nhiều về điểm đến. Nguồn: NVCC
Tuy nhiên, HDV Thế Anh vẫn hi vọng Sa Pa có định hướng phát triển du lịch rõ ràng, tránh xây dựng ồ ạt phá vỡ cảnh quan. Cần bảo tồn văn hóa và đặc biệt là dẹp nạn bán rong và đeo bám khách. “Thực tế là nhiều công ty chuyên khách inbound đang tránh bán tour Sa Pa vì sợ khách thất vọng, phản hồi tiêu cực lên các trang du lịch quốc tế như TripAdvisor thì rất thiệt hại. Các HDV cũng thận trọng với Sa Pa vì sợ bị khách đánh giá thấp, nghĩ HDV mình lừa họ. Thay vì Sa Pa, các công ty hướng khách sang phía Đông Bắc, nơi mà Hà Giang, Ba Bể, Cao Bằng vẫn đẹp nguyên sơ, nhiều nét khác biệt”./
Nữ du khách Mỹ kể chuyến phượt xe máy trên 'cung đường nguy hiểm nhất Việt Nam'
Hannah Shewan Stevens, người Mỹ, thuê một chiếc xe máy và cùng người bạn nữ khác phượt vòng cung Hà Giang, hành trình đem lại cho cô cả tai nạn và những cảnh đẹp chưa bao giờ thấy được trong đời.
Đã có lần đến Việt Nam trước đây, nhưng Hannah chưa khi nào đặt chân tới Hà Giang dù đã nghe vô số lời khen về điểm đến này. Năm nay quay lại, cô đã tự tay lái xe máy 350 km trên một trong những cung đường nguy hiểm nhất Việt Nam. "Tôi đã gặp tai nạn nhưng nếu quay trở lại Việt Nam, tôi vẫn sẽ làm tiếp một chuyến xe máy ngắm cảnh vòng cung Hà Giang", cô chia sẻ trên Insider, tờ báo nổi tiếng của Mỹ.
Vòng cung Hà Giang (Hà Giang Loop) - là cung đường mà khi bạn xuất phát từ Km0 đến các điểm như Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và sẽ trở lại Km0, được nhiều du khách quốc tế biết đến là hành trình nguy hiểm nhưng đầy ly kỳ ở Tây Bắc.
Lái xe vòng quanh Hà Giang là cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp nhưng đầy nguy hiểm
Cuộc phiêu lưu đưa du khách đến vùng cực bắc của đất nước, đòi hỏi phải lái xe khoảng 350 km để hoàn thành chuyến đi. Cung đường không phải là hành trình dễ dàng và có thể đặc biệt nguy hiểm đối với người mới bắt đầu.
Một số con đường bên vách đá hẹp đến mức đáng sợ, có nguy cơ gây tử vong và những người điều khiển xe máy thiếu kinh nghiệm sẽ thấy trải nghiệm càng trở nên nguy hiểm hơn.
"Dù biết vậy nhưng chúng tôi vẫn thuê xe máy và bắt đầu hành trình", cô khẳng định.
Hầu hết du khách đều đi theo đoàn có hướng dẫn viên du lịch hoặc ngồi trên xe máy của hướng dẫn viên. Tuy nhiên, các chuyến tham quan kiểu này yêu cầu mọi người phải tuân theo cùng một lịch trình, làm mất đi cơ hội được tự do.
"Vì tôi và bạn tôi đều là những người lái xe máy có kinh nghiệm nên chúng tôi quyết định đi một vòng Hà Giang mà không có người hướng dẫn. Tràn đầy lo lắng và phấn khích như nhau, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình không có gì ngoài một tấm bản đồ giấy và sự lạc quan dẫn đường", cô nói.
Hannah và bạn dừng lại ở một quán cà phê để ngắm cảnh
Vào ngày đầu tiên, cô lái xe thẳng vào thung lũng gần nhất, ngạc nhiên trước khung cảnh siêu thực lướt qua. Cả hai dừng lại ở một quán cà phê và dành một giờ để ngắm nhìn quang cảnh tuyệt đẹp phía trước.
Kết thúc chặng cuối của ngày đầu tiên trong bóng tối. Những chiếc đèn pha nhỏ xíu của xe máy chỉ chiếu sáng con đường phía trước, khiến mỗi khúc cua chật hẹp, vô hình trở thành trải nghiệm đáng sợ.
Vào ngày thứ hai, cô phát hiện một đám cưới lớn ở không gian công cộng ngoài trời. Những chiếc xe máy và người dân địa phương ăn mặc rực rỡ tràn ngập các con đường và tiếng cười vui vẻ của họ khơi dậy sự tò mò của du khách phương xa. Trong vòng vài phút, cô đã được gia đình cô dâu chú rể mời dự đám cưới...
"Mọi người chào đón chúng tôi với vòng tay rộng mở và dường như không hề bận tâm đến việc chúng tôi từ đâu đến. Sau một hồi trò chuyện do Google dịch hỗ trợ với những người tham dự, chúng tôi bắt đầu lại hành trình của mình", cô chia sẻ.
Dòng sông Nho Quế và đèo Mã Pí Lèng trong vòng cung Hà Giang
Tiếp sau, cả hai dành vài giờ để tận hưởng khung cảnh xanh tươi và hưởng thụ sự yên bình kỳ lạ của những ngôi làng xa xôi. "Lái xe trên những con đường núi cao gần như chạm tới bầu trời, tôi có cảm giác như đang xuyên qua những đám mây, hầu như không có một bóng người nào xung quanh để nhìn thấy chuyến bay của mình", cô nói.
Tuy nhiên, mối nguy hiểm của tuyến vòng cung Hà Giang sớm trở thành hiện thực.
"Khi đang vào một khúc cua hẹp, tôi lao ra quá rộng và gặp phải một người lái xe địa phương ngược chiều. Tôi phải quyết định nên tông vào người khác hay ném mình ra khỏi xe để tránh va chạm? Tôi đã chọn cái sau. Đầu gối tôi đập xuống đất và tiếp đất với chiếc xe máy đè lên người. Trong một giây phút, tôi tưởng cuộc đời mình thế là xong", cô kể.
Để thoát khỏi cú sốc, cô lê mình ra khỏi chiếc xe và kéo chiếc xe vào lề đường trong khi xin lỗi người dân nhiều lần. Tai nạn du lịch hẳn là chuyện thường thấy nên anh chỉ nhún vai và lái xe đi.
Sau tai nạn cô cho phép mình hưởng thụ ở một tiệm spa theo phong cách vùng cao
Cô rời khỏi hiện trường vụ tai nạn với tình trạng mẩn ngứa nghiêm trọng trên tay và chân. Rất may, cả chiếc xe của cô và cô đều không bị hư hại nặng. Sau khi thoa thuốc sát trùng lên cơ thể, cả hai lái xe đến thị trấn gần nhất để tìm bữa trưa và thợ sửa xe.
May mắn, cô đã tìm được thợ đáng tin cậy, người đã sửa kính chắn gió cho cô và từ chối nhận tiền. Vẫn còn run rẩy vì sốc, cả hai kết thúc một ngày ở nhà trọ hẻo lánh và sử dụng dịch vụ spa để gột rửa nỗi buồn trong ngày.
Cuộc hành trình ngày hôm sau bắt đầu bằng việc leo dốc ra khỏi thung lũng, sau đó là xuống dốc qua một mỏ đá. Chuyến lái xe ác mộng này còn đáng sợ hơn vụ va chạm hôm trước, vì mỗi mét lái qua những tảng đá lỏng lẻo đều gợi lên hình ảnh bị ném xuống thung lũng bên dưới.
Trong lúc dừng lại để nghỉ ngơi sau buổi sáng căng thẳng, sự tò mò đã dẫn cô đến một cái cống thoát nước mưa được đào dưới đường. Bò qua đó, cô tìm thấy những khung cảnh ngoạn mục, đu chân qua mép vách đá và ăn thêm bữa sáng gồm trái cây và các loại hạt mà cô đã mua được ven đường.
"Đến chiều muộn, chúng tôi đến một ngọn thác ẩn gần làng Du Già. Thấy nơi đây vắng vẻ, chúng tôi khỏa thân bơi lội để gột rửa bụi bẩn trong ngày", cô kể tiếp.
Hành trình 3 ngày rưỡi được cô cho là cực kỳ đáng giá
Về đến thành phố Hà Giang, nơi vừa là điểm bắt đầu vừa là điểm kết thúc của một vòng cung, cô tính toán rằng hành trình hoành tráng của mình đã đi được 350 km trong 3 ngày rưỡi.
"Tôi có thể đã nhìn thấy cuộc đời mình vụt qua trước mắt, nhưng tôi không hối hận vì đã dấn thân vào vòng lặp lại ấy. Đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời mà tôi rất muốn thực hiện lại vào một ngày nào đó. Mối đe dọa về thương tích hoặc tử vong luôn hiện hữu, nhưng tất cả những gì tôi có thể nhớ là sự tự do khi 'bay' qua vùng núi phía Bắc Việt Nam", cô đúc kết.
Du lịch 2 tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta, khách nước ngoài trầm trồ nhận xét: "Đúng là Thụy Sĩ của châu Á!" Trầm trồ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của Hà Giang và Sa Pa, du khách đến từ Singapore đã không tiếc lời khen và gọi 2 nơi này bằng cái tên "Thụy Sĩ của châu Á". Bên cạnh những cái tên là thành phố lớn, trung tâm đô thị tấp nập như thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hay những nơi sở...