Du khách bị bắt chẹt giữa thủ đô
Hễ thấy du khách nước ngoài, nhóm đánh giày lao tới, cúi xuống chỉ vào chân rồi dùng lọ keo ấn vào giày… Sau vài động tác, người đánh giày giơ tay ra hiệu và đòi bằng được vài trăm nghìn của khách mới chịu đi.
Thấy khách nước ngoài, người đánh giày lao tới rồi lấy tay cậy cậy vào mũi giày để ra hiệu. Ảnh: Phương Sơn.
9h sáng trên những tuyến phố quanh hồ Gươm như Lò Sũ, Hàng Dầu, Hàng Bè, Cầu Gỗ… xuất hiện từng tốp đàn ông đi đánh giày. Tay xách làn đựng vài hộp xi, miếng lót và đồ nghề, mắt họ hướng theo những vị khách nước ngoài.
Tại một góc phố Hàng Dầu, khi hai vị khách nữ đang mê mải cầm máy ảnh chụp hình, nam thanh niên áo vàng tay xách chiếc làn đựng đồ nghề đánh giày lao tới, cúi xuống cậy cậy, chỉ vào đôi tông vị khách nữ đang đi ra hiệu tông đã bong và phải khâu lại. Thấy bị làm phiền, khách vội vã bước đi, lúc đó người thanh niên mới chịu rời đi.
Cách đó không xa, đầu phố Cầu Gỗ, người đàn ông trạc 40 tuổi, tóc húi cua, xách chiếc làn đỏ đựng đồ nghề đánh giày cũng liên tục đảo mắt theo dõi nhóm du khách. Sau động tác xoa, lau bụi trên giày cho một vị khách Tây, thấy khách ra hiệu đồng ý, anh ta nhanh chóng cầm đôi giày tạt vào trước cửa một khách sạn ngồi đánh.
Video đang HOT
Đánh xong, người đàn ông lôi điện thoại trong túi quần ra, rồi ra hiệu cho khách phải trả 500.000 tiền công. Vị khách đành đưa tiền theo yêu cầu, chỉ sau khi gã đánh giày đi rồi, khách mới lắc đầu và xua tay tỏ vẻ ngạc nhiên.
Vị khách nước ngoài này phải mất cả trăm nghìn đồng để trả tiền công cho những người đánh giày. Ảnh: Phương Sơn.
Theo nhiều người dân khu phố cổ, hiện tượng người đánh giày bắt chẹt khách du lịch nước ngoài đã diễn ra từ lâu, nhưng không ai dám nói vì sợ bị trả thù. Anh Hoàng, nhân viên bán hàng trên phố Cầu Gỗ bức xúc: “Nhiều khi đôi giày của khách đang lành lặn chúng rạch ra rồi khâu, dán đủ thứ và đòi tới hàng trăm nghìn”.
Anh Hoàng kể, cách đây vài hôm cũng trên khu phố Cầu Gỗ này một vị khách Trung Quốc bị hai gã đánh giày sau vài phút quệt quạt, dán và khâu mũi giày, chúng tính giá 800.000 đồng. “Khách không chịu, ngay lập tức chúng lườm nguýt, gây sức ép, cuối cùng cũng phải trả giá tới 700.000 đồng”, anh Hoàng kể lại.
Với hơn 40 năm bán nước trên phố Hàng Dầu, cụ Lê chứng kiến nhiều chiêu “chặt chém” của những gã đánh giày. Vì vậy khi thấy nam thanh niên người Việt đang ngồi uống nước gọi người tới để đánh giày, cụ vội ngăn: “Đừng có dại gì mà đưa giày cho mấy thằng này đánh. Nó chả rạch thêm ra, khâu khâu vá vá rồi đòi vài chục, thậm chí tới cả trăm nghìn. Lúc đó hơi đâu mà đi cãi nhau với chúng nó được”.
Theo người dân, người đàn ông đang cầm tiền chuyên “chặt chém” du khách nước ngoài với giá vài trăm nghìn đồng cho một lần đánh giày. Ảnh: Phương Sơn.
Và cụ Lê kể nhóm đánh giày chỉ mời du khách nước ngoài để còn dễ đường “chặt chém”. Cứ mỗi lần đánh giày cho khách nước ngoài, chúng kiếm vài trăm nghìn đồng, bằng mấy chục lần đánh giầy cho khách hàng người Việt.
Trao đổi với VnExpress.net, một cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, phía công an từng bắt một số vụ có liên quan đến đánh giày bắt chẹt khách du lịch, tuy nhiên chưa bao giờ phát hiện người đánh giày lấy của khách vài trăm nghìn đồng.
“Chúng tôi sẽ nhanh chóng kiểm tra và xác minh thông tin trên. Nếu có hiện tượng đánh giày chặt chém du khách sẽ xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật”, viên cảnh sát hình sự cho biết thêm.
Theo VNExpress
Chàng thanh niên đánh giày tật nguyền... thà chịu đói chứ không tiếp tay cho ma túy
Sau nhiều năm "can trường" mưu sinh bằng "nghề" xin ăn, rồi có cả "nghề đạo chích", đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính.
Người dân TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã quá quen thuộc hình ảnh chàng thanh niên dáng người nhỏ, nước da ngăm đen với đôi chân tật nguyền bẩm sinh hàng ngày vẫn cần mẫn đánh giày thuê kiếm sống ở góc quán cà phê Khanh tại số 36 đường Hùng Vương. Nhưng ít ai ngờ chàng thanh niên ấy lại có một cảnh đời với những nỗi niềm chua chát về số phận...
Khổ từ trong trứng
"Khi được sinh ra, số phận nghiệt ngã tưởng chừng đã đẩy tôi vào con đường tăm tối, nhưng với bản lĩnh và nghị lực, tôi đã vượt qua tất cả để làm một người công dân tốt cho xã hội"- Đó là lời tâm sự của Lê Trung Kiên, SN 1983, trú tại phường 1, TP Đông Hà.
Kiên nói: "Câu chuyện về số phận cuộc đời đầy bất hạnh của mình kể ra dưới đây không phải là để mọi người thương hại, mà từ trong sâu thẳm của đáy lòng mình chỉ mong sao có người biết đến để chia sẻ những nỗi buồn chua xót cứ chất chồng, ngổn ngang trong con người Kiên bấy lâu nay vẫn chưa biết giãi bày cùng ai".
Lúc sinh ra thì cơ thể Kiên không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đôi chân bị co quắp không thể đi lại được. Và sau mỗi lần cố gắng huy động chút sức lực yếu ớt gượng lên tập đi ấy là toàn cơ thể Kiên bị sưng tấy, trầy xước vì đôi chân tật nguyền đứng không vững nên té ngã. Hết lần này đến lần khác rút cuộc em chỉ có thể lết đi từng bước yếu ớt cho đến tận bây giờ.
Kiên kể, sở dĩ đôi chân mình bị tật nguyền như vậy là nguyên nhân bắt đầu từ mối tình "cay đắng" không thành của bố và mẹ Kiên. Khoảng năm 1976, bố Kiên lúc đó là một lái xe, đem lòng yêu mẹ Kiên, nhưng mối tình đầy ngang trái của họ kéo dài trong 8 năm nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì hai gia đình không tán thành cùng với nhiều lời thị phi... chia cắt họ.
Cuối năm 1982, mẹ Kiên có bầu nên đã giấu tin này không cho bố Kiên biết. Người đàn bà ấy đã dùng dây vải, quấn ép bụng bầu để không ai phát hiện. Mãi đến lúc thai nhi trong bụng đến tháng thứ 7 không thể nào giấu được nữa thì bà mới cho bố Kiên và gia đình hai bên được biết. Nhưng sự đời éo le, người bố không nhận con khiến mẹ Kiên rơi vào tình cảnh tuyệt vọng đau khổ, rồi căm hận đến tột cùng. Sau một phút nông nổi, người đàn bà ấy đã dùng thuốc độc nhằm "giải quyết" cái thai. Sự việc được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên khi Kiên cất tiếng khóc chào đời thì cơ thể em không còn lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Kiên được ông bà ngoại cưu mang, nuôi nấng. Khi Kiên 7 tuổi, người bố từ Đông Hà ra Vĩnh Linh xin phép ông bà ngoại đưa Kiên về sống cùng. Chưa được bao lâu, bố Kiên lấy vợ khác. Vậy là cảnh dì ghẻ con chồng lại diễn ra chẳng khi nào yên ổn. "Hễ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà người vợ mới của bố lại lên cơn thịnh nộ, dày xéo, chửi bới, đánh đập Kiên đến tím người. Đã thế, mỗi lần Kiên "giải bày" với bố không những không được thông cảm mà còn bị bố ruồng bỏ, nghe theo vợ đánh Kiên đến... thừa sống thiếu chết".
Kể từ đó, đứa trẻ tật nguyền bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ. Những ngày đầu "ra đời tự lập" cứ lết đến được chỗ nào thì đó là nhà của mình, đói lúc nào xin được cái gì thì ăn cái đó. Ngày qua ngày, cảnh đói rét, thiếu thốn tình thương của người thân cũng dần quen với Kiên, và như để chống chọi vượt qua "cuộc sống mới", lắm lúc vì dòng đời xô đẩy đến bần hàn buộc Kiên phải "hành nghề... đạo chích vặt" ở các khu chợ. Không nhà, không cửa, vỉa hè, hầm cống là nhà của Kiên sau một ngày lang thang kiếm sống- Kiên kể.
Mới đây thôi, lúc Kiên rơi vào tình cảnh éo le, bị ốm kéo dài nhiều ngày không có tiền mua thuốc, Kiên nhờ bố chở về nhà mẹ xin tiền để mua thuốc chữa bệnh, vậy mà đến lúc ra về bố Kiên lại xòe tay ra lấy của Kiên 140 ngàn đồng tiền công, trong khi mẹ chỉ cho Kiên chưa đầy 500 ngàn đồng càng khiến ruột gan Kiên như bị xát muối và cắt ra từng mảnh. Mấy đồng bạc mẹ cho Kiên trong lúc túng quẫn giờ đã phải cắt làm đôi. Một nửa dùng để trả lộ phí đi đường cho người cha, một nửa ít ỏi còn lại không đủ Kiên mua thuốc hạ sốt và một phần cơm bụi- Kiên kể lại những tháng ngày cay đắng, chua xót đã trải qua.
Với đôi chân co quắp, hàng ngày Lê Trung Kiên vẫn cần mẫn đánh giày thuê chứ nhất định không đi bán ma túy thuê
Đánh giày ít tiền... nhất định không bán ma túy
Sau nhiều năm "can trường" mưu sinh bằng "nghề" xin ăn, rồi có cả "nghề đạo chích", đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính. Vậy là nghiệp đánh giày thuê kiếm sống qua ngày cứ quấn lấy Kiên cho đến bây giờ.
Kiên tâm sự, để trở thành một người tốt sao mà khó đến thế? Nếu không có bản lĩnh và quyết tâm cao thì chính tay Kiên mấy năm qua đã tiếp tay cho nhiều đối tượng xấu gieo rắc tai họa "chất trắng" cho bao người. Năm 2009, rồi năm 2010 và đầu năm 2011... Kiên đã được nhiều đối tượng, trong đó có cả người quen, "đặt vấn đề" với Kiên đi bán ma túy thuê với khoản ăn chia "béo bở" mà theo Kiên chỉ làm một ngày thì số tiền có được gấp 10 năm đánh giày thuê như Kiên cũng không bao giờ có được.
Các đối tượng thương lượng, cứ bán được một tép Heroin thì sẽ có 70 ngàn đồng tiền lời, số tiền lời này sẽ chia cho Kiên 40 ngàn đồng/tép Heroin. Có nhiều đối tượng còn ngã giá ăn chia cao với Kiên là 60 ngàn đồng/tép Heroin, mà nhiệm vụ giao cho Kiên vô cùng đơn giản là ngồi một chỗ để bán "hàng" cho con nghiện. Song với tất cả "bổng lộc" đưa ra cho Kiên "lựa chọn" đều bị chàng thanh niên tật nguyền đánh giày từ chối.
Khi được hỏi, sao các đối tượng không thuê người khác mà đề nghị Kiên bán ma túy cho bọn chúng, Kiên đáp: "có lẽ những đối tượng ấy dùng "chiêu" là người tàn tật bán "hàng" dễ qua mặt các cơ quan chức năng. Mặt khác, có thể bọn chúng nghĩ rằng hoàn cảnh bần hàn sẽ buộc Kiên phải nhận lời bán ma túy cho chúng. Mà chắc chắn như vậy, đã có nhiều đối tượng năm lần bảy lượt cứ "khuyên" Kiên là tàn tật, sức khỏe yếu nếu đánh giày thuê như thế chỉ được một vài năm nữa thôi, không nhanh chóng kiếm tiền thì sau này lấy gì mà sinh sống".
Kiên kể, dù cuộc sống có khổ cực trăm bề Kiên vẫn sẽ cố gắng vượt qua. Quả thật, mấy năm nay, ngoài công việc đánh giày thuê kiếm tiền, đêm đến Kiên tiếp tục đi trông coi cây cảnh cho một gia đình ngay ở TP Đông Hà và ngủ luôn ở đó, nơi có túp lều tôn được chủ nhà dựng lên...
Chia tay với chúng tôi, chàng thanh niên tật nguyền Lê Trung Kiên nói như đang nói với chính lòng mình: "Kiên sẽ vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống, và sẽ sống có ích cho xã hội đúng như tên gọi là Lê Trung Kiên".
Theo PLXH
Phận nữ nhi đánh giầy và nỗi lo bị sàm sỡ Công việc đánh giầy vỉa hè giờ đây không còn là đặc thù của nam giới mà đã trở thành sự lựa chọn của nhiều cô gái tỉnh lẻ lên thành phố kiếm việc làm. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vì công cuộc mưu sinh, họ luôn xách làn rong ruổi khắp các con phố để kiếm khách. "Kiều nữ" và......