Du học sinh Việt ở Australia lo thất nghiệp
Với các biện pháp Chính phủ Australia đang thực hiện, du học sinh Việt không quá lo về đại dịch mà chỉ lo thất nghiệp, không có tiền đóng học phí.
Hiện nay Australia có hơn 25.000 du học sinh Việt Nam. Thời gian qua chỉ một số ít trở về nước tránh dịch, đa số chọn ở lại để không bị gián đoạn việc học, vi phạm điều kiện visa và ảnh hưởng tới những dự định tương lai.
Từ giữa tháng 3, dịch bệnh ở Australia bắt đầu bùng phát. Số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi ba ngày. Cho đến 27/3, Australia đã xét nghiệm hơn 181.000 người, phát hiện 3.048 ca dương tính, trong đó 13 người chết.
Để phòng chống Covid-19, Bộ Y tế Australia khuyên người dân nên duy trì khoảng cách cá nhân (physical distance) ít nhất 1,5 m; giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên với xà phòng hay nước rửa tay khô; che miệng bằng giấy tissue hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi; tẩy trùng thường xuyên vật dụng như mobile phone, chìa khóa; lau chùi các bề mặt như bàn học, máy tính, chuột.
Trung tâm Melbourne vắng vẻ trong những ngày cuối tháng 3. Ảnh: Hải Phạm.
Bác sĩ Australia cho rằng chỉ người bệnh mới cần mang khẩu trang để tránh lây lan. Người Australia không có thói quen mang khẩu trang, nhưng nếu bạn cẩn thận mang thì cũng không có gì phiền phức. Hiện nay, nhiều người đã quen dần với việc đeo khẩu trang.
Australia có hệ thống y tế thuộc hàng top thế giới. Công ty bảo hiểm y tế (OSHC) chi trả hoàn toàn chi phí xét nghiệm và chữa trị Covid-19. Hơn nữa theo thống kê, những người lớn tuổi, hay người có bệnh nền dễ tổn thương nhất. Người trẻ, khỏe mạnh thì coronavirus chỉ như cúm mùa, vài tuần sẽ khỏi.
Vì thế du học sinh Việt Nam ở Australia không quá lo lắng về bệnh dịch. Nỗi lo lớn nhất lúc này là thất nghiệp, không có tiền đóng học phí, tiền trọ, trả các hóa đơn và nhiều chi phí khác.
Những ngành dịch vụ (hospitality) như nhà hàng, quán rượu, cà phê, shopping center, tiệm nail vốn đã ế ẩm từ đầu năm khi Covid-19 xuất hiện, nay phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa (shutdown) của chính phủ. Trong khi du học sinh Viêt Nam phần đông làm thêm trong những ngành này nên đồng loạt thất nghiệp.
Video đang HOT
Trong số du học sinh Việt Nam ở Australia, chỉ một số ít có học bổng hoặc được gia đình chu cấp từ A tới Z. Đa số phải đi làm thêm để chi trả tiền thuê nhà, sinh hoạt, mua sắm, thậm chí nhiều bạn còn phải lo luôn học phí. Thất nghiệp đồng nghĩa với tương lai mù mịt phía trước.
Jacky Le, sinh viên Đại học Swinburne, làm fulltime cho Seven Seeds, chuỗi tiệm cà phê thức ăn nhẹ ở Melbourne, vừa mất việc. May mắn năm nay Jacky nghỉ học đi làm nên không phải đóng tiền học, nhưng tiền nhà $1.500 mỗi tháng trở thành gánh nặng.
Mới đây chính phủ đã đàm phán thành công với các ngân hàng để chủ nhà được nợ tiền lãi trong sáu tháng. Nhờ vậy Jacky viết thư đến công ty địa ốc trình bày hoàn cảnh và yêu cầu xem xét cho nợ hoặc giảm tiền nhà.
Nếu không được chấp thuận, Jacky sẽ phải xài lạm vào số tiền dành dụm để năm sau đóng học phí rồi tính tiếp. Bí quá, em đành trả nhà, đi ở tạm với bạn bè và xin tiền gia đình. Cả hai việc này từ trước đến nay Jacky chưa từng nghĩ tới.
Ngày cuối tháng 3, nhà ga xe lửa Flinders Street Station không một bóng người. Ảnh: Minh Thông.
Có vài bạn may mắn được miễn phí hai tháng tiền nhà, nhưng những trường hợp này rất hiếm. Thuy Pham đang học y tá ở Australia Catholic University mất liền hai nguồn thu nhập từ việc bán hàng ở tiệm quần áo Witchery và giày Midas trong vòng một tuần. Thuy đang lo vì phải đóng học phí, tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt. Điều khó khăn trước mắt là Thuy không có nhiều tiền trong ngân hàng.
“Chắc phải cà credit card với lãi suất 22,4% cầm cự qua ngày. Nếu tình trạng này kéo dài hơn sáu tháng, em không biết sẽ giải quyết như thế nào”, Thuy nói. Mới đây Thuy cùng các du học sinh của những nước khác ký tên thỉnh cầu chính phủ yêu cầu trường đại học cho gia hạn đóng học phí.
Trường hợp của Loan Vo, sinh viên University of Sydney hơi khác. Loan chọn ở lại theo lời khuyên của trường. Đây là năm đầu tiên Loan xa nhà và sống tự lập một mình trong ký túc xá. Khi tình hình dịch bệnh tồi tệ Loan lại muốn về Việt Nam để được ở bên gia đình.
Nhưng bây giờ đã trễ, nếu bị kẹt ở nước thứ ba thì càng vất vả. Suốt ngày Loan thu mình trong phòng, lo lắng khi bệnh hoạn bơ vơ nơi đất khách quê người. Việc dạy và học đã được chuyển sang online, không hiệu quả nhưng học phí vẫn không thay đổi, gần $50.000 một năm. Loan và các sinh viên quốc tế khác đang kiến nghị trường giảm học phí.
Một du học sinh (giấu tên) chia sẻ: “Tình hình chung là bạn nào cũng thất nghiệp hoặc bị cắt giờ làm, ai cũng khó khăn, những bạn gia đình khá giả còn đỡ, chứ như tụi em thì chỉ còn cách nhờ vả bạn bè”.
Tình nguyện viên đóng gói hàng cứu trợ ở Foodbank Victoria. Ảnh: Thoại Giang
Nhiều du học sinh ở Melbourne đã liên hệ với Hội Sinh viên Việt Nam Australia để được giúp đỡ. Chị Tien Nguyen, Chủ tịch Hội nhắn gửi các du học sinh thất nghiệp hãy chia sẻ để giảm căng thẳng và cùng nhau tìm hướng giải quyết. Hội đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng của chính phủ tiểu bang xin hỗ trợ tiền mặt cho du học sinh để mua lương thực, thực phẩm trong mùa dịch; xin thẻ giảm giá (concession) cho sáu tháng.
Trước mắt Hội Sinh viên Việt Nam đang phân phối gói hỗ trợ khẩn cấp gồm một bao gạo 25 kg, một bình nước rửa tay khô, một thùng mì gói cho 200 hộ (mỗi hộ có 3 người trở lên) du học sinh bị mất việc làm, đang khó khăn.
Những du học sinh có điều kiện hơn thì góp tiền, gạo. Bạn Hieutruc Le gửi 10 thùng mì gói. Bạn Thanh Thai nấu 10 suất cơm miễn phí mỗi ngày. Bạn Trang Hua tặng phần ăn cho những du học sinh đang khó khăn và những bạn phải ăn mì gói trường kỳ. Tiffany Nguyen nhận trợ giúp học sinh phổ thông dưới 18 tuổi.
Ngoài Hội sinh viên, du học sinh cũng có thể liên hệ những tổ chức từ thiện như Red Cross, Salvation Army, Vinnies. Bạn Thanh Thanh phải cách ly tại nhà, được khuyến khích gọi điện thoại cho Foodbank Victoria. Hai ngày sau Thanh Thanh nhận được bốn thùng hàng cứu trợ giao tận cửa.
Giáo sư Peter Doherty, chuyên gia miễn nhiễm học người Australia (Nobel Y học năm 1996), cho rằng với lệnh phong tỏa vừa mới ban hành, số ca nhiễm tại Australia có khả năng giảm trong vài tuần tới. Tuy nhiên, cũng có một số bác sĩ đề nghị chính phủ cần có những biện pháp cứng rắn hơn, nếu không Australia sẽ dẫm lên con đường của Italy và Tây Ban Nha.
Thoại Giang
Sinh viên Việt Nam gửi 5.000 chai nước rửa tay tới tâm dịch ở Hàn Quốc
5.000 chai nước rửa tay khô sẽ được gửi tới du học sinh Việt Nam tại vùng dịch Daegu và Bắc Gyeongsang để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ngày 9/3, 5.000 chai nước rửa tay khô (trị giá khoảng 400 triệu đồng) được đóng thùng, chuyển đến du học sinh Việt Nam đang sống tại vùng có dịch ở Hàn Quốc. Mỗi thùng đều dán nhãn với dòng chữ "Sinh viên Việt Nam cố lên".
Đây là nỗ lực của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) nhằm giúp du học sinh ổn định tâm lý để vượt qua giai đoạn khó khăn.
5.000 chai nước rửa tay khô được gửi tới sinh viên Việt Nam sống tại vùng dịch ở Hàn Quốc. Ảnh: VSAK.
Từ ngày 26/2, Hàn Quốc liên tục ghi nhận thêm hàng trăm ca dương tính với virus corona. Theo thống kê của viện Giáo dục quốc tế Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia có lượng du học sinh đứng thứ hai, với 37.500 người, chiếm 23,4% trong tổng số hơn 160.000 sinh viên nước ngoài tại nước này. Hai vùng tâm dịch là thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang hiện có hơn 3.500 sinh viên Việt Nam.
Vì thế, ngay từ ngày 27/2, VSAK bắt đầu thu thập thông tin lưu học sinh tại hai khu vực Daegu và Gyeongbuk, phối hợp và tham mưu với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, các cơ quan chức năng để kịp thời có phương án hỗ trợ sớm nhất, hoặc liên hệ với gia đình du học sinh ở Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, VSAK kêu gọi tài trợ từ các công ty Hàn Quốc. Chia sẻ với Zing.vn, Trần Thiện Quang, Chủ tịch VSAK, cho biết ý tưởng kêu gọi tài trợ để cung cấp nước rửa tay khô miễn phí cho sinh viên Việt Nam xuất phát từ thực tế nhiều du học sinh sống tại vùng dịch nhưng thiếu trang bị, nhu yếu phẩm để tăng cường hệ miễn dịch.
Ngày 6/3, một công ty ở Hàn Quốc tài trợ hội 5.000 chai nước rửa tay khô. Ngoài ra, VSAK còn liên kết với một số đoàn, hội khác để gửi nhu yếu phẩm tới sinh viên vùng dịch.
Trần Thiện Quang chia sẻ thêm khó khăn lớn nhất hội gặp phải là chưa thể tìm ra nguồn tài trợ khẩu trang - đồ dùng quan trọng trong dịch bệnh - do cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều siết chặt quản lý.
"Những hỗ trợ này không lớn nhưng cũng góp phần giúp các bạn sinh viên yên tâm hơn, ổn định tinh thần sinh sống và học tập tại Hàn Quốc", Chủ tịch VSAK nói.
Theo Zing
Đã tìm thấy 5 người cùng chuyến bay với hành khách Nhật mắc Covid-19 Đến sáng 5/3, TP.HCM đã xác minh được danh tính và địa chỉ của một người Việt Nam trên cùng chuyến bay với hành khách Nhật Bản dương tính với Covid-19. Sáng 5/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết liên quan đến chuyến bay có hành khách người Nhật Bản nhiễm Covid-19, ngay sau khi nhận thông tin, thành phố...