Du học sinh ủng hộ tiền chống dịch
Sau ba ngày ở khu cách ly, Ngọc Ánh, 23 tuổi, quê Quảng Bình, cùng du học sinh gửi 6 triệu đồng để ủng hộ Việt Nam chống Covid-19.
Đặng Ngọc Ánh cùng các bạn đáp chuyến bay từ Moscow về Hà Nội sáng 20/3, sau đó đi cách ly tập trung tại khu ký túc xá dành cho sinh viên ở Pháp Vân – Tứ Hiệp. Sau ba ngày ăn “cơm nhà nước” miễn phí, bốn du học sinh đề nghị tự trả tiền. Sĩ quan phụ trách cười, lắc đầu bảo Ánh chuyển vào tài khoản của nhà nước.
Nhóm ngồi nhẩm tính, tiền ở và ăn ba bữa một ngày gần 100.000 đồng, cộng thêm đồ dùng cá nhân được cấp, chi phí khoảng 1,5 triệu một người trong 14 ngày cách ly. Không mất nhiều thời gian đắn đo, Ngọc Ánh gửi 6 triệu đồng của bốn người vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và viết lời nhắn “Cảm ơn Tổ quốc đã cho chúng con trở về”.
“Mình biết về nước thời điểm này là trở thành gánh nặng cho Tổ quốc. Dù số tiền ủng hộ không nhiều, mình nghĩ du học sinh vẫn cần làm gì đó để thể hiện trách nhiệm khi được ăn, ở và phục vụ miễn phí tại khu cách ly”, Ánh nói.
Cô gái 23 tuổi chia sẻ, toàn bộ số tiền ủng hộ và chi phí về nước do du học sinh tích trữ trong quá trình làm thêm tại nước ngoài nên chủ động sử dụng. “Đóng góp những đồng tiền mình tự kiếm được từ nước ngoài cho đất nước khi gặp khó khăn, mình nghĩ đó là điều ý nghĩa”, cô gái quê Quảng Bình nói.
Cũng tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp, cách Ngọc Ánh một dãy nhà, chàng trai Đinh Quang Nghị, 20 tuổi, quê Hà Nội, vừa ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 18 triệu để chống Covid-19. Đây là tiền Nghị tiết kiệm trong thời gian ở Việt Nam, tích cóp từ một số giải thưởng nhận được khi còn học THPT và đi dạy tiếng Anh cho nhân viên một số nhà hàng.
Nghị tranh thủ học bài tại khu cách ly.
Nghị là du học sinh tại Mỹ, trở về Việt Nam ngày 21/3. Trước khi đến khu cách ly, Nghị biết mình sẽ được miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở, sinh hoạt trong 14 ngày. Nghị hiểu việc này gây ra áp lực kinh tế rất lớn nên “cần có trách nhiệm đóng góp, đỡ gánh nặng đó”.
Video đang HOT
Gặp trục trặc khi kết nối với ngân hàng, Nghị đã nhờ bố chuyển tiền ủng hộ bằng tài khoản của mình. Nam sinh chia sẻ do gia đình thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội nên khi chia sẻ mong muốn ủng hộ, bố mẹ đồng ý ngay.
Sống tại khu cách ly, những du học sinh như Ngọc Ánh, Quang Nghị lần đầu được trải nghiệm nếp sinh hoạt quân đội, ăn đúng giờ và ngủ đủ giấc. Mỗi ngày, ngoài việc được phục vụ ba bữa ăn, Ngọc Ánh được phát khẩu trang, đo thân nhiệt. Biết phòng Ánh có nhiều thanh niên tuổi ăn tuổi lớn, sau khi phát cơm, nếu còn thừa các chiến sĩ hay gõ cửa phòng cho thêm.
Nhiều đêm ngủ muộn, Ngọc Ánh ra hành lang hóng gió, 1-2h sáng vẫn thấy dưới sân sáng đèn, ôtô liên tục đưa người về trung tâm cách ly. Chiến sĩ ban ngày vẫn mang cơm lên tầng 9 để phát cho Ánh và các bạn, giờ vẫn ở sân, hỗ trợ lấy hành lý, lập danh sách, hướng dẫn người cách ly lên phòng.
Chứng kiến bộ đội làm việc từ sáng đến đêm, Ngọc Ánh muốn làm gì đó san sẻ. Sau khi bàn bạc với ba bạn cùng phòng, cả nhóm quyết định trở thành “ sao đỏ” tại tầng 9, chấp hành thật tốt quy định y tế và kêu gọi những người khác trong khu cách ly làm theo.
Ngọc Ánh (thứ hai từ dưới lên) và ba bạn cùng phòng.
Mỗi tầng ở khu cách ly đều có một ống tập kết rác, các phòng được nhắc nhở sau khi dùng xong cần để riêng rác thải nhựa với rác y tế, sau đó mang thả vào ống để nhân viên dễ thu gom. Tuy nhiên, nhiều phòng chỉ để rác trước cửa, không đem đến vị trí tập kết nên các chiến sĩ thường phải đi gom vào cuối ngày. Sau giờ ăn, Ánh và bạn cùng phòng tranh thủ đi nhắc nhở mọi người tự đổ rác.
Hàng ngày, nhóm của Ngọc Ánh thay nhau quét và tắt điện hành lang. Trong quá trình đi lại, giao tiếp với mọi người cùng tầng, bốn du học sinh đều đeo găng tay, khẩu trang và chấp hành quy định đứng xa từ 2 m trở lên.
Đến 26/3, Covid-19 đã lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 467.000 người nhiễm bệnh và hơn 21.100 người chết. Việt Nam ghi nhận 148 ca nhiễm, trong đó 17 người đã khỏi.
Thanh Hằng
Từ châu Âu về tránh dịch Covid-19: 'Chúng em cúi đầu xin lỗi Tổ quốc!'
Bốn bạn trẻ là du học sinh ở châu Âu, tự cúi đầu nhận lỗi với Tổ quốc vì chọn cách quay về Việt Nam tránh dịch Covid-19 và "chuộc lỗi" bằng cách cố gắng tổ chức cuộc sống ở khu cách ly theo cách tốt nhất.
Nhóm bạn Ngọc Ánh, Lan Phương, Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hoàng tại khu cách ly Ảnh: Lan Phương
Đội Sao Đỏ thiện nguyện
Đặng Thị Ngọc Ánh (học ngành kinh tế luật), Đinh Lan Phương (ngành lập trình tự động hóa), Nguyễn Tuấn Anh (công nghệ thông tin) là 3 bạn trẻ đang du học ở Berlin (Đức). Còn Nguyễn Văn Hoàng đang sống ở Nga, gặp rồi quen thân với nhóm của Ánh khi cả 4 về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 20.3, sau hành trình "trốn chạy dịch Covid-19". Những ngày sống ở khu cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cả 4 bạn trẻ đã cùng chung nhận thức về tình cảnh của mình và đồng bào từ châu Âu trở về tránh dịch.
Khu nhà cách ly mà các bạn đang ở
"Việc trở về hay ở lại đã có rất nhiều bàn luận, nhưng chúng em nghĩ, đó là quyết định do hoàn cảnh rất riêng của mỗi người. Còn với chúng em, đầu tiên chúng em cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người vì chúng em là những người chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Chính chúng em là những người hiện tại đang chất thêm gánh nặng lên vai Tổ quốc", đại diện của nhóm, Đặng Thị Ngọc Ánh, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Hằng ngày, mỗi khi đọc tin một số người về nước phát ngôn hay đòi hỏi tại các khu cách ly khiến hình ảnh người Việt Nam từ nước ngoài về tránh dịch trở nên xấu xí, Ánh và các bạn đều thấy khổ tâm. Đáng buồn hơn là ngay tại khu cách ly, chính các bạn cũng chứng kiến nhiều cảnh nhộn nhạo do những người đang ở gây nên. Vì thế, nhóm của Ánh đã quyết định hành động, tự đứng ra làm "Sao Đỏ" để tổ chức cuộc sống ở khu cách ly tốt hơn, ít "làm phiền" nhất tới các chú bộ đội, những người phục vụ tại đây.
Ngay sau khi nhận phòng, Ánh và các bạn đã tự giác làm vệ sinh phòng ở sạch sẽ. Ý thức đó của nhóm Ánh đã lan tỏa được tới những người lớn tuổi hơn. Thậm chí, nhóm của Ánh không ngại va chạm, sẵn sàng bày tỏ thái độ bất bình, bảo vệ "các chú bộ đội" một cách kiên quyết khi những cô chú lớn tuổi trong khu cách ly có thái độ không đúng mực với họ.
Các bạn tự chuyển tiền để góp sức nhỏ cho chống dịch
Không chỉ biết tốt cho mình
Với ý thức giữ giấc ngủ ngon, không bị gián đoạn giữa đêm hôm cho các chú bộ đội, nhóm của Ánh tự nguyện biến phòng ở của mình thành nơi tiếp tế cho các phòng khác. Chẳng hạn, nếu các phòng cùng tầng thiếu những tiện nghi phục vụ, thay vì việc gọi các chú bộ đội, thì họ chỉ cần đến phòng của Ánh và các bạn.
"Chúng em đã thống nhất rồi đề nghị với các chú bộ đội để được trả tiền ăn ở, nhưng các chú không nhận mà nói với chúng em, nếu muốn ủng hộ thì chuyển vào tài khoản nhà nước", Ánh kể, rồi chia sẻ thêm: "Chúng em mong chính thế hệ trẻ của chúng em khi đã lựa chọn cho mình một phương án nào thì hãy cố gắng biến phương án đó tốt không chỉ cho bản thân, mà còn tốt cho tất cả mọi người".
Những chia sẻ của Ánh về hành động của nhóm ở khu cách ly trên mạng xã hội nhận được 1.400 lượt chia sẻ từ cư dân mạng. Chia sẻ với PV Thanh Niên, Ánh cho biết em mong chóng trôi qua những ngày cách ly để an toàn trở về quê (Quảng Bình). Trải nghiệm đáng quý với Ánh ở khu cách ly không phải chuyện dọn dẹp nhà cửa hay giặt giũ quần áo, mà là học được cách chia sẻ, cách cảm nhận sự hy sinh vì người khác từ các chú bộ đội.
"Đây là những trải nghiệm chúng em không bao giờ quên. Chúng em đã có những ngày "sống chậm" trong dịch Covid-19, nó như một nốt nhạc trầm trong cả bản nhạc của tuổi trẻ sống quá vội của chúng em", Ánh tâm sự.
Bị từ chối khi gửi bia, thuốc lá vào khu cách ly Thay vì gửi những đồ dùng thật sự cần thiết, nhiều người mang thuốc lá, bia rượu tiếp tế cho thân nhân ở khu cách ly ở Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội). Tất cả đều bị từ chối. Trong những ngày qua, hàng trăm người mang đồ tiếp tế đến khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -...