Du học sinh Nhật thức dậy từ 1h đêm đi giao báo: Có những hôm dầm mưa, dầm bão tuyết, leo cao ốc… tới kiệt sức, nhiều bạn không chịu nổi phải đã dừng học bỏ về nước
Câu chuyện thật của chàng trai 10X du học Nhật Bản bằng học bổng phát báo gây sững sờ cho nhiều người.
Dò dẫm phát 800 tờ báo từ lúc phố chưa lên đèn
Thức dậy vào cái giờ nhiều người vừa mới bắt đầu đi ngủ, chàng trai quê Thanh Hóa bắt đầu công việc phát báo của mình ngay từ lúc 1:30 mỗi sáng trước khi vào lớp học cùng những người bạn đồng trang lứa.
Chia sẻ trong những video “triệu view” trên Tiktok kể về hành trình mưu sinh để được du học không hề nhàn nhã như nhiều người vẫn tưởng, Vũ Tuấn Kiệt (SN 2001) phải “nhanh tay nhanh chân” mở từng kiện báo dày cộp, lồng từng tờ quảng cáo vào vô số chồng báo lớn nhỏ. Dù đã lặp lại công việc quen thuộc này ngay từ khi mới sang Nhật du học 03/2020, đến 2h40 anh chàng mới có thể hoàn thành việc sắp xếp này. Khệ nệ xếp báo lên giỏ trước của chiếc xe máy, chồng lên thành núi cao đến đầu người, số báo còn lại thì phải cột chặt để sau yên xe. Tổng trên xe một chuyến giao báo sáng anh chàng chở đến hơn 500 tờ báo.
Vun vút trên những nẻo đường từ lúc tối om, Kiệt phải mất đến 4-5 tiếng mới xong dù đoạn đường xa nhất chỉ 5km. Sự khắc nghiệt của công việc này đến khi thời tiết thay đổi. Không kể ngày nắng mưa hay bão tuyết, báo vẫn phải được giao đúng giờ và đến cuối khách hàng phải nhận được. Một khi khách phàn nàn và không đặt mua báo nữa, những nhân viên giao báo như Kiệt sẽ bị nhắc nhở và tồi tệ nhất là phạt nặng.
Vào những ngày có mưa, oằn mình trong bộ áo mưa dày cộp cùng sức nặng của nước đã thấm vào áo khiến từng bước chạy phát báo trở nên ngày một mệt mỏi. Anh chàng thậm chí còn hài hước chia sẻ: “Trời mưa thì được cái tỉnh ngủ, nhưng chạy cầu thang thì mắc mệt. Mấy ai được tắm mưa như mấy bọn mình. Mình còn bỏ kính ra để chạy theo cảm giác, vì đã quá quen với công việc này, nên đã nhớ khá chi tiết các địa chỉ và đường đi lối lại.”
Đặc biệt, không phải giao báo nhà nào cũng chỉ cần đứng ngoài thò tay đặt nhẹ vào hòm thư, có nhà khác nằm trên các tòa nhà cao 5-6 tầng thì Kiệt phải lò dò chạy từng bước, kiểm tra số từng nhà để đặt báo cho đúng. Về đến nơi dù đã kiệt sức, 10X phải nhanh chóng vo tròn báo thừa để báo vào mũ bảo hiểm, vào giày và dốc ngược lên để ngày hôm sau còn có để đi. Cứ vậy, Kiệt vội vội vàng vàng về nhà, ăn tạm đồ ăn nấu sẵn từ tối hôm trước để ra bến bắt tàu đến trường học lúc 8h.
Nhiều người vẫn tưởng du học là sướng
Nếu không có những video được chia sẻ trên Tiktok của Kiệt về hành trình sinh sống – làm việc trên đất Nhật để kiếm tiền du học, chắc chắn nhiều người vẫn nghĩ những du học sinh đang sống cuộc sống chỉ có học tập, du lịch và có những trải nghiệm đáng mơ ước ở nước ngoài.
Để thực hiện ước mơ giáo dục tại các trường Nhật Bản, ngoài những cách thức phổ biến thường thấy như đi tự túc, đi trao đổi, xin học bổng chính phủ, rất nhiều học sinh mang trong mình đầy hoài bão như Kiệt đã chọn lựa chương trình học bổng Asahi (được tài trợ bởi tờ nhật báo lớn thứ hai Nhật Bản). Du học sinh sẽ được hỗ trợ 100% học phí và ký túc xá, vé máy bay nhưng phải đáp ứng được điều kiện tiên quyết là chấp thuận làm công việc xếp báo, soạn báo và giao báo hàng ngày theo thỏa thuận. Dù được hưởng những quyền lợi giáo dục với mức lương ổn định khoảng 20 triệu/tháng, nhưng với mức sống rất cao tại Nhật và đặc tính công việc quá vất vả đã khiến nhiều em sinh viên phải dừng học để bỏ về nước sau một thời gian sang Nhật.
Riêng đối với Kiệt, mặc dù bận rộn với công việc và học tập, anh chàng vẫn dành thời gian quay rất chi tiết lịch trình cụ thể trong một ngày của mình, thu hút những 32.3K người theo dõi trên Tiktok. Trong đó, có một số người khen Kiệt siêng năng, chăm chỉ, tự lập và cổ vũ anh chàng tiếp tục phấn đấu để tiếp tục được học tập và làm việc tại đất nước phát triển này. Tuy nhiên, phần lớn người khác đều đồng tình và lo lắng cho sức khỏe cũng như chất lượng học tập của chàng trai Việt:
“1 ngày ngủ chưa đến 4 tiếng, còn trẻ thì ổn chứ sang tuổi trung niên là sức khoẻ xuống dữ lắm. Làm gì thì cũng nên chú ý sức khoẻ.”
Video đang HOT
Một số khác còn khuyên răn người trẻ không nên đánh đổi sức lực, thời gian cho việc du học nếu phải đi làm những công việc chân tay như vậy:
“Du học chỗ nào cũng khó khăn thôi, nhưng Nhật Bản vừa khó khăn, vừa yêu cầu cao. Hạn chế mơ mộng về cuộc sống du học đầy màu hồng thôi các bạn trẻ ơi”.
“Khổ vậy thì về Việt Nam học cũng tốt mà. Đâu phải cứ ra nước ngoài thì mới có nền giáo dục tốt đâu”
Vững vàng nơi xứ người để đổi mồ hôi lấy con chữ
Đúng như mọi người suy nghĩ, quả thật để trụ lại được ở đất nước Nhật Bản xa xôi, không có gia đình trợ giúp, sẻ chia được là bao nhiêu về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt thời gian đầu mỗi khi sáng thức dậy phải đi làm, ý nghĩ thường trực trong đầu em luôn là: Hay là mình bỏ cuộc, về nhà với gia đình. Kiệt bộc bạch: ” Thời gian đầu mới sang, làm việc lệch với đồng hồ sinh học vừa mệt vừa buồn ngủ. Không thể tập trung được nên làm việc sai xót nhiều , cũng bị khiển trách nhiều. Khi ấy còn là cuối đông trời vẫn khá lạnh, nên khó khăn chồng chất. Chỉ muốn bỏ về.”
Đến sau này khi đã quen với công việc rồi, Kiệt vẫn nghĩ đây không phải lựa chọn mình sẽ đi theo nếu được cho cơ hội làm lại. ” Về sau thì quen dần, cũng đôi lúc vẫn bị khiển trách, cũng stress một chút, nhưng về nhà nằm ngủ, nghe nhạc thì mai lại yêu đời trở lại (cười).Thực sự để mà nói được chọn lại thì em sẽ không chọn con đường này. Không phải là nó không xứng đáng với những gì em bỏ ra mà em nghĩ kiểu công việc này không phù hợp với em.”
Câu chuyện về người Việt trẻ lăn lộn vừa học vừa làm ở nước ngoài không phải hiếm. Đặc biệt tại Nhật Bản, đất nước với văn hóa Karoshi – Làm việc tới chết thì mỗi năm lại có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức. Kiệt chia sẻ rằng không riêng mình em sở hữu lịch trình làm việc dày đặc như trên, thậm chí nhiều du học sinh nào cũng phải làm việc – học tập hùng hục hơn nữa thì mới có thể ở lại. ” Về mặt sức khoẻ thì em cảm thấy rất ổn, mình cứ tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống đủ một chút thì cũng không sao. Theo em thì làm nhiều ăn nhiều, cứ ăn thì sẽ có sức làm. Còn việc học là mục đích chính và cũng là mảng khó khăn nhất, vì nhiều khi đi làm về cũng mệt, nhưng cũng phải gắng dành 30 phút đến 1 tiếng để học bài, là đối với người lười như em, còn chăm chỉ hơn nữa thì em biết có anh chị học đến lúc đi làm, một ngày ngủ chưa đủ 3 tiếng, thực sự rất là nể phục“, chàng trai 10X chia sẻ.
Đổi lại những sự nỗ lực, cố gắng ngày đêm, tất nhiên những gì du học sinh như Kiệt có thể nhận được không hề không xứng với những công sức bỏ ra: ” Cái quan trọng không kém là công việc này nó cũng cho em khá nhiều trải nghiệm, đội mưa, đội nắng, rèn cho em sự kiên cường khi bão, tuyết, rồi sự chỉnh chu, tỉ mỉ, cần rất nhiều sự tập trung, bằng chứng là việc phát vài trăm tờ, em phải tập trung để phát báo không sai xót. Nếu sai dù 1 tờ trong vài trăm tờ cũng bị khiển trách như thường. Đôi khi là sai một tháng 3-4 tờ thôi cũng bị trừ tiền bị khiển trách. Về phần giáo dục Nhật Bản thì em nghĩ cũng khá tuyệt vời, với những gì mà em đã và đang được dạy. Cái chính là ở bản thân mình thôi. Mình lười thì giáo dục tốt cũng không có ý nghĩ lắm (ngại)”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Kiệt sẽ tiếp tục học lên đại học với chuyên ngành em chọn là Kinh doanh tổng hợp. Còn trẻ, em chưa cho đây là đam mê mà là thứ sẽ phù hợp nhất với bản thân mình bây giờ. ” Sau khi học xong thì em nghĩ vẫn sẽ ở lại Nhật thêm 1-2 năm nữa học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc của người Nhật. Và sau cùng thì dù thực sự là cũng có tình cảm với nước Nhật, nhưng mà em vẫn muốn quay về quê hương, vì em cảm thấy đó là nơi mình thuộc về. Em cảm thấy bản thân mình ở đó.” Với những mong ước, hoài bão được học tập, trải nghiệm ở những vùng đất mới lạ ngoài quê hương, rất mong những người trẻ như Kiệt sẽ luôn vững tin vào lựa chọn mình đã đi theo!
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bị gièm pha khi du học nước ngoài lại về nước làm bảo mẫu, cô gái trẻ khiến dân tình "quay xe" khi hé lộ mức lương và điều kiện làm việc "như mơ"
Nhiều người tỏ ra vô cùng khó hiểu khi cô gái trẻ tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc và từng du học Nhật Bản lại chọn quay về nước làm công việc "chẳng liên quan" là bảo mẫu toàn thời gian.
Nemo, 29 tuổi, hiện là 1 bảo mẫu cao cấp tại Trung Quốc. Cô gái sở hữu vẻ ngoài nhỏ nhắn, thích buộc tóc đuôi ngựa, có nước da trắng, đeo kính gọng tròn, khi trò chuyện có biểu cảm rất phong phú và đôi mắt to rất có hồn.
Nhìn vẻ bề ngoài cùng những bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người không hình dung được Nemo là 1 bảo mẫu toàn thời gian. Cô tốt nghiệp cử nhân âm nhạc tại Trung Quốc và từng du học Nhật Bản 1 năm trước khi bén duyên với nghề này.
Trái ngược với những bạn bè đồng trang lứa ra vào các tòa nhà văn phòng, Nemo đã có 5 năm "thâm niên" gắn bó với nghề bảo mẫu trong các gia đình. Công việc chính của cô xoay quanh nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc trẻ con.
Nemo bén duyên với nghề bảo mẫu từ năm 24 tuổi
Trong 5 năm qua, Nemo đã làm việc trong 3 gia đình. Ở nhà người chủ hiện tại, cô đã làm việc được gần 2 năm, công việc của cô là giúp 1 cặp vợ chồng chăm sóc con gái 5 tuổi. Ngoài cô ra còn có 1 bảo mẫu nữa chịu trách nhiệm nấu nướng và dọn dẹp, nên Nemo không cần phải làm nhiều việc nhà, công việc của cô hầu như chỉ xoay quanh lũ trẻ.
1 ngày bình thường của cô bắt đầu vào 7h sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân và ăn sáng, cô đưa trẻ đến trường rồi dọn dẹp đơn giản. 14h, cô đến trường đón bé, cùng bé đến các lớp học nghệ thuật. Buổi tối, cô giúp bé làm bài tập, tắm rửa cho bé rồi đi ngủ.
Nemo và em bé cùng nhau luyện tập piano
Nemo chia sẻ việc trở thành 1 bảo mẫu hoàn toàn là tình cờ. Năm 2014, cô tốt nghiệp khoa âm nhạc của 1 trường đại học, chuyên ngành thanh nhạc và violin. Sau khi tốt nghiệp, cô gái không muốn làm công việc liên quan đến âm nhạc, nên đến Nhật Bản để học tập. Sau khi từ Nhật Bản trở về 1 năm sau đó, cô vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp.
Sau nhiều lần cân nhắc, vào năm 2016, Nemo đến Bắc Kinh, Trung Quốc học trang điểm 1 thời gian và trở thành chuyên gia trang điểm. Trong 1 lần làm chương trình, cô có cơ hội nói chuyện với 1 nữ khách mời. Người đó đã ngỏ ý mời Nemo đến làm bảo mẫu để chăm sóc cho con của mình.
"Tôi lập tức đồng ý mà không hề do dự." - Nemo nói.
Thời gian đầu, không thể tránh khỏi việc bị "chê", chẳng hạn như nấu nướng thỉnh thoảng bị "quá lửa" hoặc mọi thứ chưa được chuẩn bị chu đáo. Sau hơn 1 năm, gia đình đó di cư ra nước ngoài, và công việc bảo mẫu đầu tiên của Nemo kết thúc. Sau đó Nemo liên hệ với công ty tuyển người và tiếp tục "dấn thân" vào nghề bảo mẫu chuyên nghiệp. Trong khi đó, mẹ cô ở quê vẫn nghĩ con gái làm nghề trang điểm ở Bắc Kinh.
Mức lương hàng tháng hiện tại của cô là khoảng 15.000 tệ (tương đương 53,7 triệu đồng). Trong căn biệt thự, 3 thành viên của nhà chủ sống trên lầu, Nemo ở riêng 1 phòng ở tầng hầm và có thể sử dụng phòng tắm cùng nhà bếp riêng ở tầng này.
Bảo mẫu 9X có hẳn 1 không gian riêng trong ngôi nhà chung với chủ
Tuy nhiên trong quan niệm của bố mẹ cô thì nghề bảo mẫu không "xứng tầm" với 1 du học sinh, nên khi biết được sự thật về công việc của con gái mình, họ đã rất sốc.
Nemo sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, bố mẹ cô là nhân viên nhà nước với "tư tưởng cũ", điển hình là quan điểm trong khâu chọn việc làm phải "ổn định". Tuy nhiên, Nemo khá may mắn khi bố mẹ vẫn cho con gái quyền tự chủ, muốn làm gì cũng đều được bố mẹ ủng hộ gần như vô điều kiện.
Sau khi tốt nghiệp, Nemo đến Nhật Bản chỉ để mở mang kiến thức, cô không đăng ký học sau đại học như bố mẹ mong đợi mà đến 1 trường ngôn ngữ trong 1 năm và học bán thời gian để trải nghiệm cuộc sống.
Những lúc rảnh rỗi, cô gấp đồ cho shop quần áo, bọc bìa sách cho xưởng in của trường và học nấu ăn.
Bữa sáng đa dạng do Nemo chế biến
Trong số các sinh viên cùng khóa với cô, 90% trở thành giáo viên dạy nhạc, còn lại làm biên tập viên. Từ bỏ âm nhạc hoàn toàn sau khi tốt nghiệp như Nemo là 1 trường hợp hiếm gặp.
Nhưng những trải nghiệm dường như vô nghĩa tại Nhật Bản đã "làm giàu" cho cô ở 1 cấp độ khác. Chẳng hạn như nấu ăn, dọn dẹp, dạy kèm trẻ chơi đàn, hát, học... Nhiều kỹ năng cần có để phục vụ cho nghề bảo mẫu cao cấp hiện tại đều là những tích lũy kinh nghiệm trong quá khứ của Nemo.
Điều duy nhất khiến Nemo lo lắng là cô không có kinh nghiệm về trông trẻ và ban đầu không thích trẻ con lắm. Nhưng sau 1 thời gian hòa nhập với lũ trẻ, cô cảm nhận được sự hồn nhiên và đáng yêu của chúng.
Nemo có nhiều sở thích và trải nghiệm phong phú
Mặc dù hầu hết các bạn cùng trang lứa đều đã kết hôn và sinh con, nhưng Nemo là người theo chủ nghĩa "độc thân vui vẻ". Cô chia sẻ mình rất may mắn khi được làm việc với những gia chủ có tính cách dễ chịu. Những gia đình đó điều kiện kinh tế tương đối vượt trội, tình cảm vợ chồng cũng rất thắm thiết. Trước đây, cô nghĩ rằng trong 1 gia đình như vậy, cha mẹ ít khi có thời gian để kèm cặp con cái, nhưng ngược lại, hầu hết họ đều cố gắng bầu bạn cùng con nhiều nhất có thể và tạo điều kiện thuận lợi cho các bé phát triển.
"Nhưng tôi không ghen tị với cuộc sống của họ chút nào. Tôi nghĩ hiện tại mình đang rất hạnh phúc và vẫn chưa có ý muốn lập gia đình. Tôi luôn nghĩ rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm ở trải nghiệm, và tôi đã trải nghiệm cuộc sống gia đình 1 cách gián tiếp rồi." - Cô gái cười nói.
Nemo sợ cảm giác bị ràng buộc bởi 1 gia đình, và cũng sợ để cha mẹ mình phải sống cuộc sống phụ giúp cô trông cháu sau khi nghỉ hưu.
Dù bị bố mẹ nhiều lần thúc giục chuyện cưới xin, nhưng cô gái cá tính vẫn lựa chọn lối sống "độc thân vui tính"
Mặc dù Nemo hiện đang gắn bó với nghề bảo mẫu, nhưng tư tưởng lại không bị bó hẹp trong những vấn đề của gia đình. Cô nghĩ rằng thật vô nghĩa khi phải lo lắng về những điều ấy mỗi ngày.
1 số người cho rằng lựa chọn của cô gái khiến công sức học tập phí hoài, 1 số người lại cảm thấy công việc này không đẳng cấp, hoặc chỉ dành cho những cử nhân ít trình độ. Tuy nhiên, nhiều người khác nhận định đây chỉ đơn giản là 1 trong những công việc được lựa chọn giữa xu hướng cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động.
Ngoài công việc bảo mẫu, gia sư cho những gia đình giàu có, nhiều sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học danh tiếng vẫn lựa chọn trái ngành, trái nghề như 1 lối thoát trong thời điểm bão hòa việc làm như hiện nay.
Là cử nhân, từng du học Nhật Bản, cô gái hiện làm osin, nhận lương 54 triệu đồng/tháng Cô gái trẻ tốt nghiệp đại học khoa thanh nhạc sau đó du học Nhật Bản 1 năm rồi trở về quê nhà, gắn bó với nghề giúp việc. Nemo (29 tuổi) - một cử nhân đại học đến từ Sơn Đông (Trung Quốc), hiện là bảo mẫu toàn thời gian, sống chung cùng gia đình chủ nhà. Chỉ nhìn vẻ bề ngoài...