Du học sinh nhận dạy gia sư, học phí được gửi thẳng tới quỹ chống dịch
Học viên được dạy kèm tiếng Đức nhưng thay vì đóng học phí, các bạn sẽ chủ động gửi một khoản tiền tương ứng đến quỹ ủng hộ chính phủ chống dịch.
Đang học tập và làm việc tại Đức, dù không thể bay về nước, Phạm Thu Giang (Hà Nội) vẫn quyết định góp chút công sức nhỏ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Thời điểm dịch bùng phát trùng thời gian rảnh rỗi khi được nghỉ giữa kỳ, Thu Giang đăng bài lên diễn đàn nhận dạy gia sư tiếng Đức miễn phí. Điều kiện duy nhất cô đưa ra là mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng, học viên sẽ gửi 70.000 đồng vào tài khoản ủng hộ công tác chống dịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các bạn cũng có thể đóng góp nhiều hơn, tùy tấm lòng.
“Việc dạy gia sư này là ý tưởng của một bạn bên Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, bạn ấy nhận dạy tiếng Trung miễn phí với điều kiện tương tự. Thấy ý tưởng hay quá nên mình cũng làm theo, muốn góp chút sức mọn giúp đỡ tổ quốc. Vì chúng mình là thế hệ ’sẵn sàng’”, Thu Giang nói với Zing.vn.
Thu Giang cùng nhiều bạn trẻ nhận dạy kèm ngoại ngữ để góp phần ủng hộ chống dịch Covid-19.
Xuất phát từ mục tiêu chung tay đẩy lùi virus corona, Thu Giang cho hay cô sẽ nhận dạy tối đa mỗi người 4 buổi và thực hiện cho đến khi dịch bệnh được dập tắt.
Bài đăng nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và chia sẻ. Hiện cô đã nhận được một số học viên và vui mừng khi được mọi người tin tưởng, ủng hộ.
Ngay sau bài đăng của Thu Giang, nhiều bạn trẻ khác cùng hưởng ứng, đăng bài nhận dạy kèm ngoại ngữ như tiếng Anh, Trung, Nhật, Pháp, Thái lan… Và điều kiện chung đều là người học sẽ tự nguyện lấy phần “học phí” tương ứng gửi tới quỹ ủng hộ cả nước chống dịch.
Video đang HOT
Chia sẻ thêm về cuộc sống ở nước ngoài trong thời gian dịch bệnh lan rộng, Thu Giang cho hay cô không quá sợ hãi.
Khi nghe về việc có một số du học sinh, Việt kiều chê bai khu cách ly khi về nước, cô bày tỏ: “Bạn bè mình rất nhiều người về Việt Nam và ai cũng khen ngợi công tác cách ly trong nước. Bạn mình kể có một số bất tiện nhưng vẫn vui khi được ăn ở miễn phí, mọi người đối xử tốt, còn được nói tiếng Việt với nhau”.
Thu Giang cho rằng một số bạn du học sinh vì không quen môi trường lạ nên có thể cảm thấy khó chịu, bất tiện khi mới vào khu cách ly. Song cô hy vọng mỗi người đếu chịu khó, giữ ý thức để việc phòng, chống dịch thuận lợi.
Anh Thư dạy online miễn phí trong thời gian cách ly tập trung.
Trong tình hình cả nước căng mình chống dịch, nhiều người trẻ tìm cách góp tiền, góp sức cùng đẩy lùi Covid-19. Trước đó, Lê Vũ Anh Thư, trở về từ Australia, đã dành thời gian rảnh trong khu cách ly tại Ân Thi (Hưng Yên) để dạy tiếng Anh online miễn phí.
“Mình muốn tận dụng thời gian cách ly có ích hơn, cũng là cơ hội để đóng góp được một phần nhỏ cho cộng đồng. Ngoài ra, mình cũng có niềm vui khi giúp được nhiều bạn không được đến trường, chỉ có thể học qua mạng”, 9X chia sẻ.
Nghỉ học để phòng dịch Covid-19: Học trực tuyến có đóng phí?
Trong thời gian học sinh tạm nghỉ để phòng dịch Covid-19, nhiều trường tổ chức học trực tuyến. Theo phản ánh của phụ huynh, có trường không thông báo về các khoản thu nhưng cũng có trường yêu cầu học sinh đóng học phí như bình thường.
Học sinh tại TP.HCM tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch Covid-19 - Nguyễn Loan
Thu học phí dựa trên "tinh thần chia sẻ", thương lượng
Nói về các khoản thu đối với học sinh (HS) trong thời gian nghỉ học vì Covid-19, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Phó chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm (cơ sở tại TP.HCM và Bình Dương), cho rằng thời gian này các trường đều rơi vào tình trạng khó khăn chung. Để có thêm kinh phí chi trả và hoạt động, trường cũng đề nghị phụ huynh chia sẻ khó khăn dựa trên tinh thần tự nguyện. Mức học phí này được trường tính theo từng mức độ khác nhau ở các cấp học.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, trường đã triển khai dạy học online. Từng giáo viên tham gia với vai trò khác nhau nên trường sẽ căn cứ vào số giờ dạy để thực hiện chi trả lương cho giáo viên và thu học phí của HS.
Trong đó, bậc tiểu học, ban giám hiệu trường đề xuất chỉ thu 30% học phí. "Còn đối với THCS và THPT, giáo viên đầu tư thời gian làm bài giảng, sửa bài tập, các cô vẫn lên trường làm việc hằng ngày... Do vậy, các cô cũng chia sẻ với phụ huynh là mong muốn được thu 50% học phí", bà Vĩnh nói.
Theo bà Vĩnh, đây là khoản học phí trần, nghĩa là học phí cơ bản HS đóng trước đó đã bao gồm việc miễn giảm 10%, 15% hoặc 20% với những HS giỏi hoặc nằm trong diện ưu tiên. Khoản học phí này được áp dụng thu trong thời gian HS nghỉ học, bắt đầu từ tháng 2.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Thống, Hiệu trưởng Trường tư thục THCS - THPT Trí Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết trường vẫn đang thương lượng với phụ huynh về vấn đề học phí trong thời gian HS nghỉ học.
"59 lớp của trường đều 'sáng đèn' trong thời gian HS nghỉ học. Các thầy cô vẫn lên lớp giảng bài và tương tác với HS như bình thường. Chỉ khác là trước đây các em học trực tiếp thì bây giờ học online. Do đó, trường vẫn sẽ thu một phần học phí. Học phí này dựa vào sự thương lượng giữa trường và phụ huynh, chứ trường không hề áp đặt", ông Thống cho biết.
Trường thu, trường không
Tại Hà Nội, một số trường đã sớm tổ chức dạy học trực tuyến khá bài bản. Ví dụ như Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, HS chỉ nghỉ học khoảng 1 tuần đầu tiên, sau đó học trực tuyến theo thời khóa biểu như chính khóa. Vì tổ chức dạy học có hiệu quả, kế hoạch chi tiết nên phụ huynh không phản đối khi trường này thông báo mức thu học phí online là 1,8 triệu đồng/HS/tháng.
Trong khi đó, một số trường như Newton, Lương Thế Vinh... khi đề xuất thu phí hỗ trợ dạy học online thì lại nhận nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng nếu có kế hoạch rõ ràng, có thời khóa biểu, chương trình bài bản thì họ nộp tiền. Tuy nhiên, khi việc học trực tuyến chủ yếu mới là giao bài tập, chấm sửa bài... qua mạng thì việc thu phí khiến nhiều phụ huynh không phục. Một phụ huynh có con học lớp 8 trường này cho rằng: "Dạy online mà chỉ giao bài tập thì không cần thiết".
Trong thư ngỏ gửi phụ huynh HS, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng nêu rõ: "Nhà trường không thu tiền học online mà coi đây là hình thức bổ trợ, không thay thế chính khóa. Do vậy, khi HS đi học lại, trường mới thu học phí".
Trường quốc tế vẫn thu như bình thường ?
Trong khi đó, một phụ huynh có con đang theo học tại trường có yếu tố quốc tế, cơ sở trên địa bàn Q.3 (TP.HCM) cho biết, đầu tháng 3, nhà trường phát thông báo yêu cầu phụ huynh đóng học phí học phần thứ 3 của năm học tính từ ngày 1.3 - 12.6. Theo phụ huynh, do không học tập trung tại trường để phòng chống việc lây nhiễm dịch Covid-19 nên nhà trường triển khai kế hoạch học tập online nhưng trường chỉ không thu tiền ăn, còn giữ nguyên học phí như học tập trung. Phụ huynh này cho rằng tổ chức lớp học trực tuyến khác với học tập trung tại trường. Khi học tập trung, HS có thể thực hiện nhiều hoạt động khác, còn nay học trực tuyến, học tại nhà, nhiều hoạt động kỹ năng bổ trợ giảm mà vẫn giữ học phí như cũ là không hợp lý.
Chuyên viên phòng giáo vụ tại một trường quốc tế ở Q.2 (TP.HCM) cho biết trường này đang thực hiện chương trình tú tài quốc tế, việc học vẫn diễn ra bình thường, chỉ khác là học trực tuyến. Hằng ngày, HS vẫn tham gia lớp học online, có điểm danh và thời gian học tập tương tự như ở trường. Do là trường quốc tế nên mọi hoạt động giáo dục vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với các năng lực và sự đánh giá của tổ chức quốc tế qua việc học online. Vì vậy, việc thu học phí của trường không bị ảnh hưởng khi HS không học theo hình thức trực tiếp.
Cần có kế hoạch và sự giám sát của nhà trường
Xung quanh việc dạy từ xa, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng mục tiêu số một của việc học là trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS, đảm bảo nền tảng kiến thức cho các em học lên các lớp, cấp học cao hơn; đáp ứng các kỳ thi cuối năm học, tuyển sinh... Do vậy, việc học trước hết là nhu cầu tự thân của HS, là trách nhiệm của các trường, để đảm bảo chất lượng giáo dục và cũng là uy tín của mỗi nhà trường. Nhưng việc này cần có kế hoạch, sự giám sát chặt chẽ của nhà trường và phụ huynh thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng.
Theo thanhnien
Dẫn người yêu về ra mắt, em muốn "độn thổ" khi chạm mặt bạn gái của bố, còn cô ấy thì vơ vội cọc tiền trên bàn rồi lau nước mắt bỏ chạy Em không cấm bố qua lại với người khác, nhưng một người như cô ấy thì không thể chấp nhận được. Em lớn lên trong sự yêu thương, che chở của bố. Mẹ em mất khi em vừa chào đời. Thương con sinh ra đã mồ côi mẹ, bố em quyết định ở vậy nuôi con. Bao năm nay có nhiều người phụ...