Dự đoán chính sách Biển Đông 2015: Trung Quốc vẫn đang rình chờ cơ hội
Trung Quốc có thể thay đổi chiến thuật, đã “nỗ lực khôi phục quan hệ” với Việt Nam, bầu cử Tổng thống Mỹ là cơ hội cực tốt để TQ hành động lớn ở Biển Đông.
Hình ảnh tình nghi là máy bay P-8 Hải quân Mỹ và hình ảnh máy bay tác chiến điện tử Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam – nơi và khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981
Mạng “Học giả ngoại giao” Nhật Bản ngày 8 tháng 1 có bài viết cho rằng, trong vài tháng qua, dư luận đang bàn về một vấn đề, đó chính là năm 2015 phải chăng có thể thấy được Trung Quốc điều chỉnh trong xử lý vấn đề Biển Đông và sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến khu vực Đông Nam Á. Điều này làm cho dư luận rất muốn biết Trung Quốc sẽ ứng xử với vấn đề Biển Đông như thế nào trong năm 2015.
Hiện nay, Trung Quốc áp dụng kế hoạch chiến lược “gia tăng tự tin” (hung hăng dọa nạt, sẵn sàng xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981). Phương pháp của loại sách lược kiểu tiệm tiến (từng bước lấn chiếm, bành trướng – tằm ăn dâu) này do 2 bộ phận tạo thành.
Một bộ phận là tái khẳng định chủ trương “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò-bất hợp pháp) của Trung Quốc và áp dụng các hành động thực tế để làm cái gọi là “bảo vệ chủ quyền Biển Đông” (tổ tông Trung Quốc chỉ để lại cho họ: cực nam là đảo Hải Nam, không có chủ quyền lãnh thổ ở dưới đảo Hải Nam).
Như vậy điều này có khả năng sẽ đụng chạm tới lợi ích của Mỹ hoặc làm cho Mỹ liên kết với một số nước để phản đối (chủ trương bành trướng Biển Đông của) Trung Quốc. Nhưng bất kể là hành động như thế nào đều sẽ tiếp tục tăng cường lập trường cái gọi là “bảo vệ chủ quyền” (yêu sách vô lý, vô hiệu) của Trung Quốc.
Máy bay Y-12 Hải giám Trung Quốc tham gia hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014 (nguồn mạng sina Trung Quốc, dẫn lại từ Đài truyền hình Việt Nam)
Còn bộ phận thứ hai là Trung Quốc tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á, thu hút họ vào “vòng tay” (khống chế) của Trung Quốc. Làm như vậy không chỉ “có lợi” cho phát triển kinh tế của Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn làm cho các nước ASEAN cân nhắc tới hậu quả từ hành vi mà báo Trung Quốc cho là “khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông” (trên thực tế, nước có thực lực yếu hầu như không có ý định khiêu khích nước mạnh hơn, Trung Quốc toàn tuyên truyền kiểu “bé ức hiếp lớn” – một loại tuyên truyền đầy thủ đoạn và hết sức lố bịch).
Đối với Trung Quốc, duy trì “tính độc lập” của các nước ASEAN là điều rất quan trọng, từ đó giải quyết tranh chấp song phương (dễ bề dùng thực lực uy hiếp), chứ không giải quyết tranh chấp tổng thể với ASEAN.
Tuy nhiên, một số người nói, năm 2015, Trung Quốc có thể sẽ thử thay đổi chiến thuật hoặc ít nhất “làm lặng sóng một chút” vấn đề Biển Đông. Trong tổng kết quan hệ ngoại giao vào tháng 12 năm 2014, Hội nghị công tác Trung ương của Trung Quốc cho biết muốn gia tăng quan tâm tới củng cố quan hệ với các nước xung quanh (láng giềng), chứ không phải là quan hệ với các nước lớn.
Mặc dù còn chưa rõ điều này có nghĩa là gì, nhưng có người cho rằng, để khôi phục quan hệ, Trung Quốc có thể sẽ “điều chỉnh” chính sách ngoại giao của họ. Trung Quốc công khai tuyên bố năm 2015 là “một năm hợp tác trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN”.
Video đang HOT
Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014: Máy bay Y-12 Hải giám Trung Quốc lượn lờ đe dọa trên tàu Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc lấy của truyền hình VN VTV)
Nói một cách cụ thể, Trung Quốc sẽ tận dụng năm 2015 để thực hiện dự án đầu tư hợp tác trên biển Trung Quốc-ASEAN, bài viết cho rằng điều này có ý nghĩa to lớn, bởi vì dự án như vậy có liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông của ASEAN.
Đầu năm 2014, do Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở Biển Đông (thực chất là ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, được dư luận cho là một hành động mang tính xâm lược, ngoài ra, Trung Quốc cũng có không ít hành động mang tính khủng bố vô nhân đạo đối với tàu thuyền dân sự Việt Nam – đâm hỏng nặng tàu kiểm ngư, đâm chìm tàu cá v.v…), đã gây ra căng thẳng quan hệ giữa Trung-Việt (ảnh hưởng rất xấu, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, an ninh của Việt Nam cũng như đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh khu vực).
Vì vậy, năm 2014, Trung Quốc đã “bỏ ra rất nhiều thời gian để khôi phục quan hệ với Việt Nam”. Hơn nữa, trong thời gian Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm 2014, Trung Quốc đã thể hiện ngoại giao “sức mạnh mềm” – Trung Quốc lần lượt ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế thương mại với Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Mặc dù những nước này vẫn có một số phải đối mặt với trở ngại mang tính cấu trúc, nhưng hành động này gây ấn tượng sâu sắc.
Rất rõ ràng, Bắc Kinh ý thức được năm 2015 sẽ là một năm then chốt, bất luận là thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác kinh tế khu vực hay thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực của quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo, đều tương đối quan trọng.
Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tham gia chiến dịch xâm phạm chủ quyền Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Bài viết cho rằng, những động thái đối với khu vực Nam Á từ năm 2013 đến năm 2014 của Trung Quốc là một gợi ý đối với những người tìm kiếm phương pháp giải quyết vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đang triển khai kế hoạch chiến lược “tự tin” hơn.
Trên thực tế, Trung Quốc hy vọng năm 2015 làm lặng sóng vấn đề Biển Đông, vì vậy, động thái của các nước khác ở Biển Đông trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến việc Trung Quốc đưa ra các hành động quả quyết hoặc chủ động hơn.
Trên thực tế, cách nói “Trung Quốc có thể sẽ chú ý hơn tới các nước xung quanh, chứ không phải một số nước lớn” hoàn toàn không thể làm thay đổi vị trí của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng tiềm tàng của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính quyền Obama cam kết sẽ duy trì hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề khí hậu và phương diện đổi chác quân sự.
Nhưng, trong năm 2014, Mỹ lại tận dụng tăng cường thỏa thuận hợp tác phòng thủ với Philippines, nới lỏng cấm vấn vũ khí đối với Việt Nam, đạt được quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với Malaysia trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, cùng với Bộ Ngoại giao công bố báo cáo nghiên cứu “đường chín đoạn” của Trung Quốc – tất cả các biện pháp này cho thấy Mỹ can thiệp vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp hơn cũng đang được tiến hành. Mỹ đã tham gia ngày càng nhiều vào các vấn đề Biển Đông. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 ngày càng đến gần, đối với Trung Quốc, đây là một cơ hội cực tốt.
Theo Giáo Dục
4 nhân tố tác động quan hệ Việt Trung năm 2015
Sau biến cố trong năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc đứng trước thử thách tìm ra hướng đi cho một mối quan hệ lâu dài và ổn định, Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á Thái Bình Dương, Mỹ, nhận xét.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến quan hệ hai nước biến chuyển về chất.
- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt - Trung trong năm qua?
- Năm 2014 ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến quan hệ hai nước rơi vào một "vùng trũng" thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991.
Mặc dù hai nước đều có những nỗ lực nhất định nhằm đưa quan hệ trở lại bình thường, chẳng hạn như tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao, nhưng tính chất và đặc điểm của mối quan hệ đã có sự thay đổi về chất sau sự cố giàn khoan.
Một sự đồng thuận rộng lớn hơn đã hình thành ở Việt Nam về ý đồ, mục tiêu và quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau sự kiện giàn khoan, không còn nhiều người mơ hồ về mong muốn và hành vi của Trung Quốc ở khu vực.
Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược lớn khá nhất quán và bài bản từ nhiều thập kỷ qua. Chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc ở Biển Đông giống như chiến lược của một người chơi cờ vây với mục tiêu cuối cùng là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực với những bước đi có tầm nhìn xa nhiều thập kỷ, còn việc động thủ hay thúc thủ phần nhiều được quyết định bởi thời thế và tương quan lực lượng.
Sự kiện giàn khoan không tạo ra một xu hướng mới. Nó chỉ đánh dấu sự biến đổi từ lượng thành chất của một quá trình đã tích tụ từ lâu.
- Việt Nam nên ứng xử như thế nào trước sự thay đổi này?
- Sự kiện này giống như một "cú huých" buộc Việt Nam phải xem lại mối quan hệ và cách xử sự với Trung Quốc. Tuy nhiên, bài toán quan hệ với Trung Quốc không dễ gì có thể giải quyết được trong chốc lát. Nó cần sự nhìn nhận sâu sắc từ nhiều góc độ như lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự và nhất là đại chiến lược.
Vấn đề của Việt Nam là làm sao thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc nhưng vẫn tận dụng được lợi thế lân cận với họ. Trung Quốc là một trung tâm văn hóa, kinh tế mà ảnh hưởng của nó có nhiều khía cạnh tích cực đi kèm với các khía cạnh tiêu cực. Việt Nam cần cự tuyệt sự lệ thuộc, nhưng phải biết cách tận dụng lợi thế ở gần để khai thác tốt mối liên hệ lâu dài với Trung Quốc và vị trí chiến lược bên cạnh nước này, khai thác tốt nền minh triết và thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Việt Nam cần tìm ra cách ứng xử hợp lý để có thể được nể phục bên cạnh một Trung Quốc khổng lồ. Làm sao để kinh tế thông thương mà không lệ thuộc, hợp tác nhiều mặt trong thế ngẩng cao đầu, học được cái hay của Trung Quốc mà không vấp phải những cái dở của họ, giảm thiểu những thiệt hại do phải đương đầu với những áp lực, trả đũa, và gây hấn của Trung Quốc, trong khi vẫn bảo toàn được những lợi ích căn bản của mình.
Hiện nay những bước đi của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, đặt ra thách thức mới cho cả hai nước đi tìm một giải pháp lâu dài cho mối quan hệ song phương.
- Việt Nam và Trung Quốc được gì, mất gì từ sự kiện giàn khoan?
- Nếu chỉ xét về khía cạnh vật chất thì cả hai nước đều mất chứ không được gì. Trung Quốc định đưa giàn khoan vào để cắm "một cột mốc biên giới" nhưng bị Việt Nam chống trả quyết liệt và bị thế giới lên án. Như vậy là mục tiêu "cắm mốc" của Trung Quốc coi như thất bại.
Bắc Kinh tuyên bố giàn khoan đã tìm thấy dầu, nhưng những gì được quan sát ở hiện trường cho thấy giàn khoan chưa thể khoan sâu xuống đáy biển chứ chưa nói đến chuyện có tìm thấy dầu hay không.
Trong khi đó, cả hai bên đều thiệt hại nhiều tiền của để duy trì một lượng lớn tàu. Số lượng của Trung Quốc có lúc lên tới hơn trăm tàu, liên tục quần thảo, đâm va tàu Việt Nam trong suốt hai tháng rưỡi trên biển.
Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh phi vật chất thì có thể nói Trung Quốc mất nhiều hơn và Việt Nam được nhiều hơn. Cái Trung Quốc mất nhiều nhất là niềm tin của các nước về một Trung Quốc "chơi được". Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới trở nên bớt tin tưởng và cảnh giác hơn với Trung Quốc.
Việt Nam nhìn chung tạo được hình ảnh một quốc gia kiên cường, khôn ngoan và biết kiềm chế. Việt Nam được nhiều nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines coi là địa chỉ đáng tin cậy để gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, các vụ bạo động đã diễn ra cũng làm sứt mẻ hình ảnh của Việt Nam.
Một người lính hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa.
- Theo ông những yếu tố nào tác động lớn đến quan hệ Việt - Trung năm tới?
- Có 4 yếu tố chính sẽ tác động mạnh đến quan hệ hai nước. Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục tăng cường lấn biển, xây đảo và lập căn cứ trên các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Năm 2015, Bắc Kinh sẽ biến đá Chữ Thập thành mặt bằng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, với đường băng dài khoảng 3 km, đủ cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thế hệ thứ 4 sử dụng, có cảng biển cho tàu chiến hạng trung và tàu tuần tra cỡ lớn trọng tải 5.000 tấn neo đậu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiếp tục các hoạt động xây dựng ở các đá Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và có thể sẽ triển khai cả ở đá Subi. Việt Nam sẽ phải có đối sách thích hợp nếu không muốn chấp nhận một cán cân lực lượng mới nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai là Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn lướt ở Biển Đông. Nước này có thể đưa trang thiết bị ra hạ đặt ở các vị trí chiến lược, các bãi đá không người, để từ đó chiếm đóng trên thực tế. Bắc Kinh sẽ tổ chức tập trận quân sự, đưa các lực lượng dân sự và phi quân sự ra để hình thành thế trận "chiến tranh nhân dân trên biển". Họ cũng đưa tàu bè, các phương tiện khác như ụ nổi, giàn khoan ra khống chế mặt biển; lập ra các quy định, quy chế đơn phương nhằm giành quyền kiểm soát cả vùng biển và vùng trời của khu vực.
Yếu tố thứ ba là ảnh hưởng của vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế về Luật biển do Philippines khởi xướng. Ngày 15/12 vừa qua là hạn chót để Trung Quốc thể hiện lập trường trước tòa, Trung Quốc đã đưa ra một văn kiện tái khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông, lên án Philippines bác bỏ thẩm quyền của tòa trong vụ kiện. Hiện Việt Nam đã nêu lập trường kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng bác ngược lại. Trong năm sau, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là càng đến gần ngày tòa ra phán quyết.
Cuối cùng là tác động của việc Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Đây là điều cần thiết để Việt Nam giảm lệ thuộc vào một nước trong bối cảnh các nước nói trên đều ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng và sẽ tăng cường các biện pháp ngăn cản.
Theo Vnexpress
Báo Trung Quốc xuyên tạc: Đoàn Việt Nam sang Trung Quốc để cầu hòa Bài viết tập trung phân tích các nhân tố giúp Việt Nam kiên quyết với TQ trong vấn đề Biển Đông, nhưng lộ rõ mưu đồ xuyên tạc cũng như bản chất xâm lược của TQ Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa có chuyến thăm Trung Quốc Trang mạng sina Trung Quốc ngày 23 tháng 10 đăng bài viết...