Dụ dỗ lập nhiều tài khoản ngân hàng rồi rủ sang Campuchia lừa đảo
Được Nguyễn Chí Công (SN 2000), người cùng xã vừa trở về từ Campuchia dụ dỗ mở nhiều tài khoản ngân hàng rồi dẫn sang Campuchia làm việc với mức lương cao 25 triệu đồng/tháng, 4 thanh niên Trường, Hải, Khải, Cảnh đã mở 50 tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau rồi theo Công trốn sang Campuchia để góp sức cho đường dây lừa đảo công nghệ cao, chuyên mạo danh Cơ quan Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người Việt.
Phát hiện đường dây lừa đảo công nghệ cao từ sự chuyển dịch tài khoản bất thường
Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa khởi tố nhóm 4 đối tượng Tạ Anh Trường; Lê Quang Khải; Nguyễn Xuân Hải cùng SN 2005 và Nguyễn Tuấn Cảnh (SN 1996) cùng trú tại xã Trường Thành, huyện An Lão, Hải Phòng để điều tra về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu Cơ quan điều tra, tối 20/8, Công an quận Nam Từ Liêm nhận được trình báo của chị V.T. H (trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo trình báo của chị H, khoảng 19h cùng ngày, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng tên là Nam, cán bộ Công an quận Nam Từ Liêm thông báo con gái chị làm căn cước công dân (CCCD) bị lỗi. Người này hướng dẫn chị H truy cập vào đường link: dichvucong.capnhatcutru.com tải ứng dụng để cập nhật thông tin CCCD cho con.
Tin tưởng người này là cán bộ Công an, chị H đã truy cập đường link và tải ứng dụng về điện thoại rồi làm theo hướng dẫn để đăng ký tài khoản và quét khuôn mặt đồng bộ dữ liệu. Ngay sau đó, chị H phát hiện tài khoản ngân hàng của mình phát sinh giao dịch chuyển số tiền 371,5 triệu đồng đến tài khoản Ngân hàng SHB mang tên Tạ Anh Trường. Nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị H đã đến Công an quận Nam Từ Liêm trình báo.
Vào cuộc xác minh, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm xác định toàn bộ cuộc gọi giả danh Công an và địa chỉ IP chuyển khoản ngân hàng đều diễn ra tại Campuchia; tài khoản mang tên Tạ Anh Trường chỉ trong ngày 20/8 đã phát sinh nhiều giao dịch đáng ngờ, nghi tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng viễn thông và công nghệ cao để lừa đảo.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 28/10, Công an quận Nam Từ Liêm đã kịp thời bắt giữ Tạ Anh Trường khi anh ta vừa từ Campuchia trở về địa phương. Từ khai nhận của Tạ Anh Trường, 3 đối tượng đồng phạm của Trường gồm: Nguyễn Xuân Hải, Lê Quang Khải và Nguyễn Tuấn Cảnh cũng lần lượt bị bắt giữ.
Các đối tượng Trường, Hải, Khải, Cảnh.
Video đang HOT
Hơn nửa tháng chiếm đoạt hơn 158 tỷ đồng
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, khoảng tháng 7/2024, nhóm Trường, Hải, Khải, Cảnh được Nguyễn Chí Công (SN 2000), người cùng xã Trường Thành vừa trở về từ Campuchia rủ sang Campuchia để làm thuê cho nhóm người nước ngoài với mức lương cao 25 triệu đồng/tháng.
Trước khi đi, Công yêu cầu nhóm của Trường mở nhiều tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau để mang sang Campuchia làm công việc chuyển tiền. Sau đó, cả nhóm đã được Công đưa vào TP Hồ Chí Minh rồi vượt biên bằng đường tiểu ngạch sang Campuchia. Sang đến địa phận Campuchia, nhóm của Trường được đưa đến một tòa nhà ở khu “Tam Thái Tử” và gặp các đối tượng người nước ngoài.
Theo yêu cầu của những người này, nhóm Trường, Hải, Khải, Cảnh cung cấp số điện thoại nhận mã OTP, mật khẩu, số tài khoản ngân hàng để các đối tượng kết nối vào hệ thống quản lý. Nhóm Trường có nhiệm vụ nhận tiền từ các tài khoản của người Việt Nam, quét khuôn mặt xác thực sinh trắc học để chuyển tiền từ các tài khoản của nhóm Trường đến tài khoản do “ông chủ” chỉ định.
Tạ Anh Trường khai, khoảng từ ngày 8/8 đến 10/8, khi đang làm việc tại Campuchia thì có một nhóm người Việt Nam khoảng 30 người được đưa tới nơi làm việc của nhóm Trường, kèm theo thiết bị dàn máy vi tính, điện thoại, tai nghe, thiết bị màu đen có ăng ten. Qua nghe cuộc nói chuyện của những người này, Trường, Hải, Khải, Cảnh đều biết mình đang tham gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam dưới hình thức giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát. Mấy hôm sau, khi đã quen biết nhau hơn, nhóm của Trường đã nói chuyện với nhóm người chuyên gọi điện giả danh Công an này và biết được, họ có nhiệm vụ gọi điện về Việt Nam lừa đảo, sau đó, hướng dẫn các bị hại chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân của Trường, Hải, Khải, Cảnh. Ngay sau đó, các đối tượng cầm đầu sẽ yêu cầu Trường, Hải, Khải, Cảnh xác thực sinh trắc học để thực hiện giao dịch luân chuyển tiền đi các tài khoản ngân hàng khác nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền của người bị hại.
Với phương thức thủ đoạn như trên, 4 đối tượng Trường, Hải, Khải, Cảnh sử dụng 50 tài khoản ngân hàng mang tên mình lập ở nhiều ngân hàng khác nhau để thực hiện hàng nghìn lượt xác thực sinh trắc học, giúp sức cho đường dây lừa đảo có trụ sở tại Campuchia này chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn nạn nhân. Chỉ trong khoảng thời gian 15 ngày, tổng số tiền luân chuyển qua các tài khoản của Trường, Hải, Khải, Cảnh ước khoảng 158,5 tỷ đồng. Người bị chiếm đoạt nhiều nhất số tiền là hơn 2 tỷ đồng. Sau khi làm việc khoảng 1 tháng, do các tài khoản ngân hàng nói trên bị cơ quan Công an phong tỏa hết, nên Trường, Hải, Khải, Cảnh không còn tác dụng, đã được “ông chủ” trả lương, trở về Việt Nam và nhanh chóng bị cơ quan Công an bắt giữ.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã xác định và làm rõ được 3 vụ việc giả danh Công an thực hiện cuộc gọi điện thoại lừa đảo; các bị hại đã chuyển tiền vào tài khoản của Hải, Khải, Cảnh. Cụ thể, ngày 15/8, đối tượng giả danh Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T.K.P trú xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng liên quan đến việc gửi hàng quốc cấm ra nước ngoài; qua đó chiếm đoạt của chị P số tiền 339,9 triệu đồng chuyển đến tài khoản ngân hàng của Nguyễn Tuấn Cảnh.
Ngày 17/8, đối tượng giả danh cán bộ Công an tỉnh Hải Dương hướng dẫn chị N.T.T trú tại phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, Hải Dương định danh chiếc xe ô tô của chị T qua dịch vụ công. Chị T đã chuyển 470,9 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng của Nguyễn Xuân Hải và bị chiếm đoạt. Cùng ngày, đối tượng giả danh cán bộ Công an xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đề nghị chị N.P.T trú xã Xuân Quan đưa 2 con gái đến Công an huyện Văn Giang, Hưng Yên để làm CCCD. Sau đó chiếm đoạt của chị T số tiền 98,9 triệu đồng chuyển đến tài khoản ngân hàng của Lê Quang Khải.
Hiện, Công an quận Nam Từ Liêm đang tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt đối tượng Nguyễn Chí Công để điều tra làm rõ.
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh để lừa đảo tống tiền
Tình trạng lừa đảo công nghệ cao đang gia tăng. Kẻ xấu sử dụng AI cắt ghép hình ảnh gắn vào clip nhạy cảm để tống tiền.
Ngày 6.12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng), cho biết đơn vị này vừa phát hiện thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng xấu sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) để cắt hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân ghép vào các hình ảnh, video, clip có nội dung nhạy cảm để lừa đảo, đe dọa tống tiền.
Cảnh báo thủ đoạn cắt hình cá nhân ghép vào clip nhạy cảm để lừa đảo tống tiền. ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Cụ thể, kẻ xấu tìm kiếm thông tin, số điện thoại, hình ảnh, các mối quan hệ của nạn nhân thường là nam giới, có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trong đó có một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chúng sử dụng phần mềm công nghệ cao, AI cắt khuôn mặt của nạn nhân ghép vào các hình ảnh lấy từ các clip nhạy cảm, thể hiện việc nạn nhân đang quan hệ tình dục trong nhà nghỉ, khách sạn; giả chụp ảnh từ clip quay tại hiện trường bằng cách dán biểu tượng nút play vào giữa ảnh hoặc dùng điện thoại quay ảnh đã cắt ghép.
Tiếp đó, đối tượng xấu sử dụng "SIM rác", dịch vụ gọi điện thoại qua internet hoặc thông qua email, Zalo, tin nhắn SMS, gửi thư với nội dung tự xưng là thám tử tư, được người khác ủy thác điều tra, sau một thời gian bí mật theo dõi, phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính, nên đã ghi hình, chụp ảnh.
Thủ đoạn dùng AI cắt khuôn mặt của nạn nhân ghép vào các hình ảnh từ các clip có nội dung nhạy cảm. ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Kẻ xấu yêu cầu nạn nhân chuyển tiền từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng hoặc ví tiền ảo do chúng chỉ định để chuộc lại các clip, hình ảnh này. Nếu nạn nhân không chịu giao tiền chúng sẽ chuyển các ảnh và clip đã thu thập được lên các trang mạng xã hội, các website, gửi tới gia đình, cơ quan để nạn nhân.
Tại địa bàn Lâm Đồng, đã ghi nhận nhiều trường hợp cán bộ, doanh nhân, người dân nhận được các tin nhắn, thư điện tử như trên, có những trường hợp đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang khẩn trương điều tra, truy xét, làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý. Bước đầu qua xác minh cho thấy nhóm tội phạm này ở nước ngoài.
Những lời đe dọa để tống tiền. ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Để phòng tránh lừa đảo, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo cần bảo mật thông tin cá nhân, hình ảnh... lên mạng xã hội.
Không truy cập vào các đường dẫn lạ (thường được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email); luôn cẩn trọng khi tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ những nguồn không rõ ràng; bình tĩnh khi nhận tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi đe dọa như trên; không chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo. Khi xảy ra trường hợp tương tự cần kịp thời báo tin cho cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, điện thoại: 0693.449.407 để được hướng dẫn xử lý.
Cục Đăng kiểm cảnh báo khẩn cấp về hiện tượng lừa đảo đổi mẫu tem kiểm định Nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam gọi điện cho chủ xe thông báo thay đổi mẫu tem kiểm định và hướng dẫn truy cập vào đường link giả mạo nhằm đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản. Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm...