Dự chi 2.000 tỷ mua cổ phần Vinaconex, kế hoạch của 2 nhà đầu tư vừa lộ diện là gì?
CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam có nghề kinh doanh chính là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng trong khi Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ có ngành nghề kinh doanh là xây dựng nhà các loại là 2 nhà đầu tư dự chi khoảng 2.000 tỷ đồng mua số cổ phần Vinaconex được Viettel bán ra.
Theo thông báo mới nhất, Công ty Bất động sản Cường Vũ và CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam là 2 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá cổ phần của Viettel tại Vinaconex (mã VCG).
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Bất động sản Cường Vũ có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại trong khi CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Công ty Bất động sản Cường Vũ chỉ mới thành lập ngày 7/11/2017, hoạt động được khoảng 1 năm, chủ sở hữu kiêm Giám đốc Công ty là ông Vũ Xuân Cường, sinh năm 1970. Ông Cường đồng thời đứng tên tại các công ty: Công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh và Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ.
Đặc biệt, cả 3 doanh nghiệp bất động sản này được thành lập trong 3 ngày liên tiếp, ngày 7/11, 8/11, 9/11 năm 2017. Trong đó, Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ có địa chỉ trụ sở chính là tầng 12, tòa nhà Abacus, 58 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM.
Video đang HOT
Hiện, kinh doanh bất động sản đang là một trong hai lĩnh vực kinh doanh then chốt của Vinaconex, Vinaconex và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai đầu tư hàng trăm dự án bất động sản trong phạm vi cả nước trong đó đáng chú ý có dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Splendora (Hà Nội), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng biệt thự biển cao cấp, bến du thuyền, casino và công viên giải trí Cát Bà Amatina (Cát Bà, Hải Phòng)…
Theo định hướng phát triển của Vinaconex, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực kinh doanh bất động sản như một trong 2 lĩnh vực chủ yếu. Ngoài việc mang lại lợi nhuận cho Tổng công ty, lĩnh vực này còn hỗ trợ cho các lĩnh vực khác như xây lắp, sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng cùng phát triển.
Trong số dự án vừa nêu, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Splendora mới đây đã có sự chuyển nhượng vốn góp giữa Posco E&C cho CTCP Địa ốc Phú Long, một thành viên thuộc Tập đoàn Sovico với giá chuyển nhượng 680 tỷ đồng/340 tỷ đồng vốn góp của Posco E&C tại liên doanh An Khánh JVC – chủ đầu tư dự án Splendora, gấp 2 lần giá trị vốn góp ban đầu trong đó chưa bao gồm nghĩa vụ tài chính khác mà Phú Long sẽ phải thanh toán thay cho Posco E&C. Theo đó, Sovico Holdings trở thành cổ đông ngang hàng với Vinaconex tại dự án này.
Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Splendora đã “án binh bất động” trong một thời gian dài dù thời gian vừa qua bất động sản đã phục hồi và nhiều dự án khác trong khu vực đã triển khai xây dựng rầm rộ, một nguyên nhân được đề cập đến là do những bất đồng quan điểm trong liên doanh cũ, với tỷ lệ sở hữu 50:50 không bên nào có quyền quyết định về các ý kiến, đề xuất được nêu ra.
Địa chỉ CTCP Địa ốc Phú Long cũng nằm tại tầng 12, tòa nhà Abacus Tower, 58 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM, cùng địa chỉ với Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ, mà người đứng tên là ông Vũ Xuân Cường, cùng đứng tên trong Công ty Bất động sản Cường Vũ.
Nhà đầu tư còn lại là CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam, người đại diện pháp luật là con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô – ông Trịnh Cần Chính trước đây gần 3 năm đã mua lại dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam từ CTCP Tập đoàn Vina Megastar với tổng vốn đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Thông tin trước đó cho biết, Viettel dự kiến thoái toàn bộ hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% tổng số cổ phần đang nắm giữ tại Vinaconex. Mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần, cao hơn tương đối nhiều so với mức giá hết phiên giao dịch ngày 13/11 (18.400 đồng/cổ phiếu). Với mức giá này, lô cổ phiếu có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
BẢO VY
Theo bizlive.vn
Con trai cụ Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex
Trong hai nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần Vinaconex từ Viettel có CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.
Theo báo Tri thức trực tuyến, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.
Được biết, Viettel dự kiến thoái toàn bộ hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% tổng số cổ phần, đang nắm giữ tại Vinaconex, với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần. Với mức giá này, lô cổ phiếu có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Hội đồng thẩm định đã "chốt" danh sách các nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần Viettel tại Vinaconex theo lô là: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam. Một trong những tiêu chí xem xét và đánh giá nhà đầu tư là việc phải chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng mua toàn bộ số lượng cổ phần của Viettel.
Ông Trịnh Cần Chính bên ảnh của cha mẹ mình - nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến
Theo Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia cho thấy, CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010, có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất... Công ty này do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật, báo VnEconomy đưa tin.
Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, người đã góp 1 triệu đồng Đông Dương để thành lập Việt Nam Công thương Ngân hàng có trụ sở tại 58 Tràng Tiền (Hà Nội) vào năm 1946. Ngoài ra, gia đình ông đã quyên góp 2 căn nhà tại số 48 Hàng Ngang làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng thời đó. Sau khi phát động "Tuần lễ vàng", gia đình ông Trịnh Văn Bô thời đó cũng ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho Nhà nước.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex theo quy định pháp luật là 0%.
Cùng với đó, Ủy ban cũng yêu cầu ngay sau khi nhận được thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 0%, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCG trên hệ thống để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch theo đúng quy định pháp luật. Như vây, với tỷ lệ room ngoại là 0%, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia mua cổ phần tại hai đợt thoái vốn lớn sắp tới tại Vinaconex.
Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.
Theo thuonghieuvaphapluat.vn
Thoái vốn Vinaconex: Thành công, Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền? Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn "thử thách", thoái vốn nhà nước gặp khó khăn bởi vướng nhiều quy định mới. Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn kỳ vọng từ nay đến hết năm, phiên thoái vốn Nhà nước lên tới hơn 5000 tỷ tại Vinaconex sẽ đủ hấp lực dẫn dắt kéo thị trường đi lên. Có dự đoán, ván...