Đủ cách quản con thời dịch Covid-19
Dịch Covid-19 sinh ra kỳ nghỉ Tết dài đã khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn vì phải nghỉ làm trông con hoặc khó khăn mượn người giữ trẻ
Chưa bao giờ học sinh (HS), sinh viên Việt Nam có một kỳ nghỉ dài, chưa rõ ngày đi học lại và nghỉ theo cách bất khả kháng như hiện nay. Kỳ nghỉ Tết nguyên đán cộng với kỳ nghỉ bắt buộc để chống sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã kéo dài gần 1 tháng khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn.
Tìm chỗ gửi con
Anh Nguyễn Chiến Thắng – một cư dân sống tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, cho biết thời gian qua, vợ chồng anh phải thay nhau nghỉ làm để trông con. “Mới đầu năm mà vợ chồng tôi mỗi người nghỉ phép 1 tuần để chăm 2 đứa nhỏ. Cơ quan linh động chấp nhận cho nhân viên mang con đến cơ quan nhưng tôi không thể mang con đi vì từ nhà đến chỗ làm cũng rất nhiều nguy cơ dịch bệnh, mà 2 con tôi mới học tiểu học và mẫu giáo” – anh Thắng nói.
Sau 2 tuần vất vả vì mọi sinh hoạt bị đảo lộn, vợ chồng anh Thắng quyết định bắt tàu đưa 2 con về nhà ông bà nội ở Hà Tĩnh, chờ đến khi có thông báo mới.
Hàng trăm ngàn gia đình khác ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh tương tự, đặc biệt với các gia đình có con bị tự kỷ đang học tập tại các trường chuyên biệt.
Không còn áp lực bài vở, trẻ dành nhiều thời gian hơn cho internet Ảnh: MỸ THUẬN
Chị Phùng Thu Trang có con đang học tại một trường chuyên biệt tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội than: “Cháu ở lớp chỉ theo cô, về nhà chỉ nghe mẹ nên bây giờ nghỉ học, tôi thật sự quá sức. Nhà khác còn có thể nhờ người trông con một lúc nhưng tôi thì không thể rời mắt khỏi con lấy vài giây, trong khi công việc của tôi thì quá nhiều”.
Sau nhiều ngày năn nỉ, cô giáo đã đồng ý trông bé giúp chị Trang. Tiền nhờ cô trông con không hề rẻ nhưng chị Trang cho hay thật sự cảm thấy may mắn vì đã có cô giáo hỗ trợ.
Chị Hoàng Dung, sống tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng quyết định cho HS nghỉ học khiến chị thấy yên tâm và hoàn toàn ủng hộ. Chị Dung nói do Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, nơi con gái lớn chị theo học, tổ chức học trực tuyến hằng ngày theo thời khóa biểu nên việc học của con không bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc chăm sóc cậu con nhỏ đang học tiểu học thì vất vả hơn do cháu đang tuổi hiếu động, ở nhà lâu sẽ chán. “Nhiều lúc cháu cũng mè nheo đòi ra ngoài chơi nhưng tình hình dịch bệnh khiến tôi không yên tâm để cháu ra ngoài. Nhà đã có chị nhưng mẹ vẫn phải xin làm việc qua mạng tại nhà để giám sát con” – chị Dung cho biết.
Video đang HOT
Lo trẻ nghiện game
Tương tự, chị Ngọc Thùy (ngụ quận 7, TP HCM) tâm sự: “Con được nghỉ học nửa tháng đột ngột khiến tôi bị ảnh hưởng cả tinh thần và thời gian. Sáng tôi phải nấu đồ ăn cho con nên phải đi làm trễ, trưa tối không kịp về nấu phải đặt cơm ngoài thì không yên tâm”.
Trong khi đó, chị Hằng – làm điều dưỡng cho một bệnh viện ở quận 3, TP HCM – cho biết do đặc thù công việc không thể nghỉ phép, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị phải nhờ người hàng xóm trông giúp con trai 5 tuổi với giá 400.000 đồng/ngày. “Cũng xót tiền lắm nhưng biết làm sao bây giờ, có người trông giúp đã là may” – chị Hằng nói.
Những cha mẹ may mắn có con lớn sẽ đỡ vất vả hơn so với cha mẹ có con tuổi mẫu giáo. Theo chia sẻ của anh Huy Tùng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), cha của 2 HS tiểu học: “Nhà tôi may mắn có 2 cháu lớn nên tự chăm nhau được, sáng mẹ cháu chuẩn bị bữa ăn sáng, trưa nên không vấn đề gì. Tuy nhiên, 2 cháu lại muốn đi học vì than nghỉ học nhiều ở nhà chán”.
Không chỉ bọn trẻ chán, nhiều phụ huynh lo ngại việc con em ở nhà nhiều ngày sẽ mải chơi quên bài, thậm chí nghiện xem YouTube và chơi game.
Mỗi nhóm trẻ một cách quản
Trước kỳ nghỉ Tết dài bất ngờ, nhiều trường chọn cách giáo dục trực tuyến cho HS thông qua các trang mạng xã hội. Giáo viên gửi đề bài tập các môn vào nhóm trò chuyện với phụ huynh trong lớp. Qua đó, phụ huynh có thể nắm thông tin và in đề cho con em làm ở nhà và báo cáo lại.
Giáo dục trực tuyến ở nước ngoài khá phát triển nhưng ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chị Ngọc Thùy băn khoăn: “Các con có bài tập về nhà và chịu làm nhưng chính tôi cũng không chắc về chất lượng của cách làm này. Ba mẹ đi làm cả ngày, con có thể sử dụng máy tính để làm sạch các bài tập hoặc trao đổi, sao chép bạn bè…”.
Trước kỳ nghỉ dài chưa từng có tiền lệ này, tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An đề xuất một số giải pháp. Đối với HS THCS, THPT, học trực tuyến là biện pháp phù hợp nhất.
Ưu điểm của học trực tuyến là không cố định về thời gian, không gian. Tuy nhiên bên cạnh đó, đòi hỏi HS phải có kế hoạch học thật cụ thể và nhà trường cần có biện pháp kiểm tra, đánh giá kỹ càng thì mới hiệu quả.
Còn với trẻ ở độ tuổi tiểu học, mầm non, cần sự chăm sóc chu đáo hơn. Khi trẻ không đến trường, cha mẹ phải tìm cách thông qua hệ thống camera, người nhà để quan sát, giám sát và đốc thúc con ôn bài, học bài mới. Trang bị kỹ năng sử dụng các thiết bị gia đình, kỹ năng phòng tránh các rủi ro trong nhà cũng rất cần thiết để trẻ có thể tự chơi ở nhà mà vẫn an toàn.
Đối với những phụ huynh quá bận nên đưa điện thoại thông minh cho trẻ tự chơi thì thay đổi bằng cách đưa ra các nhiệm vụ cho trẻ, khi hoàn thành sẽ được ghi nhận, tặng thưởng.
Đề xuất thay đổi kế hoạch kết thúc năm học
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa có tờ trình dự thảo cho HS toàn TP nghỉ đến hết tháng 3 và thay đổi kế hoạch kết thúc năm học 2019-2020 lên Thường trực UBND TP.
Một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Gò Vấp tán thành việc này nhưng cho rằng ngành giáo dục phải có phương án, khuyến cáo trong thời gian nghỉ thì HS nên làm gì, kế hoạch học tập thời gian tới ra sao.
Chị Thu, một người mẹ có con học lớp 12 ở quận 3, băn khoăn: “Nghỉ hết tháng 2 thì không vấn đề gì, nhưng nếu nghỉ hết tháng 3 thì lịch thi của các cháu sẽ bị đảo lộn, ảnh hưởng đến kế hoạch năm học. Đặc biệt là các lớp cuối cấp. Đặt giả thiết nếu hết tháng 3, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì sao? Lẽ nào lại tiếp tục nghỉ?”.
Thay nhau ở nhà chăm con
Chia sẻ về cách giữ con trong những ngày nghỉ học trong mùa dịch Covid-19, chị Hoàng Thị Loan, Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II; quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết: “Mấy bữa nay, vợ chồng tôi người làm đêm, người làm ngày để thay nhau trông con. Cũng may công ty hỗ trợ đổi ca nhưng nếu tiếp tục nghỉ học kéo dài, tôi sẽ gửi con về quê để ông bà ở Vĩnh Long giữ giùm một thời gian”.
Trong mùa dịch bệnh, được nghỉ học, con công nhân nhà trọ tự chơi với nhau Ảnh: NGÂN HÀ
Không phải gia đình công nhân nào cũng có điều kiện gửi con về cho ông bà chăm sóc giúp hoặc đi lệch ca. Anh Bùi Văn Tuấn, Công ty Danu Vina (KCX Linh Trung I; quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết gia đình anh có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3. Trước khi có dịch, vợ chồng anh Tuấn gửi các con ở trường, sáng đưa đi, chiều đón về. Nhưng từ 2 tuần nay, nhà trường cho HS nghỉ học để phòng dịch Covid-19, cuộc sống gia đình chị rối tung. Không gửi con cho ai được, vợ chồng anh Tuấn phải thay nhau nghỉ việc ở nhà chăm con.
Theo anh Tuấn, vợ chồng anh làm công nhân nên kinh tế chỉ đủ sống. Giờ một trong 2 người phải nghỉ làm ở nhà trông con nên thu nhập giảm một nửa. Mặt khác, các con ở nhà cũng phát sinh thêm các khoản chi phí khác. “Tôi chỉ mong mùa dịch qua mau để vợ chồng tôi cùng đi làm chứ tình hình này kéo dài không biết gia đình tôi cầm cự được bao lâu” – anh Tuấn lo lắng.
Hồng Đào
Yến Anh – Mỹ Anh – Nguyễn Thuận
Theo nld.com.vn
Cách ly một người từ đảo Hải Nam về Hà Tĩnh
Một người Hà Tĩnh đi biển từ khu vực đảo Hải Nam về Hà Tĩnh đang được cách ly, 35 người Trung Quốc cách ly hơn 14 ngày ở Hà Tĩnh cho kết quả sức khỏe bình thường.
Ngày 17-2, anh Nguyễn Minh T. (19 tuổi, trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đang được cách ly theo dõi sức khỏe tại khu vực cách ly của BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Được biết anh T. là lao động trên biển. Anh T. đi từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) từ ngày 5 đến 9-2 thì về Quảng Trị. Ngày 14-2, anh T. về đến Hà Tĩnh và được đưa đến cách ly tại BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại anh T. không ho, không sốt.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 của tỉnh Hà Tĩnh, hiện ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của anh T. gửi ra Viện Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) xét nghiệm và đang chờ kết quả.
UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết đến ngày 17-2, sau 14 ngày cách ly tại thị xã Kỳ Anh, 35 lao động người Trung Quốc đã đủ điều kiện trở lại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh để tiếp tục làm việc. Trong đó, chủ yếu là lao động tại Công ty Formosa Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh). Những lao động này đợt tết Nguyên đán 2020 có về Trung Quốc ăn tết rồi sau tết trở lại Hà Tĩnh để làm việc thì được khách sạn Cát Tường và các địa điểm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh cách ly, theo dõi thân nhiệt, sức khỏe hằng ngày. Sau 14 ngày cách ly cho thấy tất cả 35 lao động đều có sức khỏe tốt, không có dấu hiệu đau ốm...
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 của tỉnh Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 395 người Trung Quốc, 848 người Đài Loan. Địa bàn thị xã Kỳ Anh có 380 người Trung Quốc và 820 người Đài Loan. Trong đó ở Công ty Formosa Hà Tĩnh có 227 người Trung Quốc và 666 người Đài Loan. Hiện tất cả lao động đều có tình trạng sức khỏe ổn định và đang được cách ly theo dõi theo quy định.
Đến chiều tối 17-2, trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh không có trường hợp nào dương tính với COVID-19.
Đ.LAM
Theo plo.vn
Thương lái ngừng mua, giá cua gạch Cà Mau chỉ còn 300.000 đồng/kg Nhằm phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu hàng hoá. Tình hình này đã khiến việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản - thế mạnh của tỉnh Cà Mau - gặp rất nhiều khó khăn, trong đó cua - một trong những sản phẩm được...