Dự báo bão sai: Xử lý thế nào?
Vì sao quy định phạt báo chí đưa tin sai về dự báo bão, lũ. Vậy Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương bị xử lý thế nào khi chính cơ quan này dự báo sai?
Đưa tin sai về bản tin dự báo bão, lũ có thể bị phạt đến 50 triệu đồng là quy định được đưa vào trọng Nghị định 173 xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ mà Chính phủ vừa ban hành.
Nghị định nêu rõ, phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Nếu vi phạm điều này mà gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Văn Sự (Trưởng phòng KTTV) và ông Nguyễn Trần Linh (Trưởng phòng Chính sách Pháp chế) – Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên Môi trường về quy định này.
Ngư dân kéo thúng lên bờ cất vào nơi an toàn.
Theo Nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc, bản đồ mà Chính phủ mới ban hành, nhiều đối tượng và hành vi bị xử phạt. Báo chí đưa tin sai về dự báo bão lũ cũng bị phạt. Vậy cơ quan dự báo, cụ thể là Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia bị xử lý thế nào nếu dự báo bão lũ sai?
Ông Nguyễn Văn Sự: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Trách nhiệm đó còn nặng nề hơn chế tài xử phạt. Mỗi khi đưa ra dự báo thời tiết, luôn có một hội đồng thảo luận, đánh giá. Sau mỗi đợt dự báo, các cơ quan này lại kiểm điểm trách nhiệm.
Lãnh đạo, cán bộ sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nếu vi phạm dẫn đến dự báo sai lệch. Mặt khác, những cán bộ lãnh đạo này còn bị xem xét xử lý theo luật công chức. Từng có lãnh đạo Trung tâm bị cách chức vì vi phạm, thiếu trách nhiệm dẫn đến dự báo không chính xác. Đó là kỷ niệm buồn của ngành dự báo thời tiết. Tôi không muốn nêu cụ thể họ tên, chức danh.
Nhưng tôi xin lưu ý, chúng ta không nên đòi hỏi sự rạch ròi đúng sai. Dự báo thời tiết là công việc có tính đặc thù, phức tạp. Việc dự báo chỉ có thể đảm bảo chính xác ở một mức độ và cần sự đánh giá theo tiêu chuẩn khoa học. Tôi thừa nhận, quy định pháp luật hiện nay để đưa ra mức độ đánh giá còn thiếu. Chúng tôi đang nghiên cứu để tới đây có thể làm rõ hơn, cụ thể hơn vấn đề này.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Trần Linh: Năm 2010, Bộ TNMT đã ban hành 2 thông tư quy định về quy trình dự báo về bão lũ. Từ đó, các cơ quan dự báo thực hiện đúng theo quy định của thông tư. Đó chính là cơ sở xem xét khi có phản ứng xã hội về việc dự báo không chính xác. Nếu cơ quan dự báo thực hiện sai quy trình sẽ bị xử lý. Nếu đúng quy trình, đúng phương tiện, trình độ mà dự báo vẫn chưa chính xác, thì rõ ràng còn nhiều yếu tố khách quan khác.
Vậy lâu nay, tỷ lệ chính xác trong công tác dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đến mức nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sự: Nếu so sánh, Việt Nam có trình độ dự báo thời tiết, thiên tai vẫn chiếm tỷ lệ chính xác cao so với các nước trong khu vực. Chúng tôi vẫn thường xuyên đánh giá mức độ chính xác, sai lệch trong dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn nước ta so với các cơ quan dự báo các nước, kể cả Mỹ, Nhật, Đài Loan,…
Nghị định quy định, báo chí đưa tin sai về dự báo bão lũ sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng. Đưa quy định xử phạt báo chí vào Nghị định này có phù hợp và đúng quy định pháp luật?
Ông Nguyễn Trần Linh: Đưa hành vi nào vào quy định xử phạt đều phải có cơ sở pháp lý. Việc xử phạt báo chí đưa tin bão, lũ sai được đưa vào là căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn. Trong đó, có quy chế phát tin về bão lũ, thiên tai.
Chính phủ đã ra Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực báo chí xuất bản. Việc đưa quy định xử phạt báo chí vào Nghị định này nữa sẽ thành chồng chéo?
Ông Nguyễn Văn Sự: Nếu báo chí đưa tin dự báo sai so với bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, sẽ bị phạt theo Nghị định này chứ không theo Nghị định xử phạt về lĩnh vực báo chí. Nghị định này quy định cụ thể hơn về một hành vi vi phạm. Văn bản nào quy định cụ thể hơn thì xử phạt theo văn bản đó.
Đã có nhiều văn bản, thông tư, nghị định với các quy định, chế tài được ban hành nhưng rơi vào quên lãng. Liệu Nghị định 173 xử phạt vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn có được thực hiện tốt hơn?
Ông Nguyễn Văn Sự: Chính phủ ban hành Nghị định 173 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm hại công trình, thiết bị đo đạc, dự báo. Phổ biến Nghị định để nâng cao ý thức người dân. Không nên đặt nặng vấn đề đưa ra quy định để xử phạt càng nhiều càng tốt.
Tôi từng sang thăm Philippin và nhận thấy, người dân nước này rất có ý thức trân trọng những công trình, thiết bị của các cơ quan dự báo thời tiết. Họ được giáo dục, nhắc nhở thường xuyên về nhận thức tầm quan trọng của các công trình này.
Xin cảm ơn các ông!
Theo Khampha
Bão số 8: Chúng tôi dự báo không có sai!
Trong cuộc họp với báo chí vào chiều nay tại Hà Nội, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn đã bác bỏ thông tin nói rằng trung tâm dự báo sai lệch thời điểm bão số 8 đổ bộ, khiến nhiều địa phương khu vực Trung Trung Bộ bị "lố" trong công tác phòng chống bão, đời sống nhân dân hỗn loạn.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn, trung tâm đã theo dõi sự hình thành của bão số 8 ngay còn khi là một áp thấp ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông. Ngày 15/9 trung tâm đã chính thức phát tin "áp thấp trên biển đông". Sáng ngày 17/9, trung tâm đã phát tin bão gần bờ cảnh báo vùng nguy hiểm phía Tây khu vực Bắc và giữa biển Đông. Sức gió vùng tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Lúc 3h30 ngày 18/9, trung tâm đã phát tin bão khẩn cấp. Tối ngày 18/9 bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Và trong suốt quá trình dự báo, trung tâm đã cập nhập thường xuyên các thông tin và dự báo mới nhất cho phù hợp với thực tiễn để các địa phương biết thông tin kịp thời phòng tránh.
"Chúng tôi không bao giờ nói mấy giờ bão vào bờ mà bão chỉ có thể nói bão vào sớm nhất vào khoảng này, muộn nhất vào khoảng này chứ không thể chính xác được thời gian bão vào bờ được. Bão cũng không phải giống như là tàu, đâu phải cứ theo lịch trình là nó đến bến ga này ga kia", ông Tăng nói.
Nhiều tuyến đường miền núi Quảng Nam bị chia cắt do mưa lũ
Ông Tăng cho biết, bão số 8 khác với những cơn bão khác là khi dự báo ảnh mây nhìn qua vệ tinh của nó cách rất xa về phía Tây cho nên là trước khi bão vào bờ đã có mưa. Và khi bão vào chỉ còn cách đất liền từ 100 đến 200 cây số đã có mưa rất to. Cụ thể ngày 18/9, TP. Đà Nẵng cũng đã có lượng mưa gần 300 mm.
"Về cường độ trên biển giật cấp 8, giật cấp 9 là hoàn toàn chính xác. Còn ở trên bờ, bão số 8 không được mạnh như dự báo ban đầu là do vào cách bờ khoảng 40 đến 50km thì nó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và chỉ có gió giật cấp 6, cấp 7. Một số thông tin nói chúng tôi dự báo sai lệch thời điểm đổ bộ là chưa chính xác. Chúng tôi dự báo về thời điểm đổ bộ bão số 8 là chính xác", ông Tăng chia sẻ
Liên quan đến thông tin cho rằng việc dự báo bão số 8 của trung tâm là hơi "thái quá" khiến cho nhiều địa phương ở Trung Trung Bộ bị "lố" trong công tác phòng chống bão, đời sống nhân dân bị hỗn loạn.
Ông Tăng lý giải, trung tâm làm dự báo về bão, lũ thì chỉ cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến của bão, còn việc phòng tránh hay không hay phòng tránh như thế nào là do chính quyền địa phương quyết định.
"Lãnh đạo các địa phương sẽ căn cứ một phần vào bản tin của trung tâm, một phần khác phải căn cứ vào bản tin của đài địa phương mình và tình hình thực tế để quyết định xem có sơ tán dân hay không hay có cho học sinh nghỉ học hay không. Cái đó là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi địa phương và họ phải tự quyết định. Chúng tôi không can thiệp về việc này", ông Tăng chia sẻ.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn
Ông Tăng giải thích thêm, thông thường trung tâm sẽ đưa ra một bản tin về cơn bão và nó thường rất rộng, còn các đài địa phương phải căn cứ vào đó để chi tiết hóa và phát dự báo cho bà con địa phương mình. Theo nguyên tắc, hướng đi, cường độ bão, tốc độ di chuyển của bão đài địa phương phải giữ nguyên, còn các thông tin về gió, mưa, có thể thay đổi và cập nhật tại địa phương để dự báo cho nhân dân.
"Trong nguyên tắc dự báo thì anh ở xa dù anh có giỏi đến mấy thì cũng không thể dự báo chính xác cho vùng ở xa được. Vì thế ngoài thông tin của chúng tôi thì người dân ở địa phương nào phải tham khảo thông tin của địa phương đó để có dự báo kịp thời", ông Tăng nói.
Ông Tăng cũng cho hay, trong đợt dự báo bão số 8, ở TP Đà Nẵng có cho học sinh ngày nghỉ học chiều ngày 18/9 là hoàn toàn hợp lý bởi trong ngày này ở địa phương này đã có mưa rất to. Còn ngày hôm sau 19/9, học sinh tiếp tục được nghỉ học thì lãnh đạo địa phương cũng hơi cẩn thận.
Theo ông Tăng, việc dự báo cơn bão số 8 gặp cái khó nữa là khi dự báo trung tâm không có hệ thống trạm phao hoặc là một trạm nổi trên biển để có thể đối chiếu hoặc cấp nhật số liệu thực tế xem dự báo của mình có đúng hay không. Mặt khác, trong cơn bão này chỉ có Việt Nam phát bão, các nước khác chỉ cảnh báo chứ người ta không phát bão. Ở nước ngoài cũng chỉ cảnh báo trong vòng 24 tiếng chứ không cảnh báo thành 48 tiếng như Việt Nam. Do đó, trung tâm không có thêm nhiều thông tin để tham khảo và phải tự mình đưa ra dự báo.
"Chúng tôi làm dự báo, việc phải tham khảo dự báo của các trung tâm quốc tế là việc bắt buộc nhưng về dự báo về tình hình bão ở Việt Nam thì luôn độc lập và tự chủ", ông Tăng nói.
Theo báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 17h ngày 18/9, thiệt hại do bão số 8 gây ra làm 3 người chết (Quảng Trị 1 người chết; Đắc Lắc 2 người chết); 13 người bị mất tích (5 người ở Nghệ An; 2 người ở Quảng Nam; 6 người ở Đắc Lắc); 4 người bị thương. Hàng ngàn ha hoa màu, cầu cống bị hư hại, sụp đổ...
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Thủ đô Hà Nội rét đậm về đêm Ngày hôm nay thủ đô Hà Nội và toàn miền Bắc tiếp tục duy trì trời rét, nhiệt độ ban đêm giảm thấp nên về đêm trời rét đậm, ban ngày quang mây, hửng nắng và nhiệt độ tăng nhẹ. Ngày hôm nay thủ đô Hà Nội và toàn miền Bắc tiếp tục duy trì trời rét. Ảnh minh họa Khắp Bắc Bộ...