Dự án Vành đai và Con đường: “Không phải bữa trưa miễn phí”
Dự án cơ sở hạ tầng thương mại “Vành đai và Con đường” khổng lồ và đầy tham vọng của Trung Quốc đang vấp phải các trở ngại về tiến độ, trong bối cảnh một số quốc gia bắt đầu lo ngại về việc rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.
Cầu hữu nghị Trung Quốc – Maldives tại Maldives (Ảnh: newsin.asia)
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, sáng kiến Vành đai và Con đường – còn được biết tới với tên gọi “Con đường Tơ lụa mới” – đặt mục tiêu xây dựng các con đường, các tuyến đường sắt và các cảng biển trên khắp thế giới, với việc Bắc Kinh cam kết cung cấp hàng tỷ USD tiền vay cho nhiều quốc gia.
Sau 5 năm, ông Tập đã phải lên tiếng bảo vệ ý tưởng con đẻ của mình, trong bối cảnh các lo ngại ngày càng gia tăng rằng Trung Quốc đang thiết lập các bẫy nợ mà trong đó các quốc gia có thể khó trả lại các khoản vay cho “ông lớn” châu Á.
“Đó không phải là một câu lạc bộ Trung Quốc”, ông Tập nói trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm kỷ niệm 5 năm ra đời sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Tập cho hay thương mại của Trung Quốc với các quốc gia Vành đai và Con đường đã vượt 5 nghìn tỷ USD, trong đó đầu tư trực tiếp vượt 60 tỷ USD.
Nhưng một số quốc gia đang bắt đầu lo ngại cái giá phải trả của nó.
Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết đất nước ông quyết định hủy 3 dự án được Trung Quốc hỗ trợ, trong đó có một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD.
Còn tại Pakistan, đảng của tân Thủ tướng Imran Khan đã cam kết minh bạch hơn giữa những lo ngại về khả năng của nước này nhằm trả lại các khoản vay từ Trung Quốc có liên quan tới Hành lang kinh tế Trung-Pakistan trị giá nhiều tỷ USD.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhà lãnh đạo đối lập hiện đang sống lưu vong của Maldives, Mohamed Nasheed, ví các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Ấn Độ Dương với “chiếm đất” và “chủ nghĩa thực dân”, với việc Bắc Kinh nắm 80% số nợ của nước này.
Sri Lanka cũng đang phải trả giá đắt với các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm một cảng chiến lược vì không có khả năng trả lại các khoản nợ đối với một dự án 1,4 tỷ USD.
“Đối tác mơ hồ”
Nhà nghiên cứu Anne Stevenson-Yang cho hay, các khoản vay của Trung Quốc được trích dẫn dưới dạng tiền, “nhưng thực tế họ đang cho vay dưới dạng các máy kéo, các lô hàng than, các dịch vụ kỹ thuật và những thứ như vậy, và họ yêu cầu trả lại bằng tiền mặt”.
“Trung Quốc không có bộ máy uy tín quốc tế trong viện trợ nước ngoài để mở rộng quyền lực mềm”, bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu J Capital Research, cho biết.
“Không có gì bất ngờ khi họ không giỏi cái đó, và điều đó gây ra các vấn đề chính trị như Malaysia mà không phải ai cũng lường trước được”, bà Anne nói thêm.
“Khi đồng nhân dân tệ yếu đi và Trung Quốc bị thế giới xem là một đối tác ngày càng mơ hồ, nhiều khả năng các quốc gia sẽ có cái nhìn thận trọng đối với các dự án này”, nhà nghiên cứu trên nói thêm.
Dự án Vành đai và Con đường được kỳ vọng mang tới các cải tiến rất cần thiết về cơ sở hạt tầng đối với các quốc gia đang phát triển, trong khi cho phép Trung Quốc đưa các cơ sở vật chất và khả năng công nghiệp nhằm khai thác các nhiên liệu thô.
Nhưng một cuộc nghiên cứu do Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, đã cho thấy “các lo ngại nghiêm trọng” về tính bền vững của các khoản nợ nước ngoài tại 8 quốc gia nhận các khoản tiền từ dự án.
Các quốc gia này là Pakistan, Djibouti, Maldives, Mông Cổ, Lào, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Chi phí của một dự án đường sắt Trung Quốc – Lào, ước tính vào khoảng 6,7 tỷ USD – tương đương gần nửa GDP của quốc gia Đông Nam Á, theo nghiên cứu trên.
Tại Djibouti, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng quốc gia Sừng châu Phi có thể đối mặt với “nguy cơ cao về căng thẳng nợ nần”, trong bối cảnh nợ công tăng từ 50% GDP lên 85% vào năm 2016.
Châu Phi từ lâu đã nhận nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc, giúp Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này trong thập niên qua.
Hồi đầu tuần này, một loạt các nhà lãnh đạo châu Phi đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự một hội nghị tập trung vào quan hệ kinh tế, trong đó bao gồm các cuộc thảo luận về dự án Vành đai và Con đường.
“Không phải bữa trưa miễn phí”
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ thông tin nói rằng Bắc Kinh đang chất gánh nặng lên các đối tác bằng những khoản nợ. Bà nói rằng các khoản cho vay của nước này đối với Sri Lanka và Pakistan chỉ là một phần nhỏ trong tổng nợ nước ngoài của các nước này.
“Thật không hợp ký khi nói rằng tiền vay từ các nước phương Tây được ca ngợi là tốt, trong khi tiền của Trung Quốc lại bị xem là xấu và bẫy nợ”, bà Oánh nói.
Standard & Poor’s cho biết Bắc Kinh thiết kế các dự án cơ sở hạ tầng như những sự nhượng bộ dài hạn, với việc một Trung Quốc vận hành dự án này trong thời gian từ 20-30 năm trong khi chia lợi nhuận với đối tác hay chính phủ địa phương.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã bày tỏ những lo ngại về nguy cơ các vấn đề bẫy nợ hồi tháng 4 và luôn thúc đẩy sự minh bạch hơn nữa.
“Đó không phải là một bữa trưa miễn phí. Đó là một thứ mà tất cả mọi người đều góp vốn”, bà Lagarde nói.
An Bình
Theo Dantri/ AFP
Trung Quốc kêu gọi Mỹ-Triều duy trì nỗ lực phi hạt nhân hóa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Mỹ và Triều Tiên nên duy trì thỏa thuận chính trị về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau trong bối cảnh xuất hiện những căng thẳng giữa hai bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 29/8, bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng Mỹ và Triều Tiên nên tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận chính trị, tiếp tục hợp tác, xây dựng lòng tin chính trị và có những nỗ lực tích cực cho việc xúc tiến phi hạt nhân hóa và giải pháp chính trị đối với vấn đề này."
Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và việc thiết lập một cơ chế hòa bình cho việc giải quyết.
Bà nói thêm rằng: "Phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và việc đảm bảo an ninh và ổn định vẫn là khát vọng chung của tất cả các bên."
Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh xuất hiện căng thẳng Mỹ - Triều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo hủy kế hoạch thăm Triều Tiên vào ngày 25/8, vì "chưa cảm thấy có đủ tiến triển liên quan đến phi hạt nhân hóa."
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ hoài nghi về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ quá trình phi hạt nhân hóa như đã từng làm trước đây.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết Ngoại trưởng Pompeo vẫn sẽ đến Triều Tiên "trong tương lai gần" khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung được "giải quyết."
Sau đó vài ngày, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt lệnh đình chỉ các cuộc tập trận trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nêu rõ quyết định tạm đình chỉ tập trận là "một biện pháp thiện chí" sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên tại Singapore hồi tháng Sáu vừa qua, và hiện tại Washington không có ý định duy trì biện pháp này nữa.
Tuy nhiên, ông Mattis khẳng định Mỹ chưa tiến hành tập trận trở lại mà "đang xem các cuộc đàm phán diễn biến thế nào."
Giới phân tích đánh giá các động thái này có nguy cơ đẩy lùi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 29/8, Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết chưa nhận được đề nghị nào của Mỹ về việc đàm phán nối lại hoạt động tập trận thường niên giữa hai nước.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Kim Eui-keum cho biết đây là vấn đề sẽ phải được hai đồng minh thảo luận và cùng quyết định sau khi cân nhắc tiến bộ về phi hạt nhân hóa, và hiện phía Mỹ chưa đề nghị Hàn Quốc tham vấn về vấn đề này.
Theo vietnamplus
Mỹ điều oanh tạc cơ B52 tới biển Hoa Đông Các máy bay ném bom B52 của không quân Mỹ đã bay qua biển Hoa Đông hồi đầu tháng Tám, theo một tuyên bố của Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đơn vị này cho biết đây là một phần nhiệm vụ huấn luyện mà không quân Mỹ phối hợp thực hiện với hải quân. Hai chiếc B52 thuộc không...