Dự án tiêm kích mới của Canada giảm ứng viên
Danh sách lựa chọn tiêm kích mới cho Không quân Hoàng gia Canada đã giảm xuống còn 3 mẫu sau khi hãng Airbus chính thức quyết định rút máy bay Eurofighter Typhoon khỏi quá trình dự thầu.
Tới thời điểm hiện tại, chương trình mua máy bay chiến đấu đời mới của Canada sẽ chỉ còn lại các nhà thầu Lockheed Martin và Boeing (Mỹ) cùng Saab (Thụy Điển) với các ứng viên lần lượt là F-35A, F/A-18E/F Super Hornet và JAS 39 Gripen.
Trong một thông cáo mới đây, Airbus khẳng định quy trình đấu thầu của dự án trên rất minh bạch và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhà thầu châu Âu cho rằng, một trong những trở ngại chính khiến họ “dừng cuộc chơi” chính là vấn đề giá thành máy bay sẽ đội lên rất cao khi được sản xuất bên ngoài Bắc Mỹ chiểu theo những quy định trong các thỏa thuận an ninh Mỹ-Canada.
Máy bay CF-18 của Không quân Hoàng gia Canada. Ảnh: CBC.
Như vậy, Airbus là nhà thầu thứ 2, sau hãng chế tạo máy bay Dassault Aviation của Pháp với tiêm kích Rafale, rút lui khỏi dự án này.
Vào tháng 7-2019, chính phủ Canada đã phát đi đề nghị mời thầu (RFP) đến các hãng sản xuất máy bay của Mỹ, Thụy Điển và châu Âu về chương trình mua máy bay chiến đấu đời mới cho lực lượng không quân nước này.
Theo đó, Ottawa dự định sẽ chi khoảng 14,5 tỷ USD để trang bị 88 máy bay nhằm thay thế phi đội CF-18 (phiên bản tiêm kích F/A-18 dành riêng cho Canada) sẽ bị loại biên vào năm 2032.
Video đang HOT
Tiêm kích F-35A của Không quân Mỹ đang thực hiện tiếp dầu trên không. Ảnh: Military.
Không quân Hoàng gia Canada dự định sẽ nhận các hồ sơ dự thầu từ nửa cuối năm 2019 tới đầu năm 2020, công bố đơn vị thắng thầu trong khoảng 2 năm sau đó, và nhận lô máy bay đầu tiên vào năm 2025.
Nếu đúng theo lịch trình, máy bay mới của Không quân Hoàng gia Canada có thể được cấp chứng nhận Khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào năm 2026 để chính thức đi vào trực chiến. Hợp đồng sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2031-2032.
Để lấp đầy khoảng trống tạm thời, đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Canada đã quyết định chi khoảng 380 triệu USD mua máy bay cũ, trong đó có 25 chiếc tiêm kích F/A-18 A/B Hornet đã qua sử dụng của Australia.
Tiêm kích JAS 39 Gripen. Ảnh: Steemit.
Trước đó, Canada đã có kế hoạch mua 18 chiếc F/A-18 Super Hornet của Boeing trị giá lên tới hơn 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, do căng thẳng giữa Washington và Ottawa liên quan đến tranh chấp thương mại chống lại hãng máy bay Bombardier của Canada, nên Ottawa đã hủy kế hoạch trên.
Mặt khác, Canada là 1 trong 9 nước tham gia chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ và cũng có ý định mua 65 máy bay cho tới năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, nước này tuyên bố hủy bỏ kế hoạch nhằm cắt giảm ngân sách và dùng số tiền tiết kiệm được từ việc mua máy bay mới cho lực lượng hải quân.
PHẠM HUY (theo Flight Global)
Theo qdnd.vn
Dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 Tempest của châu Âu có gì đặc biệt?
Anh, Thụy Điển và Italia thống nhất phát triển dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 "Tempest", chạy đua vũ khí với các siêu cường thế giới.
Mới đây, Italia đã quyết định tham gia vào dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, do Vương quốc Anh và Thụy Điển đồng phát triển.
Mô hình của máy bay chiến đấu Tempest tại Triển lãm hàng không Farnborough. (Ảnh: Reuters)
Bộ Quốc phòng Anh đã giới thiệu một mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 - "Tempest" tại Triển lãm hàng không Farnborough năm 2018. Đó được xem là một bước đi trong chiến lược hàng không quốc gia mới của London.
Trung tâm của chiến lược này là dự án Tempest, được thiết kế để ngành công nghiệp quốc phòng hàng không vũ trụ Anh quốc giữ những lợi thế công nghệ trong lĩnh vực phát triển máy bay chiến đấu.
Vào tháng 7/2019, Thụy Điển cũng xác nhận tham gia phát triển Tempest. Thông báo của Stockholm được đưa ra trước sự chứng kiến của chính phủ và đại diện hai nước, tại sự kiện "Royal International Air Tattoo (RIAT)" ở Căn cứ Không quân Hoàng gia Fairford.
Thời điểm đó, phía Italia chưa chắc chắn tham gia thỏa thuận với các đối tác Anh và Thụy Điển do những bất đồng trong nước. Tuy nhiên, tại Triển lãm quốc tế thiết bị quốc phòng lần thứ 9 (DSEI -2019), được tổ chức tại London từ ngày 10/9 đến 13/9, đại diện Italia đã đưa ra cam kết phát triển chương trình Tempest.
Leonardo Corporation (trước đây là Finmeccanica), một trong những tập đoàn kỹ thuật lớn nhất của Italia, sẽ tham gia dự án trên. Trong khi đó, tập đoàn SAAB sẽ là đại diện của Thụy Điển hợp tác nghiên cứu với các đối tác Anh, Italia.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của dự án Tempest sẽ ra mắt vào năm 2040. (Ảnh: Baesystems.com)
Theo các chuyên gia, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 Tempest sẽ thực hiện các chuyến bay đầu tiên vào năm 2040, thay thế cho dòng Eurofighter Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.
Máy bay Tempest thế hệ thứ 6 sẽ tích hợp tính năng giữa máy bay có người lái và không người lái, mang theo vũ khí và các bộ cảm biến, được kết nối với nhau bởi một mạng dữ liệu phức tạp, chuyền tải thông tin trên nền tảng đám mây.
Chính phủ Anh cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho giai đoạn đầu của dự án. Các tập đoàn BAE Systems, Rolls-Royce, nhà sản xuất tên lửa MBDA và công ty con của tập đoàn Leonardo Anh quốc sẽ phối hợp phát triểnTempest. London cũng nêu rõ rằng, dự án chỉ được hoàn thành tốt nhất khi các đối tác Thụy Điển và Italia kết hợp và đầu tư tài chính, công nghệ và mở rộng thị trường.
Năm 2012, Pháp và Anh từng đạt được một thỏa thuận sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất (có tên là FCAS). Tuy vậy, sau khi Anh quyết định rút khỏi EU, Pháp đã kết hợp với Đức và Tây Ban Nha phát triển dự án chế tạo đắt giá này. Theo kế hoạch, những chiếc FCAS sẽ được ra mắt vào khoảng 2030-2040.
Các nước châu Âu cùng một lúc đang phát triển 2 dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, để bắt kịp công nghệ với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Một châu Âu đầy chia rẽ và mâu thuẫn, vẫn đang tích cực chuẩn bị vũ khí cho chiến tranh trong tương lai.
(Nguồn: Gazeta.ru, Theguardian.com)
PHONG VŨ
Theo VTC
Các nước phải hành động trước mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới biển Hoa Đông và vì vậy, Tokyo có lý do để lo ngại về sự gián đoạn trật tự hàng hải ở đây. So với thời Chiến tranh Lạnh, các mối quan tâm về an ninh của Nhật Bản ngày nay rất khác. Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật...