Dự án sân bay Long Thành chậm trễ, vênh số liệu
Các báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành đều chậm, ảnh hưởng tới tiến độ toàn bộ dự án.
Báo cáo thẩm tra mới nhất của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tiến độ thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, đang có sự vênh nhau về số liệu.
Theo Nghị quyết số 53/2017, diện tích đất phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 22.940 tỷ đồng. Trong khi báo cáo Chính phủ nêu phần diện tích này ít hơn 15 ha, còn gần 82 ha và tổng mức đầu tư giảm 82 tỷ đồng, xấp xỉ 22.860 tỷ.
“Đề nghị Chính phủ làm rõ sự khác biệt này”, Uỷ ban Kinh tế kiến nghị.
Phối cảnh sân bay Long Thành theo thiết kế hình hoa sen.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, hiện các báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án xây dựng sân bay Long Thành và dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đều quá chậm so với kế hoạch.
Ba năm sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư (tháng 6/2015), đến giờ, Bộ Giao thông Vận tải mới ký hợp đồng tư vấn thực hiện gói thầu khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1. Trong khi đó, theo kế hoạch báo cáo này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019 và Thủ tướng phê duyệt sau đó 2 tháng.
ADVERTISEMENT
“Quá trình triển khai quá chậm làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án. Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, tác động và giải pháp khắc phục”, báo cáo nêu.
Còn báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, cũng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dù chủ trương đã có một năm trước và tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm một số bước. Không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ dự án giai đoạn 1 xây dựng sân bay Long Thành, sinh kế người dân khu vực dự án cũng bị tác động do hạn chế quyền sử dụng đất.
Video đang HOT
Nguyên nhân khách quan được cơ quan thẩm tra nhắc tới do “lần đầu tiên một dự án giải phóng mặt bằng phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi”, quy định pháp luật chưa đầy đủ.
Song thực tế sự chậm trễ là do chất lượng của hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi chưa bảo đảm dẫn đến phải bổ sung nhiều lần theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Ngoài ra, các bộ, ngành cũng chưa phối hợp tốt, giải đáp các vướng mắc của địa phương… làm kéo dài thời gian hoàn thành báo cáo. Thời gian phê duyệt báo cáo này kéo dài cũng một phần do nhân sự của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành (Hội đồng thẩm định) thay đổi nhiều, không có tính kế thừa nên phải chuẩn bị nhiều nội dung có tính chất trùng lặp.
Khắc phục điểm nghẽn này, Uỷ ban Kinh tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, sớm hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Giao thông Vận tải rà soát việc lập quy hoạch bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài sân bay Long Thành; yêu cầu các cơ quan tư vấn tính toán phương án vốn cho dự án, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách.
UBND tỉnh Đồng Nai rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh, điều chỉnh phù hợp với Luật Quy hoạch, làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay. Công khai thông tin quy hoạch và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân để tránh khiếu kiện.
Tại cuộc thảo luận về kinh tế xã hội cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra sốt ruột khi dự án sân bay Long Thành chậm trễ dù đã có chủ trương đầu tư và được hưởng cơ chế đặc thù. “Đến năm 2020 khả năng dự án này không giải ngân hết trong khi nhiều công trình khác cần vốn, sẽ lãng phí nguồn lực”, đại biểu Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nói.
Còn đại biểu Dương Trung Quốc nói, “dân chờ đợi, chính quyền địa phương sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến nay văn bản về dự án khả thi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thông qua”.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho hay, trong tháng 11 nếu Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.
Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Quy mô dự án là thu hồi đất một lần toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay và 364 ha để xây dựng 22 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.
Theo Vnexpress
Sẽ minh bạch, chặt chẽ trong quản lý vốn ODA
Việc quản lý, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời gian tới sẽ công khai, minh bạch hơn.
Việc giải quyết thủ tục của các dự án ODA cũng sẽ nhanh hơn để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn này.
Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ ban hành định hướng sử dụng, thu hút vốn ODA trong thời gian tới.
Quy trình thường kéo dài do chất lượng hồ sơ chưa tốt
Tại phiên chất vấn ngày 31/10 của Quốc hội, nhiều đại biểu dành sự quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề, có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, có đến 90% dự án ODA mất thời gian phê duyệt trung bình là 6 tháng.
ADVERTISEMENT
Về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy trình, thủ tục sử dụng nguồn vốn ODA được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: đề xuất dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư; cuối cùng là ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn bước này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Khi bắt đầu ký hiệp định triển khai dự án mới phát sinh chi phí nên toàn bộ khâu chuẩn bị dự án là không phát sinh chi phí.
Trên thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, quy trình này sẽ phức tạp hơn bởi bên cạnh quy trình ở trong nước thì còn phải thực hiện các yêu cầu, quy định của nhà tài trợ nước ngoài, do đó quy trình trong một dự án thường kéo dài hơn. Thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng mà hiện trung bình khoảng 2 - 3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được quy trình này.
"Chúng ta chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ đang hướng tới tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi Việt Nam ký hiệp định thì lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí (đó là phí lãi vay và phí cam kết).
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong các bước và về mặt thủ tục thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, giải trình nhiều lần. Các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.
Bộ KH&ĐT nhận trách nhiệm và sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này.
Minh bạch nguồn vốn và thu hút ODA có chọn lọc
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề, với quy trình chặt chẽ như trên, tại sao việc sử dụng vốn ODA vẫn không hiệu quả? Đại biểu này nêu dẫn chứng: Dự án Nhà máy Xử lý rác thải ở Đồ Sơn, TP. Hải Phòng đã trả nợ được 200 tỷ đồng vốn ODA của Hàn Quốc rồi, còn 200 tỷ đồng nữa, nhưng công nghệ xử lý rác thải từ nguồn vốn ODA này lại không hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ chuẩn bị ban hành định hướng sử dụng, thu hút vốn ODA trong thời gian tới. Theo đó, định hướng thu hút vốn sẽ theo hướng những vấn đề doanh nghiệp tư nhân trong nước làm được, công nghệ trong nước có thì sẽ không khuyến khích sử dụng và thu hút vốn ODA nữa, mà sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước thực hiện. Vốn ODA sẽ dành cho phát triển công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, một trong những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA là vấn đề chất lượng lập dự án của đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn chất lượng chưa tốt, còn bị lồng ghép ý chí của nhà tài trợ hoặc của các nhà thầu vào dự án đề xuất. Do đó, các cơ quan khi xem xét dự án cần hết sức thận trọng.
Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cũng có phương án công khai minh bạch hơn nữa thông tin về các dự án ODA. Ngoài vấn đề về thể chế, còn có vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, chủ đầu tư và các cơ quan xem xét, xử lý.
"Liên quan đến nguồn vốn ODA, không phải chỉ có Bộ KH&ĐT mà có vai trò của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác. Bộ KH&ĐT cùng với các bộ sẽ cố gắng để thực hiện nhanh, thuận lợi hơn, minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật quy định", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo báo Đấu thầu
Triển vọng bất động sản cuối năm: Hé lộ khu vực sẽ bứt phá ngoạn mục Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019 cho thấy BĐS tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, thị trường Hà Nội đặc biệt sôi động với nhiều dự án sắp ra mắt mà Tây Hồ được nhận định sẽ là một trong những điểm nóng. Thị trường lạc...