Dự án “rùa bò”, dân dài cổ chờ tái định cư
Sau 5 năm thi công, thời gian thực hiện dự án sắp kết thúc, nhưng công trình đường Trần Nguyên Hãn (phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn dang dở. Hàng trăm hộ dân nằm trong diện giải tỏa phải mòn mỏi chờ đợi ngày tái định cư…
Thi công ì ạch…
Dự án đường Trần Nguyên Hãn được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 27/11/2009 với tổng mức đầu tư là hơn 143 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B, kết thúc vào năm 2014. Dự án bao gồm: Tuyến chính đường Trần Nguyên Hãn có chiều dài 1,64 km; khu tái định cư rộng 10,3 ha, xây dựng hoàn thiện đường giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước, san nền, phân lô, bố trí dân cư gồm 228 lô; tuyến quy hoạch số 4 với chiều dài 535,34m, nối từ tuyến chính đường Trần Nguyên Hãn đi qua khu tái định cư, đến đường Thanh Niên.
Đơn vị thi công đang tiếp tục xây dựng hệ thống thoát nước ở khu tái định cư
Ngày 27/9/2012, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1759/QĐ-UBND về việc phân kỳ đầu tư dự án đường Trần Nguyên Hãn, TP Đông Hà, giai đoạn 2010 – 2014 với tổng mức đầu tư trên 122 tỷ đồng. Theo quyết định này, ngoài một số hạng mục gồm: khu tái định cư, tuyến quy hoạch số 4 (thuộc địa phận khu phố 2, khu phố 3), tuyến đường Trần Nguyên Hãn bị cắt giảm bớt và chỉ xây dựng nền đường và thoát nước ngang, cấp nước, cấp điện một số đoạn thuộc địa phận khu phố 3.
Mặt bằng dù đã được san phẳng nhưng chưa bố trí cho hộ dân nào
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án trên mới chỉ thực hiện được một số hạng mục, dù đã được bố trí vốn cho dự án đến hết năm 2013 là 72,5 tỷ đồng và năm 2014 là 8 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV, hiện đơn vị thi công đang tiếp tục xây dựng hệ thống thoát nước, đường sá ở khu tái định cư, hệ thống điện…Điều đáng nói, sau 5 năm thực hiện, dự án vẫn còn khá ngổn ngang, chưa có hạng mục nào được hoàn thành. Mặt bằng khu tái định cư dù đã được san bằng, cắm mốc, phân lô nhưng chưa bố trí được cho một hộ dân nào; ngoài ra, hệ thống cống thoát nước vẫn thi công dang dở, chưa có nắp đậy, cỏ dại mọc um tùm, các tuyến đường dẫn vào khu tái định cư vẫn chưa được hoàn thiện…
Nhiều hạng mục thuộc dự án vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành
Thế nhưng, theo báo cáo của UBND TP Đông Hà (đơn vị chủ đầu tư) về tình hình thực hiện dự án đường Trần Nguyên Hãn có đề cập đến thời gian hoàn thành các hạng mục như Khu tái định cư và tuyến Quy hoạch số 4 là trước ngày 15/8/2014. Các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện sau năm 2014 khi có vốn.
Video đang HOT
Mặt khác, trong số tiền 80,5 tỷ đồng đã được giải ngân, các nhà thầu còn tạm ứng ngân sách hơn 17,5 tỷ đồng, hơn 8,4 tỷ đồng gửi vào tài khoản ở kho bạc vì có hơn 20 hộ dân chưa nhận tiền giải phóng mặt bằng và không đồng ý với mức đền bù của chủ đầu tư đưa ra.
Điều khiến dư luận băn khoăn là khi nào các hạng mục của dự án trên mới được hoàn thành như các nhà thầu đã cam kết. Việc các đơn vị thi công một cách chậm rãi, ì ạch như trên thì thiệt hại kinh tế do trượt giá, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm (?!)
“Xây không được, sửa không xong”
Trong khi dự án vẫn chưa được hoàn thiện, phần lớn hộ dân sống trên tuyến đường Trần Nguyên Hãn vẫn chưa được hỗ trợ đền bù, giải tỏa. Theo thống kê của UBND phường Đông Giang, hiện vẫn còn trên 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù với lý do mức hỗ trợ như vậy chưa thỏa đáng. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ dân sống trên tuyến đường này, thuộc diện quy hoạch của dự án phải sống trong tình cảnh “dở cười, dở khóc” vì nhà cửa của họ đã bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không thể sửa sang được hoặc xây lại.
Nhiều trụ nhà ông Đen đã bị rạn nứt
Ông Mai Đen (79 tuổi, ở khu phố 3, phường Đông Giang), bức xúc: “Năm 2009, tuyến đường đi qua trước nhà tui được quy hoạch để nâng cấp, mở rộng. Theo đó, chủ đầu tư yêu cầu các hộ dân giữ nguyên hiện trạng ban đầu, không được cơi nới, xây dựng mới. Gia đình tui định cư ở đây từ lâu rồi, cũng chấp hành chủ trương của cấp trên. Thế nhưng, từ đó đến nay chủ đầu tư vẫn không hề đả động gì đến chuyện hỗ trợ đền bù giải tỏa hay có phương án di dời đi nơi khác, khiến tui không biết xử lý ra sao. Trong khi đó, nhà cửa đã xuống cấp, hư hỏng hết rồi. Gia đình tui rất lo lắng nếu không có biện pháp xử lý thì e rằng mùa mưa bão năm nay sẽ không trụ được”. Hộ ông Đen hiện có 2 thế hệ cùng sinh sống, nhưng do nằm trong quy hoạch giải tỏa nên con trai của ông là anh Mai Chiếm Quảng dù có nhu cầu ở riêng cũng không thể xây dựng nhà.
Cùng sinh sống trên trục đường Trần Nguyên Hãn, hộ ông Mai Chiếm Lễ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dù gia đình ông rất muốn có sự hỗ trợ thỏa đáng để di dời đi nơi khác, trả lại đất phục vụ việc xây dựng, nâng cấp tuyến đường. Ngoài ra, hàng chục hộ khác như: Thái Văn Trường, Thái Văn Đoái,Thái Văn Nhân, Hoàng Đức Hoa, Hoàng Hữu Kế…cũng sống trong cảnh phấp phỏng lo lắng…
Do bị xuống cấp nên ông Lễ phải gia cố tạm mái nhà bằng thanh gỗ để chống đỡ vào mùa mưa
Hiện phần lớn mái nhà của ông Lễ đã bị hư hỏng buộc ông phải gia cố thêm để khỏi bị sập, phần tường cũng đã rạn nứt, mái trước nhà cũng đã bị mục ruỗng…khiến gia đình ông luôn sống trong cảnh nơm nớp, lo sợ nhà đổ bất cứ lúc nào.
Phần trước mái cũng đã bị mục ruỗng, hư hại
Ông Lễ nói: “Nếu không cho chúng tôi xây lại trên nền đất cũ thì phải có phương án gì đó chứ. Đằng này họ làm ngơ như thế, chúng tôi sửa cũng không được mà ở cũng lo lắng. Lỡ may mưa bão xô đổ, sinh mạng chúng tôi bị đe dọa thì ai chịu trách nhiệm được đây?”
Mới đây, vào ngày 4/8, khi kiểm tra dự án đường Trần Nguyên Hãn, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Ban quản lý dự án và chủ đầu tư tập trung toàn bộ nguồn vốn được giải ngân còn lại để hoàn thành các hạng mục, bởi đến tháng 11/2014 dự án sẽ kết thúc.
Đăng Đức
Theo Dantri
Tất bật chăm hoa Tết
Còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này những người trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết coi là đã vào vụ. Hoa có nở đúng dịp, đều và đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm chăm sóc này.
Theo nhiều chủ vườn ở làng hoa Đông Giang, An Lạc... đây là giai đoạn "nước rút" nên mọi công đoạn phải được theo dõi sát. Theo đó, người trồng hoa phải nắm bắt được chu kỳ sinh trưởng của hoa để có cách can thiệp hợp lý, hãm độ cao của cây như ý muốn, sử dụng thuốc kích thích ra hoa, phân bón, nước tưới... đúng kỹ thuật.
Gần 1 tháng nay, vườn hoa của ông Lê Châu Hoàng - một nghệ nhân trồng hoa lâu năm ở khu phố 1, phường Đông Giang, TP Đông Hà, luôn có từ 3 - 4 nhân công chăm sóc, tưới nước. Vườn hoa của ông Hoàng hiện có hơn 1.000 chậu cúc vàng pha lê, sẵn sàng cung cấp vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Ông Hoàng cho biết, để có được vườn hoa tươi tốt như hiện nay thì bước vào tháng 7, ông đã vào tận Đà Lạt để mua giống về trồng. Thông thường chu kỳ sinh trưởng của hoa cúc cho đến khi nở mất khoảng từ 3,5 - 4 tháng, và cũng tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc và điều kiện khí hậu.
Ông Hoàng cho biết, giai đoạn này chỉ cần tưới nước và bắt sâu để thúc đẩy hoa nở đúng dịp Tết
"Trồng hoa cúc tuy đơn giản nhưng mất nhiều thời gian chăm sóc, chi phí tốn kém, từ tiền thuê mặt bằng, mua giống, phân bón, thuê nhân công, điện chiếu sáng, nước tưới...cũng mất khoảng 60 triệu đồng. Những năm trước giá cả ổn định thì mỗi chậu cúc tôi bán được khoảng 400 - 600 ngàn đồng. Nhưng năm nay chưa biết giá cả thế nào, có biến động nhiều hay không" - ông Hoàng nói.
Bón phân vi lượng cho hoa
Tại vườn hoa của anh Nguyễn Thành Trung cũng có 5 - 6 nhân công được anh thuê hàng ngày để chăm sóc hoa. Hiện anh đang sở hữu hơn 1.200 gốc hoa ly có nguồn gốc từ New Zealand, và gần 2.000 chậu cúc pha lê được mua giống từ Đà Lạt. Anh Trung cho rằng, trồng hoa ly khó hơn so với hoa cúc, ngoài chi phí rất cao cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, nhưng khi cây sinh trưởng tốt thì việc chăm sóc cũng an nhàn hơn. Chu kỳ sinh trưởng của hoa ly khoảng từ 80 - 105 ngày. Khi trồng hoa ly, cần chú ý giai đoạn khi hoa kết nụ, đâm nhụy, bởi nếu không sẽ bị côn trùng làm cho hư hỏng.
Vườn ly của anh Trung đang đơm bông
Ngoài hoa ly và cúc, anh Trung cũng đang chăm sóc cho hàng trăm chậu hoa đủ các loại như: Dạ yên thảo, Thu hải đường, Phong nữ, Făngxê, Dừa cạn...
Anh Hoàng Hữu Quốc, chủ vườn hoa ven sông Hiếu cũng đang tất bật bón phân và dùng thanh tre chẻ nhỏ để cố định cho hoa. Anh Quốc cho biết, nhà anh trồng hơn 1.500 chậu cúc Đà Lạt và hiện đang phát triển rất tốt. Từ nay đến Tết chỉ cần tưới nước và bón phân vi lượng để đảm bảo hoa nở đúng vào dịp Tết. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, anh Quốc tin rằng vườn hoa nhà mình sẽ nở đạt 90%.
Rất nhiều nông dân ra đồng chăm sóc hoa
Cạnh vườn anh Quốc, ông Hoàng Hữu Chiến cũng đang thuê người chăm sóc cho hơn 2.000 chậu cúc và hàng trăm gốc ly, nho, hoa thọ... Các công đoạn chăm sóc hoa đang được nông dân tiến hành hết sức khẩn trương để cung ứng ra thị trường những chậu hoa, cây kiểng với kiểu dáng đẹp, bắt mắt...
Một luống hoa Nho khoe sắc trước Tết.
Đăng Đức
Theo Dantri
Chân dung ông chủ "lữ đoàn xe quá tải" móc ngoặc vượt đường cao tốc Mặc dù nhiều đoạn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang trong quá trình thi công nhưng các đối tượng đã móc ngoặc "đưa - nhận hối lộ" bảo kê cho "lữ đoàn xe quá tải" vượt lên đường cao tốc làm ảnh hưởng chất lượng công trình. Các đối tượng bảo kê xe quá tải cày xới đường cao...