Dự án resort ồ ạt san lấp hồ Đồng Mô
Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, hai dự án resort liên tục đào đất đồi, san ủi đất sát mép nước hồ Đồng Mô ( thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Người dân phản ánh, hai dự án resort này đã san lấp, đổ đất xuống hồ Đồng Mô để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, điều khó hiểu là việc hai dự án này lấp diện tích mặt nước bao nhiêu thì dù có kiểm tra nhưng các cơ quan quản lý không có con số cụ thể.
Theo thực tế quan sát của PV Lao Động và người dân sống quanh hồ chứng kiến, ít nhất hàng nghìn m2 mặt nước hồ Đồng Mô đã bị xoá sổ hoàn toàn trong một tháng trở lại đây.
Hiện trường lấp hồ
Trước cổng sân golf Đồng Mô có con đường nhỏ chạy dài bao bọc quanh hồ Đồng Mô. Cách cổng sân golf chỉ chừng 2 km là Văn phòng dự án Resort Spa Cây Bồ Đề của Cty CP Thương mại Đồng Mô.
Đối diện văn phòng dự án là cánh cổng khép kín. Bên trong cánh cổng là khoảng đất rộng tới hàng nghìn mét vuông đã được san ủi, đang trồng cây.
Tại đây, nơi Cty CP Thương mại Đồng Mô làm chủ đầu tư xây dựng resort với diện tích 3,9ha, một phần đồi Mơ đã bị san gạt làm mặt bằng, mặt đất đỏ sẫm, mềm nhũn, mỗi bước đi đều để lại dấu chân.
Bên trong dự án Resort Spa Cây Bồ Đề của Cty CP Thương mại Đồng Mô, cách đây 1 tháng, chủ đầu tư đã tiến hành san đồi trồng cây.
Phía xa sát mép nước hồ Đồng Mô là hàng loạt cây cọ mới được được trồng. Người dân ở đây cho biết, mới chỉ cách đây 10 hôm, khi đêm đến là hàng đoàn xe ủi, máy xúc liên tục quần thảo xẻ đồi để tạo dựng mặt bằng mới.
Đó là phía trên cạn, ở dưới nước thì cảnh lấp hồ còn rõ ràng mồn một. Sáng 19.6, ông Lưu Đình Hồng, là ngư dân hồ Đồng Mô, đi thuyền máy cùng PV Lao Động tới hiện trường các vụ san lấp hồ. Ông Hồng là ngư dân đã sống từ nhỏ tại hồ Đồng Mô, hiểu rõ luồng lạch từng con nước, nhắm mắt cũng nhớ từng ụ đất, góc cây trên hồ.
Tại dãy đồi Mơ, ông Hồng chỉ ra dãy cọc mới dựng sáp mép nước và nói, toàn bộ dãy cọc dựng lên để đổ đất mới lấp hồ. Dãy cọc này có độ dài hàng trăm mét, chạy dọc một phần khu đồi Mơ. Ông Hồng nói, trước đây, mép nước lên quá phần dãy cọ, nhưng nay, dãy cọ chỉ còn cách mép nước vài mét.
Dự án Resort Spa Cây Bồ Đề nhìn từ giữa lòng hồ, và hàng loạt cọc gỗ đã được dựng lên để chủ đầu tư gia cố nền đất mới đổ. Ảnh: T.C-C.N
Video đang HOT
Từ khu vực đồi Mơ, đi thuyền lên chỉ vài trăm mét là hiện trường đang xây dựng biệt thự của Cty CP Đầu từ xây dựng Đông Sơn. Cty này trước nay nổi tiếng với khu resort G9 đã đi vào hoạt động, trong đó dãy biệt thự Phan Thị.
Tại đây, từ xa đã hiện rõ phần thô của biệt thự xây dựng đang hình thành chỉ cách mép nước độ vài mét. Đi sát vào hiện trường xây dựng là tà luy đất mới hình thành, trên tà luy đã hình thành đường dạo chạy quanh. Ông Hồng nói, tà luy này được hình thành do đất xẻ đồi làm biệt thự đổ xuống.
Phần đất đỏ au mới được dựng lên tà luy làm đường của dự án resort G9. Ảnh: TC-CN
Sát cạnh ta luy là hòn đảo nổi được nối liền với hệ thống resort đang xây dựng, hòn đảo nổi này cũng chất đầy đất đồi đỏ sẫm. Những người dân chuyên đi vớt quả bóng golf tại hồ Đồng Mô mô tả, hòn đảo trước đây là ụ nổi, vào mùa nước thì ngập hoàn toàn, mùa cạn chỉ là ụ đất nhỏ khoảng chừng vài chục mét.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, từ khi hệ thống resort G9 hình thành, ụ đất đã trở thành đảo nhỏ với diện tích khoảng 500 – 600 m2. Từ khi dự án này đổ đất, diện tích đảo tiếp tục tăng lên đáng kể.
Cơ quan quản lý làm ngơ?
Trao đổi với PV Lao Động ngày 19.6, ông Nguyễn Duy Cường – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông- cho biết, đã nhận được thông tin về việc hai dự án resort lấp hồ.
Ông Cường cũng thông tin, có các đoàn của thị xã Sơn Tây, đoàn của Thanh tra TP. Hà Nội cũng đã về kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến nay, khi được hỏi về diện tích mặt nước hồ Đồng Mô đã bị hai dự án resort lấp bao nhiêu thì ông Cường khẳng định “con số nhất nhỏ”.
Ông Cường dẫn chứng, về dự án xây Resort Spa Cây Bồ Đề mới chỉ san gạt mặt bằng, tạo cảnh quan, tuy nhiên do dự án này chưa đủ giấy phép nên Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây, UBND xã Sơn Đông đã yêu cầu dự án dừng thi công.
Còn về công trình xây biệt thự mới của dự án resort G9 lấy đất đồi đổ lên bãi nổi, ông Cường dẫn ra văn bản của Cty TNHH MTV Thuỷ lợi Sông Tích gửi Cty CP Xây dựng Đông Sơn chấp thuận cho phép dùng bãi nổi làm bãi tạm chứa vật liệu xây dựng.
Về con đường tạo cảnh quan, khi dự án này đã đổ đất xuống hồ làm tà luy đường, ông Cường liên tục khẳng định, số đất đổ xuống rất nhỏ, và đã yêu cầu Cty này khắc phục việc này.
Trước câu trả lời của ông Cường về hai dự án lấp hồ này, PV đã đưa ra ảnh thực tế dãy bãi kè của dự án Resort Spa Cây Bồ Đề, và tà luy đường lấn hồ của dự án resort G9 thì ông Cường khẳng định, doanh nghiệp có sai sót, có vi phạm nhưng “cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Đáng nói, vi phạm đổ đất xuống hồ, theo khẳng định của vị Chủ tịch UBND xã Sơn Đông là có, tức việc đổ đất lấp hồ đã xảy ra, nhưng các biên bản kiểm tra với sự có mặt của chính quyền xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây và Cty TNHH Thuỷ lợi Sông Tích (đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao quản lý mặt nước hồ Đồng Mô) cũng không đưa ra con số cụ thể diện tích mặt nước hồ Đồng Mô bị lấp là bao nhiêu.
Tuy các cơ quan quản lý không được ra con số cụ thể nhưng những người sinh sống quanh hồ Đồng Mô có thể khẳng định, vào thời điểm tháng 6 đang là mùa nước cạn, nên đây là thời điểm dễ dàng đổ đất lấp hồ nhất trong năm; qua hai tháng nữa vào mùa mưa nước dâng, việc lấp hồ là điều không thể. Và diện tích mặt nước hồ Đồng Mô đã mất đi trong một tháng trở lại đây, người dân ước tính lên tới hàng nghìn m2 .
Đơn vị quản lý hồ cũng lấp hồ
Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, đơn vị này được giao quản lý một phần diện tích hồ Đồng Mô. Trong ngày 19.6, khi khảo sát hồ Đồng Mô tại vị trí Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, khu vực chùa Khơ Me, PV Lao Động phát hiện khoảng đất rộng hàng trăm m2 mới được hình thành do đơn vị này quản lý. Bằng mắt thường có thể thấy, bãi đất đã được đôn lên cao khoảng 3m từ mép nước hồ. Đi một vòng quanh hồ, có thể thấy dải đất hình elip, các lớp đất đã được san gạt tạo thành mặt phẳng.
Trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây, hai công trình đổ đất lấp hồ đã được làng văn hoá các dân tộc Việt Nam thực hiện. Ảnh: TC.CN
Trước đó, vào khoảng thời gian cuối năm 2018, đầu 2019, đơn vị này cũng xây dựng đập đất để hình thành hồ nhỏ chạy dọc vào sâu trong khuôn viên làng văn hoá. Khi đó, đơn vị này giải thích, việc ngăn hồ nằm trong kế hoạch phê duyệt để làm chợ nổi. Thời điểm hiện tại, ngày 19.6, đập đất này đã không còn hình dạng con đập ngăn nước mà thành bãi đất, với diện tích mở rộng ra đáng kể.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng, Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã 2 lần tổ chức san lấp mặt hồ Đồng Mô. Với hai công trình này, diện tích mặt nước hồ Đồng Mô biến mất theo quan sát của PV Lao Động là xấp xỉ cả nghìn m2.
Thông Chí – Cao Nguyên
Theo Lao động
Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam: Hoang vắng, xuống cấp
Tận mắt chứng kiến tình trạng xuống cấp, hoang vắng ở Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) nhiều người cảm thấy tiếc nuối và xót xa.
Một góc làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Nội) - nơi từng được tổ chức lễ khai trương tưng bừng hồi tháng 10.2010 và đón du khách mọi miền về tham quan nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Làng văn hóa này nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 40km, được kỳ vọng trở thành địa điểm du lịch lý tưởng, một thánh địa về văn hóa. Tuy nhiên, sau 4 năm đưa vào sử dụng, cả khu vực rộng hơn 1.500ha vẫn hoang vu, các khu nhà ẩm thấp mục nát, lối đi lại vắng bóng người.
Khu nhà 54 dân tộc anh em hầu hết đều đã hư hỏng. Mái nhà của dân tộc Mường bị gió thổi tung tạo thành những lỗ hổng lớn phía trên. Mỗi khi trời mưa, nước chảy thẳng xuống sàn khiến khu nhà này luôn ẩm thấp.
Ông Lâm Văn Khang - Phó trưởng Ban quản lý Làng văn hóa du lịch các Dân tộc Việt Nam cho biết, dự án được xây dựng bằng 100% vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, vốn được cấp nhỏ giọt khiến các công trình bị chậm tiến độ và ảnh hưởng đến nhiều hạng mục.
Lý giải cho việc xuống cấp của những ngôi nhà, ông Khang cũng cho biết, những nguyên liệu làm nhà như tre, gỗ, nứa, lá... đều là những vật dụng dễ hư hại nên theo thời gian hỏng là chuyện bình thường.
Ban quản lý thành lập một đội duy tu, bảo dưỡng thường xuyên những công trình xuống cấp nhưng việc này mất nhiều thời gian cộng với việc mỗi lần sửa phải có quá trình thẩm định, lựa chọn đơn vị thi công nên nhiều khi sửa xong chỗ này thì lại hỏng chỗ kia.
Cách đó không xa là khu nhà mồ cũng của dân tộc Gia Rai - nơi những bức tượng gỗ bị mục nát, gục xuống đất. Có những bức tượng bị mục nát hoàn toàn do thiếu sự chăm sóc, bảo quản.
Cầu thang, các trụ nhà của khu nhà người Raglay bị mục nát. Bước vào bên trong có thể nghe thấy tiếng ọp ẹp phát ra từ cột nhà.
Cảnh hàng rào đổ nát, hoang tàn nhìn từ bên ngoài tại khu nhà của người Chu Ru. Nhiều ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa những bãi cỏ, xung quanh cây cối mọc um tùm như những ngôi nhà... "ma".
30 trạm bán vé không một bóng nhân viên. Theo một bảo vệ, từ khi xây xong các trạm này rất ít khi được sử dụng.
Phía ngoài cổng chính, hàng loạt trạm xe buýt được xây dựng để đón khách tham quan nhưng không hoạt động, các cột sắt hoen gỉ, cỏ dại mọc xung quanh.
Theo Danviet
Mâu thuẫn trong đám cưới, 8x lĩnh án tù chung thân Ngày 20/6, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Tăng Văn Thắng (SN 1987, trú tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) về tội "Giết người", theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Bị hại trong vụ án là anh Trần Văn Chung (SN 1991, trú cùng địa phương với bị...