Dự án PPP “đóng cửa” với thanh tra, kiểm toán?
Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, song dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) lại chỉ được dành khoảng một giờ thảo luận tại tổ…
Dự án BOT nhà nước không bỏ ra đồng nào nhưng kiểm toán vẫn chỉ ra nhiều sai phạm, còn dự án PPP nói chung thì chỉ được kiểm toán phần vốn nhà nước thì sẽ kiểm soát thế nào, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc băn khoăn.
Tại tổ thảo luận 11 (gồm các đoàn Nghệ An, Hoà Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu) Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc phát biểu đầu tiên.
Ông Phớc băn khoăn nhiều vấn đề, trong đó có quy định về chia sẻ rủi ro.
Theo dự thảo luật thì Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng
Việc này, theo Tổng Kiểm toán thì cần cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ. Bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để mà thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Vì, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ là không được thanh tra dự án PPP.
Còn điều 80 thì quy định: Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này.
Tức là chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67) .
Video đang HOT
Đó là các dự án nhà nước bỏ vốn thì có gì mà kiểm toán. Còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng chứ, ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm, ông Phớc phân tích.
Kiểm toán quy định tại điều điều 67 tức là chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án to đùng được nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán à? (trong các loại hợp đồng PPP có hợp đồng BT – đổi nguồn lực lấy công trình- PV) , ông Phớc tiếp tục băn khoăn và đề nghị nên quy định thanh tra, kiểm toán dự án PPP theo Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán.
PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Phát biểu liền sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng nhắc đến độ nóng tại nghị trường khi kết quả kiểm toán các dự án BOT được công bố. Vị đại biểu này cũng đồng tình với Tổng Kiểm toán PPP là dự án có tính chất công xuyên suốt thì kiểm toán phải tham gia.
Đứng dậy lần hai, ông Phớc nhấn mạnh, với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt tránh tình trạng ở nhiều dự án BOT và BT vừa rồi.
Ông Phớc cũng đặt vấn đề là, tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất là thế nào, vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu thực tế có công trình PPP không có tiền mà chỉ dựa vào đất đai. Và vấn đề này có hai quan điểm. Thứ nhất là cứ dùng tiền ngân sách để trả (thống nhất thời gian trả tại hợp đồng) sau đó tiến hành đấu giá đất sạch và lấy tiền trả.
Còn nếu trả bằng đất thì lúc này chưa giải phóng mặt bằng, chưa đấu giá nên giá đất thấp, sau này có hiện tượng đội chi phí nên có nhiều quan ngại việc đổi đất lấy hạ tầng.
Cho rằng cần phải xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng này, Bộ trưởng Hà góp ý, dự thảo luật nên bổ sung một chương quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Bộ trưởng Hà cũng đồng tình với ông Phớc, là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được. Mà Nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chứ chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều, mới hoàn toàn kiểm soát được tổng mức đầu tư thế nào. Còn nhà nước không đầu tư cái gì ở giai đoạn chuẩn bị mà đòi biết hết cả mọi thứ thì rất khó.
Hà Vũ
Theo Vneconomy
Kinh doanh bất động sản nhằm dịch chuyển tài sản ra nước ngoài có xu hướng tăng
Dự án kinh doanh bất động sản nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài đang có xu hướng tăng...
Đó là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Dự án luật này vừa được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ.
Một trong những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý tại dự thảo luật liên quan đến quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về ngành nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, gồm các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 của Luật Đầu tư, ngành nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu và ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo các điều ước quốc tế về đầu tư.
Lần sửa đổi này còn bổ sung quy định về ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, gồm các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học và công nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Tư pháp đề nghị giải trình cơ sở của việc quy định các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện và làm rõ lý do bổ sung quy định phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại một số địa bàn nhằm tránh tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) giải thích, 4 ngành nghề là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học công nghệ đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Ngành nghề báo chí, phát thanh, truyền hình được bổ sung trên cơ sở quy định của Luật Báo chí. Theo đó, thành lập nhà xuất bản, cơ quan báo chí là lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng khẳng định, kinh doanh bất động sản là ngành, nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Báo cáo giải trình cho biết, hiện nay, phần lớn dự án trong lĩnh vực này do cá nhân đăng ký thực hiện gồm 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài và đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.
Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy Trung Quốc bắt đầu hạn chế đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực này từ 2018.
Do vậy, việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã bỏ quy định lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại các địa bàn đang có chiến tranh, xung đột hoặc địa bàn Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, chưa ký kết các hiệp định về khuyến khích, bảo hộ đầu tư... để tránh làm phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết.
Theo dự kiến, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo Nguyễn Lê
Vneconomy
"Nhiều khoản vay dự án BOT có nguy cơ thành nợ xấu" Cho đến thời điểm hiện tại ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến... Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên...