Dự án lấp sông Đồng Nai: ‘Nên rút giấy phép để chờ tham vấn’
- Cục trưởng Cục Thẩm định – Đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT) cho hay: “Với một dự án có tác động liên tỉnh thì phải có ý kiến của các địa phương liên quan”.
Chiều 23-3, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phát đi thông báo bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về dự án lấp sông làm dự án ở Đồng Nai.
“Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai sẽ có những tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai và sẽ đặt tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam” – VRN nhấn mạnh.
Theo VRN, mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư (Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21-7-2014) dưới một hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị nhưng thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai. Hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông.
“Dự án thực chất là một công trình lấn sông, lấn chiếm bờ sông khi tổng diện tích của dự án là 8,4 ha trong đó đã chiếm 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. Chính vì vậy chính quyền các cấp cần xem xét lại vấn đề tuân thủ Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và nhiều quy định khác liên quan đến quản lý đất ngập nước” – VRN phân tích thêm.
Vị trí đoạn sông Đồng Nai đang bị lấp để làm dự án với quy mô 8,4 ha, nơi lấn ra xa nhất là 100 m.
Hiện trường thi công dự án. Ảnh: CTV
Theo VRN, việc xây dựng hạ tầng cơ sở lớn ở lòng sông sẽ tác động đến đoạn sông qua tỉnh Đồng Nai, có những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực, ảnh hưởng đến các địa phương khác cùng chia sẻ dòng sông, trong đó có TP.HCM.
Trong khi đó, vị trí của dự án nằm trong khu vực đông dân cư và mang tính nhạy cảm về môi trường cho nên cần phải có những tham vấn sâu rộng ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Đồng thời, dự án cũng cần phải được tham vấn cẩn thận ý kiến của các bộ, ngành như Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Các Ủy ban lưu vực sông, UBND các cấp ở các tỉnh đang sử dụng chung tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai cũng như các tỉnh nằm trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai, các cù lao ven sông, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ…
Với những lo ngại trên, VRN mong muốn UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án và đề nghị Công ty CP Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của đầy đủ các bên liên quan trong đó có các bộ, ngành liên quan ở trung ương, địa phương, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội.
Trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, đại diện VRN cho biết đơn vị này đang tổ chức nghiên cứu sâu hơn về những tác động của dự án. Dự kiến đầu tháng 4 tới, VRN sẽ tổ chức hội thảo khoa học, phản biện lại dự án này. “Chúng tôi sẽ mời lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và cả chủ đầu tư dự án tham gia hội thảo” – đại diện VRN cho biết thêm.
Video đang HOT
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Thẩm định – Đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT) Đặng Văn Lợi cho hay ông chỉ biết dự án lấp sông ở Đồng Nai qua báo chí. “Tôi chưa có thông tin gì chính thức về dự án này, tỉnh chưa có báo cáo gì, cục cũng chưa nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về dự án này nên chưa xuống thị sát thực tế” – ông Lợi cho hay. Theo ông Lợi, phải căn cứ vào quy mô dự án, có phân cấp cái nào là của Bộ, cái nào là của tỉnh. Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho hay: “Với một dự án có tác động liên tỉnh thì phải có ý kiến của các địa phương liên quan”.
Những mất mát không thể hoán đổi Sông Đồng Nai là một lưu vực sông có tầm quan trọng vô cùng lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh của 11 tỉnh nhưng lại là lưu vực có bình quân lượng nước hằng năm trên đầu người thấp nhất trong các lưu vực của Việt Nam. Theo VRN, hệ thống sông Đồng Nai là nơi hội tụ đa ngành, nhiều lĩnh vực, tập trung đông các hộ dùng nước, đặc biệt là khu vực hạ lưu. Vấn đề sử dụng nguồn nước đã và đang khó khăn, luôn dẫn đến sự mâu thuẫn trong sử dụng nước và mâu thuẫn này ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi nguồn nước trong lưu vực đang trở nên hạn chế do các tác động của tự nhiên cũng như các hoạt động của con người. Các công trình thủy điện cũng như sự phát triển các khu công nghiệp và đô thị ven sông Đồng Nai như hiện nay đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và xã hội trong lưu vực. Đó là những mất mát không thể hoán đổi và cũng chưa thể có những giải pháp tích cực để giảm thiểu đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của các cộng đồng. Việc tiếp tục xây dựng và phát triển ồ ạt các cụm công nghiệp nhà máy ven sông hay các công trình đô thị, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, cao ốc văn phòng, nhà hàng cũng như dự án lấn sông “sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của cả lưu vực.
TRUNG THANH – HOÀNG VÂN
Theo_PLO
Đề án chặt hạ 6.700 cây xanh: Đừng chỉ thanh tra ra những "con kiến"
Băn khoăn về đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm đánh giá vụ việc còn ẩn chứa nhiều điều không ổn. "Mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến".
Chiều nay 23/3, hội thảo "Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội" đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.
"Chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh"
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm ví đề án 6.700 cây xanh như một cuộc "thảm sát Mỹ Lai với cây cối"
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) - qua đề án 6.700 cây xanh và những phát biểu của lãnh đạo các đơn vị liên quan vừa qua cho thấy "họ chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh đô thị, tác dụng và tác hại của nó".
"Cây cối như một người bạn với con người, cùng sinh ra và lớn lên. Thế mà cùng được 40-50 tuổi rồi mà chặt hàng loạt cây xanh như thế... Cây cối còn như một chứng nhân lịch sử, qua thời gian biết được nhiêu chuyện, ghi được nhiều chuyện. Thế giới người ta chỉ cần lấy một mẫu khảo cổ thì đã có thể đọc vanh vách thời đó như thế nào rồi cơ mà"- TS Liêm phân tích.
Chưa hết, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm còn rất băn khoăn về việc Hà Nội phê duyệt cho một loạt đơn vị không hề có liên quan, chuyên môn nào về trồng cây xanh như Công ty tư vấn xây dựng đầu tư Hà Thành, Công tyTNHH MTV Cơ điện công trình, Công ty CP Công nghệ thương mại Bình Minh.
"Tôi nghe nói một cây sấu như thế đã có giá tới 30 triệu đồng rồi, nhẩm tính sơ sơ số tiền họ đốn hạ mang bán thì cũng được rất nhiều tiền rồi. Nhưng lại mua một cây mới trồng vào đấy, lại tốn bao nhiêu tiền nữa. Chặt cây cũ, trồng cây mới thì gọi là tài trợ, không lấy tiền nhà nước ư? Nghe chừng không ổn. Những cái này diễn ra, chúng ta không nên ngây thơ quá về sự vụng về, thiếu hiểu biết, hay kém kinh nghiệm. Đều có sự đo đếm hết, không phải tự nhiên mà như vậy đâu. Tôi mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến"- ông Liêm thẳng thắn.
"Cây cũng như người, bị bệnh phải chữa chứ không thể đem chôn"
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - cho biết trước đây ông từng được mời tham tham gia vào đề án đánh giá tác động môi trường cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
"Trong đề án đó không hề nhắc tới việc phải chặt hạ hàng cây xà cừ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi"- ông Đăng công bố thông tin gây sốc.
Theo ông Đăng, khi thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nếu thấy không chặt cây hàng cây dọc đường Nguyễn Trãi sẽ không thể thi công được thì phải thành lập hội đồng đánh giá, lập hồ sơ và gửi tới Bộ Tài nguyên- Môi trường thẩm định; được phê duyệt thì mới được thực hiện.
Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) khẳng định: Luật Thủ đô do chính Hà Nội đề xuất, xây dựng để rồi Quốc hội thông qua đã có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng.
"Chúng tôi nghiên cứu thì thấy việc chặt phá cây xanh vừa qua còn không cấp phép. Họ chỉ sử dụng toàn công văn để chỉ đạo. Từ đầu tới cuối, họ không làm theo luật lệ nào cả. Tôi nghiên cứu mãi các văn bản liên quan mà không biết họ áp dụng theo luật nào"- luật sư Hải nói.
GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam - nói rằng việc cây xanh bị bệnh là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là cứu hay không cứu.
"Cây cũng như con người, bị bệnh thì phải cứu chữa, chứ không thể đem chôn ngay được. Tôi đi nhiều nước trên thế giới thấy họ cũng luôn tìm mọi cách để cứu cây, chứ không phải cứ thấy câu sâu bệnh là chặt hạ ngay"- GS. Dũng nói.
"Tôi có may mắn đi được 30 thủ đô các nước, không có thủ đô nào như ở Hà Nội ta. Khi mở rộng Thủ đô Hà Nội tôi đã trình bày và ngạc nhiên vì Thủ đô mình lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Bắc Kinh (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Thủ đô của ta quá lớn, so với các nước quá đẹp vì hồ và cây. Chúng ta thấy nhiều thủ đô hoành tráng, nhưng cây xanh thì thua chúng ta. Nhưng hồ thì chúng ta biết rồi, chúng ta đã mất rất nhiều hồ. Trước đây làm gì có chuyện ngập lụt đâu, thế mà giờ đã có việc ngập nước tới bụng, ngập cả xe đạp. Đau đớn lắm rồi, nhưng giờ lại tính chặt tới 6.700 cây xanh, tức là 1/7 tổng số cây ở Hà Nội. Tôi thử tưởng tượng rằng nếu đầu tôi rụng mất 1/7 tóc đi thì thành cái đầu hói mất rồi"- GS. Nguyễn Lân Dũng đưa ra hình ảnh so sánh.
TS. Phó Đức Tùng - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm nghiệp) - đặt câu hỏi: "Tại sao những cây xanh ở Hà Nội yếu, bệnh tật? Đó là vì Hà Nội chưa bao giờ trồng cây đường phố đúng kỹ thuật cả. Trồng cây đô thị khác hẳn với các loại cây ở nông thôn, đồi núi, không phải cứ khoét khoét đất lên rồi trồng cây xuống như thế được. Nếu trồng như thế thì cây mới không thể có khả năng phát triển bằng một cây cũ được. Với điều kiện trồng, chăm sóc như thế thì một số cây vô giá trị như Hà Nội nói (cây nông, dâu da xoan, gòn,...) cũng có giá trị; không loại cây nào có thể sống được ngoài những cây vô giá trị ấy. Tương tự như việc không thể diệt hết cá rô phi trên sông Tô Lịch để thả vào đó những con cá chép rồng đắt giá được".
Đã chặt 500 cây, 1.000 hay 2.000 cây?
GS Nguyễn Lân Dũng nói thêm: "Con đường từ Ngã Tư Sở vào Hà Đông dài hơn 11 km nhưng nói như GS. Đăng thì không nằm trong quy hoạch của tuyến đường đó, không cần phải chặt hạ khi triển khai dự án đường sắt đô thị. Thế thì càng phải thanh tra, làm rõ việc này. Nghệ sĩ Chiều Xuân đã phải khóc để kiên quyết giữ cây xanh trước cửa nhà trên đường Nguyễn Thái Học, rồi bao nhiêu văn nghệ sĩ đã lên tiếng, bao nhiêu bài vè, bài thơ đau đớn về chuyện này. Tôi cho rằng phải đặt ra chuyện truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này, chứ không thể dừng lại kiểm điểm, ngừng công tác để kiểm điểm được".
GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết lãnh đạo Hà Nội nói rằng đã chặt hạ 500 cây nhưng ông lại nghe được thông tin nói rằng đã có hơn 1.000 cây bị chặt.
Hà Nội nói đã có 500 cây bị chặt hạ nhưng các chuyên gia, nhà khoa học không tin con số này. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải nhẩm tính: Đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt hạ gần 400 cây, đường Nguyễn Trãi 500 cây là thành 900 cây rồi nên con số Hà Nội đưa ra rất đáng ngờ.
"Tôi có người bạn đã đi lòng vòng qua nhiều tuyến phố và thấy phố nào cũng có gốc cây bị chặt hạ. Người bạn này đã nhẩm tính phải có khoảng 2.000 cây bị chặt hạ rồi chứ không thể là 500 cây được. Tàu điện trên cao đường Nguyễn Trãi mấy năm nữa mới xong mà các anh ấy đã chặt hết sạch, trước cả kế hoạch. Về mặt luật pháp hoàn toàn không thấy cơ sở pháp lý nào cả. Chính vì thế việc thanh tra của Hà Nội phải có sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể để giám sát thì mới minh bạch được"- ông Hải nói.
GS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị việc thanh tra chuyện chặt cây ở Hà Nội phải để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vì đến nay truyền thông các nước lớn trên thế giới đều đã lên tiếng cả rồi nên không thể để Hà Nội thanh tra.
Cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải vàng tâm
TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam - cho biết đã lấy mẫu cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp (đứng) khẳng định cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm.
"Chắc chắn đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Mà là cây mỡ bình thường, gỗ không tốt đâu, nó là nguyên liệu trồng để làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, đường kính 20cm đã cưa rồi. Bộ lá của nó thưa, nó không thể thích hợp ở đây được. Tôi dự đoán khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40-45 độ thì khả năng chết rất cao"- ông Hiệp nói.
GS. Nguyễn Lân Dũng bình luận thêm: "Anh Hiệp là chuyên gia trong lĩnh vực này thì nói chính xác rồi. Tôi thì cho rằng 10 năm nữa nó cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi. Chúng ta không nên quan tâm hàng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp để làm cây xanh ở Hà Nội. Ở đây không phải đất chua, không có chất mùn và nhiệt độ cao thì làm sao có thể trồng được 2 loại cây đó chứ".
Thế Kha
Theo Dantri
Lại bắt được cá hô "khủng" nặng 135kg Một con cá hô nặng tới 135kg vừa được một ngư dân Campuchia thả lưới bắt được trên sông Mê Kông và bán cho thương lái rồi chuyển về TPHCM tiêu thụ. Đây là con cá hô to nhất mà nhà hàng ở TPHCM mua được trong thời gian qua. Sáng 19/3, đại diện một hệ thống nhà hàng tại quận 4 và...