Dự án lắp ráp xe Hyundai nguy cơ bị thu hồi
Dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô Tân Phú (Bà Rịa – Vũng Tàu) có thể sẽ bị thu hồi vì chậm triển khai.
Thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sáng 4/5/2016, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc làm việc về Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp xe ô tô Hyundai Tân Phú. Dự án do Công ty cổ phần Hyundai Tân Phú đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I.
Dự án Hyundai Tân Phú được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, với tổng vốn đăng ký 40 triệu USD. Theo kế hoạch khi đó, dự án này sẽ sản xuất 20.000 xe buýt mini và 30.000 xe tải (loại 25 chỗ) mỗi năm. Dự kiến, tháng 5/2011, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/2012.
Lắp ráp xe ô tô tại Hyundai Thành Công (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, từ đó tới nay, sau 33 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty vẫn không triển khai Dự án, không ký hợp đồng thuê lại đất với Công ty IZICO và không báo cáo với cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Trên khu đất bố trí cho Dự án chỉ có một… công trình là hàng rào”, thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
Video đang HOT
Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Công ty chưa tiến hành nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tiến độ chậm chạp của dự án này trên thực tế đã khiến lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất sốt ruột. Dự án này cũng đã từng bị đưa vào diện “cảnh báo đỏ” để thu hồi.
Trong cuộc làm việc sáng 4/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc đã chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Huyndai Tân Phú phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định, thời hạn thực hiện hết tháng 5/2016. Nếu quá thời gian trên không thực hiện, Ban quản lý các khu công nghiệp thỏa thuận đất cho các nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.
Theo_VietNamNet
Sản xuất ôtô bước sang thời đại mới
Nếu như Ford tiên phong trong sản xuất ôtô theo dây chuyền thì Honda là hãng đầu tiên áp dụng phương thức mới được gọi là Cuộc cách mạng lắp ráp.
Mô hình sản xuất ôtô hoàn toàn mới của Honda tại Thái Lan.
Đầu thế kỷ XX, Henry Ford đã có phát kiến táo bạo khi cho ra đời dây chuyền sản xuất. Các công đoạn trong quá trình sản xuất được đem ra phân tích kỹ lưỡng để chuyên môn hóa và hình thành dây chuyền sản xuất.
Trong đó, mỗi người trên dây chuyền sẽ chỉ đảm nhiệm 1 công việc cụ thể nào đó để hoàn thiện một sản phẩm. Kết quả, Model T là minh chứng hùng hồn nhất cho sự hiệu quả của phương pháp sản xuất mới. Có tổng cộng hơn 15 triệu chiếc lăn bánh từ nhà máy trong vòng đời chưa tới 10 năm.
Trong suốt chiều dài của thế kỷ XX, các nhà sản xuất Nhật Bản đã dựa vào đó để cải thiện một cách hiệu quả dây chuyền mà Henry Ford để lại. Nhưng tới nay, áp lực chi phí, nhân công, khối lượng sản phẩm đang đè nặng lên một dây chuyền đã cũ kỹ khi trải qua hơn 100 năm tuổi. Một trong những tên tuổi hàng đầu của đất nước mặt trời mọc là Honda đã quyết định vượt khỏi ranh rới của dây chuyền sản xuất truyền thống.
Tại Thái Lan, Honda vừa chính thức đưa vào hoạt động phương thức sản xuất ôtô hoàn toàn mới mang tên gọi ARC. Đây là tên viết tắt của cụm từ Assembly Revolution Cell (tạm dịch: Cuộc cách mạng lắp ráp). Phương thức mới đã chính thức được đưa vào nhà máy Prachinburi - nơi thế hệ thứ 10 của Civic được lắp ráp và xuất khẩu đi toàn cầu.
Điểm nổi bật nhất của ARC là phương thức lắp ráp ôtô hoàn toàn mới. Thay vì mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ (lắp một chi tiết nhất định trên xe hơi) trong dây chuyền sản xuất của Henry Ford, thì ARC gom 4 thợ lành nghề vào một khu vực nhất định gọi là board.
Trên mỗi board sẽ gồm thân xe (body) và 4 kệ hàng có đầy đủ các linh kiện cho 4 kỹ sư lắp ráp. Họ sẽ di chuyển vòng quanh xe để hoàn thiện sản phẩm.
Một board lắp ráp ôtô của Honda.
Khó khăn nằm ở chỗ, mỗi kỹ sư giờ đây sẽ phải nâng cao tay nghề hơn bởi sẽ phải đảm nhiệm nhiều công việc hơn. Bù lại, nhóm lắp ráp sẽ hiểu chiếc xe hơn bao giờ hết. Qua đó, họ sẽ có những phản hồi tích cực và sát sườn hơn cho đội ngũ phát triển sản phẩm mới của hãng.
Quan trọng hơn, Honda kỳ vọng ARC sẽ nâng cao hiệu quả lắp ráp ôtô. Bởi hãng tính toán rằng ARC sẽ có thể khắc phục được những khuyết điểm trên dây chuyền sản xuất như khó khăn khi lựa chọn đúng linh kiện cho ôtô. Cả 4 thợ lành nghề cùng làm việc trên 1 chiếc xe được khẳng định là tăng hiệu quả và tăng tính chính xác tới 10% so với cách thức truyền thống.
Bên cạnh đó, Honda cho biết việc lắp đặt hệ thống sản xuất mới đơn giản hơn và giảm tải các công việc cần xử lý trên 1 dây chuyền truyền thống tới 10%.
Điểm đặc biệt cuối cùng, mỗi board sẽ được trang bị một hệ thống có tên PLUTO. Hệ thống này có trang bị những máy tính bảng cung cấp những hướng dẫn trực quan nhằm ngăn chặn những sai sót từng có trên một dây chuyền sản xuất. Hơn nữa, PLUTO có thể phát hiện những sai sót khi sản phẩm hoàn thiện đưa tới cửa kiểm tra gọi là Q-GATE.
Bước đầu, Honda sẽ áp dụng phương thức sản xuất mới đối với Civic thế hệ thứ 10. Sau đó, nhà sản xuất Nhật Bản sẽ nhân rộng ARC ra toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Honda kỳ vọng sẽ có thể thay đổi nền công nghiệp ôtô như cách mà Ford đã từng làm được cách đây hơn 100 năm.
Với 1.500 chiếc bản tải F150 mỗi ngày, nhà máy Ford ở Michigan tối ưu hoá các công đoạn sản xuất, trong đó họ dùng nhiều robot cho các việc phức tạp.
Theo_Zing News
Nissan thu hồi 3,5 triệu xe do lỗi túi khí Tập đoàn ô tô Nhật Bản Nissan thông báo sẽ thu hồi hơn 3,5 triệu xe ô tô do túi khí ở bên ghế phụ có thể sẽ không bung ra khi xe bị đâm va do lỗi cảm ứng ghế. Quyết định thu hồi này của Nissan được đưa ra sau khi có thông tin 3 người bị thương do túi khí...