Dự án Làm phim 48 Giờ Việt Nam 2019 chuẩn bị đi đến hồi kết
Dự án Làm phim 48 Giờ Việt Nam 2019 chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ chính thức bước vào giai đoạn công bố kết quả sau hơn 3 tháng khởi tranh.
Dự án Làm phim 48 Giờ Việt Nam 2019 chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ chính thức bước vào giai đoạn công bố kết quả sau hơn 3 tháng khởi tranh. Tuần qua, hơn 100 bộ phim ngắn đến từ các nhóm làm phim tham gia trong Dự án Làm phim 48 Giờ Việt Nam 2019 đã được công chiếu trong 4 đêm từ ngày 14/10 đến ngày 17/10 tại cụm rạp Galaxy Cinema. Mỗi đêm công chiếu hơn 15 bộ phim ngắn khác nhau tại TP.HCM và Hà Nội. Thông qua việc công chiếu trên màn ảnh rộng đón nhận những phản ứng thực tế của khán giả thông qua việc bình chọn để tìm những bộ phim yêu thích nhất.
Phản hồi tích cực qua 4 đêm công chiếu
Dự án đem đến hơn 400 vé miễn phí dành tặng các nhà làm phim trẻ. Tại các đêm công chiếu, khán giả còn nhận được phiếu giảm giá 20% với bất kì hóa đơn mua bắp, nước trực tiếp tại quầy vé.
4 đêm công chiếu nhận đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các khán giả với những tràng pháo tay hoặc trận cười không ngớt. Trong đó, không thể không kể đến phần Giao lưu vô cùng thú vị với đoàn làm phim. Đại diện nhóm BLACKSHEEP đã chiến thắng buổi Công chiếu Nhóm A tại TPHCM ngày 14/10 chia sẻ với các khán giả:
“Bình thường mọi người, anh em trong đoàn làm phim ít khi được gặp mình lắm vì ai cũng đều rất bận rộn, nhưng nhờ có 48 Giờ mà mình có cơ hội được gặp mặt mọi người và cùng làm ra một bộ phim được khán giả đón nhận! Đó là điều khiến mình vui nhất! Cảm ơn 48 Giờ!”
Nhà sản xuất của Dự Án 48 Giờ – Ross Stewart cho biết:
“Tôi nghĩ việc trình chiếu các bộ phim trên màn ảnh rộng trước hàng trăm khán giả là cách tuyệt vời nhất để hiểu câu chuyện điện ảnh mà đạo diễn muốn truyền tải, và nhận được các phản hồi từ người xem. Mỗi bộ phim tham gia đều nhận những phản ứng khác nhau, thậm chí trái ngược với dự đoán, đơn cử như một bộ phim cảm xúc nghiêm túc lại nhận được những tràng cười, hoặc một bộ phim hài hước lại nhận được sự im lặng của cả khán phòng. Tuy nhiên, điều đó lại mang đến một thông điệp tích cực và là một trải nghiệm/bài học với các nhóm làm phim tham gia Dự án, chính vì thông qua những hoạt động như thế này, nhà làm phim có sự am hiểu thị hiếu và phát triển tốt hơn sản phẩm của mình.”
Đánh giá của BGK về chất lượng các tác phẩm phim ngắn tham gia
Khi nhắc tới những tiêu chí chấm giải năm nay, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ rằng anh không chú trọng các yếu tố về mặt kỹ thuật nhiều mà tập trung vào kỹ năng kể chuyện, ngôn ngữ điện ảnh, và cảm xúc đem đến cho người xem. Sau nhiều năm đồng hành cùng dự án, vị đạo diễn này nhận xét rằng so với năm 2018, có nhiều phim có chất lượng tốt cả về kỹ thuật làm phim, lẫn ngôn ngữ kể chuyện.
Đạo diễn – NSX Ken Ochiai, người từng thực hiện hàng chục bộ phim ngắn đoạt giải quốc tế, cho biết thang điểm chấm đối với các phim dự thi năm nay là 50% dành cho Cốt truyện, 35% Tuân theo đề bài và 15% Chất lượng kĩ thuật:
“Đa số các bộ phim đều vượt qua sự mong đợi của tôi về chất lượng kỹ thuật nên tôi dành trọn 10-15% số điểm cho các bộ phim này. Tôi đã tìm thấy nhiều tiềm năng và tài năng qua những bộ phim này.”
Đạo diễn Nhất Trung lại đánh giá cao về khâu lên kịch bản, bắt đầu tư một kịch bản hay, chặt chẽ, ý tưởng lạ và nhiều sáng tạo.
Những góp ý của BGK dành cho các nhà làm phim trẻ
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ:
“Tôi thấy đề bài thú vị, nhưng thật đáng tiếc nhiều nhà làm phim đều không thể vượt qua được những suy nghĩ thông thường, dẫn đến việc hàng loạt phim giống hệt nhau trong việc khai thác các yếu tố này. Đặc biệt, việc khai thác câu thoại được cho rất hời hợt, hầu như tất cả các phim chỉ sử dụng nghĩa đen của câu thoại này mà không thể đặt nó vào một tình huống để câu thoại mang một hàm ý khác – một việc rất căn bản và quan trọng trong phim ảnh.”
Đạo diễn Ken Ochiai nhận xét:
“Một số bộ phim rõ ràng đã rất gượng ép với các yếu tố này hoặc chỉ thêm vào cho đủ yêu cầu. Tôi hơi thất vọng một chút vì các nhân vật trong các bộ phim đều nói dòng thoại bắt buộc theo một phong cách tương tự nhau. Hàm ý là thứ làm cho dòng hội thoại thêm thú vị, và tôi ước rằng các đội bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ về việc không chỉ làm sao kết nối các yếu tố lại với nhau, mà còn nhấn nhá các yếu tố theo một cách khác, làm cho câu chuyện trở nên đặc biệt. Nhưng tôi vô cùng ấn tượng với cách các đội sử dụng yếu tố Con heo rất khác biệt giữa từng phim!”
Nhà sản xuất Trương Chí Bình cho biết:
“Các nhà làm phim có vẻ bị quá gượng ép khi phải thêm các yếu tố bắt buộc đặc biệt vào bộ phim như đề bài. Một số bộ phim có thể sẽ khác đi nếu 3 yếu tố không xuất hiện trong phim của các bạn.”
Nhà sản xuất Jenni Trang Lê:
“Mỗi năm việc chấm điểm khó khăn nhất là phần diễn xuất. Việc diễn xuất không hề dễ dàng và việc đạo diễn cũng vậy. Bởi vì một người đạo diễn giỏi sẽ có thể hướng dẫn bất kì ai diễn một vai diễn hoàn hảo (tất nhiên người đó phải hợp với vai diễn). Một số khác lại cho rằng diễn viên phải đẹp thì mới đủ điều kiện để diễn hay, nhưng sự thật là nó còn nhiều hơn thế và các bạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào phần này. Tôi cho rằng đừng làm phức tạp hóa vấn đề lên. Bạn không có nhiều thời gian trên màn ảnh và lúc ngoài đời để kể câu chuyện. Vì vậy, chọn ít nhân vật và tập trung nhiều vào câu chuyện. Và sử dụng ít bối cảnh càng tốt dể bạn có thời gian làm set phim đẹp thay vì tốn quá nhiều cho việc di chuyển và dựng hậu kì . “
Lễ trao giải Dự án Làm phim 48 Giờ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 26/10/2019 tại Mai House Saigon Hotel với sự tham gia của các Ban giám khảo – Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Đạo diễn Nhật Bản Ken Ochiai, Nhà sản xuất Jenni Trang Lê, Ban giám khảo Trương Chí Bình.
Sự kiện dự kiến sẽ quy tụ hơn 400 bạn trẻ tham gia và sẽ công bố danh sách 30 giải thưởng lớn nhỏ trị giá hơn 100 triệu đồng tiền mặt kèm các hiện vật như cặp vé máy bay tham gia vòng chung kết tại Hà Lan, phiếu nghỉ dưỡng tại Resort, thẻ xem phim Galaxy Cinema, và rất nhiều các quà tặng khác. Lễ trao giải Dự án Làm phim 48 Giờ sẽ đón tân chủ nhân của giải thưởng cao nhất PHIM NGẮN XUẮT SẮC NHẤT VIỆT NAM. Với hơn 30 giải thưởng sắp được trao, đây sẽ là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong năm nay dành cho các nhà làm phim trẻ.
Theo moveek
Phản đối việc bé 13 tuổi đóng cảnh nóng là hại phim nghệ thuật Việt?
Nếu gọi việc phản đối việc cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim "Vợ ba" là "bức tử phim nghệ thuật Việt Nam" thì có lẽ ngay tại Mỹ, phim nghệ thuật đã bị lấy mạng từ lâu.
Sau khi nhà sản xuất phim Vợ ba thông báo chủ động trình Cục Điện ảnh xin ngừng chiếu "trước sức ép của báo chí và dư luận", những tranh cãi xung quanh tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phương Anh tiếp tục bùng lên. Trên mạng xã hội, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mô tả việc Vợ ba ngừng chiếu tại Việt Nam "đánh dấu cái chết tức tưởi của phim nghệ thuật ở Việt Nam".
Theo Thanh Niên, đạo diễn Em là bà nội của anh gọi những người phản đối bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng trong Vợ ba là "các nhà đạo đức học cộng đồng mạng" và "phóng viên kiêm đạo đức học Việt Nam".
Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng phản ứng của dư luận đối với việc cô bé Nguyễn Phương Trà My đóng cảnh nóng là "vô lối", "tạo sức ép vì một mục đích đáng ngờ nào đó", "không chỉ làm rối các cơ quan quản lý nhà nước, khiến việc thông thoáng hơn trong kiểm duyệt bị trì hoãn mà nó còn kéo lùi việc phát triển và hội nhập của nền điện ảnh Việt Nam".
Đã ngừng chiếu nhưng Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh tiếp tục gây tranh cãi.
Trên trang cá nhân, Á hậu Vũ Hoàng My dẫn tin phim Vợ ba ngừng chiếu với dòng trạng thái: "Khi dân trí chưa đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật". Sau đó Hoàng My đã xóa status này vì nhận được vô số bất bình, chỉ trích về góc nhìn.
Cũng trên không gian mạng xã hội, một số người làm trong lĩnh vực phim ảnh hoặc các cây bút theo dõi lĩnh vực phim ảnh cũng cho rằng việc phản đối bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng là "tâm trí vẫn còn một lớp mây mù định kiến và phán xét". Có cây bút mô tả những người phản đối là "chim sẻ", không hiểu được "phượng hoàng".
Phương Tây rất nhạy cảm với chuyện trẻ em đóng cảnh giường chiếu
Trên thực tế, nếu việc phản đối một bé gái chưa đến tuổi vị thành niên đóng cảnh giường chiếu là "dân trí thấp", "đạo đức giả", "định kiến", "chim sẻ", "hại phim nghệ thuật"... thì có lẽ ngay tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, phim nghệ thuật đã không còn đất sống.
Bởi từng có không ít phim Hollywood và châu Âu có cảnh giường chiếu trẻ em, và tất cả đều gây tranh cãi dữ dội. Khán giả mê phim hành động chắc chẳng thể bỏ qua Léon: The Professional của đạo diễn Pháp Luc Besson. Khi vào vai Mathilda trong phim, minh tinh Natalie Portman mới chỉ 11 tuổi và cô có một màn thể hiện phi thường.
Nhưng Léon: The Professional đối mặt với không ít sự phản đối vì ngầm hướng tới một mối quan hệ lãng mạn giữa Mathilda và tay sát thủ Léon do Jean Reno thủ vai.
Trong phim có cảnh Mathilda và Léon vào quán ăn. Khi đó Mathilda say và tìm cách hôn Léon. Cảnh này sau đó bị cắt ở bản chiếu tại Mỹ. Trong các buổi chiếu thử, nhiều khán giả Mỹ liên tưởng cảnh này đến hành vi ấu dâm.
Cảnh Mathilda tìm cách hôn Léon trong Léon: The Professional bị cắt ở Mỹ. Trong các buổi chiếu thử, khán giả Mỹ so sánh cảnh này với hành vi ấu dâm.
Năm 2007, tác phẩm Hounddog cũng gây chấn động tại Mỹ khi ra rạp. Phim có cảnh cô bé 12 tuổi Lewenllen (Dakota Fanning) bị cưỡng bức đã gây nên một "cơn bão lửa" dư luận như trang Slate mô tả.
Trên thực tế, Fanning không hề không mặc đồ khi đóng cảnh này, khán giả chỉ có thể nhìn thấy gương mặt và đôi tay của nữ diễn viên nhí. Nhưng chừng đó là đủ để nhiều người Mỹ bị sốc và lên tiếng chỉ trích phim dữ dội. Ngay tại LHP Sundance 2007, nhiều nhà phê bình đã la ó phản đối khi xem phim.
Lolita (1997) của đạo diễn Adrian Lyne cũng là một trường hợp gây tranh cãi điển hình khi nữ diễn viên Dominique Swain đóng bộ phim này lúc mới 14 tuổi. Đạo diễn Lyne đã dùng người đóng thế cho Swain trong những cảnh giường chiếu, nhưng phim vẫn bị lên án.
Lolita chỉ được phát hành rất hạn chế tại Mỹ và bị chính quyền Australia cấm cửa cho tới tận tháng 4/1999.
Sự giám sát chặt chẽ ở Mỹ
Dư luận và truyền thông các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và châu Âu cũng chỉ trích việc trẻ em đóng cảnh nóng, cảnh nhạy cảm cũng bị cắt, phim cũng bị cấm chiếu... Nhưng có ai kết luận các nước này "hại phim nghệ thuật"? Hay có ai nói dân trí tại các nước này thấp?
Chẳng ai cả. Đơn giản, tại các nước này, việc trẻ em đóng cảnh giường chiếu trong phim là một vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến khía cạnh đạo đức và pháp lý, cần sự cẩn trọng và quy trình giám sát rất chặt chẽ.
Hãy nhớ tới bộ phim kinh điển Taxi Driver (1976) của đạo diễn Martin Scorsese, tác phẩm được đề cử 4 giải Oscar và giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1976. Nữ diễn viên Jodie Foster mới chỉ 12 tuổi khi vào vai một cô gái điếm vị thành niên. Và Ủy ban Phúc lợi Los Angeles (LAWB) đã giám sát phim cực kỳ chặt chẽ để bảo vệ Foster.
Phải được sự đồng ý của chuyên gia tâm lý thì Jodie Foster mới được đóng phim Taxi Driver. Khi cô bé diễn trên phim trường, luôn có nhân viên phúc lợi xã hội giám sát.
Một nhà tâm lý học đã trò chuyện với Foster trong 4 tiếng để xác định cô bé 12 tuổi có đủ trưởng thành về mặt tâm lý để vào một vai khó như vậy hay không. Chỉ sau khi nhà tâm lý học này gật đầu, Foster mới được đóng phim.
Các cảnh nóng của Foster trong phim đều được người chị 20 tuổi Connie đóng thế. Và luôn luôn có một nhân viên phúc lợi xã hội của thành phố Los Angeles có mặt tại phim trường theo dõi mỗi khi Foster phải nhập vai.
Tương tự, phim The Tale (2018) kể câu chuyện bé gái 13 tuổi Jennifer bị một gã đàn ông xâm hại cũng được giám sát cực kỳ chặt chẽ khi quay tại Louisiana (Mỹ) năm 2015. Trong các cảnh giường chiếu, nam diễn viên Jason Ritter hoàn toàn không được đụng vào nữ diễn viên 12 tuổi Isabelle Nelisse. Cô bé có một người đóng thế 22 tuổi.
Thậm chí cả những lời thoại dung tục cũng không được nói ra trực tiếp với cô bé. Khi diễn trên phim trường, Nelisse được giám sát bởi mẹ, một chuyên gia tâm lý, một giáo viên và một đại diện công đoàn SAG-AFTRA (đại diện 160.000 diễn viên, nhà báo, nghệ sĩ... của Mỹ).
Phải thảo luận về cảnh nóng của Vợ ba
Từ câu chuyện ở Mỹ, chúng ta hãy quay lại với việc cô bé Trà My 13 tuổi đóng cảnh nóng trong Vợ ba. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc Trà My đóng phim là sự lựa chọn của cô bé và mẹ, người ngoài không nên định kiến.
Cũng với quan điểm tương tự, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bình luận: "Nữ diễn viên trẻ này, cũng như gia đình em, trong tất cả các cuộc phỏng vấn trong và ngoài nước đều cho biết em rất thoải mái và không có vấn đề gì bất ổn trong việc phải thể hiện những cảnh thân mật trong phim, và các cảnh quay đều được trao đổi rõ ràng, thẳng thắn, làm việc trên tinh thần tự nguyện".
Trong thông cáo báo chí, nhà sản xuất Vợ ba khẳng định khi quay cảnh nóng của Trà My, "chỉ đạo diễn, phó đạo diễn, quay phim và mẹ của nữ diễn viên (đều là nữ) ở lại. Toàn bộ cảnh quay đều tham khảo ý kiến của mẹ diễn viên, tất cả ê-kíp làm phim luôn bảo vệ Trà My một cách tuyệt đối. Ngoài ra, đoàn phim cũng cung cấp các trang thiết bị bảo hộ đặc biệt để đảm bảo không xâm hại tới bất kỳ bộ phận nhạy cảm trên cơ thể diễn viên".
Khán giả và truyền thông cần phải thảo luận vấn đề cảnh nóng trong Vợ ba.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn, phóng viên đặt câu hỏi: "Ở cảnh ân ái đêm tân hôn, Trà My gần như để lộ gần hết phần trên của cơ thể và có những đụng chạm mạnh với bạn diễn nam lớn tuổi - diễn viên Lê Vũ Long, cảm giác của bạn lúc đó ra sao?".
Trà My trả lời: "Chúng tôi quay cảnh đó mất 2 đêm, phần vì đạo diễn yêu cầu gắt gao, phần vì tôi căng thẳng. Lần đầu anh Vũ Long ăn trứng trên người mình, tôi hơi giật mình. Sau đó diễn lại nhiều lần, tôi khá mệt nên ráng làm cho xong, không suy nghĩ gì nhiều nữa".
Phóng viên hỏi tiếp: "Ngoài những cảnh với bạn diễn Vũ Long, nhân vật của Trà My còn nảy sinh tình yêu đồng giới với nhân vật của Maya. Việc phải hôn Maya khi tỏ tình đem lại cho bạn khó khăn gì?". Trà My nói: "Đối với tôi, cảnh đó khó không phải ở những động chạm cơ thể với chị Maya mà ở cách thể hiện cảm xúc đau khổ, thất vọng".
Khi phóng viên hỏi mẹ Trà My cảm xúc thế nào lúc trực tiếp xem trên phim trường, bà trả lời: "Thật ra, khi quay những cảnh như vậy, tôi sẽ tránh ra, không ngồi gần để tránh xem trực tiếp. Sau đó, tôi được cho xem lại qua monitor. Nếu không vừa ý, tôi có quyền yêu cầu quay lại".
Câu chuyện trên phim trường như thế nào, chỉ có đạo diễn Nguyễn Phương Anh là người nắm rõ nhất. Từ những thông tin hạn chế được đưa ra, tất nhiên khán giả và truyền thông có quyền đặt câu hỏi rằng sự bảo vệ dành cho Trà My trên phim trường Vợ ba đã là đủ hay chưa.
Đó là thắc mắc cần thiết về cả phương diện đạo đức và pháp lý. Bởi tác động của những cảnh nóng với bé gái 13 tuổi sẽ như thế nào là điều không ai xác định được, đặc biệt nếu trong trường hợp bé không được bảo vệ một cách đầy đủ.
Đừng nghĩ cảnh giường chiếu là đơn giản
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chê bai những người quan ngại chuyện cảnh nóng ảnh hưởng đến cô bé là "các nhà đạo đức học cộng đồng mạng". Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng rất nhiều diễn viên Hollywood nổi tiếng, có hàng chục năm kinh nghiệm cũng từng thú nhận rằng đóng cảnh giường chiếu là điều không hề dễ dàng đối với họ.
Nữ diễn viên Natalie Dormer của series Game of Thrones từng khẳng định: "Người nào nói họ hoàn toàn thoải mái với các cảnh sex đều là bịp bợm". Dakota Johnson nói về quá trình ghi hình những cảnh sex trong Fifty Shades Of Grey: "Tâm trí tôi cảm thấy nặng nề, mệt mỏi".
Ngay cả một diễn viên xuất sắc, kỳ cựu như Nicole Kidman cũng gặp khó khăn khi đóng cảnh giường chiếu.
Jennifer Lopez dùng từ "xấu hổ" khi nói về những lần phải cởi quần áo trên màn ảnh. Mila Kunis cho biết: "Không hề có bất kỳ một sự thoải mái nào". Nữ diễn viên Jennifer Lawrence kể quay cảnh giường chiếu đầu tiên khi quay phim Passengers là "trải nghiệm kỳ quái".
Để vượt qua sự ngượng ngùng, Lawrence uống cho say nhưng điều đó càng khiến cô cảm thấy bối rối và lo lắng. "Bạn diễn của tôi (Chris Pratt) đã lập gia đình. Đó là lần đầu tiên tôi hôn một người đàn ông có vợ. Và tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi biết đó là công việc, nhưng không thể không cảm thấy như vậy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy dễ bị tổn thương như thế", Lawrence nói.
Đến cả Nicole Kidman, nữ diễn viên 51 tuổi có 36 năm kinh nghiệm diễn xuất, cũng thú nhận đóng cảnh nóng là cực kỳ áp lực. Khi kể chuyện đóng cảnh giường chiếu trong series Big Little Lies, nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar mô tả: "Có những lúc tôi cảm thấy vô cùng tủi nhục. Tôi nhớ có lần mình nằm dài trên sàn phòng tắm khi chúng tôi quay một cảnh ở tập 7, tôi thậm chí không dậy nổi. Tôi chỉ nằm đó, khóc nức nở, cảm thấy mình vỡ vụn".
Cô nhấn mạnh không dễ rũ bỏ cảm xúc kể cả sau khi cảnh quay chấm dứt. "Tôi cố tỏ ra bình thường ở nơi làm việc và trở về nhà mà không nhận ra rằng những cảm xúc đó ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Chúng ảnh hưởng đến tôi một cách sâu sắc", Kidman cho biết.
Từ những lời kể của các ngôi sao quốc tế đầy kinh nghiệm đó, có thể suy luận rằng chuyện cảnh nóng trong Vợ ba với một cô bé 13 tuổi chắc chắn không hề là câu chuyện đơn giản.
Tự do thoải mái thì bi kịch sẽ xảy ra
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về Vợ ba đang từ vấn đề "quan ngại chuyện bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng" bị biến tướng, trở thành "hành vi vùi dập phim nghệ thuật Việt" sau khi nhà sản xuất quyết định ngừng chiếu vì phản ứng của dư luận.
Quả thật Vợ ba là một bộ phim thuộc dòng art-house chỉn chu, có chất lượng. Một số giải thưởng quốc tế mà Vợ ba giành được đã chứng minh cho điều đó. Nhưng vấn đề là dù Vợ ba có xuất sắc đến mấy, thậm chí có giành giải Oscar đi chăng nữa thì dư luận và truyền thông vẫn cần thảo luận vấn đề bé gái 13 tuổi đóng cảnh nóng.
Điều đó cũng giống như việc một tác phẩm như Taxi Driver, dù có cái tên bảo chứng chất lượng là Martin Scorsese thực hiện, vẫn cần sự giám sát nghiêm ngặt của Ủy ban Phúc lợi Los Angeles khi có một cô bé 12 tuổi đóng các cảnh nhạy cảm.
Last Tango in Paris đem về cho đạo diễn Bernardo Bertolucci đề cử Oscar, nhưng cũng là vết nhơ lớn trong sự nghiệp của ông.
Bởi chất lượng nghệ thuật của bộ phim và mối quan ngại khi trẻ em bị đặt vào tình huống dễ bị tổn thương là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt, không hề có sự liên quan. Dùng lý do "nghệ thuật" để bao biện cho một hành động gây nhiều tranh cãi, cần được mổ xẻ về tính pháp lý và đạo đức, xét cho cùng chỉ là hành vi đánh tráo khái niệm đầy miễn cưỡng, khó thuyết phục.
Về việc diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, đạo diễn Phan Đăng Di có quan điểm đáng chú ý. Báo Doanh Nhân Sài Gòn dẫn lời đạo diễn Bi, đừng sợ nêu quan điểm: "Làm phim đôi khi sẽ gặp những thách thức mà hiểu theo những suy nghĩ thông thường, những ngại ngùng thông thường sẽ không bao giờ làm được".
Trên thực tế, quan niệm nghệ thuật này của đạo diễn Phan Đăng Di không mới. Đạo diễn Bernardo Bertolucci từng tuyên bố: "Để làm phim, đôi khi chúng ta phải tự do hoàn toàn". Ông dùng câu này để biện minh cho hành động bị lên án trong phim Last Tango in Paris (1972).
Trong phim, cảnh nhân vật của Marlon Brando cưỡng bức nhân vật do Maria Schneider thủ vai và bôi trơn bằng bơ không hề có trong kịch bản ban đầu. Nhưng Bertolucci quyết thực hiện với lý do "muốn bắt lại phản ứng tủi nhục của một cô gái". Nhưng hậu quả là Maria Schneider bị sốc, cảm thấy bị xâm hại nghiêm trọng, sau đó rơi vào trầm cảm.
Last Tango in Paris gây tranh cãi, nhưng ít ai phủ nhận chất lượng nghệ thuật của nó. Bằng chứng là Bertolucci được đề cử giải Oscar Đạo diễn xuất sắc, còn Brando cũng nhận đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc.
Nhưng cho đến khi đạo diễn Bertolucci qua đời vào năm 2018, giới truyền thông vẫn nhắc lại câu chuyện "cưỡng bức với bơ" ấy và khẳng định Last Tango in Paris là di sản bị hoen ố của ông. "Những gì đã xảy ra với Schneider trên phim trường Last Tango không phải là chuyện gây tranh cãi, mà là một bi kịch", tạp chí Vanity Fair khẳng định.
Do đó, nếu cứ coi "làm phim là phải tự do", bất chấp những ngại ngùng e dè, vượt qua mọi suy nghĩ thông thường, giống như việc hãy coi một bé gái 13 tuổi đóng cảnh giường chiếu là bình thường "vì nghệ thuật", thì chắc chắn sẽ có ngày bi kịch xảy ra.
Và bi kịch đó sẽ còn lớn hơn, đáng buồn hơn nhiều so với việc một bộ phim "nghệ thuật" ngừng chiếu.
Diễn viên Trà My nói về đóng cảnh nóng trong 'Vợ ba' khi mới 13 tuổi "Vợ ba" đang là tâm điểm gây chú ý khi cảnh nóng trong phim được giao cho cô bé 13 tuổi đảm nhận. Trà My kể cô rất mệt khi quay cảnh ân ái hay khóc khi quay cảnh hôn Maya.
Theo zing.vn
Vợ Ba ngừng chiếu tại Việt Nam, các nhà làm phim nói gì? Thông tin "Vợ Ba" bị cấm chiếu đã tạo ra nhiều phản ứng dữ dội và đa chiều từ phía khán giả, cộng đồng mạng nói chung. Đặc biệt, trong đó có nhiều thành viên trong cộng đồng hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Tối ngày 20/05, cả giới làm phim lẫn công chúng đều bất ngờ khi ekip Vợ Ba bất...