Dự án KĐT Hà Nội Westgate bỏ hoang hơn 10 năm, kho xưởng “mọc” tràn lan
Dự án do Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate làm chủ đầu tư hiện vẫn là một bãi đất trống cây cỏ mọc tùm lum, xuất hiện các công trình có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.
Dự án chậm GPMB, đất sử dụng sai mục đích
Khu đô thị Hà Nội Westgate (tên cũ là khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao Công ty cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 03/7/2008.
Dự án có quy mô diện tích khoảng 44,4 ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai. Mặc dù chủ đầu tư đã được bàn giao đất từ năm 2008 nhưng đến tháng 5/2019, dự án vẫn đang trong tình trạng bị “bỏ hoang”, cây cối, cỏ dại mọc um tùm một số diện tích được người dân địa phương tận dụng để trồng lúa, chăn bò.
Khu vực dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate mặt giáp với Đại lộ Thăng Long được quây tôn tạm bợ một phần.
Toàn cảnh dự án có vị trí “vàng” đã bị bỏ hoang 10 năm (Ảnh: PV)
Khu vực mặt tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long của dự án được quây tôn một phần, dưới tấm biển bản vẽ Quy hoạch dự án, la liệt các ngôi mộ chưa giải tỏa, các khối bê tông, vật liệu xây dựng của một cơ sở kinh doanh được xếp tràn ra phía mặt đường đại lộ.
Dọc đường phố Huyện, hướng đi vào từ Đại lộ Thăng Long đến khu vực đình làng, sân bóng thôn Ngô Sài hàng loạt nhà kho, xưởng sản xuất mọc lên trên khu vực đất dự án.
Các xe tải chở hàng hoạt động rầm rộ, di chuyển ra vào khu vực nhà kho, xưởng với tần suất lớn. Bên cạnh đó, khu vực này cũng xuất hiện những công trình kiên cố cao tầng.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai, hiện tại khu vực dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate thuộc địa bàn thị trấn còn 103 ngôi mộ chưa di chuyển, 34 hộ có có tài sản, vật kiến trúc chưa lập kế hoạch bồi thường và 21 hộ có đất nông nghiệp chưa trình kế hoạch thu hồi đất.
Video đang HOT
Tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao là 133.759 m2 tương đương 75,3% diện tích dự án nằm trên khu vực thị trấn Quốc Oai. Tuy diện tích chưa bàn giao không nhiều nhưng trải qua nhiều năm, phía chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” không thúc đẩy GPMB để tiến hành triển khai dự án.
Con đường phố Huyện từ Đại lộ Thăng Long vào thôn Ngô Sài, các công trình nhà kho, xưởng, gara, cửa hàng… “mọc” tràn lan, hoạt động rầm rộ. (Ảnh: PV)
Cũng theo ông Đức, những nhà kho, xưởng xuất hiện trên khu vực đất dự án đã xuất hiện từ trước năm 2015. Khi có những trường hợp làm kho xưởng trên đất dự án, UBND thị trấn Quốc Oai đã báo cáo ban giải phóng mặt bằng huyện Quốc Oai và chủ đầu tư. Sau đó UBND huyện Quốc Oai và chủ đầu tư cũng không có động thái trong việc giữ đất và đảm bảo sử dụng đúng mục đích.
“Việc chủ đầu tư được giao đất nhưng để đất bị lấn chiếm là vi phạm các quy định của Luật đất đai. Tôi nghĩ khả năng chủ đầu tư cho người dân mượn không đất để phục vụ mục đích kinh doanh là thấp” – ông Đức nói.
Dự án chậm triển khai, địa phương đã nhiều lần phản ánh, các kỳ họp hội đồng nhân dân và tiếp xúc cử tri bà con cũng đã có ý kiến. Chính quyền cơ sở chỉ mong muốn dự án sớm được triển khai để quỹ đất đã giải phóng mặt bằng đỡ hoang hoá, ông Đức thông tin thêm.
Về việc dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate chậm triển khai, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch xã Ngọc Mỹ cung cấp thông tin, từ trước năm 2016, trên diện tích đất dự án thuộc địa bàn xã có khoảng 10 ha bị bỏ hoang chưa san lấp, người dân vẫn thường xuyên canh tác lúa, trồng cây.
“Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 5 hộ có diện tích đất thuộc dự án chưa GPMB, nhiều khu vực đất bỏ không được người dân tận dụng để trồng trọt. Việc dự án lấy đất, trong đó có cả những khu vực đất nông nghiệp đang canh tác xong không triển khai nhìn về mọi mặt đều là rất lãng phí” – Ông Dũng nói.
Vì sao địa phương không đề xuất phương án xử lý?
Ngày 31/10/2013, UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011022002140 cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment (Hà Nội) Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate.
Ngay tại khu vực cổng vào có biển bản vẽ quy hoạch dự án vẫn la liệt các ngôi mộ và khối bê tông của một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. (Ảnh: PV)
Được biết, tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay dự án vẫn là một bãi đất trống, không tiến hành triển khai thực hiện dù đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 41ha (trong tổng diện tích đất được giao là 44,4ha).
Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 948/TB-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh theo hướng kéo dài thêm 5 năm.
Cụ thể, dự án tiến hành thi công xây dựng từ quý IV/2018 và đưa công trình khai thác vào quý IV/2023. Tuy nhiên, hiện trạng dự án chỉ là bãi đất “bỏ hoang” không có máy móc, trang thiết bị phục vụ việc thi công, giải phóng mặt bằng.
Trong báo cáo số 57 của HĐND thành phố Hà Nội (ngày 17/7/2018) về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate cũng nằm trong số 400 dự án rà soát có vi phạm. Cụ thể, dự án thuộc hạng mục chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chậm triển khai.
Đáng chú ý, trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về vi phạm của dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate phần ghi chú có nêu “địa phương không đề xuất phương án xử lý”. Điều này dấy lên trong dư luận xã hội câu hỏi: Liệu có phải chính quyền huyện Quốc Oai đang dành sự ưu tiên nhất định cho doanh nghiệp đầu tư dự án?
Theo Danviet
7 tỉnh thành, 1.500 dự án chậm, lãng phí 20.000 ha đất
Số đất bỏ hoang, lãng phí đó thậm chí còn chưa tính tới 98 dự án tại Hà Nội chưa tổng hợp được diện tích. Thông tin được Bộ Tài nguyên - Môi trường cung cấp khi trả lời kiến nghị của cử tri.
Cụ thể, cử tri tỉnh Ninh Bình phản ánh tình trạng doanh nghiệp lập dự án, nhận đất nhưng không triển khai mà chuyển nhượng dự án ăn chênh lệch gây lãng phí nhưng không được xử lý, đề nghị các cơ quan chức năng cần phải rà soát, xem xét lại quy hoạch sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
Phúc đáp ý kiến cử tri, Bộ Tài nguyên - Môi trường thừa nhận, hiện nay ở một số địa phương vẫn còn nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực và khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất. Kết quả rà soát tại 5 thành phố lớn và các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định được 1.489 dự án chậm triển khai với tổng diện tích đất là 20.186 ha (chưa kể 98 dự án tại Hà Nội chưa tổng hợp được diện tích).
Thời gian qua, Hà Nội thu hồi hàng trăm nghìn m2 đất dự án quây tôn, đắp chiếu lãng phí
Theo cơ quan quản lý nhà nước, thực trạng nêu trên là do năng lực của nhà đầu tư yếu kém nên nhiều dự án sau khi được giao, cho thuê đất không được thực hiện. Chất lượng dự báo trong quy hoạch chưa cao nên diện tích đất quy hoạch cho từng dự án, công trình không phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, một số dự án khi triển khai bị kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của chủ dự án.
Lý do nữa là chế tài xử lý đối với dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng, chậm tiến độ còn có những hạn chế, khó xử lý, chưa thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai (điều 64) và Luật Đầu tư (điều 48). Quy định về điều kiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và quy định việc sử dụng đất đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư chưa chặt chẽ.
Cơ quan trả lời kiến nghị cử tri cho biết, để giải quyết tình trạng nêu trên, Luật Đất đai đã quy định chế tài xử lý đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất chậm so với tiến độ (điểm i khoản 1 điều 64). Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản số 1171 ngày 13/3/2018 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND cấp tỉnh đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ để đảm bảo phù hợp giữa quy định của Luật đất đai với Luật đầu tư.
Giải pháp tiếp theo là quy định về điều kiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và quy định việc sử dụng đất đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư. Quy định rõ trách nhiệm và xử lý người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để xảy ra tình trạng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp không đưa đất vào sử dụng, đối với các trường hợp chậm tiến độ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, văn bản trả lời nêu rõ.
Cũng liên quan đến các bất cập trong quản lý đất đai, cử tri TP.Đà Nẵng phản ảnh, hiện nay có tình trạng các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực thực hiện việc tích tụ đất thông qua việc mua đất làm dự án nhưng thực chất họ làm gì thì không thể quản lý hết được.
Vấn đề này dễ dẫn đến sự bất ổn trong việc quản lý đất đai, nguy cơ dẫn đến bong bóng bất động sản... Kiến nghị của cử tri là nên xem xét quy định theo hướng giới hạn hạn mức đất đai mà các nhà đầu tư, các cá nhân được công nhận quyền sử dụng.
Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời, theo quy định tại điều 52 Luật Đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, nhu cầu sử dụng đất của dự án được xác định trên cơ sở dự án đầu tư và theo đơn đề nghị của chủ đầu tư; pháp luật về đất đai không quy định hạn mức sử dụng đất theo dự án, cơ quan quản lý về đất đai nhấn mạnh.
Văn bản trả lời cũng giải thích, theo quy định tại điều 170 Luật Đất đai thì người sử dụng đất có nghĩa vụ phải thực hiện kê khai đăng ký đất đai và thực hiện đầy đủ các thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định. Mặt khác, điều 208 Luật Đất đai cũng đã có quy định về trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã.
Do vậy, Bộ cho rằng việc không nắm được tình hình sử dụng đất của các nhà đầu tư, trước hết cần phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định.
P.Thảo
Theo Dantri
Thứ trưởng Công an : Giao Thanh tra Bộ vào cuộc dự án nhà ở của Báo CAND Chiều tối nay (4.5), tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, báo chí đã đặt câu hỏi đến đại diện Bộ Công an về dự án nhà chung cư cho cán bộ, chiến sĩ Báo Công an nhân dân (CAND) đã kéo dài 9 năm nhưng chưa hoàn tất, gây bức xúc người mua nhà. Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn...