Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lùi tiến độ
Đến tháng 6/2016 dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông sẽ hoàn thành phần xây lắp thô sau đó cần thêm 3 tháng để hoàn thiện và chạy thử.
Thông báo về tiến độ của Dự án Đường sắt Đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, tại buổi họp báo Quý III/2015 của Bộ GTVT chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đây là dự án “ nóng” về chất lượng, tiến độ cũng như về ATGT. “Hiện nay vấn đề về chất lượng và ATGT đã cơ bản giải quyết được, nhưng về tiến độ của dự án còn rất nhiều vấn đề cần phải xử lý”, ông Trường nói.
Theo Thứ trưởng Trường, toàn bộ Dự án Đường sắt Đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo tổng thầu EPC phía Trung Quốc, tuy nhiên những nhà thầu phụ lại của phía Việt Nam đảm trách, không có bất cứ nhà thầu nào của nước ngoài.
Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2016. (Ảnh: KT)
Đặc biệt, những nhà thầu phụ phía Việt Nam lại không có nhà thầu nào trong ngành GTVT, chủ yếu là các nhà thầu tư nhân nên việc kí kết hợp đồng giữa tổng thầu với các nhà thầu phụ bao giờ cũng có những ràng buộc về mặt kinh tế.
Do đó, Bộ GTVT đang điều chỉnh về vấn đề này, để làm sao có những ràng buộc chặt chẽ hơn đối với tổng thầu cũng như các nhà thầu phụ trong vấn đề thanh toán, cũng như đảm bảo tiến độ. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đưa ra những cơ chế để tổng thầu EPC có những điều kiện cũng như những trách nhiệm thực hiện dự án.
Về tiến độ dự án, theo quan điểm của Bộ GTVT, đến thời hạn tháng 6/2016 sẽ hoàn thành xong phần thô bao gồm hệ thống dầm, các nhà ga sau đó mới tiến hành hoàn thiện. Phần hoàn thiện này sẽ gồm nhiều hạng mục kỹ thuật cũng như trang trí, dự kiến mất thời gian khoảng 3 tháng.
Trong quá trình hoàn thiện, dự án cũng sẽ tiến hành chạy thử. Phía Trung Quốc cho biết, quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 3 tháng sau đó mới vận hành chính thức, nên toàn bộ dự án sẽ cố gắng để trong năm 2016 đưa vào khai thác. “Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt để đạt được tiến độ này”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Video đang HOT
Liên quan đến các dự án đường sắt đô thị là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng trong thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, đến hết năm 2015, tại những khu vực đang gây ùn tắc trên tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ cơ bản không còn ùn tắc, do thông hầm đường bộ Thanh Xuân – Hà Đông. Đồng thời, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành thi công toàn bộ phần trụ, chỉ còn lại một số vị trí nhà ga nên ùn tắc sẽ giảm.
Đối với dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, TP Hà Nội đã tìm giải pháp xén tiếp phần vỉa hè từ Đại học Quốc gia đến Cầu Giấy để mở rộng làn đường, đồng thời yêu cầu các nhà thầu thi công thu hẹp diện tích đang quây tôn và phân luồng các phương tiện đi sang các tuyến đường khác… Ban Quản lý dự án cũng yêu cầu các nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ để rút ngắn tiến độ dự án từ mốc năm 2019 xuống cuối năm 2018 để sớm chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Dự án 'chệch hướng', Bộ GTVT không thể thay tổng thầu TQ
"Nguyên nhân dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ được cho là do năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn" - ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thẳng thắn cho biết.
Chệch hướng hợp đồng EPC
Ông Triệu Khắc Dũng cho biết, sở dĩ, dự án thi công chậm tiến độ trong suốt một thời gian dài là do vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC (hình thức chìa khóa trao tay) bị "chệch hướng" đã dẫn đến hàng loạt các hạng mục thiết kế kỹ thuật, thi công... được làm theo kiểu chắp vá.
Theo ông Dũng, đến thời điểm này, so với hợp đồng vẫn chậm tiến độ 19 tháng. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2015, tiến độ dự án mới đạt 58%, khả năng dự án phải kéo dài đến hết năm 2016.
Dự kiến đến tháng 6/2016 dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mới hoàn thành.
Nguyên nhân chậm tiến độ được ông Dũng phản ánh là do năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn.
Việc lập hợp đồng EPC trước đây thiếu chặt chẽ, không xác định được khối lượng và giá trị.
"Khi ký kết Hợp đồng EPC thì Tổng thầu EPC sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng EPC đã đi "chệch hướng" và mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, từ năm 2008 đến nay, thiết kế chi tiết của nhiều hạng mục dự án vẫn chưa thể phê duyệt do hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế xây dựng, quản lý khai thác.
Hệ thống định mức, đơn giá xây dụng và mua sắm các thiết bị của Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và không thống nhất.
"Thiết kế kỹ thuật chắp vá, cái gì Việt Nam có thì đưa theo Việt Nam, cái gì nước ta chưa có thì lại lấy của Trung Quốc dẫn đến hai bên không thể duyệt được thiết kế chi tiết. Từ năm 2014 đến nay dù đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn chưa thể duyệt được hết thiết kế chi tiết của dự án", ông Dũng nói.
Tổng thầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm
Được biết, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ xin tháo gỡ, đưa dự án về đúng bản chất của hợp đồng EPC.
Theo đó, Tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa vào khai thác. Phía Việc Nam sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết mà chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án.
Khi dự án hoàn thành, sẽ thuê một đơn vị độc lập của nước ngoài vào kiểm định. Chỉ khi công trình đảm bảo chất lượng mới cho nghiệm thu.
Một vấn đề quan trọng cũng được đề xuất, đó là các hạng mục thi công yêu cầu kỹ thuật cao, nhà thầu nội (thầu Việt Nam) chưa đủ khả năng thi công (như lao lắp dầm siêu trường siêu trọng, hàn mối nối đường ray, vận hành hạng mục an toàn giao thông...) phía Việt Nam cũng đồng ý sẽ không lấy thầu phụ trong nước mà sẽ có nhân lực từ Trung Quốc sang.
Về đoàn tàu của tuyến đường sắt cũng được ông Dũng cho biết hiện đang được Tổng thầu và nhà sản xuất chế tạo, dự kiến tháng 10 tới sẽ có mẫu về nước.
Tháng 9/2015, Bộ GTVT sẽ cử 1 đoàn sang kiểm tra thiết kế cũng như tiến độ sản xuất đoàn tàu mẫu này.
Về việc học viên được đưa đi đào tạo để lái tàu và vận hành tuyến đướng sắt trên cao, ông Dũng cho biết đã cử 37 người đi đào tạo khóa học đầu tiên. Dự kiến, trong tháng 9/2015, sẽ cử thêm một khóa tiếp theo đi.
Ông Triệu Khắc Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến ngày 30/6/2016 phải hoàn thành dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, chưa thể chốt được thời điểm đưa vào khai thác thương mại do phải đưa đoàn tàu vào vận hành thử, kiểm tra an toàn, lái tàu, thẩm định an toàn... Sau khi dự án hoàn thành sẽ vận hành chạy thử 1-2 tháng, nếu có trục trặc hệ thống vận hành chạy tàu thì cũng không được quá 3 tháng phải được khắc phục đưa vào khai thác thương mại.
Vũ Điệp
Theo VNN
Nỗi ám ảnh trên đường Nguyễn Trãi vào mỗi buổi sáng Từ nhiều ngày nay một đoạn đường Nguyễn Trãi liên tục xảy ra ùn tắc nghiêm trọng vào buổi sáng. Nguyên nhân do mặt đường đột ngột bị thu hẹp bởi "lô cốt" của công trường đang thi công nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dẫn đến tình trạng thắt nút cổ chai. Mỗi buổi sáng, hàng...