Dự án được tài trợ 100%, xã vẫn thu của dân hàng chục triệu đồng?
Để có một chỗ ngồi trong khu buôn bán thực phẩm sạch chợ Mai Trang, tiểu thương phải nộp hàng chục triệu đồng cho UBND xã. Trong khi đó, đây là dự án được tài trợ 100% kinh phí xây dựng.
Để có một chỗ bán thịt trong khu vực thực phẩm sạch Mai Trang, tiểu thương phải bỏ đến 25 triệu đồng.
Khu thực phẩm tươi sống nằm trong khuôn viên chợ Mai Trang (xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) do Ban quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi – Sở NN&PTNN Nghệ An làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng thế giới.
44 gian bán hàng được xây dựng nhằm tạo ra một khu chợ kiểu mẫu điển hình đảm bảo vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có kiểm soát, kiểm dịch theo định kỳ. Sau khi hoàn tất các hạng mục xây dựng, đầu tháng 5 vừa qua, công trình đã được bàn giao cho UBND xã Nghi Xuân đưa vào khai thác, sử dụng.
Chị N.T.L – một tiểu thương bán thịt ở chợ Mai Trang – cho biết: “Trước khi giải tỏa chợ cũ, người ta hứa là nếu chúng tôi vào buôn bán trong khu thực phẩm sạch này sẽ không phải chịu bất kỳ một khoản chi phí xây dựng nào ngoài các khoản phi thông thường phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Nhưng trên thực tế, để vào được đây, chúng tôi phải đóng 25 triệu đồng cho xã mà không được giải thích đó là khoản tiền gì”.
Trong khi đó, nếu muốn có một gian hàng trong khu bán cá, các tiểu thương cũng phải bỏ ra ít nhất là từ 20-25 triệu đồng tùy thuộc vào vị trí. Khu vực hành lang phía ngoài của khu thực phẩm tươi sống cũng được “bán” với giá 5 triệu đồng một chỗ ngồi có chiều rộng 1,2m. Những tiểu thương ở khu hành lang sau khi trả tiền “thuê chỗ ngồi” họ phải đầu tư hơn 2 triệu đồng để làm mái che nếu không muốn buôn bán giữa mưa, nắng.
Khu vực hành lang được “tận dụng” đế bố trí dãy hàng bán cá có giá 5 triệu đồng/chỗ ngồi
Chị T.T.M – một tiểu thương bức xúc: “Hứa không thu tiền nhưng rồi lại thu với giá cao ngất ngưởng. Chúng tôi buôn bán nhỏ lấy đâu ra một lúc mấy chục triệu đồng mà nộp cho xã. Năn nỉ mãi họ mới cho nợ, chỉ được nợ 30% cộng với lãi suất ngân hàng và buộc phải thanh toán hết trong vòng 1 năm”.
Mặc dù các tiểu thương phải đóng nộp một khoản tiền từ 6 đến 25 triệu đồng nhưng chỉ được cấp một giấy biên nhận tiền từ một cán bộ UBND xã. Ngoài chữ ký của người này ra thì hoàn toàn không có bất kỳ một xác nhận đảm bảo nào từ phía chính quyền địa phương.
Bởi vì phải trả một lúc số tiền khá lớn nên hiện nay vẫn còn nhiều gian hàng ở khu bán thịt để trống, chưa có người đăng ký. Trong khi đó, khu bán cá lại được sử dụng để bán thịt hoặc rau củ. Còn hàng cá lại được chuyển ra hành lang.
Video đang HOT
Một điều khó hiểu là mặc dù dự án được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống sạch nhưng theo quan sát của chúng tôi, các loại thịt được buôn bán trong khu này đều không được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Các tiểu thương cho biết, đã hơn 2 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, họ chưa thấy ai đến kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch cho thực phẩm. Mọi hoạt động buôn bán ngành hàng này vẫn thực hiện như trước đây.
Giá quá “chát” nên nhiều quầy thịt vẫn để không vì chưa có người đăng ký.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Duy Trí – Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, ông này cho biết để dự án có thể khởi công xây dựng, xã phải chịu trách nhiệm giải phòng mặt bằng khu chợ cũ với 128 ki ốt, 2 bãi gửi xe, 1 nhà BQL, 1/3 bờ rào của chợ cùng với việc nâng cấp 3 con đường phục vụ chuyên chở vật liệu. Khi dự án hoàn thành thì chỉ có 44 ki ốt. Như vậy có tới 84 hộ tiểu thương không có mặt bằng kinh doanh.
“Chợ làm xong rồi, gần 100 tiểu thương kéo lên xã “ăn vạ”. Để yên dân, chúng tôi phải phá dỡ các quầy hàng xây dựng trước đây mặc dù là đúng quy hoạch nhưng hơi rộng rồi chèn hành lang để làm thêm địa điểm. Nhu cầu về địa điểm kinh doanh cùng với đó là các khoản chi phí bỏ ra để giải phòng mặt bằng thực hiện dự án nên UBND xã đã họp và trình Ban thường vụ Đảng ủy thu một khoản tiền từ các tiểu thương muốn vào khu thực phẩm sống kinh doanh.
Thực tế thì số tiền thu được từ các hộ tiểu thương không nhiều, chỉ có 4 hộ từ 20-25 triệu đồng, gần chục hộ từ 10-15 triệu đồng, còn lại là 6-8 triệu đồng. Tổng số tiền thu được là 480 triệu, trong khi xã cần đến 750 triệu để nâng cấp chợ. Số tiền này là tiền thu trong vòng 10 năm, tính ra thì mỗi năm cũng chỉ có vài triệu đồng còn nếu tính theo ngày thì cũng chỉ ở mức từ 3.500-7.000 đồng”, ông Trí cho biết.
Nộp 25 triệu đồng để có một quầy hàng nhưng người dân chỉ được cấp giấy biên nhận như thế này.
Về việc khi nộp tiền chỉ được cấp giấy “biên nhận” được ông Trí giải thích là do quy định về việc ghi hóa đơn. Sợ rằng khi ghi hóa đơn sẽ có sai sót hoặc người dân không giữ được hóa đơn nên phải cấp giấy biên nhận rồi sau đó sẽ đổi lại hóa đơn để nộp lên Chi cục Thuế theo đúng quy định của Nhà nước. Trong biên lai thu tiền nộp lên cơ quan thuế, khoản tiền này được ghi hết sức rõ ràng là “tiền thuê mặt bằng kinh doanh”.
Về phản ánh việc thu tiền lãi suất cho khoản nợ của các tiểu thương, ông Tý cho biết là đã bỏ ngay sau đó. Ông Chủ tịch cho rằng chợ Mai Trang không chỉ để phục vụ mỗi người dân Nghi Xuân kinh doanh, buôn bán mà còn có một số lượng lớn người dân các địa phương lân cận. Bởi vậy, sử dụng ngân sách xã để đầu tư, nâng cấp chợ thì người dân không đồng ý nên phải thu tiền của các hộ dân hưởng lợi từ dự án để lấy kinh phí nâng cấp các hạng mục khác không nằm trong dự án.
Ông Lưu Công Hoa – Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNN tỉnh kiêm Phó BQL dự án cho biết toàn bộ kinh phi thực hiện dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ. Người dân không phải bỏ bất kỳ một chi phí xây dựng nào ngoài các khoản phí tăng thêm như phí vệ sinh chung, chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Sau khi bàn giao, xã có trách nhiệm họp các chủ hộ kinh doanh, phân quầy, thống nhất mức thu phí trong quá trình sử dụng bằng văn bản rồi gửi về BQL dự án.
Theo lý giải của ông Nguyễn Duy Trí – Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân thì xã phải thu tiền của những người được hưởng thụ dự án để đầu tư cho nhưng hạng mục khác chưa được đầu tư.
“Tại chợ Mai Trang, giữa UBND xã Nghi Xuân và người dân chưa thỏa thuận được với nhau về mức thu phí nên chưa gửi biên bản thỏa thuận về BQL dự án nên chúng tôi không nắm được mức thu phí cụ thể. Qua một số kênh thông tin, chúng tôi có nghe phản ánh về số tiền xã thu của các hộ tiểu thương thuộc khu thực phẩm tươi sống. Gọi điện cho lãnh đạo xã thì họ bảo đó là số tiền thuê đất chứ không phải là tiền thuê quầy.
Chúng tôi cũng không rõ là xã được phép thu tiền thuê đất của các tiểu thương hay không như trong dự án thì không có quy định về việc thuê đất, thuê quầy. Riêng về việc xã để cho các hộ kinh doanh rau, thịt trong khu quy hoạch bán cá là vi phạm, chúng tôi sẽ làm việc với UBND xã và BQL chợ về vấn đề này”.
Ông Nguyễn Duy Trí: “Trách nhiệm kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch thuộc về Phòng thú y huyện, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp. Xã không có quyền được đóng dấu kiểm dịch vào thực phẩm tươi sống nhưng thỉnh thoảng chúng tôi có đi kiểm tra bằng cảm quan. Nếu có thịt nghi có bệnh sẽ yêu cầu người dân không bán”.
Về thông tin các loại thực phẩm tươi sống bày bán tại chợ Mai Trang chưa được đóng dấu kiểm dịch, ông Hòa cho biết sẽ làm việc với thú y. “Theo dự án thì tiểu thương chỉ được bán thịt đã qua kiểm dịch. Nếu bán thịt chưa được đóng dấu kiểm dịch thì người bán cũng vi phạm cam kết ban đầu với BQL dự án”, ông Lưu Công Hòa khẳng định.
Một dự án 100% vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới nhưng người thụ hưởng lại phải đóng tiền để được kinh doanh. Không những thế, mặc dù mục đích đưa ra là nhằm xây dựng một khu bán thực phẩm tươi sống để hình thành một chợ kiểu mẫu điển hình đảm bảo vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có kiểm soát, kiểm dịch theo định kỳ nhưng trên thực tế vẫn chỉ bán thực phẩm chưa qua kiểm dịch. Những “trái khoáy” này vẫn đang ngang nhiên tồn tại tại chợ Mai Trang khiến người dân hết sức băn khoăn.
Hoàng Lam
Theo dantri
"Lột mặt" khoai tây Trung Quốc đội lốt
Khoai tây Trung Quốc lại ồ ạt đổ về Đà Lạt để giả mạo xuất xứ bằng cách dùng đất đỏ nhuộm trước khi được đưa về TP.HCM và các tỉnh thành tiêu thụ.
Khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt để "mông má" thành khoai Đà Lạt.
Để giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức công bố các tiêu chí nhận diện đâu là khoai tây Đà Lạt và đâu là khoai tây Trung Quốc.
Nhận diện khoai tây Trung Quốc
Nông dân Đà Lạt "chết" vì khoai tây Trung Quốc Trong khi khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt, nhiều người dân có thâm niên trồng khoai tây tại hai xã Xuân Trường và Xuân Thọ, những địa bàn trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt - đã tính chuyện chuyển sang cây trồng khác. Bà Phạm Thị Thu Ba - người có hơn 1ha khoai tây tại Xuân Thọ - bức xúc cho biết từ ngày khoai tây Trung Quốc được các tiểu thương đưa về Đà Lạt "mông má", vườn khoai của bà không còn là thu nhập chính. "Giá bấp bênh quá, lúc Nhà nước làm căng, khoai tây Trung Quốc vào ít thì được giá, thả lỏng là nông dân chết đứng. Chắc tôi phải giảm diện tích trồng khoai tây để chuyển sang trồng hoa" - bà Ba cho biết. Ông Lê Thìn, chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, cũng cho biết nhiều người dân ở xã đã bỏ trồng khoai tây do giá khoai rớt thảm hại, thua lỗ nặng kể từ khi khoai tây Trung Quốc tràn vào. Còn theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, diện tích khoai tây trồng trái vụ tại xã năm nay chỉ còn 15ha thay vì 40-50ha như trước, do nhiều nông dân lo ngại rủi ro về sâu bệnh, thời tiết và đặc biệt là sự xuất hiện của khoai tây Trung Quốc. "Khoai tây Đà Lạt càng ít thì khoai tây Trung Quốc càng nhiều cơ hội tràn vào Đà Lạt rồi mượn tiếng khoai tây Đà Lạt đánh lừa người tiêu dùng" - ông Bình lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận có tình trạng nông sản Đà Lạt, đặc biệt là khoai tây, đang bị giả mạo ngay trên đất Đà Lạt. "Chúng tôi thừa biết mánh của tiểu thương tại Đà Lạt khi đưa khoai thẳng từ Trung Quốc đến Đà Lạt chủ yếu để thay đổi xuất xứ và phủ đất đỏ trước khi chuyển đi các tỉnh khác" - ông Sơn nói. Tuy nhiên, dù tận mắt chứng kiến hành vi bôi đất đỏ lên khoai tây Trung Quốc, nhưng đoàn kiểm tra không thể xử phạt do các giấy tờ buôn bán họ đều thể hiện là khoai Trung Quốc.
"Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong khoai để xử phạt hoặc tiêu hủy, do khoai tây Trung Quốc đa số có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, sắp vượt mức an toàn hoặc vượt mức" - ông Sơn nói. Ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết từng lấy các mẫu khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ để kiểm tra, đều phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hoặc vượt mức an toàn. Theo ông Hưng, nếu kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cửa khẩu phía Bắc thì lượng nông sản Trung Quốc vào Đà Lạt sẽ ít hơn.
Tuy nhiên, trong khi chờ các biện pháp kiểm soát ngay từ gốc, theo ông Hưng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc để giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Cụ thể, theo đặc điểm nhận dạng vừa được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chính thức công bố, giữa hai loại khoai tây da vàng, da hồng Đà Lạt và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt có thể phân biệt bằng mắt thường. Theo đó, với khoai tây loại da hồng, củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm. Trong khi đó khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.
Cách nhận diện tương tự đối với khoai tây da vàng, nhưng ruột khoai tây da vàng Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng, ươm. "Nếu dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai thì thấy khoai tây Trung Quốc nhiều nước, còn khoai Đà Lạt khô" - ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, trong quá trình so sánh, phân tích từ hình dáng bên ngoài đến hàm lượng tinh bột, nhóm phân tích nhận thấy ngoài hình dáng nhỏ, khoai tây Đà Lạt có chất lượng vượt khoai tây Trung Quốc. "Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột, không bị nát khi chế biến món ăn. Khoai Trung Quốc ngoài ngoại hình đẹp thì chất lượng kém hẳn, đặc biệt là nặng cân do ngậm nước nhiều" - ông Hưng khẳng định.
Một vốn, bốn lời
Khoảng 13g ngày 19-6 tại chợ nông sản Đà Lạt - điểm tập kết nông sản lớn nhất của Đà Lạt trước khi chuyển đi các tỉnh thành khác, chúng tôi tận mắt chứng kiến tiểu thương chợ thực hiện các quy trình làm giả khoai tây Đà Lạt một cách công khai. Cụ thể, tiểu thương đổ đất đỏ ra những tấm bạt phơi dọc đường đi nội bộ của chợ hoặc đổ những bao đất đỏ vón cục ra lối đi của xe tải để xe qua lại cán cho mịn. Đây là giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu để "hô biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ nông sản này hiện có bốn cơ sở lớn trang bị máy chà tự động chuyên chà rửa khoai tây, trong đó chủ yếu tẩy bỏ lớp đất đen nhão dính trên khoai tây Trung Quốc. Chỉ vào đống khoai tây đã được tẩy bỏ lớp đất màu đen, đang được nhân công lấy đất đỏ rải đều lên số khoai tây này, bà Đoàn Thị Chè - một tiểu thương tại chợ này - "khoe" 3 tấn khoai tây Trung Quốc này vừa về sáng 19-6. Sau khi xong công đoạn thay hình đổi dạng, số khoai tây này được nhân viên của bà Chè đóng vào những bao nhỏ đưa thẳng lên những chiếc xe tải đang đợi sẵn.
"Khoai Trung Quốc tôi mua có hóa đơn, có giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn. Đất đỏ tôi bỏ lên cho đẹp khoai" - bà Chè nói. Tuy nhiên, bà Chè thừa nhận trong thời điểm khoai tây Đà Lạt đang khan hàng thì bán khoai Trung Quốc (giả khoai tây Đà Lạt) lời nhiều hơn, bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, khoai tây Trung Quốc nhập về chợ này có giá 3.380 đồng/kg, sau khi "mông má" xong bán cho các đại lý nhỏ với giá 12.000 đồng/kg, và giá bán đến tay người tiêu dùng từ 25.000-30.000 đồng/kg. Ngoài vựa bà Chè, tại chợ này còn có vựa của bà Nguyễn Thị Vân và bà Lê Thị Nhung cũng nhập khoai Trung Quốc với số lượng lớn.
Ông Dương Minh Sơn, trưởng ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, thừa nhận dù các tiểu thương đã cam kết không phủ đất lên khoai tây, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên. Theo ông Sơn, khoai tây Trung Quốc sẽ đổ về Đà Lạt ngày càng nhiều hơn, nhất là từ tháng 7 đến cuối tháng 11, bình quân chợ này tiếp nhận 5-12 tấn/ngày. Riêng từ ngày 16-6 đến nay, hơn 40 tấn khoai Trung Quốc đã nhập về chợ và chia cho các tiểu thương khác thực hiện những thủ thuật trước khi bán đi.
Theo Tuổi trẻ
Tiểu thương Hà Nội hỗ trợ ngư dân bị Trung Quốc đâm chìm tàu cá Thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà con tiểu thương chợ Hàng Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã gửi chút tấm lòng của mình đến với chủ và 10 ngư dân trên tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa ngày 26/5. Ông Phan Như Nghĩa, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ...